Giải thích Chu Dịch, Bát Quái và chữ viết thần truyền (7): Tượng của ngôn ngữ



Tác giả: Đạo Sinh

[ChanhKien.org]

7. Tượng của ngôn ngữ

Trong kinh Phật nói rằng trong Tam giới của chúng ta có một tầng trời (một tầng thời không) gọi là “Quang Âm Thiên”, có rất nhiều “Thiên Nhân” sinh sống trong đó. Các thiên nhân của Quang Âm Thiên sử dụng ánh sáng thay vì âm thanh, nên khi họ mở miệng nói sẽ có ánh sáng thuần khiết phát ra từ miệng để diễn đạt ý tứ của họ. Họ dùng ánh sáng làm ngôn ngữ nên được gọi là âm thanh ánh sáng. Có nghĩa là ở đó ánh sáng và âm thanh là một, họ có thể “nghe” được ánh sáng và “thấy” được âm thanh.

Trong vật lý học của nhân loại hiện đại âm thanh được coi là dao động dạng sóng ở cấp độ phân tử, gọi là sóng âm thanh. Còn ánh sáng là dao động dạng sóng của các điện tử và cấp độ nguyên tử, có thể gọi là sóng ánh sáng. Chúng chỉ khác nhau về tầng diện phân tử và tần số, nhưng bản chất là tương thông. Nếu sinh mệnh có thể đột phá được tầng diện lạp tử này, có thể đột phá được Tượng này, thì tai có thể “nghe” được ánh sáng và hình ảnh ở tầng diện nguyên tử, và mắt có thể “nhìn thấy” âm thanh và âm nhạc ở tầng diện phân tử, không có gián cách trong phạm vi nhận thức của nó, mà là được đả thông, và trở thành một thể thông tin toàn bộ. Thế giới khách quan sẽ được triển hiện một cách chân thực và huyền diệu hơn, hòa nhập thành một thể không có gián cách. Sinh mệnh tầng càng cao thì phạm vi nhận thức càng rộng lớn, “Tượng” mà họ kiến lập càng khách quan, càng tiếp cận với chân lý của Đại Đạo, trong khi sinh mệnh tầng càng thấp thì càng viễn ly với chân lý.

Trong kinh Phật cũng nói rằng những con người đầu tiên trên trái đất là từ Quang Âm Thiên xuống. Trái đất luân hồi trong đại túc mệnh thành-trụ-hoại-diệt-không của vũ trụ, trái đất cũ vì sự sa đọa và bại hoại của các sinh mệnh và vật chất mà bị hủy diệt. Khi trái đất mới được hình thành, nó sáng ngời rực rỡ không gì sánh được. Các chúng nam nữ trên Quang Âm Thiên, có một số người đã hưởng hết phước trời và tính tình hấp tấp, cảm thấy hiếm lạ, nên muốn thử thám hiểm, vì vậy họ đã bay bằng đôi chân thần, lần lượt đến trái đất và phân tán ở các châu lục khác nhau. Sau khi đến trái đất, họ ham ăn ngon, ăn rất nhiều đồ ăn trên trái đất khiến cơ thể trở nên nặng dần lên, vì thế mà họ không thể quay trở về và chỉ có thể sống trên trái đất. Không biết bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, họ đã không còn bay được nữa, chỉ có thể đi bằng hai chân trên mặt đất. Việc sống chung giữa nam và nữ cũng như sinh sống trong quần thể xã hội đã khiến tâm linh của họ không ngừng bị lấp đầy, ô nhiễm trong các loại dục vọng và chấp trước, vì vậy thần lực của họ dần dần gần như mất hết, cuối cùng mất đi thân thể linh diệu, dần dần hình thành một thân thể phàm tục bằng máu thịt, từ đó họ đã hoàn toàn trở thành người phàm.

Trong quá trình này, thiên nhãn và thiên nhĩ của họ trở thành tai thịt mắt thịt của người thường, mất đi khả năng cảm giác và liên thông với thông tin toàn bộ của cao tầng, chúng bị tách thành các giác quan hạn hẹp và thấp cấp như thị giác, thính giác; tâm trí dần dần mê lạc, mất đi ký ức và trí tuệ của thiên nhân, không thể cảm ứng tâm linh với nhau, không thể biết được người khác đang nghĩ gì, giữa người với người xuất hiện gián cách, trong miệng cũng không còn phát ra ánh sáng được nữa, chỉ có thể dựa vào miệng lưỡi và dây thanh quản để phát ra âm thanh diễn đạt ý nghĩ và giao tiếp với nhau… Lúc ban đầu, vì không có ngôn ngữ trọn vẹn để diễn đạt ý nghĩ, họ phải sử dụng cử chỉ và hành động để hỗ trợ biểu đạt, giúp các sinh mệnh có thể câu thông với nhau, rồi sau đó ngôn ngữ mới dần dần phát triển và hoàn thiện.

Đây là những ghi chép về quá trình thoái hóa và sản sinh ra ngôn ngữ của loài người trong kinh Phật.

“Tượng” tồn tại trong tượng khách quan tự nhiên và tượng kiến tạo bởi chủ quan hậu thiên. Con người chúng ta chủ yếu thông qua “ngũ cảm” (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) do “ngũ quan” (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) của nhục thể sinh ra mà thiết lập nên “tượng” tương ứng với thế giới bên ngoài trong phạm vi nhận thức của con người. Những tượng được thiết lập do sự đối ứng của nội tại bên trong của sinh mệnh với thế giới bên ngoài chính là tượng chủ quan, là những thứ hậu thiên được con người tạo ra trong quá trình tiếp xúc và nhận thức thế giới khách quan.

Bởi vì “Tượng” chủ quan được thiết lập trong phạm vi nhận thức của con người, hoàn toàn bị chi phối và hạn chế bởi các nhân tố như ngũ cảm của con người v.v., vốn là các đường thông để tiếp xúc giữa trong và ngoài, cho nên tượng chủ quan này rất phiến diện và nông cạn, bởi con người không thể cảm nhận được thế giới chân thực trong một thể thông tin tổng thể.

Mắt người chỉ có thể nhìn thấy được một khu vực nhỏ phía trước, vật nhỏ nhìn không thấy, vật to lớn nhìn không thấy trọn vẹn, vật ở xa nhìn không tới, vật ở gần nhìn không rõ, và chỉ có thể nhìn thấy được phạm vi ánh sáng bảy màu cực kỳ hẹp, hết thảy các ánh sáng nằm ngoài vùng “ánh sáng khả kiến” từ tia hồng ngoại đến tia tử ngoại thì mắt con người đều không thể nhìn thấy được. Tai của con người chỉ có thể nghe được những âm thanh trong một phạm vi rất nhỏ, âm nhỏ không nghe được, âm ở xa không nghe rõ, những siêu âm và hạ âm vượt quá tần số cũng không nghe được… Vì vậy con người nhận thức thế giới giống như người mù sờ voi, phân chia thế giới một cách nhân tạo thành vô số phạm trù nhỏ hẹp và phiến diện, thiết lập nên những Tượng chủ quan, cho nên con người vĩnh viễn không có cách nào nhận rõ thế giới khách quan mang tính thông tin toàn bộ và chân thực. Con người bị giam cầm tại bề mặt của xác thịt và những ham muốn vật chất, họ bị nhốt trong chiếc lồng của những dục vọng và quan niệm do chính mình thiết lập, không có cách nào thoát ra được.

Thế giới khách quan bị chia cắt và phân tán bởi phạm vi nhận thức chủ quan hạn hẹp và năng lực nhỏ bé do các sinh mệnh tầng thấp tách ra, bị phình to thành vô số chủng loại phức tạp và lộn xộn, mê loạn lòng người thế gian, khiến con người thiếu trí tuệ, không nhìn ra chân cơ đại đạo.

Chúng ta biết rằng trên thế giới có rất nhiều người mù, họ không có mắt, nhưng đôi tai của họ có thể “nhìn thấy” thế giới. Bởi vì mắt họ đã đóng kín lại, tâm của họ không bị chia cắt và phân tán bởi thị giác, vì vậy họ có thể dụng tâm tìm hiểu thế giới một cách đơn giản và chuyên chú hơn. Họ đặt trái tim lên đôi tai và “cảm ngộ” thế giới thông qua đôi tai. Do đó tâm trí có thể chuyên chú hơn, có thể đả thông sự gián cách giữa tai và mắt, khiến “thấy” và “nghe” trở thành một Tượng, đạt được cảm giác và liên thông, thế giới vô minh có thể “sống” trong tai họ, âm thanh mà họ nghe được sẽ có tính “thông tin toàn bộ” và “linh tính” hơn người bình thường. Vì vậy “Tượng” mà họ kiến lập là khác với người bình thường, Tượng qua thính giác của họ gộp lại với Tượng của thị giác, do đó Tượng thính giác của họ vi diệu hơn và đa chiều hơn.

Nếu chúng ta có thể bỏ được sự can nhiễu của những Tượng chủ quan đã được thiết lập trong một đời, buông bỏ những dục vọng và chấp trước của xác thịt, khiến cho cái tâm luôn luôn náo động trong thế giới vật chất này có thể an định lại, quên đi danh lợi tình thù, quên đi tranh giành lừa dối, quên đi những dục vọng và chấp trước… khiến cho tâm linh sẽ liên tục được tịnh hóa đến thuần chân, càng ngày càng trở nên đơn giản, tập trung và rõ ràng. Lúc này nếu dùng trái tim ấy để cảm nhận thế giới thì tượng và quan niệm chủ quan mà con người đã thiết lập trong cuộc đời sẽ dần trở nên mờ nhạt, cuối cùng giới hạn sẽ biến mất, trở về với Tượng khách quan, đối ứng hợp nhất với Tượng của khách quan. Lúc này con người sẽ phá vỡ giới hạn và ràng buộc của năm giác quan trên cơ thể, trở thành một thể thông tin toàn bộ với thế giới khách quan, không còn gián cách. Vạn vật trong vũ trụ sẽ từ từ dung hợp thành nhất thể trong tâm, trở về với hỗn độn, đạt đến hư vô… khi đó đại Đạo sẽ hiển hiện ra trước mắt. Vô Tượng, mà mọi Tượng được hình thành; vô hình, mà tất cả các hình dạng được hình thành; chí giản mà chí đại; không ở nơi nào, mà ở khắp mọi nơi … Đây là quá trình thăng lên của sinh mệnh và phản bổn quy chân.

Kiến tạo Tượng trong ngôn ngữ

Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu về ngôn ngữ của con người. Ngôn ngữ của con người cũng có thể được coi là thông qua việc kiến tạo ra các “Tượng”, thông qua sự liên hệ giữa “Tượng” với “Tượng” để câu thông và truyền tín tức.

Nếu chúng ta có thể giống như một đứa trẻ chưa biết gì, dùng cái tâm trong sáng chân thật và đơn giản nhất để cảm ngộ thế giới, thì sẽ có thể nhảy thoát ra khỏi sự trói buộc của những quan niệm cố hữu và những Tượng chủ quan được thiết lập trong đời của con người, vượt ra ngoài giới hạn của năm giác quan trên cơ thể, thiết lập một “Tượng” có tính thông tin toàn bộ, làm cho ngôn ngữ sống động lại:

Những cơn gió ấm lướt nhẹ vào mặt, trong gió ngào ngạt hương hoa lúa, hãy thử nhìn bằng mũi: bạn có thể “thấy” gió có màu vàng óng, có sóng lăn tăn…

Ánh nắng mặt trời tắm cho cơ thể bạn, thật yên bình và ấm áp như thế, hãy thử sử dụng cơ thể của bạn: bạn có thể “thấy” đất đai màu vàng, bạn có thể “ngửi” thấy mùi vị của ánh nắng mặt trời ở khắp nơi trong không khí…

Bạn có thể “thấy” được bằng mũi: hương thơm của hoa hồng rất ngắn và hương thơm của hoa quế rất lâu.

Bạn có thể “nếm” được bằng mắt: ánh nắng mặt trời sáng sớm là mùi cam, mặt trăng là mùi bạc hà, đám mây là vị kẹo dẻo…

Trong ngữ pháp của con người hiện đại, đã phân tách sự biểu đạt câu từ thành nhiều thủ pháp tu từ khác như: ví von, loại suy, liên tưởng, nhân cách hóa, cường điệu hóa, ẩn dụ, chơi chữ, liên cảm, chuyển ý, niêm liên, tượng trưng, mượn điển cố, v.v., và quy nạp chúng thành 63 loại lớn và 78 loại nhỏ, vô cùng phức tạp. Tất cả đều là Tượng được tạo ra một cách chủ quan, là con người trong sự phát triển vật chất của thế giới bề mặt, đã tự hãm mình trên bề mặt của nhục dục vật chất, do đó bị giam cầm bởi các giác quan năng lượng thấp của con người như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; thế giới bị cắt thành vô số khu vực nhỏ bé và nát vụn, khiến họ không thể nhìn thấy chân tướng. Nó dường như không ngừng hoàn thiện và phong phú, nhưng kỳ thực nó đang không ngừng thụt lùi và bị cầm tù. Những điều này khiến cho “Tượng” chủ quan trong phạm vi nhận thức của con người ngày càng trở nên phức tạp, hỗn độn, ngày càng trở nên nông cạn và nhỏ hẹp, cuối cùng hãm chết tư tưởng của con người.

Đại Đạo chí giản chí dị, nếu nhảy ra khỏi sự ước thúc này, dùng cái tâm thuần khiết ngây thơ để lĩnh hội và nhận thức, thì có thể nhìn thấy Tượng rộng lớn hơn và khách quan hơn, đồng thời cảm nhận được một thế giới đa chiều và chân thực hơn. Lúc này ngôn ngữ và chữ viết của bạn sẽ có sức sống, ngôn ngữ sống động hơn, giống như thơ, uyển chuyển và trí tuệ, tự nhiên mà không kiểu cách. Nó có sức biểu đạt to lớn, tràn đầy năng lượng, có thể đi sâu vào nơi tâm linh con người và nở ra những bông hoa sen trong tâm người khác.

Dưới đây là một số câu thơ để thưởng thức và phân tích, để thấy cách người xưa sử dụng Tượng trong ngôn ngữ và chữ viết như thế nào:

“Xuân sắc mãn viên quan bất trú, Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai”.[1]

Dịch nghĩa: Xuân sắc đầy vườn không thể khóa nổi, một cành hồng hạnh vươn ra ngoài tường.

Trong Tượng chủ quan được thiết lập bởi những quan niệm hậu thiên của con người: “sắc xuân” là vật vô hình không có hình thể và sinh mệnh, là một loại cảm thụ thị giác; “mãn” (đầy) và “quan” (đóng) là động từ, là nhắm vào những thứ vật chất có hình thể.

Việc đưa hai Tượng hoàn toàn khác nhau trong nhận thức hậu thiên của con người vào một Tượng sẽ phá vỡ giới hạn của hai Tượng chủ quan này, tạo ra một hiệu quả kỳ diệu, sắc xuân vì thế có hình tượng và sống động hẳn lên: Sắc xuân mãnh liệt như thế, khu vườn nhỏ chật chội, chẳng mấy chốc sẽ đầy tràn, tường và cổng làm sao đóng kín được? Chẳng phải thế sao, một nét sắc xuân tràn qua ngoài tường, một cành hồng hạnh thừa thế vượt ra khỏi tường. Chúng phá vỡ ranh giới của Tượng về “mãn” (tràn đầy) và “quan”(đóng) trong nhận thức hậu thiên của con người, làm cho Tượng ấy trở về cội nguồn tiên thiên, vì thế “sắc xuân” hiện hình và sống động; một cành hồng hạnh vươn ra khỏi tường, hình ảnh mùa xuân tràn về.

“Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo”[2]

Dịch nghĩa: Đầu ngọn cành hồng hạnh sắc xuân náo nhiệt

Câu này cũng có hiệu quả kỳ diệu như câu trên. Trong nhận thức chủ quan của con người, chữ “náo” là sự náo nhiệt ồn ào của sinh mệnh, định nghĩa này được con người hậu thiên không ngừng đặt ra trong quá trình bị giam cầm bởi vật chất và nhục dục, từ đó dần dần bịt kín chữ Tượng tiên thiên mà tạo nên ý nghĩa đó; “Xuân ý”, trong nhận thức hậu thiên của con người, nó là cảm giác về mùa xuân và là một khái niệm vô sinh mệnh. “Xuân ý” và “náo”, là hai Tượng hoàn toàn khác nhau trong nhận thức hậu thiên của con người, lại được quy vào một Tượng, đã phá vỡ các khái niệm cố hữu của con người và phá trừ giới hạn nhận thức của con người, thế giới liền được triển hiện tin tức toàn bộ và huyền diệu hơn: Sắc xuân trở nên sống động, lay động và ồn ào trên cành cây…

“Thần chung vân ngoại thấp”[3]

Dịch nghĩa: Chuông sớm nghe ngoài vùng mây ướt

“Thấp” (湿: ẩm ướt) trong quan niệm nhận thức cố định hậu thiên của con người có nghĩa là vật hữu hình bị ngâm trong nước, đây là Tượng chủ quan được tạo ra do con người ấn định cho “thấp” trong quá trình phát triển ham muốn vật chất, nó đóng kín chữ Tượng nguyên gốc của “thấp”; “chung thanh” (tiếng chuông) là âm thanh vô hình thể.

Kết hợp hai Tượng này thành một Tượng đã phá vỡ giới hạn cảm quan nhục thể của con người, khiến cho ý cảnh tin tức toàn bộ khởi lên, ngôn ngữ liền vì thế trở nên sống động: sau cơn mưa đêm, hơi ẩm tràn lên không khí và mây, khiến cho tiếng chuông ban sớm nhiễm đầy hơi ẩm truyền đến tai, nghe có vẻ buồn chán, nặng nề, nó cộng hưởng tương ứng với tâm trạng buồn rầu nặng trĩu của nhà thơ.

Những ví dụ ở trên đã mang Tượng chủ quan được tạo ra do hậu thiên con người, trái với nguyên lý của Dịch mà phá vỡ đi, để phản bổn quy chân, quay trở về với Tượng tự nhiên tiên thiên, từ đó tạo ra ý cảnh tin tức toàn bộ, xung phá quan niệm cố định của con người, tạo ra một hiệu quả kỳ diệu, làm cho ngôn ngữ và chữ viết sống động lên.

“Khô đằng lão thụ hôn nha,

Tiểu kiều lưu thủy nhân gia,

Cổ đạo tây phong sấu mã.

Tịch dương tây hạ, Đoạn trường nhân tại thiên nhai.” [4]

Dịch nghĩa:

Trong bóng chiều con quạ đậu trên cây cổ thụ bám đầy dây khô

Xa xa chỗ cây cầu nhỏ bắc qua dòng nước chảy có ngôi nhà

Trên con đường cổ gió tây thổi lên thân ngựa gầy

Khi mặt trời ngả về tây, bóng dáng vị khách tha hương in nơi chân trời.

Khô đằng (Dây khô), lão thụ (cây cổ thụ), hôn nha (quạ buổi chiều tối), Tiểu kiều (cây cầu nhỏ), lưu thủy (dòng nước chảy), Nhân gia (con người), cổ đạo (con đường cổ kính), tây phong (gió tây), sấu mã (ngựa gầy), tịch dương (hoàng hôn), đoạn trường nhân (khách tha phương), thiên nhai (chân trời)… những cảnh này có điểm giống nhau trong Tượng chủ quan của con người, có thể khơi dậy vật Tượng tương hợp cộng hưởng chồng chất lên nhau, làm cho nó đạt được sự hài hòa và cộng hưởng, khiến năng lượng của các bộ phận giống nhau của nó không ngừng tăng cường, tích lũy và hoàn thiện từng bước, cuối cùng thông qua “vẽ rồng điểm mắt” mà kết thúc, khiến năng lượng được giải phóng ra, thẩm thấu vào nơi sâu thẳm trong lòng người, sinh ra cộng hưởng và chấn động.

Điều này không phải có ý phá vỡ nhận thức chủ quan của con người, mà là lấy ra những bộ phận giống nhau tự nhiên trong những Tượng chủ quan của con người, thuận theo nhận biết và kinh nghiệm tự nhiên của con người về thế giới khách quan, để tăng cường tính tương đồng của nó, làm cho từng bước tương hợp và mạnh lên, năng lượng càng tích trữ càng lớn, cuối cùng tìm kiếm một bước đột phá, giải phóng năng lượng, vì thế đánh vào nơi sâu thẳm của nội tâm con người, khơi dậy sự cộng hưởng rộng lớn nhất.

“Bóng dáng mỏi mệt của người nghệ sĩ lẫn trong quang cảnh mặt trời lặn, chiều tàn và gió chiều, khát khao trở về quê hương chốn yên bình…” Câu này cũng hay và hiệu quả như câu trên.

Để tạo Tượng trong ngôn ngữ, ngoài phương thức nêu trên, còn có các phương thức khác như: Ví dụ lấy một vật tiêu biểu nhất để biểu đạt một Tượng, khiến toàn bộ Tượng thông qua một vật mà triển hiện ra.

“Nhân gia tại hà hứa, Vân ngoại nhất thanh kê” [5]

Dịch nghĩa: Ngôi nhà ở nơi đâu, mà từ mây ngoài xa vang vọng tiếng gà gáy

Trong thâm sơn tĩnh mịch sâu thẳm, đột nhiên có tiếng gà gáy từ ngoài mây xa truyền, tiếng gáy ấm áp này đã làm rung động trái tim của biết bao nhiêu người?

Tiếng gà gáy này đã mang đến quá nhiều thông tin, đằng sau nó là một đại Tượng uyên thâm sâu sắc, thông qua tiếng gà gáy này mà triển hiện toàn bộ ra trước mắt độc giả: khiến cho người ta thấy được ngôi nhà trong mây trắng thăm thẳm ấy; nó khiến người ta nghĩ đến cảnh thế giới thoát tục nơi núi thẳm “có tiếng gà gáy lẫn tiếng chó sủa, đám nhỏ tóc vàng để chỏm vui mừng tự nhiên”; nó khiến cho người ta dường như nhìn thấy làn khói lượn lờ bay lên từ bếp lò ấm áp, trở về quê hương an lành yên tĩnh; nó cũng khiến người ta có thể khi trong mơ hồ nghe tiếng mẹ gọi tên mình lúc nhỏ nơi cửa nhà xưa… Tiếng gà gáy trong tình cảnh này mang đến quá nhiều thông tin, nó khiến những người vì mưu sinh và danh lợi mà bận rộn bôn ba nơi trần thế, bỗng trong nháy mắt xuất hiện chấn động và cộng hưởng, nó khiến những tâm linh mệt mỏi và cô đơn có thể tìm thấy sự bình yên và ấm áp vào lúc này.

“Phiêu phiêu hà sở tự, Thiên địa nhất sa âu.” [6]

Dịch nghĩa: Phiêu phiêu đến nơi đâu, giữa trời bóng hải âu

Câu này cũng có hiệu quả như câu trên. Với hình tượng một con chim con hải âu bé nhỏ giữa trời đất bao la, dùng hình tượng bầu trời rộng lớn có một điểm nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, gợi ra một Tượng khổng lồ phía sau, ý tưởng thể hiện cuộc đời cô đơn và lênh đênh của nhà thơ, chỉ một câu thôi cũng khiến người ta rơi nước mắt.

“Túy hậu bất tri thiên tại thủy, Mãn thuyền thanh mộng áp tinh hà”. [7]

Dịch nghĩa: Say rồi chẳng biết trời trong nước, Đầy thuyền mộng đẹp áp Ngân hà.

Bầu trời đầy sao in bóng trên mặt hồ trong veo, nơi nước và trời hội tụ, có một thi nhân nằm say trên thuyền khách giữa hồ, nửa đêm lại thấy mình mông lung trong dải Ngân hà trên trời. Đêm nay là đêm nào, ta có thể cưỡi thuyền dạo chơi trên bầu trời được không? Giữa mơ và thực, say và tỉnh, con thuyền chở đầy mộng sầu của thi nhân phiêu đãng trên dải ngân hà, lênh đênh giữa nước và trời, giữa mộng và tỉnh, giữa ảo và thực… Các Tượng hòa quyện vào nhau thành một thể hoàn mỹ, đạt được cảm giác thông tin toàn bộ, tạo ra một chốn thần kỳ huyền diệu, rung động lòng người.

Việc sử dụng các đối tượng ngôn ngữ rất huyền diệu, ở đây chỉ liệt kê một số ví dụ ở tầng thứ cá nhân để phân tích, còn mang rất nhiều hạn chế.

“Tượng” của ngôn ngữ thì nhiều vô cùng tận, dùng không bao giờ hết, cốt yếu là ở ngộ tính của mỗi người. Học văn hóa Trung Hoa mà thiếu đi ngộ tính thì hoàn toàn học không được.

Chú thích:

[1] Diệp Thiệu Ông đời Tống “Du Viên Bất Trực”

[2] Tống Kỳ “Ngọc Lâu Xuân”

[3] Đỗ Phủ “Quỳ Châu Vũ Thấp Bất Đắc Thượng Ngạn Tác”

[4] Mã Chí Viễn “Thiên Tịnh Sa-Thu Tứ”

[5] Mai Nghiêu Thần “Lỗ Sơn Sơn Hành”

[6] Đỗ Phủ “Lữ Dạ Thư Hoài”

[7] Đường Ôn Như “Đề Long Dương huyện Thanh Thảo hồ”

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/239809



Ngày đăng: 23-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.