Giải thích Chu Dịch, Bát Quái và chữ viết Thần truyền (3): Đại Tượng vô hình



Tác giả: Đạo Sinh

[ChanhKien.org]

Đặc điểm của văn hóa truyền thống Trung Hoa, ngoài lý niệm “Thiên nhân hợp nhất”, còn có một khái niệm quan trọng khác, đó là “Tượng”. Hiểu được khái niệm này có tác dụng vô cùng quan trọng đối với việc lý giải và học tập văn hóa Trung Hoa, vì vậy nền tảng này phải được vun bồi cho tốt.

Nghĩa gốc của “Tượng” là chỉ con voi, loại sinh vật to lớn. Voi là loài động vật lớn nhất mà con người biết đến trên cạn, vì vậy mượn khái niệm này để chỉ loại lớn nhất trong vạn sự vạn vật.

Trong “Chu Dịch – Hệ Từ” nói: “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân” (tùy mỗi việc mà nhóm bằng loại, tùy mỗi vật mà phân theo bầy).

Chúng ta thường phân loại những thứ xung quanh mình, như vậy để nhìn thoáng qua sẽ thấy hiểu ngay, trật tự rõ ràng, từ đó khiến con người có thể phát hiện ra quy luật của vạn vật trong tự nhiên, đây cũng là một phương thức quan trọng để con người nhận biết được thế giới tự nhiên. Chúng ta thường phân loại những sự vật có đặc tính giống hoặc tương tự nhau quy thành một loại để phân biệt, được gọi là cùng một loại, đây là cách phân loại bề ngoài của chúng ta trên thế gian. Nếu ở tầng thứ cao, quy luật và đạo lý đối với vạn sự vạn vật được tiến hành khái quát và tinh luyện ở mức độ cao, còn những thứ có thuộc tính tương tự ở tầng thâm sâu thì xếp thành một loại lớn, đây chính là “Tượng”. “Tượng” lớn hơn nhiều so với khái niệm “loại” ở thế gian.

Ví dụ chứng minh:

Trung y có một nguyên lý quan trọng được gọi là “tạng tượng học”, nói một cách đơn giản, đó là sự tương ứng giữa tất cả các bộ phận cấu tạo của cơ thể con người với lục phủ ngũ tạng, sử dụng những sự đối ứng này để chẩn đoán và điều trị bệnh.

Trong “Hoàng Đế Nội Kinh” nói: Tim thông với lưỡi, lá lách thông với miệng, phổi thông với mũi, gan thông với mắt, thận thông với tai. Nghĩa là tim và lưỡi đối ứng, là một Tượng, lá lách và miệng thuộc về một Tượng, phổi và mũi thuộc về một Tượng… thông qua cách quan sát những tình huống bất thường của ngũ quan, người ta có thể hiểu được sự biến đổi bệnh lý tồn tại ở tim, gan, lá lách, phổi và thận.

Lục phủ ngũ tạng được giấu trong cơ thể và không thể nhìn thấy, vì vậy Trung y sử dụng các bộ phận khác của cơ thể con người ứng với lục phủ ngũ tạng để hiểu trạng thái của lục phủ ngũ tạng. Đồng thời chúng cũng đối ứng với âm dương ngũ hành, với dược tính của thảo dược, với kinh lạc huyệt vị, với ngũ vị và ngũ âm, với ngũ sắc và ngũ tình, v.v. những thứ đối ứng này đưa chúng xuyên suốt vào một chỉnh thể ở tầng thâm sâu, hình thành một Tượng, sau đó thông qua Tượng để chữa trị và chẩn đoán bệnh.

Ví dụ: gan đối ứng với mắt, đối ứng với quan mạch của tay trái, đối ứng với túi mật, đối ứng với kinh gan, đối ứng với gân mạch, đối ứng với giờ sửu, đối ứng với mộc trong ngũ hành, đối ứng với giáp và ất trong thiên can, đối ứng với Tuế tinh trong tinh tượng, đối ứng với mùa xuân, đối ứng với phương Đông, đối ứng với âm giác trong ngũ âm, đối ứng với mùi khai trong ngũ khứu, đối ứng với vị chua trong ngũ vị, đối ứng với nộ trong ngũ tình, đối ứng với màu xanh lam trong ngũ sắc…..

Gan, mắt, quan mạch, túi mật, kinh mạch gan, gân mạch, giờ sửu, mộc, Tuế tinh, mùa xuân, phương Đông, giác âm, mùi khai, vị chua, tức giận, màu xanh lam… Những thứ này tưởng chừng như hoàn toàn không liên quan và khác loại nhưng lại đối ứng với nhau tại tầng thâm sâu, chúng thuộc về một Tượng. Trung y chẩn đoán và điều trị thông qua Tượng, hoặc căn cứ vào mối quan hệ giữa các Tượng.

Ví dụ, có thể chẩn đoán tình trạng của gan thông qua quan mạch ở tay trái, từ những thay đổi của mắt hoặc thị lực có thể biết được bệnh của tạng gan. Bệnh gan có thể dẫn đến các triệu chứng như đau lưng, chuột rút do suy gân mạch, tức giận sẽ làm tổn thương gan, mùa xuân thích hợp để dưỡng gan, màu xanh lam có lợi cho việc chữa bệnh gan, đồ ăn chua có thể điều hòa gan, điều dưỡng kinh túc quyết âm can có thể điều trị các bệnh về gan, nghỉ ngơi tốt vào giờ sửu sẽ có lợi cho gan… Đây chính là thông qua Tượng, dùng một vật để biết vạn vật, dùng một vật để ứng phó vạn vật, dùng một vật mà tác động đến vạn vật.

Vạn sự vạn trên thế gian nhìn bề ngoài dường như hoàn toàn không liên quan với nhau, nhưng đều có những mối liên hệ tiềm ẩn ở tầng thâm sâu mà con người nhìn không thấy, bởi vì con người không có trí huệ này nên nhìn không thấy được những đại Tượng này. Những liên hệ nhìn không thấy này ở tầng thâm sâu lại được quy về những Tượng khác nhau, thông qua các Tượng có thể khiến thiên nhiên, vũ trụ, con người cho đến vạn sự vạn vật có thể cảm ứng cộng hưởng với nhau ở tầng thâm sâu, tạo ra những hiệu ứng vô cùng kỳ diệu.

Trong “Chu Dịch – Hệ Từ Hạ” nói: “Vạn sự vạn vật trên đời, tuy rằng con đường đi trong quá trình là hoàn toàn khác nhau, nhưng cuối cùng đều quy về một xuất xứ, cùng một cội nguồn.”[1]

Đại Đạo là chí giản chí dị, tầng càng cao thì “Tượng” được tinh luyện ra càng đơn giản, đồng thời nội hàm càng lớn; tầng càng thấp thì “Tượng” được luyện ra càng phức tạp và nội hàm càng nhỏ. Đến tầng thứ thấp nhất của thế gian, chính là sự quy nạp và phân loại vạn sự vạn vật trên thế gian của con người.

Điều này tương tự như việc so sánh giữa văn bạch thoại và văn cổ: văn bạch thoại biểu đạt rất phức tạp, có thể mất hàng nghìn chữ để nói rõ một sự việc, nội hàm tương đối nông cạn; còn văn cổ rất ngắn gọn cô đọng, cùng sự việc đó có thể chỉ cần vài chục chữ là nói rõ được, nhưng nội hàm rất lớn nên không dễ lý giải, cần phải có trí huệ này thì mới được. Triển hiện ở tầng thứ cao của Tượng cũng giống như văn cổ, rất cô đọng, nhưng nội hàm và trí tuệ lại rất rộng lớn; phát triển xuống tầng thấp chính là giống như văn cổ dần dần được phiên dịch ra văn bạch thoại, càng ngày càng rắc rối và phức tạp, nhưng nội hàm và trí tuệ cũng ngày càng nhỏ lại. Đồng thời chúng nhất quán và đối ứng với nhau, bởi vì cùng thể hiện một tư tưởng và đạo lý, chỉ là cùng một đạo lý nhưng có cách triển hiện khác nhau ở các tầng thứ khác nhau. Ở cảnh giới nào thì có trí huệ ấy, và chỉ có thể nhận ra được sự triển hiện của Tượng trong cảnh giới ấy.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử có câu “Đại Tượng vô hình”. Khi “Loại” lớn đến một mức độ nhất định, vượt quá khỏi tầng thứ sở tại của sinh mệnh, nó sẽ trở nên “vô hình” và trở thành “Đại Tượng”. Mặc dù nó ở khắp mọi lúc và mọi nơi, nhưng không ai có thể nhận thấy được.

Giống như con ếch từ khi từ trứng nở ra đều sống trong giếng sâu, cả đời chưa bao giờ nhảy ra khỏi giếng nước, trong nhận thức của nó, giếng nước là cả thế giới, bầu trời chỉ to bằng cái miệng giếng. Mọi thứ bên ngoài miệng giếng đối với nó mà nói đều “vô hình” và không tồn tại.

Vì vậy chỉ có sinh mệnh có đại trí đại huệ, sau khi nhảy xuất ra khỏi tầng thứ của con người, mới có thể từ trong vũ trụ trời đất mà nhìn thấy được “Tượng”, khiến nó “hiện hình”, đây không phải là việc mà người bình thường có thể làm được. Khoảng hai vạn năm trước, Thánh nhân cổ đại Phục Hy thị do Thần giáng thế, ngẩng mặt quan sát thiên tượng, nhìn xuống xem địa hình, quan sát đường vằn của chim, thú và vạn vật, gần thì quan sát chính mình, xa thì lấy vạn vật, cuối cùng đã hiểu rõ được các quy luật ở tầng thứ cao của vũ trụ. Thế là ngay sau đó đem những lý lẽ và sự biến hóa phức tạp rối rắm của vạn sự vạn vật trong thế gian, tiến hành chắt lọc và khái quát ở tầng thứ cao, cuối cùng tạo thành tám Đại Tượng, vì vậy sáng lập ra Bát Quái để biểu thị Tượng, để câu thông với thiên địa Thần linh.

Việc sử dụng Tượng:

Từ một phương diện nào đó mà nói, “Tượng” là một trong những nền tảng kiến lập nên nền văn hóa Trung Hoa, các nhóm loại khác nhau đều đang sử dụng trí huệ của “Tượng”, khiến những nội hàm không thể triển hiện ra trên bề mặt ở nhân gian có thể triển hiện ra, tương thông tương ứng với các vị Thần linh và vũ trụ cao tầng vô cùng vô cực.

Văn hóa Trung Hoa có một đặc sắc quan trọng đó là mọi thứ đều chú ý đến “ý cảnh”, coi trọng “nội hàm”, chẳng hạn như sự hấp dẫn say mê của một điệu múa, ý tại ngôn ngoại của âm nhạc, cảnh bên ngoài bức tranh, ý tại ngôn ngoại của từ khúc thơ phú… Ý cảnh là cảnh giới sở tại của văn hóa Trung Hoa, là tiêu chuẩn quan trọng để đo lường cảnh giới của văn hóa Trung Hoa. Ý cảnh này cũng có thể được coi là sự vận dụng của Tượng, bởi vì ý cảnh không triển hiện trên bề mặt tại nhân gian, mà là nội hàm bên ngoài thế gian vạn vật, thông qua sự đối ứng và chiếu hình giữa các sự vật cụ thể trong thế gian mà biểu đạt ra tại tầng thâm sâu, đây chính là sự vận dụng đối với Tượng.

“Kinh Dịch – Hệ Từ Thượng” nói: “Văn tự không thể biểu đạt hết những lời trong lòng, ngôn ngữ cũng không thể biểu đạt hết tư tưởng và ý cảnh. Chẳng lẽ vì thế mà những tư tưởng khó dò và cao thâm của thánh nhân vì thế mà không thể biểu đạt được ra hay sao? Thánh nhân liền vì thế mà lập nên Tượng, dùng nó để thể hiện đầy đủ tư tưởng và ý cảnh của mình”. [2] Đây chính là luận thuật về tác dụng của “Tượng” trong “Kinh Dịch”, dùng để biểu đạt tư tưởng và ý cảnh mà không thể biểu đạt ra được trên bề mặt của nhân loại.

Một ví dụ khác là nhà thư pháp Trương Húc thời Đường đã xem những màn múa kiếm của Công Tôn Đại Nương mà ngộ ra con đường của thư pháp, khiến thư pháp của chính mình đạt được thăng hoa, đó cũng là cách vận dụng đối với Tượng. [3] Tượng có thể khiến cho giữa các nhóm loại khác nhau có thể từ một loại mà suy ra loại khác, cộng hưởng đối ứng với nhau, để đạt được ý nghĩa của nó và vượt ra ngoài hình thức của nó, đó là điều mà người xưa đã nói “đắc ý nhi vong hình”.

Đồng thời, các Tượng khác nhau trong cùng một tầng thứ lại có quan hệ chặt chẽ với nhau, ví dụ như giữa hai Tượng âm và dương có quan hệ tương sinh tương khắc, xuyên suốt thành một khối; giữa 64 Tượng trong Chu Dịch cũng ảnh hưởng lẫn nhau, dựa vào nhau mà tồn tại, cùng tạo thành một tổng thể. Vì vậy vạn sự vạn vật đều thông qua Tượng, hình thành một sự đối ứng toàn ảnh và cảm ứng cộng hưởng với nhau, xuyên suốt thành một chỉnh thể, đây chính là sự thể biểu đạt của tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”.

“Tượng” không thể chỉ một sự vật cụ thể nào đó, nhưng Tượng bao hàm vạn sự vạn vật, cái mà Tượng biểu đạt chính là sự đối ứng và mối liên hệ giữa vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Sự vật trong cùng một Tượng tại tầng thâm sâu là những thứ đối ứng nối liền thông suốt, có thể cảm ứng và cộng hưởng với nhau ở tầng thâm sâu, trở thành một hệ thống.

Có nhiều phương diện để sử dụng “Tượng”, những cách điển hình là: Một vật trong Tượng có thể được sử dụng để biểu đạt toàn bộ Tượng, khiến cho mọi vật cảm ứng lẫn nhau, vạn vật cộng hưởng, khiến cho nội hàm của toàn bộ Tượng thông qua sự cộng hưởng với sự vật cụ thể mà biểu đạt ra, chẳng hạn như biểu đạt của “ý cảnh” trong văn hóa Trung Hoa chính là như thế; cũng có thể dùng một sự vật trong Tượng để biết những sự vật khác, đạt đến từ một điểm có thể biết cả một diện, từ một chiếc lá rơi có thể biết cả mùa thu, từ một giọt nước mà biết được biển lớn; cũng có thể sử dụng một sự vật trong Tượng để tác động đến một sự vật khác, hoặc dùng một sợi tóc để tác động đến toàn bộ cơ thể… Nội hàm của Tượng là vô cùng vô tận, huyền diệu khôn lường, mỗi người chỉ có thể phải tự mình thể ngộ, điều này do trí huệ và cảnh giới của mỗi người quyết định.

Chú thích:

[1] Nguyên văn từ “Chu Dịch-Hệ Từ Hạ”

[2] Nguyên văn từ “Dịch Kinh-Hệ Từ Thượng”

[3] Nguyên văn từ “Tân Đường Thư-Trương Húc Truyện”

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/239726



Ngày đăng: 13-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.