Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Nhân vật anh hùng thiên cổ

Thiên cổ thần tướng Nhạc Phi truyện (6): Trận chiến ở Hồ Động Đình, Nhạc Phi tám ngày diệt Dương yêu

06-07-2025

Tác giả: Liễu Địch

[ChanhKien.org]

Nhạc Phi từ nhỏ đã lập chí tinh trung báo quốc (Ảnh: The Epoch Times)

Ngoài thì đánh đuổi địch Kim, trong thì bình định giặc cướp, đại anh hùng Nam Tống – Nhạc Phi lấy trung nghĩa báo quốc, nam chinh bắc chiến, lập nên những chiến công lừng lẫy. Năm Thiệu Hưng thứ năm (năm 1135), trận chiến bình định Dương Yêu tại hồ Động Đình của Nhạc gia quân có thể nói là kiệt tác khiến người ta phải kinh ngạc trong sự nghiệp quân sự của Nhạc Phi.

Lúc bấy giờ, hữu tướng Trương Tuấn đảm nhiệm vị trí đốc quân trong quân đội của Nhạc Phi. Trước khi ra trận, ông lo lắng nói với Nhạc Phi: “Chi bằng tạm thời bãi binh, năm sau lên kế hoạch lâu dài xem sao”. Vào thời Nam Tống, có một người khác cũng tên là Trương Tuấn, là tướng lĩnh kháng Kim, cùng là đại thần của triều đình, dễ khiến người khác nhầm lẫn. Kì thực, người tên Trương Tuấn này trong biến cố Miêu Lưu đã có công cần vương (xả thân vì triều đình), nên được Cao Tông trọng dụng cho làm tể tướng kiêm Xu Mật Sử, thống lĩnh quân đội cả nước. Mà Trương Tuấn còn lại là một trong “Trung Hưng tứ tướng”, từng là trưởng quan của Nhạc Phi, sau này vì đố kị với tài năng của Nhạc Phi mà chuyển sang đầu quân cho Tần Cối, tham gia vào việc chế tạo án oan, là một trong những kẻ có tội trong việc mưu hại Nhạc Phi.

Trước sự nghi ngờ của đô đốc, Nhạc Phi mười phần tin tưởng trả lời: “Xin ngài chờ một chút, không quá tám ngày liền có thể phá được giặc!” Cuối cùng thì dạng quân phản loạn nào lại khiến tể tướng Nam Tống lo lắng không yên, còn Nhạc Phi có kì mưu nào mà có thể nhanh chóng tiêu diệt được kẻ địch mạnh đây?

Giặc dữ ở Hồ Động Đình, mối họa của triều Tống

Dương Yêu từng đi theo cha con loạn tặc Chung Tương để “Khởi sự”, bọn chúng thực ra là một đám phản nghịch. Hồi những năm cuối triều Bắc Tống, Chung Tương mượn danh thầy pháp, dựng lên ngọn cờ “Đẳng quý tiện, quân bần phú”, tạm dịch là người giàu và người nghèo là như nhau, để mê hoặc dân chúng, tích trữ của cải. Hồi Cao Tông còn làm đại nguyên soái quân đội Hà Bắc, Chung Tương tổ chức ba trăm dân binh để “Cần vương”. Rất nhanh sau khi Cao Tông lên ngôi, đội ngũ này liền trở thành quân đội riêng của Chung Tương.

Nhạc gia quân tới từ Tây Bắc, sở trường đánh trên bộ, làm sao khắc chế được thủy quân của Dương Yêu là một bài kiểm tra lớn (Tư liệu của The Epoch Times)

Tháng 3 năm Kiến Viêm thứ tư (năm 1130), Chung Tương tự lập mình làm vương rồi thua trận mà chết. Dương Yêu tập kết các thủ lĩnh khác, lập ra hơn 30 trại thủy quân, quân lực có mấy vạn người, tiếp tục đối đầu với nhà Tống. Lũ giặc cướp xuất hiện trong thời loạn thế này, không chỉ xa hoa mà còn tham lam đến cùng cực, không chỉ cướp đất của dân thường, còn lấy cái gọi là “Hành pháp” ra để đốt nhà giết người chẳng kiêng nể gì. Nghiêm trọng nhất là, Dương Yêu thậm chí đã khởi tâm bán nước.

Tống sử có ghi lại, Lí Thánh vốn đã quy hàng Ngụy Tề, nhiều lần âm thầm gặp mặt bàn mưu tính kế với Dương Yêu, chuẩn bị hội quân với nhau. Trong khi các lực lượng trung nghĩa đang đồng lòng kháng Kim, thì các hành động của Dương Yêu đã đi ngược lại với đại nghĩa của dân tộc, trở thành cái họa loạn thứ ba sau quân Kim và Ngụy Tề. Quân thần nhà Tống nhận định bọn chúng “là cái họa lớn cho đất nước, nếu không diệt trừ trước, thì không thể lập quốc”, vậy nên đã nhiều lần phái quân tiêu diệt hoặc chiêu hàng nhưng cuối cùng đều thất bại. Bốn năm như vậy, quân Tống rơi vào tình trạng bó tay không biết làm sao.

Với tình hình ấy, Cao Tông đã đem nhiệm vụ khó khăn bình định Dương Yêu giao cho Nhạc gia quân. Tháng 4 năm Thiệu Hưng thứ 5, Nhạc Phi đưa quân tới Đàm Châu (nay là Trường Sa tỉnh Hồ Nam), bắt đầu suy nghĩ chiến lược tác chiến. Nhạc gia quân tới từ Tây Bắc, sở trường chiến đấu trên bộ, làm sao có thể kiềm chế được thủy quân của địch trở thành một bài kiểm tra khó nhất. Ấy vậy mà Nhạc Phi không hề e sợ: “Dụng binh không có phương pháp cố định, chỉ nhìn xem dụng binh thế nào thôi”. Hơn nữa, quốc gia đang gặp khó khăn, là một đại tướng, Nhạc Phi sao có thể khinh suất nói ra những lời do dự?

Nhạc Phi (Tranh: Lý Thiên Minh/ The Epoch Times)

Thời hạn tám ngày, diệu kế vô song

Căn cứ vào đặc điểm tác chiến của Dương Yêu, Nhạc Phi trước tiên không hành xử theo cách thông thường, sửa lại thói quen chỉ dụng binh trong hai mùa thu đông. Bằng việc tác chiến trong mùa xuân và mùa hạ, Nhạc gia quân đã phá vỡ kế hoạch canh tác của quân nổi loạn, cắt đứt đường cung cấp lương thảo của chúng. Sau đó Nhạc Phi lại cho quân đội trấn giữ các con đường quan trọng, chặn đường tiếp lương, làm loạn tâm trạng của quân địch.

Thứ hai, để tránh xảy ra nhiều thương vong, ông dùng chiến thuật kết hợp giữa chiêu hàng và tiến công. Dương Yêu làm việc trái đạo lý ngày càng ít người trợ giúp, còn Nhạc Phi lại mang theo nhân nghĩa mà đến, thế nên có rất nhiều thủ lĩnh đã nguyện quy hàng ông. Như vậy vừa có thể làm suy yếu binh lực của Dương Yêu, vừa có thể lấy thủy quân đánh thủy quân, gia tăng khả năng chiến thắng.

Lúc tin tức chiêu hàng truyền tới thủy trại của quân nổi loạn, liền có những thủ lĩnh thức thời âm thầm bỏ tối theo sáng. Có viên tướng địch tên là Hoàng Tá, lập tức nói với thủ hạ: “Ta nghe nói Nhạc nguyên soái hiệu lệnh như núi, không thể xem nhẹ. Nếu đối địch với ông ấy, chúng ta có khả năng không bảo toàn được tính mạng, chi bằng nhanh chóng đầu hàng. Nhạc nguyên soái đối xử chân thành với mọi người, nhất định sẽ đối xử tử tế với chúng ta”, rồi lập tức dẫn mọi người đến Đàm Châu xin hàng.

Quả đúng như vậy, Nhạc Phi vô thường coi trọng Hoàng Tá, ngay tại chỗ nói sẽ dâng tấu xin cho ông ấy lên làm quan hàng thất phẩm, lại vỗ về mọi người, nồng nhiệt chiêu đãi bọn họ. Trong bữa tiệc chiêu đãi, Nhạc Phi vỗ lưng ông ta, giao cho ông ta phụ trách trận chiến đầu tiên để bình định Dương Yêu, lại nói mấy lời ruột gan: “Ngươi là người hiểu chuyện, biết phân biệt phải trái, nếu có thể giết địch lập công, sợ gì không có khả năng được phong hầu? Ta định phái ngươi về lại đám quân nổi loạn đang ở Hồ Động Đình, gặp kẻ nào có thể chế ngự được thì bắt chúng, gặp kẻ nào có thể khuyên hàng thì chiêu hàng chúng, ý ngươi thế nào?”

Hoàng Tá trước đây là thủ lĩnh quân phản loạn, nay lại có cơ hội lập công chuộc tội, tự nhiên trong tâm cảm kích, nguyện lấy cái chết để báo đền. Ông lập tức lên đường, trở thành tiên phong trong Nhạc gia quân. Hai tháng đầu tiên, Nhạc Phi gần như không dụng binh, chỉ thưởng và thả tù binh, cho bọn họ tự do sinh hoạt để làm tan rã sĩ khí của quân phản loạn. Có vị quan viên ở địa phương lầm tưởng rằng Nhạc Phi bỏ quên nhiệm vụ, chuẩn bị dâng tấu về triều. Trương Tuấn tuy không hiểu được dụng ý của Nhạc Phi, nhưng vẫn tin tưởng phẩm hạnh của ông, lập tức ngăn cản người ấy: “Nhạc Phi là người trung hiếu, dụng binh đều có kế hoạch tính toán rất xa, sao có thể tùy tiện nghị luận như vậy?”

Dù nói vậy, nhưng Trương Tuấn vẫn như sắp gặp đại địch, muốn chờ sang năm mới rồi lại bàn về kế hoạch xuất binh. Nhưng Nhạc Phi vẫn kiên trì nói không cần đợi đến năm mới, vẫn cam kết tám ngày phá địch. Trương Tuấn nào đâu chịu tin, vội vàng truy hỏi Nhạc Phi diệu kế phá địch. Lúc này Nhạc Phi mới đem kế hoạch “Lấy thủy tặc đánh thủy tặc” ra tiết lộ cho ông ta.

Nhạc Phi giải thích: “Tác chiến trên sông nước là sở trường của địch, sở đoản của ta, lấy đoản đánh trường, đương nhiên rất khó. Nếu dùng tướng địch dẫn dắt quân lính của địch, liền có thể khiến quân địch mất đi sự hỗ trợ, ly gián lòng quân địch, từ đó cô lập Dương Yêu. Đến lúc đó lại phái quan quân tấn công, tất nhiên có thể nội trong tám ngày bắt sống được đám thủ lĩnh quân địch.

Hình tượng Nhạc Phi trong “Lịch đại quân thần đồ giám” (Bản dập thời nhà Thanh), do Thư viện Harvard- Yenching thu thập (Ảnh thuộc sở hữu cộng đồng)

Lấy địch công địch – Nhạc hầu tính toán như thần

Nghe xong mưu kế của Nhạc Phi, Trương Tuấn lúc này mới yên tâm đôn đốc chiến đấu. Ở bên kia Hoàng Tá không phụ sứ mệnh, thuyết phục thành công Dương Khâm, vị thủ lĩnh dũng cảm nhất dưới trướng Dương yêu, đến đầu hàng. Nhạc Phi đích thân ra ngoài doanh tiếp đón, không chỉ tiến cử Dương Khâm làm quan, mở tiệc chiêu đãi anh ta, còn lấy đai vàng và chiến bào mà Cao Tông ban tặng để thưởng cho Dương Khâm. Dương Khâm cảm động sâu sắc trước sự chân thành và tiếp đón long trọng của Nhạc Phi, chỉ hận đầu hàng quá trễ, sau này trở thành trợ thủ đắc lực của Nhạc Phi.

Dương Khâm trước tiên trở về Động Đình, khuyên hàng rất nhiều thủ lĩnh quân phản loạn. Cứ lặng lẽ như vậy, Dương Yêu đã trở thành một kẻ cô độc chân chính, bên mình chẳng còn ai. Sau đó, Dương Khâm còn dâng hai kế sách rất quan trọng. Một là dẫn nước ra khỏi sông. Pháp bảo của quân phản loạn là chiến thuyền cỡ lớn, phải ở khu vực nước sâu hơn một trượng mới hoạt động được, vậy nên cần phải xây một con đê để tích nước trong hồ Động Đình, mà Dương Khâm chính là người quan trọng phụ trách trông coi việc xây đê này.

Hai là dùng thực vật cản đường. Chiến thuyền của Dương Yêu dùng guồng hình bánh xe để tiến về phía trước, chỉ cần phủ đáy hồ bằng cỏ, bánh xe vướng cỏ một khi bị kẹt, liền không cách nào chuyển động. Chiến thuyền di chuyển khó khăn, liền trở thành chiến trường tuyệt hảo cho Nhạc gia quân, chẳng khác gì chiến trường trên cạn.

Khó trách lúc mới nghe Dương Khâm tới tìm nơi nương tựa, Nhạc Phi đã vui mừng mà nói: “Dương Khâm tới đầu hàng, nội bộ đám giặc cướp đã sụp đổ rồi!”, là vì những kiến nghị của Dương Khâm đều đã điểm trúng vào chỗ yếu của Dương Yêu.

Ngày diễn ra đại chiến, Nhạc Phi lệnh cho quân sĩ chặn đóng các cảng khẩu, lại phái người đi thuyền nhẹ tới vùng nước nông để mắng mỏ khiêu chiến, cố ý chọc giận Dương Yêu. Dương Yêu quả nhiên trúng kế, coi thường dẫn quân xuất chiến, thuyền lớn bị cỏ nước quấn lại không tiến lên được, mất hết sức mạnh. Các dũng sĩ Nhạc gia thừa dịp phát động tấn công mãnh liệt. Dương Yêu chuẩn bị đột vây, nhưng không ngờ cảng khẩu các nơi đều bị Nhạc gia quân trấn giữ, không chạy đi đâu được.

Dương Yêu thấy một đoàn chiến thuyền mang quân kỳ “Tinh trung Nhạc Phi” sáp tới, định nhảy xuống nước chạy trốn, nhưng bị Ngưu Cao và những người khác trong Nhạc gia quân bắt sống, rồi bị trói lại đưa tới trước mặt Nhạc Phi, nhận sự trừng trị cuối cùng. Trận chiến ở hồ Động Đình đi đến hồi kết, đám tàn quân phản loạn làm sao có thể địch lại được đội quân chính nghĩa, đám bại binh sụp như núi đổ.

Từ lúc nhận lệnh cho tới khi chiến sự hoàn toàn kết thúc, Nhạc Phi chỉ dùng hai tháng thời gian, liền bình định xong thế lực cát cứ một phương. Trương Tuấn là người chứng kiến toàn bộ quá trình, kinh ngạc mà nói: “Nhạc hầu tính toán như Thần!”

Dịch từ: https://www.epochtimes.com/b5/18/10/6/n10765748.htm

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài