Nhân vật anh hùng thiên cổ Trung Quốc – Tần Thủy Hoàng (2): Thiên hạ nhất thống



Tổ nghiên cứu nhân vật anh hùng thiên cổ của văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm (Epochtimes)

[ChanhKien.org]

1. Sáu đời cần mẫn, quốc phú binh cường

Sau khi Tần Hiếu Công kế vị vào năm 361 TCN, ông ra chiếu cầu hiền, trong một thời gian ngắn các hiền tài trong thiên hạ đều đi vào Tần. Những vị thừa tướng và các mưu sĩ mà nước Tần sử dụng phần nhiều là những “khách khanh” đến từ các nước, như Phạm Tuy, Lã Bất Vi, Lý Tư v.v. Mặc dù họ không được trọng dụng ở nước của mình, nhưng khi đến Tần họ đã trở thành các thượng khanh hoặc tướng quốc nổi danh.

Vào giữa thời Chiến Quốc có hai cường quốc ở hai cực Đông – Tây là Tề và Tần, trong đó sức mạnh quân sự của Tần là mạnh nhất. Vì vậy, các nước khác luôn cảm thấy bất an, nên đã áp dụng chiến lược “hợp tung” của Tô Tần để liên hợp với nhau chống lại nước Tần. Còn nước Tần vì để chống lại chiến lược “hợp tung” của các nước nên đã sử dụng sách lược “liên hoành” của Trương Nghi.

Từ năm 318 TCN đến năm 269 TCN, Tần và sáu nước còn lại đã trải qua một số trận chiến, nước Tần ngày càng hùng cường, mặc dù sáu nước đã nhiều lần hợp tung nhưng vẫn đều bất lực trước tiến trình đại thống nhất thiên hạ của Tần. Trải qua sáu đời tiên vương nỗ lực chăm lo chính sự, nước Tần đã trở nên nước giàu dân mạnh, đặt nền móng hoàn hảo cho Tần Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ.

2. Tần Thủy Hoàng ra đời, kiến lập Đại Tần

Vào tháng đầu tiên của năm 259 TCN, Tần Thủy Hoàng được sinh ra ở Hàm Đan của nước Triệu, “khi được sinh ra, đặt tên là Chính, lấy họ Triệu” (trích trong Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ). Đông Chu liệt quốc chí cũng đã mô tả như thế này: “Khi sinh ra có ánh sáng đỏ rực trong nhà, trăm thứ chim bay đến lượn múa. Đứa bé mũi to, mắt dài, trán rộng, mỗi mắt có hai con ngươi, trong miệng đã có vài cái răng, trên lưng có vảy rồng, khóc rất to, đi ngoài đường cũng nghe tiếng”.

Từ lâu đã có lời tiên tri rằng Đại Tần sẽ sinh ra một vị Vương Chủ nhất thống thiên hạ. Ngay từ năm thứ tư của Tần Văn Công (762 TCN), người Tần đã xây dựng một thành thị tại nơi vùng đất giao giữa sông Khiên và sông Vị. Một đêm, “Tần Văn Công mơ thấy rắn vàng, thân của nó dài từ trên trời xuống mặt đất, miệng của nó cứ hướng về thành Phu. Sau khi tỉnh dậy Tần Văn Công hỏi Sử Đôn, Sử Đôn nói rằng: “Điều ấy chính là tượng trưng cho Thiên đế, Bệ hạ nên lập đàn tế nó”. Vì vậy sau đó Văn Công cho xây dựng Phu Chỉ (Phu Chỉ là tên của tế đàn), và sử dụng đại lễ tam sinh (tam sinh gồm dê, lợn, trâu) để tế tự Bạch Đế” (Sử ký – Phong Thiện thư).

Vào năm Văn Công thứ 19, ông giành được “Trần Bảo”, trong Phong Thiện thư có ghi như sau: “Chín năm sau khi xây dựng Phu Chỉ (nay là thuộc huyện Phú, Diên An tỉnh Thiểm Tây), Tần Văn Công lấy được một vật giống như một tảng đá, đem vào tế tự trong thành Ấp, Sơn Bắc, Trần Thương. Thần phách của nó có khi cả năm cũng không đến, có lúc trong vòng một năm lại đến mấy lần, khi đến thường đến vào ban đêm, có ánh sáng như Sao Băng, từ hướng Đông Nam tụ hội tại thành miếu, giống như con gà trống, tiếng kêu thảm thiết vang vọng, thu hút chim trĩ và gà rừng cũng kêu theo. Khi tế tự thường lấy đầu một con vật làm lễ, từ đó nó được đặt tên là Trần Bảo”.

Theo ghi chép của Phong Thiện thư, “hòn đá này chất liệu như đá, hình dạng giống như lá phổi”, cho nên cũng gọi tên là “Ngọc kê” hoặc “Thạch kê”. Vì vậy Trần Bảo từ (từ đường) này cũng được gọi là “Bảo kê thần từ”. Ngày nay ở tỉnh Thiểm Tây có thành phố tên là Bảo Kê, cái tên đó là bắt nguồn từ câu chuyện này. Người nào giành được Trần Bảo sẽ có đại nghiệp làm bá chủ. “Ngoài ra, khi Tần Văn Công đi săn bắn đã săn được một con rồng đen, là điềm tượng trưng cho Thủy đức”, điều này cũng tiết lộ rằng nhà Tần ứng với “Thủy đức” sẽ thay thế cho “Hỏa” của nhà Chu (Sử ký – Phong Thiện thư).

Vào năm Tần Hiến Công thứ 11 (năm 374 TCN), Hiến Công gặp Chu Liệt Vương và Thái Sử Đảm. Thái Sử Đảm nói với Hiến Công: “Quan hệ giữa nhà Chu với nước Tần lúc ly lúc hợp, ly 500 năm rồi lại hợp, khi hợp được 17 năm thì sẽ xuất hiện Bá Vương”. Lời truyền rằng nước Tần sẽ xuất hiện Bá Vương và người Tần sẽ thống nhất thiên hạ từ đó được bí mật lưu truyền trong các tự vương (tự vương tức vị vua nối ngôi) của nhà Tần. Ý Trời đã như vậy rồi, sức người khó có thể kháng lại. Tần Thủy Hoàng ứng với vận mệnh đó mà ra đời, thành tựu đại nghiệp kinh thiên thống nhất giang sơn và kiến lập nên một hoàng triều đại thống nhất đầu tiên của Trung Quốc.

Tần Thủy Hoàng xuất sinh đã phải trải qua nhiều gian nan trắc trở, cuối cùng mới trở về nước Tần. Ngài lên ngôi lúc 13 tuổi. “Năm mười ba tuổi, Trang Tương Vương chết, Doanh Chính kế vị làm Tần Vương. Lúc ấy, nhà Tần đã chiếm lĩnh đất Ba, Thục, Hán Trung, vượt qua đất Uyển và đất Dĩnh, lập ra Nam quận; phía Bắc thôn tính vùng đất từ Thượng quận kéo dài đến phía Đông, chiếm các quận Hà Đông, Thái Nguyên, Thượng Đảng; phía Đông đến Huỳnh Dương, diệt nhị Chu (là Đông Chu và Tây Chu), lập ra quận Tam Xuyên. Lã Bất Vi được phong làm Tướng quốc, cấp cho mười vạn hộ, hiệu là Văn Tín Hầu. Tần Thủy Hoàng ra sức chiêu mời tân khách du sĩ, muốn dựa vào những người này để thôn tính thiên hạ. Lý Tư làm Xá nhân, Mông Ngao, Vương Ỷ (còn gọi là Vương Hột), Biều Công làm tướng quân. Tần Vương tuổi còn nhỏ, lúc đầu mới lên ngôi thì việc nước đều giao cho đại thần xử lý” (Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ).

Trong chín năm trước khi Tần Thủy Hoàng tự mình chấp chính này, bởi vì tuổi còn quá nhỏ, việc quốc gia đại sự quan trọng đều do Tướng quốc Lã Bất Vi chủ trì.

Lã Bất Vi tổng hợp các tư tưởng và ngôn luận của Bách gia làm thành Lã Thị Xuân Thu. Khi Tần Thủy Hoàng trưởng thành, bắt đầu tự mình chấp chính, Lã Bất Vi bởi vì đã cùng Lao Ái, Triệu Thái hậu làm ra nhiều chuyện xấu xa ô uế, nhiễu loạn hậu cung, cuối cùng sợ tội nên đã tự sát.

Năm 238 TCN, Tần Thủy Hoàng lúc đó đã 22 tuổi, làm lễ trưởng thành tại cố đô Ung Thành, đăng cơ chính thức tự mình chấp chính. “Năm thứ năm, tướng quân Mông Ngao công đánh nước Ngụy, chiếm các vùng Toan Táo, Yên, Hư, Trường Bình, Ung Khâu, Sơn Dương, chiếm được 20 thành đặt ra Đông quận, Đông lôi. Năm thứ sáu, các nước Hàn, Ngụy, Triệu, Vệ, Sở liên thủ đánh Tần, đánh chiếm Thọ Lăng. Quân Tần xuất binh, năm nước liền bãi binh rút lui. Quân Tần đánh nước Vệ, tiến sát đến Đông quận, quân chủ nước Vệ là Giác dẫn bộ thuộc chạy về Dã Vương, nhờ thế núi hiểm trở mà giữ được vùng Hà Nội của nước Ngụy. Năm thứ bảy, Sao Chổi xuất hiện, đầu tiên ở phương Đông, và sau đó xuất hiện ở phương Bắc, đến tháng năm thì xuất hiện ở phương Tây. Tướng quân Mông Ngao chết. Quân Tần công chiếm các vùng Long, Cô, Khánh Đô, sau lại điều quân quay về đánh huyện Cấp. Sao Chổi lại xuất hiện ở phương Tây 16 ngày. Hạ Thái hậu qua đời. Năm thứ tám, em trai Tần Vương Trường An Quân Thành Kiểu dẫn quân tập kích nước Triệu, làm phản, chết ở Đồn Lưu, tướng quân dưới trướng đều bị xử chết, bách tính toàn vùng bị đày tới Lâm Thao (Cam Túc ngày nay)” (Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ). Tần Thủy Hoàng trong vòng 10 năm, trong đó có một năm tự mình chấp chính, ông đã nhanh chóng quyết đoán xử lý nội loạn.

Tần Thủy Hoàng tăng tốc từng bước tiêu diệt sáu nước, không cho các quốc gia cơ hội liên hợp hành động, khiến kế sách “hợp tung” đã bị phá sản triệt để. Tóm gọn chiến lược tiêu diệt sáu nước của Tần Thủy Hoàng là công phá các nước từ gần đến xa, tập trung lực lượng, công đánh từng nước một; trước tiên phía Bắc thôn tính nước Triệu, ở giữa thì đoạt lấy nước Ngụy, phía Nam lấy Hàn (chú thích: Triệu, Ngụy, Hàn là ba nước tách ra từ nước Tấn, ba nước này hình thành một vành đai chắn mặt Đông của nước Tần), rồi sau cùng mới tiến đến lấy luôn các nước Yên, Sở, Tề.

Tần Thủy Hoàng chọn lựa mục tiêu đầu tiên để đánh là nước Triệu. Lúc ấy, nước Triệu có thực lực mạnh nhất trong sáu nước, là chướng ngại lớn nhất trên con đường Đại Tần nhất thống giang sơn. Tuy nhiên thời điểm đó nước Triệu có được hai danh tướng Lý Mục, Bàng Noãn, nên quân Tần nhiều lần tiến công nước Triệu nhưng đều bị quân nước Triệu đánh lui. Đồng thời với việc dùng quân chủ lực tiến công nước Triệu, thì nước Tần cũng dùng sách lược xé nhỏ làm suy yếu nước Hàn. Năm 231 TCN, “Giả thủ” (tức quyền quận thủ) Đằng của quận Nam Dương nước Hàn dâng cho nước Tần quận Nam Dương. Tần Thủy Hoàng phong cho Đằng làm Nội sử, sau đó lại phái Đằng công chiếm nước Hàn. Tần Thủy Hoàng năm thứ 17 (năm 230 TCN) bắt sống được Hàn Vương An. Nước Hàn diệt vong.

Tần Thủy Hoàng năm thứ 18 (năm 229 TCN), sai Đại tướng Vương Tiễn dẫn quân tiến công nước Triệu. Nước Triệu phái Lý Mục, Tư Mã Thượng dẫn binh kháng chống, hai bên cầm cự lẫn nhau gần một năm. Sau đó Triệu Vương tin lời sàm tấu, phái người thay thế Lý Mục sau đó xử tử Lý Mục, đồng thời cũng giết chết Tư Mã Thượng. Từ đó về sau, quân Tần như vào chỗ không người. Tần Thủy Hoàng năm thứ 19 (năm 228 TCN), quân Tần công phá Hàm Đan. Triệu Vương dâng bản đồ nước Triệu đầu hàng quân Tần. Nhưng công tử Gia lại chạy tới quận Đại (nay thuộc huyện Uý tỉnh Hà Bắc), lợi dụng tên tuổi của Lý Mục để thu phục lòng người, tự lập làm vương. Sau này, Tần Thủy Hoàng năm thứ 25 (năm 222 TCN), quân Tần khi tiêu diệt nước Yên, trở về tấn công đất Đại bắt được Gia. Đến đây, Tần đã thống nhất được phương Bắc.

Chân dung Vương Tiễn. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Tần Thủy Hoàng năm thứ 16 (năm 231 TCN), đứng trước uy lực lớn mạnh của nước Tần, Ngụy Cảnh Mân Vương nước Ngụy đã chủ động cắt ấp Lệ cho Tần để cầu hoãn binh. Lúc này, Tần Thủy Hoàng đang bận rộn với việc diệt nước Triệu, nên không phân tán binh lực, liền tiếp nhận đất hiến của nước Ngụy. Vì vậy, nước Ngụy có thể kéo dài hơi tàn thêm mấy năm nữa.

Tần Thủy Hoàng năm thứ 22 (năm 225 TCN), quân chủ lực Tần quay xuống phương Nam tấn công nước Sở, Tần Thủy Hoàng phái Vương Bôn (có nơi chép là Vương Bí) dẫn quân bao vây kinh đô Đại Lương của nước Ngụy (nay thuộc Khai Phong Hà Nam). Quân Ngụy đóng chặt cửa thành, thủ vững không ra, quân Tần công mãi vẫn không hạ được thành. Lúc này, nước Tề thì lại án binh bất động, nước Ngụy bị cô lập không ai chi viện. Vương Bôn thấy mưa to không ngớt nhiều ngày bèn dẫn nước sông Hoàng Hà và sông Biện để công thành. Liền ra lệnh cho quân Tần đào thành kênh, dẫn nước của hai con sông chảy thẳng vào thành Đại Lương. Thành Đại Lương đều bị nước ngập lụt, lúc ấy Ngụy Vương Giả đành phải đầu hàng, nước Ngụy từ đây cũng bị diệt vong.

Nước Sở ở phương Nam có lãnh thổ rộng lớn, sản vật phong phú, giáp sĩ có trăm vạn, nhưng bên trong thì nội loạn không ngừng, quân vương đại thần tranh quyền đoạt lợi, đấu đá lẫn nhau. Tần Thủy Hoàng năm thứ 19 (tức năm 228 TCN), Sở U Vương chết. Em trai cùng mẹ với U Vương là Do kế vị, hiệu là Ai Vương, nhưng chỉ tại vị được hai tháng, sau đó bị người anh trai khác mẹ tên là Phụ Sô giết chết. Phụ Sô trở thành Sở Vương. Phụ Sô lên ngôi được ba năm, tức Tần Thủy Hoàng năm thứ 21 (năm 226 TCN), Tần Thủy Hoàng nghe theo vị tướng trẻ Lý Tín, phái Lý Tín xuất lĩnh 20 vạn quân theo hướng Nam tấn công nước Sở. Lý Tín vì cao ngạo tự phụ, nên bị Hạng Yên và Khuất Định của Sở đánh bại. Lúc này Tần Thủy Hoàng thân giá đi gặp lão tướng Vương Tiễn, thuyết phục được Vương Tiễn dẫn 60 vạn quân Tần tấn công nước Sở.

Sau khi tiến vào được đất Sở, Vương Tiễn đã thủ thế xây đắp quân doanh kiên cố, không xuất binh giao chiến, làm quân Sở lơ là cảnh giác, lấy nhàn đánh mệt mỏi. Sau mấy năm cầm cự, quân Tần đã quen thuộc thủy thổ ở đất Sở, sĩ khí của binh lính lên cao, thể lực sung mãn, ai nấy đều bừng bừng khí thế quyết thư hùng với quân Sở. Trong khi đó, quân Sở của Hạng Yên sĩ khí suy hao, cho rằng quân Tần e sợ chiến đấu, lão tướng Vương Tiễn thì già rồi, chỉ cầu mong tự bảo vệ lấy bản thân; cộng thêm lương thảo thiếu thốn, vì thế đã lui binh về phía Đông. Vương Tiễn nhân đó hạ lệnh toàn quân xuất kích. Quân Tần anh dũng thiện chiến chiếm ưu thế, liên tiếp chiến thắng, một đòn phá tan quân chủ lực nước Sở, sau đó thừa cơ truy kích, giết chết thống soái quân Sở là Hạng Yên, bắt Sở Vương Phụ Sô làm tù binh. Đến đây, nước Sở diệt vong, lúc đó là năm Tần Thủy Hoàng thứ 24 (tức năm 223 TCN).

Khi đại quân của Vương Tiễn đến Tích Sơn (nay là Vô Tích), lúc toàn quân dừng lại thổi cơm thì đào được một bia cổ, trên đó viết rằng: “Hữu tích binh, thiên hạ tranh, vô tích ninh, thiên hạ thanh” (nghĩa là: Có thiếc thì nổi đao binh, thiên hạ hỗn loạn phân tranh, không có thiếc thì yên định, thiên hạ thanh bình). Hỏi dân địa phương nơi đó thì biết được, núi này bắt đầu từ thời Chu Bình Vương sản xuất chì thiếc phát triển, vì thế mà lấy tên là Tích Sơn; nhưng gần đây sản lượng ít dần, cũng không biết tấm bia này là người nào tạo ra. Vương Tiễn cảm thán nói: “Tấm bia này đã hiển lộ, thiên hạ từ đây dần dần sẽ thanh bình vậy. Đó phải chăng là cổ nhân đã biết được định số này rồi, nên chôn tầm bia này để cảnh tỉnh hậu nhân hay sao? Sau này địa danh nơi đây đặt tên là Vô Tích”. Tên huyện Vô Tích ngày nay chính là bắt nguồn từ đây. Việc nước Tần nhất thống thiên hạ, từ sớm đã được Trời định rồi.

Trong quá trình diệt nước Triệu, quân Tần cũng đã tiến quân nằm sát biên giới nước Yên. Yên Vương Hỷ lo sợ không dứt, bồn chồn từ sáng đến tối. Thái tử Đan nước Yên theo sự tiến cử của Điền Quang, sai Kinh Kha mạo hiểm đi ám sát Tần Vương, đó chính là sự kiện Kinh Kha thích sát Tần Vương xảy ra vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 20 (tức năm 227 TCN). Hành động ám sát thất bại. Tần Thủy Hoàng năm thứ 22 (tức năm 225 TCN), Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho hai cha con Vương Tiễn, Vương Bôn tiến quân đánh hạ kinh đô Kế của nước Yên (nay là Bắc Kinh), Yên Vương Hỷ đã cùng Thái tử Đan bỏ chạy sang Liêu Đông. Tướng quân Lý Tín xuất lĩnh mấy ngàn quân Tần truy đuổi Thái tử Đan đến sông Diễn Thủy. Thái tử Đan nhờ biết lặn xuống nước ẩn núp nên may mắn thoát chết. Sau đó, Yên Vương Hỷ cho người giết chết Thái tử Đan dâng thủ cấp cho nước Tần để cầu được hòa hoãn bãi chiến, giữ cho nước Yên không bị diệt vong.

Sau khi Yên Vương Hỷ chạy trốn tới Liêu Đông, quân chủ lực của Tần tạm thời điều chỉnh tiến quân về phía Nam tấn công nước Sở. Tần Thủy Hoàng năm thứ 25 (tức năm 222 TCN), Vương Bôn phụng mệnh thảo phạt các thế lực tàn dư của nước Yên tại Liêu Đông, bắt được Yên Vương Hỷ, nước Yên triệt để diệt vong. Cùng trong năm đó, sau khi tiêu diệt đại quân nước Sở ở phương Nam, quân Tần thừa thắng mà hàng phục được vua nước Việt, đặt làm quận Cối Kê. Toàn bộ lưu vực sông Trường Giang sáp nhập vào bản đồ nước Tần.

Thủy Hoàng Đế năm thứ 26 (tức năm 221 TCN), Tần Thủy Hoàng lệnh Vương Bôn tiến quân từ Yên về phía Nam đánh nước ở cực Đông và cũng là nước cuối cùng trong sáu nước là Tề. Từ thời Xuân Thu đến giữa thời Chiến Quốc, nước Tề là một nước rất mạnh trong các nước ở Sơn Đông. Nhưng từ năm 284 TCN, khi năm nước Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Sở cùng tấn công nước Tề, nhất là khi tướng quân Nhạc Nghị nước Yên càn quét qua nước Tề, khiến nước Tề thời điểm đó suýt nữa diệt vong, từ đó về sau, nước Tề vẫn luôn không khôi phục được sức mạnh vốn có ban đầu nữa. Tề Vương Kiến khi đó không có tài năng xoay chuyển tình thế. Khi Vương Bôn xuống phía Nam đánh Tề, thế như chẻ tre, tiến quân thần tốc đến thành Lâm Truy, Tề Vương Kiến và Thừa tướng Hậu Thắng lập tức đầu hàng quân Tần, nước Tề diệt vong. Đến đây thì nước Tần hoàn thành bước cuối cùng của việc san bằng quần hùng, thống nhất sáu nước.

Trong mấy chục năm chinh chiến bình định sáu nước, hoàn thành bá nghiệp nhất thống thiên hạ, hoàn toàn không thấy có bất cứ ghi chép nào về việc Tần Thủy Hoàng chôn sống binh lính hay tàn sát dân lành, cho thấy ông quả thật là một trong những vị vua nhân từ nhất lịch sử Trung Quốc. Các nhà viết sử và văn nhân đời sau nhiều người mang việc Tần Thủy Hoàng quét sạch sáu nước miêu tả thành “bạo”; những hậu duệ của sáu nước vì ôm mối hận vong quốc, không nhớ tới ơn Tần Thủy Hoàng nhân từ tha cho mạng sống, mà ngược lại đã chụp lên cái mũ “tàn bạo” cho Tần Thủy Hoàng. Đó hoàn toàn không phải là những điều chân thực về Tần Thủy Hoàng! Nếu đúng Tần Thủy Hoàng “tàn bạo” như thế, thì chắc hẳn hậu duệ của sáu nước sớm đã bị đuổi tận giết tuyệt rồi.

Bắt đầu từ khi tự mình chấp chính năm 22 tuổi, đến năm 39 tuổi xuất binh đánh bại nước Tề ở Sơn Đông, hoàn thành đại nghiệp lịch sử thống nhất Trung Quốc, trong đoạn thời gian ngắn ngủi 17 năm này, Tần Thủy Hoàng đã nhanh chóng kết thúc cục diện chư hầu hỗn chiến kéo dài mấy trăm năm của thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc; đồng thời đã nắm bắt thời cơ chế định và ban bố một loạt pháp lệnh và thi hành những điều có lợi cho thống nhất thiên hạ, xây dựng và hoàn thiện hoàng triều thống nhất đầu tiên của lịch sử Trung Quốc. Khí phách của ông không có Đế Vương nào so sánh được. Bằng sự quyết đoán và đảm lược mà tiền nhân chưa từng có, với sự táo bạo dứt khoát, hợp thiên thời, thuận lòng người, ông đã tạo ra nền thái bình cho bách tính.

3. Xét người dựa trên hiền tài, tin tưởng người không nghi ngờ

Tần Thủy Hoàng dám sử dụng và tinh tường trong nhìn nhận nhân tài, cả đời ông cực kỳ coi trọng và trọng dụng nhân tài. Ông có mắt nhìn nhận nhân tài, đảm lượng, kiến thức và tấm lòng rộng rãi phi thường, hơn nữa, một khi đã dùng thì tuyệt đối tín nhiệm họ, trước sau vẹn toàn; ông rất chân thành khoan dung đối đãi với người khác, vượt xa so với các bậc đế vương thông thường.

Tần Thủy Hoàng năm thứ 10 (tức năm 237 TCN), khi mưu kế phái nhà thủy lợi người nước Hàn tên Trịnh Quốc đến nước Tần để mượn việc xây dựng công trình thủy lợi làm tổn thất tài lực nhân lực nước Tần của Hàn Vương bị bại lộ, nhân việc đó các đại thần và tôn thất của nước Tần kiến nghị lên Tần Thủy Hoàng nên trục xuất các “khách khanh” các nước đang làm mưu sĩ tại nước Tần, Tần Thủy Hoàng liền ban bố “lệnh trục khách”, lệnh cho tất cả các “khách khanh” đang nhậm chức tại nước Tần trong một thời hạn nhất định phải rời khỏi nước Tần.

Lúc đó, Lý Tư trên đường rời khỏi nước Tần có viết một bản “Gián trục khách thư” dâng lên Tần Thủy Hoàng, trong đó nêu rõ những cống hiến của các “khách khanh” cho nước Tần, tính trọng yếu của việc giữ lại các “khách khanh” cũng như phân tích những hậu quả của việc “trục khách”. Tần Thủy Hoàng sau khi đọc xong thư can gián của Lý Tư, lập tức thu hồi “lệnh trục khách”, đồng thời khôi phục lại chức vụ cho các “khách khanh”, cho họ trở lại nước Tần nhậm chức. Không lâu sau đó còn bổ nhiệm Lý Tư làm Đình Úy. Được can gián bởi Lý Tư và Trịnh Quốc, Tần Thủy Hoàng đã cân nhắc lợi hại, lập tức tiếp nhận kiến nghị của họ, đặc xá cho kẻ chủ mưu kế bào mòn nước Tần là Trịnh Quốc, đồng thời còn để Trịnh Quốc tiếp tục chủ trì công trình thủy lợi mà Trịnh Quốc đang làm dang dở, dùng thời gian gần 10 năm, cuối cùng cũng hoàn thành công trình “Trịnh Quốc Cự”, đó cũng là công trình thủy lợi lớn thứ hai của nước Tần thời điểm đó.

Đạo dùng người của Tần Thủy Hoàng là xét người dựa trên hiền tài, không phân biên giới hay quốc gia. Vì để có được nhà mưu lược quân sự trứ danh đang làm tướng quân tại nước Ngụy là Úy Liễu, Tần Thủy Hoàng liền cử Lý Tư đến nước Ngụy, cuối cùng đã thuyết phục Uý Liễu về với nước Tần, sau này trở thành một trong những mưu sĩ quan trọng trên con đường Đông chinh sáu nước của Tần Thủy Hoàng. Có người truyền sách của công tử nước Hàn là Hàn Phi tới nước Tần, Tần Thủy Hoàng thấy Cô phẫnNgũ đố của Hàn Phi Tử, tán thán nói: “Ôi! Quả nhân có thể gặp và kết giao với người này, thì thực có chết cũng không hối tiếc!” Sau đó, Tần Thủy Hoàng nghĩ trăm phương ngàn kế nghênh đón Hàn Phi Tử về với Tần quốc.

Trong trận chiến diệt nước Sở, Tần Thủy Hoàng đã thành công trong việc mời đại tướng quân Vương Tiễn đang ở nhà cáo bệnh tái xuất, và phong Vương Tiễn làm đại thống soái đại quân nước Tần tiêu diệt nước Sở. Sau đó nước Tần đã giành chiến thắng trong cuộc chinh phục này.

Có một ngục lại ở huyện tên là Trình Mạc, vì phạm pháp nên bị bắt tống giam vào ngục, ở trong ngục Trình Mạc đã nghiên cứu cải cách văn tự, ông đem các nét “uốn tròn” của chữ Tiểu triện mà Lý Tư sáng chế đổi thành “gập vuông”, giản lược các phần phức tạp, trải qua 10 năm cố gắng, cuối cùng tạo thành một loại thể chữ mới, tức thể chữ Lệ thư. Sau đó có người đem những chữ này thượng tấu lên Tần Thủy Hoàng, sau khi xem xong Tần Thủy Hoàng cho rằng thể chữ này rất thực dụng, liền đặc xá và trọng dụng Trình Mạc, cho ông tiếp tục làm việc sửa chữ trong Ngự Sử Tự.

Tần Thủy Hoàng đã tập hợp được một nhóm “khách khanh” đông đảo ở bên cạnh mình, trong đó bao gồm: Thừa tướng Lý Tư (đến từ nước Sở), quân sự gia Úy Liễu (đến từ nước Ngụy), tướng quân Triệu Đà (đến từ nước Triệu), Thượng Khanh Cam La (là cháu của Cam Mậu, Cam Mậu đến từ nước Tề), tướng quân Mông Vũ và hai con trai là Mông Điền, Mông Nghị (Mông Vũ là con của lão tướng nước Tần – Mông Ngao, Mông Ngao đến từ nước Tề), chuyên gia thuỷ lợi Trịnh Quốc (đến từ nước Hàn), nhà lý luận về quyền mưu của đế vương là Hàn Phi (đến từ nước Hàn), khách khanh Mao Tiêu (đến từ nước Tề)… Những “khách khanh” này đều là những bậc trọng thần thống nhất giang sơn và trị lý quốc gia của Tần Thủy Hoàng.

Tần Thủy Hoàng đối đãi với người khác cực kì tôn trọng, đối nhân xử thế khéo léo khôn ngoan, thấu tình đạt lý. Vì để có được Úy Liễu, Tần Thủy Hoàng không tiếc tôn nghiêm của bậc đế vương, mà “dùng lễ tiết bình đẳng”, “y phục, ăn uống đều giống với Úy Liễu” (Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ). Mặc dù Úy Liễu nhiều lần nhận xét mạo phạm với Tần Thủy Hoàng, nhưng Tần Thủy Hoàng cũng vờ như không nghe thấy, vẫn tiếp tục yên tâm trọng dụng y.

Trịnh Quốc tuy là mật thám của kẻ địch, Tần Thủy Hoàng chẳng những không giết ông, ngược lại còn trọng dụng, để ông ta chủ trì hoàn thành công trình thuỷ lợi nổi tiếng Trịnh Quốc Cự, gia tăng thực lực kinh tế cho nước Tần. Khi Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng thất bại, trợ thủ Cao Tiệm Ly của Kinh Kha đã chạy trốn vào trong dân gian, Tần Thủy Hoàng yêu quý âm nhạc tài hoa của y, bèn ra lệnh y làm nhạc sư của triều đình.

Đặc điểm lớn nhất trong việc dùng người của Tần Thủy Hoàng là buông tay, đã dùng người thì không nghi ngờ họ, không can dự, cho tướng quân, thừa tướng quyền tự quyết định cực lớn. Ông đã đem 20 vạn đại quân giao cho Lý Tín, đem 60 vạn đại quân giao cho Vương Tiễn, đem 30 vạn đại quân giao cho Mông Điềm. Ông không tạo ra những chướng ngại để hạn chế quyền lực của họ, cũng không can dự quá trình chỉ huy tác chiến của các tướng quân. Lý Tín trẻ tuổi hăng hái, dẫn 20 vạn đại quân tấn công nước Sở, tuy bị thất bại, nhưng Tần Thủy Hoàng không truy cứu trách nhiệm, mà vẫn tiếp tục tín nhiệm Lý Tín, cho cùng tướng quân Vương Bôn tấn công nước Yên, nhờ đó mà lập được công lao bắt được vua nước Yên.

Sau khi nhất thống giang sơn, Tần Thủy Hoàng tiếp tục ủy thác trách nhiệm đối với các công thần, vẫn đối xử trước sau như một với các nhân vật trọng yếu như Lý Tư, Vương Tiễn, Mông Điềm và các công thần khác, quan hệ tương đối hòa ái và thân mật. Điển hình nhất là mối quan hệ quân thần có thủy có chung kéo dài 30 năm giữa Tần Thủy Hoàng với Lý Tư.

(Còn tiếp)



Ngày đăng: 09-12-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.