Giải thích Chu Dịch, Bát Quái và chữ viết Thần truyền (6): Chữ Hán có sinh mệnh



Tác giả: Đạo Sinh

[ChanhKien.org]

Chữ Hán có sinh mệnh, đây không phải lối nói ẩn dụ, mà là sự thật tồn tại khách quan. Bài này sẽ cùng độc giả tự mình thể hội sự thật thần kỳ ấy.

Học Hán văn cổ như thế nào?

Người xưa khi bắt đầu học Hán văn cổ, họ hoàn toàn không hề cố gắng ghi nhớ nghĩa của từng chữ. Người xưa từ nhỏ khi đến học trường tư thục, thầy chỉ dạy nhận biết mặt chữ, viết chữ, sau đó học thuộc lòng, căn bản không giải thích ý nghĩa của từng chữ, từng câu từng đoạn của bài văn. Đến khi học được vài năm, đã thuộc lòng một số tác phẩm kinh điển cổ văn lớn, đột nhiên một ngày, tự mình sẽ hiểu hết tất cả ý nghĩa.

Nhưng người hiện đại khi học tiếng Hán cổ sẽ bắt buộc phải ghi nhớ một số nghĩa cố định của mỗi từ, đây là một phương pháp học sai lầm do không hiểu cơ chế của chữ Hán. Học theo cách này chỉ là “cổ văn chết”, các chữ được học là chết và không có sức sống. Bởi vì một chữ là một Tượng, bên trong là sống động, bao trùm vạn vật, có thể tùy ý sử dụng, tùy ý thay đổi và mở rộng, tràn đầy linh tính và hơi thở. Vì vậy một đặc điểm lớn nhất của văn cổ là “hoạt” dụng (sử dụng nó một cách sống động), người thực sự thông thạo cổ văn, từng chữ trong tay họ đều sống, họ dùng Tượng chứ không phải dùng chữ, nội hàm chứa đựng trong đó quá lớn, ý cảnh và nội hàm của những điều viết ra có thể rộng lớn vô biên. Những ý nghĩa cố định bắt buộc phải ghi nhớ chỉ là do tiền nhân tổng kết lại, chúng là chết, giống như những Quái từ và Hào từ mà Chu Văn Vương bổ sung vào trong “Kinh dịch”, chúng chỉ là một bản tóm tắt kinh nghiệm, nhưng ngược lại Tượng đã bị phong bế đến chết cứng. Cũng giống như Trung y hiện đại trị bệnh, chỉ ghi nhớ những bài thuốc cố định do người xưa thu thập được, hoàn toàn không am hiểu y lý, dược lý, không biết luận chứng điều trị, không thể vận dụng linh hoạt nên Trung y đang lụi tàn, hoặc đã lụi tàn.

Người xưa học sẽ không ghi nhớ những ý nghĩa cứng nhắc kia mà phần lớn là đọc thuộc lòng, tức là để thiết lập cảm giác về Tượng của chữ trong tư tưởng, khiến cho chiều sâu của tư tưởng và Tượng của chữ hình thành đối ứng, đạt được sự cộng hưởng, khi đạt đến một mức nhất định, thì đã thông hiểu toàn bộ, đã trở nên sống động. Thân thể con người và vũ trụ là sự đối ứng toàn ảnh với nhau, bên ngoài có cái gì, thì bên trong cũng có cái đó. Vừa mới bắt đầu học, Tượng bên trong dường như hỗn độn, vẫn chưa tách được ra Tượng, trong tình huống cảm ứng liên tục với Tượng bên ngoài, thì Tượng bên trong cũng sẽ dần dần tương ứng, cộng hưởng, dần dần đối ứng với Tượng bên ngoài và tách Tượng ra. Trải qua một thời gian nhất định, khi Tượng bên trong và Tượng bên ngoài hoàn toàn tương ứng với nhau, đạt được tương thông, cộng hưởng và hài hòa trong ngoài, trong ngoài tương hợp, hoàn chỉnh thành một thể, lúc này Tượng cũng hình thành xong.

Ở đây chúng tôi chỉ nói về cơ chế chứ không nói về phương pháp cụ thể, sau khi nắm vững cơ chế chữ viết, mọi người có thể tự quyết định phương pháp.

Tượng của chữ Hán cổ

“Thượng thư” là một trong những tài liệu lịch sử thời thượng cổ lâu đời nhất của Trung Quốc, trong đó tập hợp các bài thơ văn thời thượng cổ từ Nghiêu Thuấn đến Xuân Thu, cũng là một trong những cuốn cổ thư khó đọc khó hiểu nhất Trung Quốc cổ đại. Ngay cả Hàn Dũ một đại văn hào thời Đường đã cảm thán rằng, “Thượng Thư” đọc lên lời văn trúc trắc khó đọc. (1)

Bởi vì “Thượng Thư” là sử dụng các chữ Hán thời thượng cổ (chẳng hạn như chữ giáp cốt, v.v.) để biểu đạt, chữ càng cổ thì Tượng của nó càng lớn nên càng khó hiểu. Hiện nay khi chúng ta diễn giải các chữ, thường diễn giải các chữ tương ứng với phiên bản cổ nhất của nó, chữ được giải thích như thế là tiếp cận với Tượng nguyên thủy nhất, có nội hàm lớn nhất.

Các Quái từ và Hào từ do Chu Văn Vương viết trong “Chu Dịch” rất không rõ ràng và khó hiểu, người đời sau có hàng chục cách giải thích cho cùng một câu, mỗi cách giải thích đều khác nhau. Từ xưa đến nay các sách giải thích về “Kinh Dịch” nhiều vô cùng, nhưng không ai có thể thực sự hiểu nó. Có người cho rằng Chu Văn Vương đã viết Quái từ và Hào từ khi đang bị Thương Trụ Vương giam cầm, vì vậy hoàn cảnh buộc ông phải cố ý viết ra dưới hình thức ẩn ngữ, viết rất khó hiểu. Kỳ thực hoàn toàn không phải như vậy, đây là nhận thức sai lầm do không hiểu nội hàm của “Chu Dịch” gây ra. Nếu đúng như vậy, thì tại sao về sau những năm cuối đời Khổng Tử viết Tượng từ và Thoán từ cho “Chu Dịch” cũng tối nghĩa và khó hiểu như vậy?

Khi Chu Văn Vương viết Quái từ và Hào từ trong “Chu Dịch”, ông ấy đã dùng Tượng rất lớn, do đó rất khó đọc và khó hiểu, nội hàm cũng rất lớn, bởi vì chỉ có như thế mới không thể phong bế hoàn toàn Tượng trong “Chu Dịch”, vì vậy Chu Văn Vương đã cố ý viết như vậy, sử dụng Tượng lớn nhất để không làm hỏng người đời sau.

Chữ Hán cổ và chữ Hán hiện đại

Có lúc chúng ta đọc cổ văn, trong lòng hiểu nghĩa một câu, nhưng muốn dịch sang tiếng Hán hiện đại thì dịch không rõ ràng. Cho dù cuối cùng đã cố gắng hết sức để dịch ra tiếng Hán hiện đại, nhưng như thế đều cảm thấy nó không phải là ý như vậy. Đây chính là Tượng mà tiếng Hán cổ không thể biểu đạt bằng tiếng Hán hiện đại cố định cứng nhắc.

Có lúc chúng ta có một cảm giác trong lòng và muốn bày tỏ ra, nhưng dùng ngôn ngữ thế nào cũng không thể diễn đạt được rõ ràng, đó không phải là nội hàm của nó. Cảm giác trong tâm kỳ thực là tồn tại dưới hình thức Tượng, ngôn ngữ hiện đại của khuôn mẫu hóa này không thể biểu đạt Tượng một cách rõ ràng, vì vậy thế nào cũng không thể biểu đạt rõ ràng. Lúc này nếu dùng cổ văn thuần túy để diễn đạt thì có thể biểu đạt được một cách hoàn mỹ, bởi vì Tượng mà cổ văn sử dụng rất lớn, nên có thể biểu đạt ra ý cảnh rất lớn.

Tiếng Hán hiện đại đã đem chữ Hán cổ cố định thành từ ngữ, lấy Tượng của chữ Hán cổ cố định lại, cố định thành một vài ý nghĩa cứng nhắc, khiến chữ Trung Hoa dần mất đi năng lượng và sinh khí, sau đó lại dùng ngữ pháp rườm rà cứng nhắc để gò bó nó, trở thành văn bạch thoại (tiếng Trung hiện đại).

Đơn vị cơ bản của cổ văn là chữ, hầu như không có ngữ pháp, rất linh hoạt và đơn giản. Đem cổ văn tách rời ra, thì chính là từng chữ một tổ hợp thành (ngoại trừ các điển cố và danh từ cố định). Mỗi chữ trong cổ văn đều sử dụng Tượng, cho nên nội hàm mà cổ văn có thể chuyển tải vô cùng rộng lớn và ý cảnh sâu sắc.

Đơn vị cơ bản của tiếng Hán hiện đại là từ, tách văn bạch thoại ra, chính là do từng từ một tạo thành, ngữ pháp rất rườm rà và cứng nhắc. Đây cũng chính là lý do tại sao Tượng càng thấp thì càng phức tạp, trí huệ và nội hàm càng nhỏ.

Điều này cũng giống như các nguyên tử và phân tử. Năng lượng của nguyên tử rất lớn, nếu năng lượng của nó được giải phóng, thì chính là một quả bom nguyên tử phát nổ, có thể phá hủy một thành phố. Khi các nguyên tử tổ hợp thành các phân tử tầng bề mặt, thì năng lượng được phong kín lại, không thể biểu đạt ra khi bị niêm phong bên trong các phân tử, cho nên năng lượng của các phân tử là rất nhỏ. Giống như lựu đạn, chỉ ảnh hưởng đến một khu vực nhỏ.

“Dịch” sinh ra vũ trụ

“Dịch” là sự triển hiện của toàn bộ quá trình sinh thành, phát triển và biến đổi của vũ trụ tự nhiên, cũng là thể hiện cho sức sống của vạn vật trong vũ trụ. Chữ Hán hoàn toàn tuân theo nguyên lý của “Dịch” cho nên hòa nhập với vũ trụ tự nhiên, sinh trưởng, phát triển và biến đổi một cách tự nhiên với vạn vật trong vũ trụ.

Để dễ lý giải, ở đây hãy lấy chữ viết của ngôn ngữ Trung Hoa và kết cấu vật chất của vũ trụ chúng ta làm thành một phép loại suy:

Kết cấu vật chất của vũ trụ này của chúng ta, cũng tuân theo nguyên lý của “Dịch” giống như thế. Ví dụ vạn sự vạn vật trong thời không của nhân loại chúng ta đều do các phân tử cấu thành, đây là những lạp tử cơ bản cấu thành vật chất trong thời không của nhân loại chúng ta, đem tất cả vật chất của thế giới này của chúng ta mà phân tách ra, cuối cùng có thể phân tách thành các phân tử riêng lẻ. Mà phân tử không phải là lạp tử nhỏ nhất, nếu tiếp tục phân tách phân tử, chúng ta sẽ thấy rằng phân tử là do các hạt nhân nguyên tử cấu thành, hạt nhân nguyên tử lại do neutron và proton cấu thành v.v., phân tách xuống nữa là vô cùng vô tận, không ai biết được lạp tử nguyên thủy nhất và ở tầng thấp nhất là gì. Các lạp tử ở các tầng diện khác nhau này, dưới sự xuyên suốt của nguyên lý của “Dịch”, thì tầng tầng tương sinh tương hợp, tạo thành toàn bộ thế giới vật chất.

Có rất nhiều chủng loại phân tử, các loại phân tử cấu thành thế giới nhân loại chúng ta nhiều đến nỗi hoàn toàn không thể đếm được. Nhưng các loại nguyên tử tương ứng là rất ít, hiện nay các loại nguyên tử do con người phát hiện ra chỉ có khoảng vài trăm (bao gồm cả chất đồng vị). Điều đó có nghĩa là, mấy trăm loại nguyên tử này tương sinh tương hợp với nhau để tạo thành các cấu trúc phân tử không đếm hết. Những phân tử này lại tiếp tục kết hợp với nhau để tạo thành vạn sự vạn vật trong thế giới này.

Điều này cũng giống như các chữ tương sinh tương hợp, cấu thành từ và cụm từ, số lượng chữ là có hạn, chỉ có mấy ngàn chữ Hán thông dụng, còn các từ và cụm từ được cấu thành là vô hạn. Các từ và cụm từ lại kết hợp với nhau để tạo thành câu và bài văn, giống như các phân tử cấu thành thế giới bề mặt của chúng ta, chúng là đồng bộ, chính là trong nguyên lý của “Dịch”, tự nhiên sinh ra, chúng có khả năng tự sinh trưởng. Do đó chữ Hán có thể sinh trưởng cùng với sự sinh trưởng của vạn vật trong tự nhiên, chúng có sức sống, có thể thay đổi theo sự thay đổi của thế giới, đồng bộ biểu đạt ra mọi thứ trong vũ trụ tự nhiên, không bỏ sót bất cứ thứ gì.

Theo nguyên lý của “Dịch”, vật chất càng vào tầng thứ thấp bên trong thì năng lượng chứa đựng trong đó càng lớn, ví dụ như năng lượng trong phân tử là rất nhỏ, nhưng năng lượng chứa đựng trong nguyên tử là rất lớn. Vụ nổ của một quả lựu đạn ở tầng diện phân tử chỉ có thể làm nổ tung một khu vực nhỏ, trong khi vụ nổ của một quả bom nguyên tử có cùng khối lượng gần như có thể phá hủy cả một thành phố. Tương tự như vậy, sau khi chữ tạo thành từ và cụm từ, thì “Tượng” chính là bị phong bế lại, thu nhỏ lại, giống như nguyên tử cấu thành phân tử, do đó năng lượng và nội hàm trở nên nhỏ hơn, đây đều là những triển hiện của nguyên lý của “Dịch” tại các tầng diện khác nhau.

Vì vậy muốn hiểu được nội hàm của một sự vật, chúng ta có thể quay ngược lại, quay về theo nguyên lý của “Dịch”, tìm về ngọn nguồn ở từng tầng, lấy “Tượng” và năng lượng đằng sau nó mà phóng thích ra từng lớp một.

Chữ Hán và tiếng Anh

Chữ Hán có đặc điểm là tam vị nhất thể âm-hình-nghĩa, lấy “hình” để biểu thị “Tượng”, lấy “Tượng” để điều khiển “âm”, mỗi chữ là một thể độc lập, toàn bộ lại nằm trong sự xuyên suốt của nguyên lý của “Dịch”, tương hợp với vũ trụ tự nhiên làm một.

Vì các chữ Hán là được tạo ra theo nguyên lý của “Dịch”, do đó chữ Hán tạo thành một hệ thống tự tuần hoàn và sinh trưởng hoàn mỹ, có sức sống, là vật sống. Nó có thể là nhất thể với vạn vật trong vũ trụ, cùng sinh trưởng với vạn vật trong tự nhiên, vì vậy các chữ Hán hiện có có thể biểu đạt bất kỳ tín tức nào mà con người biết đến, thậm chí cả những nội hàm cao tầng mà con người không thể biểu đạt, và tất cả những sự vật sẽ xuất hiện trong tương lai.

Còn bất kỳ chữ viết của ngôn ngữ nào khác của con người đều không thể đạt được điểm này. Trong xã hội ngày nay tốc độ phát triển và thay đổi nhanh chóng, về phương diện biểu đạt những sự vật mới nhiều vô kể liên tục xuất hiện, các ngôn ngữ và chữ viết khác của loài người đã thể hiện tính hạn chế và không thích ứng rất lớn, trong việc diễn đạt một số lượng lớn những điều mới liên tục xuất hiện, chỉ có tạo từ bằng cách gán âm thanh cho từng sự vật mới xuất hiện một cách máy móc, dẫn đến sự tăng trưởng bùng nổ về số lượng từ, dần dần vượt quá khả năng ghi nhớ bình thường của con người, trở thành những rào cản câu thông nghiêm trọng giữa các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Vì thế trong môi trường tiếng Anh ngày nay, nhiều loại tiếng Anh chuyên ngành khác nhau liên tục sinh ra để đối phó với những sự vật và khái niệm mới không ngừng xuất hiện trong giới tự nhiên.

Chẳng hạn hiện nay có: tiếng Anh chuyên ngành máy tính, tiếng Anh chuyên ngành cơ điện, tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật truyền thông, tiếng Anh chuyên ngành ô tô, tiếng Anh chuyên ngành toán học, tiếng Anh chuyên ngành vận chuyển, tiếng Anh chuyên ngành kế toán, tiếng Anh chuyên ngành khuôn mẫu, tiếng Anh chuyên ngành nông nghiệp, tiếng Anh chuyên ngành đại học, tiếng Anh chuyên ngành dược, tiếng Anh chuyên ngành thể thao, tiếng Anh chuyên ngành nhuộm, tiếng Anh chuyên ngành sinh vật, tiếng Anh chuyên ngành điều khiển số, tiếng Anh chuyên ngành hóa học, tiếng Anh chuyên ngành may mặc, tiếng Anh chuyên ngành quảng cáo, tiếng Anh chuyên ngành du lịch… Hiện nay đã phát triển gần 100 loại tiếng Anh chuyên ngành khác nhau, và tình trạng này vẫn đang tăng tốc phát triến! Nghe có vẻ rất đáng sợ.

Trong hệ thống chữ viết của Trung Hoa, mấy ngàn năm qua, người Trung Quốc chỉ dựa vào vài nghìn chữ Hán thông dụng, trong tình hình hầu như không có nhiều từ mới được tạo ra, cũng đủ để đối phó với mọi sự phát triển và thay đổi của loài người, vậy là quá đủ. Chữ Hán tuân theo nguyên lý của “Dịch” và sinh trưởng nhất thể cùng với vũ trụ tự nhiên, cùng với sự phát triển của vạn vật trong tự nhiên, các loại từ và cụm từ mới được sinh ra một cách tự nhiên, vô cùng vô tận. Và nội hàm của từ và cụm từ được sinh ra là tương hợp nhất thể với vạn vật trong tự nhiên, để con người nhìn chữ mà đoán nghĩa, có thể hiểu hàm nghĩa của nó một cách tự nhiên, cho phép giữa tất cả các lĩnh vực khác nhau có thể giao tiếp tự do, không có gián cách.

Ví dụ như: 马-mã: ngựa (tiếng Anh là horse), 鸡-kê: gà (chicken); 小-tiểu: nhỏ, bé(small/little; 公-công: đực, trống(male);母-mẫu: cái, mái(female)…… Tiếng Trung tuân theo nguyên lý của “Dịch”, cùng sinh trưởng với tất cả vạn vật trong vũ trụ, và biểu đạt được tất cả vạn vật trong vũ trụ một cách tự nhiên. Ví như sự kết hợp giữa “小” và “马” hoặc “鸡” sẽ tạo ra “小马” (ngựa nhỏ/ngựa con) và “小鸡” (gà nhỏ/gà con) v.v., tương ứng với vạn vật, ý nghĩa tự nhiên mà hình thành. Nhưng tiếng Anh không như thế, nhất thiết phải tạo ra một từ mới cho sự vật mới này, chẳng hạn như ngựa nhỏ không thể dùng small+horse để biểu hiện, ngựa đực nhỏ không thể được biểu hiện bằng small+male+horse, nếu không độ dài của từ sẽ dài vô hạn, cuối cùng hàm lượng thông tin của ngôn ngữ này sẽ ngày càng thấp hơn, không còn phù hợp với biểu đạt của con người và không thể sử dụng được. Vì vậy đối với sự vật mới này nhất định phải tạo một từ mới thường dùng để biểu thị, chẳng hạn như: ngựa nhỏ là foal, ngựa đực là stallion, ngựa nhỏ đực là colt, ngựa cái là mare, ngựa cái nhỏ là filly, gà con là chick, gà trống là cock, gà trống nhỏ là cockerel, gà mái là hen, gà mái nhỏ là chicken, v.v., không có quy tắc nào có thể tuân theo.

Một ví dụ khác: máy tính và người máy, đây là những sự vật mới ra đời chỉ thời hiện đại mới có. Tiếng Trung sinh ra các danh từ mới một cách tự nhiên tương ứng với sự ra đời của các sự vật mới, cho dù những người xưa không có khái niệm này, khi nhìn thấy danh từ mới này, cũng có thể nhìn chữ mà hiểu nghĩa, tạo thành khái niệm sự vật tương ứng trong đầu. Ví dụ khi nhìn thấy từ 电脑 (điện não: máy tính), trong đầu bạn sẽ hình thành một khái niệm về một sự vật sử dụng điện làm năng lượng và có chức năng tương tự như bộ não con người; khi nhìn thấy từ 机器人 (cơ khí nhân: người máy), sẽ hình thành khái niệm về một sự vật giống con người được làm bằng máy móc. Còn tiếng Anh thì mỗi sự vật mới phải tạo ra một từ mới, chẳng hạn như computer (máy tính) và robot (người máy), khi người Anh cổ đại nhìn thấy hai từ đơn này, họ hoàn toàn không hiểu và không biết chúng là gì.

Bởi vì các loại ngôn ngữ và chữ viết khác của con người không thể tương hợp làm một với vạn vật trong vũ trụ dưới sự xuyên suốt của nguyên lý “Dịch” nên chúng không có sức sống, không thể sinh trưởng một cách tự nhiên, vì vậy chỉ có thể liên tục dựa vào tư duy con người để tạo ra từ đơn mới, cố gắng hết sức thích ứng với sự sinh trưởng và thay đổi của vạn vật trong vũ trụ.

Cùng với sự phát triển của nhân loại, lượng từ vựng tiếng Anh sẽ tăng lên vô cùng tận, khiến ngôn ngữ ngày càng trở nên cồng kềnh và lộn xộn, dần dần vượt quá khả năng ghi nhớ và sử dụng của con người. Vì vậy tác giả suy đoán rằng: Trong tương lai ngôn ngữ và chữ viết chung của nhân loại mới sẽ là chữ Hán, và các ngôn ngữ và chữ viết khác đều sẽ dần dần sẽ bị đào thải trong lịch sử.

“Vấn cừ na đắc thanh như hứa, Vị hữu nguyên đầu hoạt thuỷ lai” (Dịch nghĩa: Hỏi làm sao con ngòi được trong như thế, Phải chăng nước từ đầu nguồn chảy mãi không ngừng) (*). Tiếng Hán tràn đầy sức sống và năng lượng, nội hàm đằng sau nó là tầng tầng trùng điệp, tầng tầng thông đến các vị Thần linh và vũ trụ tầng cao vô cùng vô tận, năng lượng ùn ùn đến, liên tục không ngừng.

Tiếng Trung tuân theo nguyên lý của Dịch, càng được tách rời càng sống động và năng lượng càng lớn. Còn tiếng Anh chỉ có thể chia nhỏ thành các từ riêng lẻ, một từ lại chia thành các chữ cái riêng lẻ, chính là đã tan ra, đã chết và không có ý nghĩa gì nữa. Vì vậy tiếng Anh chỉ là những ký hiệu không có nguồn gốc và sinh mệnh.

[1] Hàn Dũ “Tiến học giải”: “Chu cáo ân bàn, cát khuất ngao nha”.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/239729 …………………………………

Chú thích:

(*) Trích từ bài thơ “Quan thư hữu cảm” của Chu Hy, nhà thơ thời Nam Tống.



Ngày đăng: 24-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.