Giải thích Chu Dịch, Bát Quái và chữ viết thần truyền (8): Toán quái và bói chữ



Tác giả: Đạo Sinh

[ChanhKien.org]

8. Toán quái và bói chữ

Nội hàm của Chu Dịch rất rộng lớn, gồm hết thảy sự phát triển và biến đổi của vạn vật trong thế gian, có thể biết quá khứ và tương lai, nên cũng có thể dùng để dự đoán. Cơ lý của chữ Hán và Chu Dịch là tương thông với nhau, vì vậy chữ Hán cũng có thể được sử dụng để dự đoán, cho nên từ xưa đã có nghề bói chữ này.

Kỳ thực đây đều là sự vận dụng nguyên lý của “Tượng” và “Dịch”, vì thế mà quá khứ, hiện tại và tương lai của vạn vật trong vũ trụ đều được bao hàm hết thảy trong đó. Hãy so sánh các ví dụ dưới đây, như vậy có thể trực quan hơn.

Trong “Lương Tứ Công ký” của Trương Thuyết thời nhà Đường có ghi lại câu chuyện “Lương Vũ đế xạ phúc”.”Xạ” có nghĩa là đoán, và “phúc” có nghĩa là che giấu. “Xạ phúc” chính là tùy ý giấu một vật, sau đó để mọi người sử dụng Kinh Dịch bói quẻ để tìm ra thứ được giấu ở đó là vật gì.

Trong những năm niên hiệu Thiên Giám của Lương Vũ Đế, có một lần Lương Vũ Đế đã lệnh cho người dấu một vật, rồi cùng với bá quan đoán vật được giấu đó.

Khi đó Thái Sử vừa bắt được một con chuột nên đã bí mật bỏ con chuột vào hộp, niêm phong lại và dâng lên Vũ Đế để làm “vật được giấu”. Vũ Đế xuất được quẻ gốc là quẻ Thủy Sơn Kiển (Cấn ở dưới, Khảm ở trên), ngoại trừ Hào thứ hai, năm Hào còn lại đều động, vì vậy nó trở thành Quẻ Hỏa Lôi Phệ Hạp (Chấn ở dưới, Li ở trên). Sau khi Vũ Đế bói xong, ông lại ra lệnh cho quần thần bói.

Vũ Đế và tám vị đại thần khác đem chiêm từ mà họ đã viết ra đặt lên trên chiếc đệm cói, rồi lệnh cho Khuể Sấm cũng tham gia bói. Khuể Sấm nói với Vũ Đế: “Thánh nhân Bói quẻ là dùng Tượng để phân biệt sự vật, Hoàng thượng đã bói một quẻ rồi, thì không cần bói lại quẻ khác, xin theo quẻ của Hoàng thượng để tiến hành dự đoán”.

Vũ Đế đồng ý, Khuể Sấm bèn dựa vào quẻ mà Vũ Đế đã bói mà viết ra chiêm từ (lời đoán), sau khi viết xong, ông ta cũng đặt nó lên đệm cói và lui về một bên.

Sau khi tất cả mọi người bói xong, liền mở “vật được giấu”, và tuyên đọc chiêm từ của mọi người để xem chiêm từ của ai là chính xác nhất.

Chiêm từ của Vũ Đế nói: “Đầu tiên được quẻ Kiển sau đó được quẻ Phệ Hạp, điều nói đến ở đây là thời gian của nó. Phần dưới của quẻ Kiển là quẻ Cấn, phần trên là quẻ Khảm, đây chính là Tượng quái của nó. Trong Tượng quái của quẻ Khảm bao gồm u tối, che giấu và trộm cắp, và cầm tinh tương ứng với nó là con chuột, vì vậy trong đó là một con chuột. Trong thời gian được biểu thị bởi quẻ Kiển nó đi ra hoạt động trộm các thứ để ăn, vì sự hoạt động của nó trở thành Tượng của quẻ Phệ Hạp, Tượng quái của quẻ Phệ Hạp bao hàm hình phạt và trừng trị kẻ ác, vì vậy nó bị bắt.

Trong quẻ Phệ Hạp có bốn hào là vô tội, một hào là “lị gian trinh” (gian là phải biết khó khăn, trinh là giữ chính bên vững), năm hào này không có liên quan gì đến trộm cắp; chỉ có hào thứ sáu được đoán là hung, hào từ là “Hà hiệu diệt nhĩ”, có nghĩa là đeo cùm và cắt tai. Đây là vì trộm cắp mà gặp tai ương, cho nên con chuột này chết”.

Sau khi đọc Chiêm Từ của Vũ Đế xong, các quần thần đã hô vang vạn tuế, Vũ Đế cũng rất dương dương đắc ý vì mình đã bói trúng.

Tiếp đó, lại mở Chiêm Từ của tám vị đại thần khác, họ nói theo nhiều cách khác nhau, nhưng không ai trong số họ bói trúng cả.

Cuối cùng mở chiêm từ của Khuể Sấm, cũng đã bói trúng, nhưng khác với chiêm từ của Vũ Đế, trong chiêm từ của Khuể Sấm nói rằng: “Thời gian này hiện tại đúng là khớp với ngày cát của vương tướng, vì vậy nhất định là chuột sống. Tượng của quẻ do quẻ Kiển (Khảm trên, Cấn dưới) biến thành quẻ Phệ Hạp (Li trên, Chấn dưới), tức là quẻ Khảm trên trở thành Li, và quẻ Cấn dưới trở thành Chấn. Khảm có Tượng là âm và tối tăm u ám, Li có Tượng là sáng sủa tốt đẹp; Cấn chứa Tượng tĩnh lặng, Chấn chứa Tượng chuyển động; tức là từ bóng tối đến ánh sáng, từ tĩnh lặng đến chuyển động. Lẽ ra chuột phải hoạt động trong bóng tối và ở yên vào ban ngày, nhưng bây giờ trở thành hoạt động giữa ban ngày, vì mất thuộc tính của nó, cho nên chắc chắn bị bắt. Điều này nói rõ các sự việc và đạo lý đằng sau nó.

Tháng 8 là Kim, là tháng vượng Kim, Kim sinh Tý, mà con chuột là Tý, con số đại diện cho Kim là 4, vì vậy đây nhất định phải có 4 con chuột. Li là mặt trời, mặt trời quá ngọ thì sẽ chếch về hướng tây. Tượng từ trong Hào thứ ba của Quẻ Li nói rằng mặt trời chếch về phía tây, thì nó sẽ không tồn tại lâu. Hào Từ ở Hào thứ tư nói rằng, sau khi chết thì vứt bỏ. Vì vậy khi mặt trời chệch về phía tây thì con chuột sẽ chết”.

Thấy rằng Khuể Sấm bói được là một con chuột sống, bói chính xác hơn cả Vũ Đế, văn võ bá quan đã sợ đến biến sắc, vì vậy họ đã làm khó Khuể Sấm và nói: “Chiêm từ của ông cho biết có bốn con chuột, nhưng hiện tại chỉ có một con trong hộp. Chuyện này là sao vậy?” Khuể Sấm nói: “Hãy mổ con chuột này ra”.

Vũ Đế tín Phật, không thích sát sinh, nhưng ông lấy làm tiếc vì mình không thể bói đúng. Khi mặt trời ngả về tây, quả đúng con chuột ấy chết thật, lúc này vua mới lệnh cho người ta mổ bụng chuột ra, đúng là thấy trong bụng chuột lớn còn mang thai ba con chuột con.

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể thấy người xưa đã vận dụng nguyên lý của Tượng và Dịch để dự đoán như thế nào. Ngoài ra chúng ta cũng biết rằng có thể đọc được rất nhiều thông tin và đạo lý từ trong một Tượng quái đơn giản. Điều này cũng nói rõ, Tượng quái là có thể dùng để ghi lại sự vật, nó có nội hàm rất lớn, nhưng do Tượng được vận dụng quá lớn nên quá khó hiểu, người trí huệ bình thường đọc hoàn toàn không hiểu. Do đó sau này đã tham chiếu theo lý của Chu Dịch để sáng tạo ra chữ viết. Văn tự ở những tượng mà thế gian triển hiện ra càng nhỏ thì càng tăng thêm tượng, và đối ứng với vạn vật ở thế gian, vì thế mà nó có thể biểu đạt rõ vạn sự vạn vật, đồng thời cũng vì giữ lại được tượng, cho nên có thể vận dụng tượng này để biểu đạt ra những nội hàm và ý tứ càng cao càng lớn hơn.

Tiếp theo chúng tôi lại xin nêu ra một ví dụ khác về đoán chữ để so sánh thử xem, trong “Hồng Lâu Mộng” có kể một câu chuyện đoán chữ rất thú vị như sau:

Vì viên ngọc của Giả Bảo Ngọc bị mất, quản gia Lâm Chi Hiếu của Giả phủ đã ra phố để tìm Lưu Thiết Chủy đoán chữ, và kết quả rút được chữ “thưởng” (赏). Lưu Thiết Chủy hỏi: “Đã mất thứ gì phải không? Trên đầu chữ “thưởng” (赏) có một chữ “tiểu” (小), phía dưới có một chữ “khẩu” (口), điều đó nói rõ rằng vật này có thể bỏ vào miệng, nhất định là loại trân châu bảo ngọc. Hơn nữa dưới chữ “thưởng” (赏) có một chữ “bối” (贝), tách rời ra không thành chữ “kiến” (见), đây chẳng phải là vật đó không thấy nữa sao! Vì trên đầu có chữ “đương” (当) nên vội vàng đến tiệm cầm đồ để tìm. Chữ “thưởng” (赏) nếu cho thêm chữ “nhân” (人) thì thành chữ “thường” (償: bồi hoàn), chỉ cần tìm được hiệu cầm đồ thì có người, có người thì chuộc về, chẳng phải là đã hoàn trả sao?”

Lại lấy một câu chuyện trong truyền thuyết dân gian:

Tương truyền vào cuối thời nhà Minh, trước loạn Giáp Thân, Vương Đức Hóa, thái giám phụ trách các nghi lễ, đã cải trang đưa Hoàng đế Sùng Trinh ra khỏi thành, bảo thầy đoán chữ phán đoán họa phúc. Sùng Trinh thuận miệng nói ra chữ “hữu” (有: có), yêu cầu thầy đoán chữ bói vận mệnh của nhà Minh. Thầy đoán chữ vô cùng kinh ngạc nói: “Chữ ‘hữu’ (有), phía trên có chữ ‘đại’ (大) thiếu một nét mác, phía dưới có chữ ‘minh’ (明) bị xóa một nửa, giang sơn Đại Minh đã mất đi một nửa!” Hoàng đế Sùng Trinh vội vàng tự sửa chữa nói rằng đó là chữ “hữu” (友: bạn) chứ không phải chữ “hữu” (有: có), thầy đoán chữ lại nói “hữu” (友: bạn) là chữ “phản (反) nhô đầu lên, chỉ quân phản loạn sắp tấn công”. Hoàng đế Sùng Trinh rất tức giận, lại nói là đoán chữ “Dậu” (酉) trong Thân Dậu (申酉). Thầy đoán chữ càng kinh hãi hơn và nói: “Đây là chữ ‘tôn’ (尊) trên không đầu dưới không chân, chữ Tôn là đế vương, nguy hiểm quá!” Hoàng đế Sùng Trinh hoảng sợ bỏ đi, không lâu sau Sấm Vương Lý Tự Thành tấn công Yến Kinh (Bắc Kinh), Hoàng đế Sùng Trinh đã treo cổ tự tử.

So sánh các ví dụ về bói quẻ và đoán chữ ở trên, chúng ta sẽ thấy rằng cơ chế của chúng giống nhau, chẳng qua một bên sử dụng Tượng của chữ viết, một bên sử dụng Tượng của quẻ, điều này một lần nữa khẳng định rằng chữ Hán và Chu Dịch Bát Quái là tương thông với nhau.

Cả chữ Hán và Chu Dịch Bát Quái đều sử dụng Tượng, đây là trí huệ do Thần truyền cấp cho con người, đối ứng tương cảm với cảnh giới của Thần linh, nên có thể câu thông với Thần. Và sự kết hợp giữa Tượng và Tượng lại có thể lưỡng lưỡng (hai lần) tương hợp tạo ra một tầng tiếp theo của Tượng, quá trình này chính là “Dịch”, nó bao gồm sự phát triển và biến hóa của vạn vật trong vũ trụ, bao gồm tất cả thông tin của quá khứ, hiện tại và tương lai, vì vậy có thể dự đoán được tương lai. Nhưng những thông tin này đều được ẩn dấu trong Tượng và phải có trí huệ mới có thể làm cho nó “hiện hình” và mới có thể đọc được nó. Nếu không có trí huệ này, thì không thể đạt đến cảnh giới này, không thể đọc được tín tức của cảnh giới này, vì vậy những điều này trở thành “thiên cơ”.

Cũng giống như nhiều lời tiên tri được lưu truyền trong lịch sử, chẳng hạn như thập đại dự ngôn hàng đầu được lưu truyền trong lịch sử Trung Quốc: “Càn Khôn Vạn Niên Ca”, “Mã Tiền Khóa”, “Tàng Đầu Thư”, “Thôi Bối Đồ”, “Hoàng Nghiệt Thiền Sư Thi”, “Mai Hoa Thi”, “Thiêu Bính Ca”, “Kim Lăng Tháp Bia Văn”, “Bộ Hư Đại Sư Dự Ngôn”, “Vũ Hầu Bách Niên Loạn” và “Chư Thế Kỷ” (Les Propheties), “Kinh Thánh – Khải Huyền” (Book of Revelations), v.v. nổi tiếng của phương Tây, tất cả đều đã dự đoán chính xác những sự kiện trọng đại sẽ xảy ra với loài người hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm sau, về cơ bản chúng đều có thể ứng nghiệm. Nhưng những lời dự ngôn này đều được viết dưới hình thức câu đố chữ, trước khi sự việc xảy ra hầu như không ai có thể hiểu được, sau khi sự việc xảy ra, người ta chỉ có thể giải ra bằng cách đối chiếu. Đây là bởi vì thiên cơ bất khả tiết lộ, không có trí huệ cùng tầng thứ này, tuyệt đối không cho phép biết các việc trong tầng thứ cao. Lịch sử nhân loại đều là an bài xong, nhân gian này chẳng qua là sân khấu của vũ trụ, làm nền cho diễn xuất màn kịch lớn vũ trụ cuối cùng, và thời khắc này màn kịch lớn đã bắt đầu, bạn cùng tôi đang ở trong vở kịch, mỗi người đều phải lựa chọn tương lai cho mình tại thời khắc này.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/239730



Ngày đăng: 10-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.