Thiên cổ thần tướng Nhạc Phi truyện (3): “Quốc sĩ” bốn lần tòng quân



Tác giả: Liễu Địch

[ChanhKien.org]

Nhạc Phi từ nhỏ đã lập chí tận trung báo quốc. (Ảnh: The Epoch Times)

Năm 1127 sau Công nguyên, niên hiệu của nhà Tống chuyển từ “Tĩnh Khang” sang “Kiến Viêm”. Tống Cao Tông lên ngôi hoàng đế, lịch sử chính thức sang trang từ Bắc Tống sang Nam Tống. Thiên tử mới hơn 20 tuổi, vẫn chưa tỏ rõ thái độ đánh hay hòa với quân Kim. Nhạc Phi lúc ấy cũng trẻ tuổi, lại trình lên một bản tấu chương với ngôn từ thành khẩn, tình cảm mãnh liệt.

Ông nói: “Bệ hạ đăng cơ, dân chúng có người để quy phục, quốc gia có người chủ trì, đã hoàn toàn phá tan âm mưu của người Kim. Đội quân giúp vua càng ngày càng lớn, quân Kim lại yếu đuối lười biếng, đây chính là thời cơ tốt để xuất quân Bắc phạt. Nhưng những kẻ như Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn lại xúi giục hoàng đế dời đô an phận”. Nhạc Phi hy vọng Cao Tông có thể trở về Đông Kinh Khai Phong, chủ trì đại nghiệp kháng Kim. Ông còn tỏ vẻ vô cùng tin tưởng, đến lúc đó, “Tướng dẫn quân một lòng, sĩ tốt có quyết tâm”, “Đất đai Trung Nguyên dựa vào đó có thể khôi phục”.

Nhạc Phi lúc ấy mới gần 25 tuổi, chỉ là một võ quan nhỏ chưa tới thất phẩm, nhưng lại có thể viết được những lời can gián đúng trọng điểm, dạt dào mênh mông như vậy, sự trung dũng và can đảm phi phàm của ông khiến người khác vừa cảm động vừa bội phục. Nhưng trong triều đình lúc ấy phái gian thần chủ hòa đang xúi giục hoàng đế khuất phục chịu hàng. Những trung thần phái chủ chiến mặc dù có chí nhưng khó thay đổi cục diện. Những kẻ như Hoàng Tiềm Thiện lấy lý do “Viên quan nhỏ vượt cấp, lời nói không tin tưởng được” mà bãi chức của Nhạc Phi, đuổi ông ra khỏi quân doanh, khiến ông rơi vào tình cảnh “Cô độc một mình, lang bạt khắp nơi”.

Thư pháp Nhạc Phi (Ảnh thuộc sở hữu cộng đồng)

(Hàng chữ trên: Hoàn ngã hà sơn; Hàng chữ dưới: Tận trung báo Quốc)

Từ 20 tuổi buộc tóc tòng quân, Nhạc Phi vì việc cha mất mà về quê. Sau khi kết thúc kỳ chịu tang, ông một lần nữa tòng quân, nhưng đã bị ép phải rời khỏi quân đội vì thất trận. Lần thứ ba tòng quân, Nhạc Phi vì dâng lời trực ngôn mà bị gian thần giáng chức. Mặc dù giai đoạn đầu đời nghiệp quân gặp nhiều ma nạn trùng trùng, nhưng Nhạc Phi không hề mai một chí hướng báo quốc trong tâm. Tháng Tám, ông dứt khoát lên phương Bắc đến nơi tiền tuyến kháng Kim, cũng chính là ở Đại Danh Phủ (nay ở phía Đông Nam của huyện Đại Danh tỉnh Hà Bắc), khi ấy chiêu phủ ở Hà Bắc đang chiêu mộ nghĩa binh.

Tại chiêu phủ ti, một người tên là Triệu Cửu Linh tiếp đãi Nhạc Phi. Người này là một viên quan do danh thần kháng Kim là Lý Cương tiến cử, vào những năm cuối thời Bắc Tống đã từng rất hâm mộ năng lực tác chiến của Nhạc Phi, còn nhận định ông là “Kì tài thiên hạ”, nên đã tận lực đề bạt ông lên với Trương Sở của chiêu phủ. Trương Sở cũng là một vị đại tướng yêu mến người tài. Trong sách sử có viết lại, không ngại việc Nhạc Phi vì đắc tội với người quyền quý mà bị miễn quan, Trương Sở vẫn đối đãi với ông trịnh trọng như “Quốc sĩ”. Quốc sĩ chính là những người tài năng xuất chúng nhất, ưu tú nhất, là bậc lương đống của quốc gia, thường được mọi người tôn vinh gọi là “Quốc sĩ vô song”. Trong lịch sử, chỉ có những đại tướng như Hàn Tín dụng binh như Thần, thống nhất thiên hạ, mới mang nổi danh hiệu được tôn sùng như thế. Mà Trương Sở lại coi Nhạc Phi như chiến thần tái sinh, đề cử ông lên vị trí quan trọng nhất của công cuộc phạt Kim cứu quốc.

Vậy, Trương Sở đối đãi với vị Quốc sĩ này như thế nào? Đầu tiên, ông gấp rút muốn biết bản lĩnh chân thực của Nhạc Phi, liền hỏi: “Người một mình có thể ngăn được bao nhiêu quân địch?” Nhạc Phi đáp: “Chỉ dùng cái dũng thì không đủ, dùng binh trước tiên phải dùng mưu”.

Theo quan điểm của Nhạc Phi, không có một thân võ nghệ thì không trở thành một vị tướng tốt nhất, mưu trí mới là quan trọng để quyết định thắng thua, cũng chính là đạo lý trong binh pháp “Việc binh trước hết dùng mưu, sau đó mới là dùng giao chiến”. Trong “Tống sử”, Nhạc Phi còn lấy ví dụ chuyện đại phu nước Tấn là Loan Chi dùng bụi đất dụ địch để khắc chế nước Sở, Mạc Ngao nước Sở dùng kế sách tiều phu đánh bại nước Giảo, để chứng minh sự quan trọng của mưu lược tại chiến trường. Trương Sở nghe xong sinh lòng kính trọng, kinh ngạc nói: “Ngài thực là có máu binh nghiệp trong người a!”

Nhạc Phi tinh trung báo quốc, văn võ song toàn. (Ảnh: The Epoch Times)

Hai người càng trò chuyện càng hợp ý, Nhạc Phi khảng khái bày tỏ với Trương Sở, trình bày ý nghĩa của việc thu phục lại những vùng đất đã mất ở Hà Bắc. Khai Phong là đô thành của Bắc Tống, dựa vào hàng rào bảo vệ ở Hà Bắc mới có thể yên ổn. Nếu Trương Sở đồng ý xuất quân chinh chiến, ông nguyện ý lấy thân báo quốc, có chết cũng không từ. Sau lần nói chuyện chi tiết ấy, Trương Sở càng thêm tin tưởng, Nhạc Phi là bậc kỳ tài mà trời cấp cho, chỉ có thể gặp chứ không thể cầu, phá cách đưa ông từ thân phận bình dân lên đảm nhiệm vị trí Tu Vũ Lang, thống lĩnh trung quân, rất nhanh sau đó lại thăng tiến ông lên vị trí Vũ Kinh Lang.

Mặc dù Nhạc Phi không giống như Hàn Tín được lên làm đại tướng quân, nhưng ông lại gặp được một Bá Nhạc thực sự nhận ra được tài năng của mình mà trước đó ngoài Tông Trạch ra không ai hay biết, từ đó bắt đầu sự nghiệp quân nghiệp lần thứ tư của mình. Nhờ vào thần lực trời cho và sự can đảm của mình, Nhạc Phi nhanh chóng lập được chiến công, trở thành vị đại anh hùng anh dũng nhất trong ba quân của quân Tống.

Ví như vào lúc đối đầu với mấy vạn quân Kim, thủ lĩnh Vương Ngạn chuẩn bị đình chiến, Nhạc Phi anh dũng hơn người khuyên can không được, buộc lòng phải mang theo ít nhân mã đơn độc xuất chiến. Ông khích lệ sĩ tốt: “Chúng ta mặc dù quân số ít, nhưng phải nỗ lực đánh thắng, nếu không liều mình giết địch sẽ bị xử trảm!”. Thế là Nhạc Phi liều mình chiến đấu với quân Kim, bản thân ông cũng bị thương hơn chục chỗ, cuối cùng cũng ép quân Kim phải rút binh.

Một phần bức tranh “Trung hưng tứ tướng Nhạc Phi, Trương Tuấn, Hàn Thế Trung, Lưu Quang Thế” do Lưu Tùng Niên thời Tống vẽ. Nhạc Phi đứng giữa (Ảnh thuộc sở hữu cộng đồng)

Lại nói ba năm Kiến Viêm (năm 1129), Nhạc Phi cầm 800 quân ở Nam Huân Môn phía Nam thành Khai Phong, đối đầu với đám cướp Vương Thiện, Tào Thành tự xưng là có 50 vạn tên. Lúc ấy, ở ngoài thành tiếng trống vang trời, quân Tống đều lo sợ không cách nào chiến thắng, Nhạc Phi đã tính trước mọi việc nói: “Xem ta vì vua phá địch đây!” Ông một ngựa đi trước, tay trái cầm cung tên, tay phải cầm thương sắt, dẫn theo các dũng sĩ ra giao chiến. Ông ở giữa quân địch tả xung hữu đột, ác chiến năm, sáu giờ liền, thực sự đã chém giết cho quân địch đại loạn, không thể tập hợp nổi lại thành một đội quân.

Nhạc Phi tác chiến, võ công, mưu lược, sự dũng cảm và trung nghĩa của ông đều là đệ nhất, có thể xưng là chiến thần của hai triều Tống! Mà ông luôn xung phong đi đầu, làm gương cho tướng sĩ, cảm hóa từng vị tướng sĩ ở bên mình, tập hợp lại quanh mình những dũng sĩ trung nghĩa can đảm tương tự như ông, lập nên đội quân mạnh mẽ nhất, tinh nhuệ nhất thời Nam Tống – Nhạc Gia Quân.

Dịch từ: https://www.epochtimes.com/b5/18/9/29/n10750540.htm



Ngày đăng: 08-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.