Giải thích Chu Dịch, Bát Quái và chữ viết Thần truyền (1): Nguồn gốc của chữ Hán



Tác giả: Đạo Sinh

[ChanhKien.org]

1. Nguồn gốc của chữ Hán

“Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai,

Kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai.”

Dịch nghĩa:

Cổng trời rộng lớn từ xưa tới nay mới khai mở lần đầu tiên,

Bao nhiêu người tới nhân gian, bao nhiêu người có thể quay về.

(Thiệu Ung – “Mai Hoa Thi”)

Trung Hoa đại lục, từ xa xưa đã được gọi là Thần Châu, là nơi được các vị Thần quan tâm và diễn giải nền văn hóa thần truyền. Trong các truyền thuyết lịch sử cổ xưa mà tổ tiên Hoa Hạ truyền từ đời này sang đời khác, các vị Thần đã từng đến trái đất hóa thân thành các vị cổ Thánh tiên vương của dân tộc Hoa Hạ, chẳng hạn như Hữu Sào thị, Toại Nhân thị, Phục Hy thị, Nữ Oa thị, Thần Nông thị… đã dẫn dắt tổ tiên Hoa Hạ qua nhiều nền văn minh nhân loại, trải qua hết kiếp nạn này đến kiếp nạn khác, từ thời kỳ tiền sử xa xưa, đã tiến nhập vào nền văn minh năm nghìn năm lần này, trong những năm tháng dài đằng đẵng này, đã từng bước từng bước kiến lập nên thể hệ văn hóa Thần truyền của Trung Hoa. Vào thời điểm đó nhân thần đồng tại ở trên trái đất, thần tích đại hiển, rất nhiều truyền thuyết mỹ diệu đã được lưu lại cho ngày nay, đã cảm hóa các thế hệ con cháu Viêm Hoàng.

Văn hóa Thần truyền Trung Hoa là văn hóa truyền thống của Trung Quốc, nó bắt nguồn từ trí huệ của các vị Thần, nó tương thông cảm ứng qua lại với các vị Thần linh, có nội hàm bác đại thâm sâu và bí hiểm khó dò. Từ xưa đến nay có biết bao nhà hiền triết cổ đại đã đắm chìm trong đó, dốc hết một đời cũng không thể hiểu hết nội hàm của nó. Chữ Hán với tư cách là phương tiện chuyển tải và ghi chép lại văn hóa Thần truyền của Trung Hoa, đã xác định rằng nội hàm của chúng có thể đối ứng thông suốt với nhau, vì vậy nếu muốn tìm hiểu văn hóa Trung Hoa, trước tiên phải hiểu được chữ Hán, đây là nền tảng của văn hóa Trung Hoa, nếu không sẽ không cách nào hiểu được chân cảnh huyền diệu của văn hóa Trung Hoa. Bài viết này sẽ cùng mọi người ngao du trong vũ trụ ngôn từ, để tìm ra những thiên cơ và thần tích đang bị phủ bụi đằng sau những văn tự cổ xưa và thần bí nhất thế gian này.

Trước hết chúng ta hãy nói về sự ra đời của chữ Hán:

Trong các cuốn sách cổ như “Hàn Phi Tử”, “Lã Thị Xuân Thu”, “Hoài Nam Tử”, “Thuyết Văn Giải Tự” v.v. đều ghi lại rằng: “Thương Hiệt, Sử quan của Hoàng Đế, đã sáng tạo ra chữ viết của Trung Hoa”. Việc Thương Hiệt sáng tạo ra chữ viết về sau đã trở thành một sự thực được cổ kim công nhận.

Trong các sách cổ như “Hoài Nam Tử” và “Xuân Thu Nguyên Mệnh Bao” nói: “Khi Thương Hiệt tạo ra chữ, ngô từ trên trời rơi xuống và ma quỷ khóc trong đêm.”

Trong cuốn “Lịch Đại Danh Họa Ký” giải thích: “Thương Hiệt sáng tạo ra chữ viết, đã tiết lộ bí mật của trời đất, cho nên ngô từ trên trời rơi xuống; khiến yêu ma quỷ quái không cách nào tàng hình được cho nên ma quỷ khóc trong đêm.”

Xem ra nguồn gốc của các chữ Hán rất lớn, đó là thiên cơ và bí mật được các vị Thần linh tiết lộ cho nhân loại, vậy thiên cơ nào được ẩn giấu sau các chữ Hán? Xin vui lòng xem các luận thuật dưới đây.

Trước tiên chúng ta hãy xem Thương Hiệt tạo ra chữ viết như thế nào:

Những cuốn sách cổ như “Xuân Thu Nguyên Mệnh Bao” và “Lịch Đại Danh Họa Ký” nói: “Thương Hiệt bẩm sinh có bốn con mắt, ông ngửa mặt quan sát thiên tượng, nhìn xuống vạn vật trên trái đất, quan sát các hoa văn và dấu chân của chim và thú, từ đó tạo ra các chữ”.

Tác giả đã thử so sánh, và phát hiện rằng những ghi chép về việc Thương Hiệt tạo ra chữ viết rất giống với những ghi chép về việc Phục Hy thị tạo ra Bát Quái thời viễn cổ:

“Chu Dịch • Hệ Từ Hạ” ghi rằng: “Cổ thánh vương Phục Hi ngẩng đầu quan sát thiên tượng, nhìn xuống xem địa lý, quan sát những đường vằn của chim thú, quan sát chính mình ở khoảng cách gần, quan sát vạn vật ở khoảng cách xa, từ đó đã sáng tạo ra Bát Quái, dùng nó để câu thông với các vị thần và thể hiện các tình trạng của vạn vật trong trời đất”.

Nếu như đem những ghi chép này so sánh với nhau, thì không khó để phát hiện ra rằng giữa chữ Hán và Chu Dịch Bát Quái có một mối liên hệ đặc biệt nào đó, có nguồn gốc rất rộng lớn.

Trong “Luận Thư Biểu” của Giang Thức, một vị quan nổi tiếng thời Bắc Ngụy dâng lên Tuyên Vũ Đế, viết: “Thương Hiệt đã quan sát các Quẻ Tượng trong Bát Quái của Phục Hy, quan sát các hoa văn của con rùa thiêng thời Hoàng Đế và dấu vết của chim thú mà sáng tạo ra chữ viết”.

Trong ghi chép này nói rằng khi Thương Hiệt tạo ra chữ viết đã tham chiếu đến Bát Quái của Phục Hy. Chúng ta hãy xem thêm:

Trong “Dịch Thông Quái Nghiệm” nói: “Phục Hy thị đã tạo ra “Dịch”, thời đó không có chữ viết cho nên lấy Quẻ Tượng để ghi lại mọi sự vật.”

Hóa ra trước khi chữ viết được tạo ra, Chu Dịch Bát Quái là thứ được sử dụng thay thế chữ viết để ghi lại các sự việc, bản thân Chu Dịch Bát Quái đã có chức năng của chữ viết.

“Kinh dịch • Hệ Từ Hạ” nói: “Phục Hy thị buổi đầu tạo ra Bát Quái, dùng để câu thông với các vị Thần và thể hiện tình trạng của vạn vật trong trời đất”. Trong Kinh Dịch cũng nói, chức năng của Bát Quái là dùng để câu thông với các vị Thần trong trời đất và ghi chép, mô tả vạn sự vạn vật trên thế gian, nó hoàn toàn có chức năng của chữ viết.

“Kinh dịch • Hệ Từ Hạ” cũng nói: “Sau khi tạo thành Bát Quái, hai cái chồng lên nhau tạo thành sáu mươi tư Tượng và trở thành Dịch, vạn vật trên đời đều bao gồm trong đó, không gì bị bỏ sót”.

“Kinh Dịch • Hệ Từ Hạ” còn nói: “Chữ viết hoàn toàn không thể biểu đạt hết những lời trong lòng, và ngôn ngữ cũng không thể hoàn toàn biểu đạt hết tư tưởng và ý cảnh. Chẳng lẽ vì vậy mà những tư tưởng khôn lường cao thâm của thánh nhân không thể biểu đạt được sao? Do đó thánh nhân đã thiết lập sáu mươi tư Tượng để biểu đạt đầy đủ tư tưởng và ý cảnh”.

Từ đó có thể thấy rằng sáu mươi tư Tượng của Bát Quái có thể được sử dụng để biểu đạt tư tưởng và ngôn luận, có thể khởi tác dụng như chữ viết, thậm chí ở một số phương diện còn vượt qua cả chữ viết, có thể biểu đạt những nội hàm mà chữ viết không thể biểu đạt được.

Tóm lại, trước khi chữ viết được tạo ra, mọi thứ đã được ghi lại bằng sáu mươi tư Tượng của Bát Quái. Hơn nữa, chữ viết được tạo ra là phỏng theo các nguyên lý của Chu Dịch, cơ chế của chữ và Chu Dịch là tương thông với nhau.

Vì vậy trước khi hiểu rõ chữ Hán, trước tiên phải biết rõ về Chu Dịch Bát Quái, nếu không sẽ không hiểu rõ nội hàm thực sự của chữ Hán. Chu Dịch Bát Quái là một trong những cội nguồn của nền văn minh Trung Hoa, nó đã được truyền thừa từ thời kỳ văn minh tiền sử xa xưa từ thế hệ này sang thế hệ khác nối tiếp cho đến ngày nay, đã kiến lập và đặt định ra nền tảng rất quan trọng cho nền văn hóa Trung Hoa. Tất cả các loại dự báo học thần bí trong văn hóa Trung Hoa về cơ bản đều được phát triển trực tiếp trên cơ sở của Chu Dịch Bát Quái. Đồng thời nó cũng là một trong Ngũ Kinh của Nho gia, đặt viên đá nền tảng cho tư tưởng của Nho gia.

Văn hóa Trung Hoa cao thâm khó dò, Chu Dịch Bát Quái là một trong những phần khó hiểu nhất của văn hóa Trung Hoa, từ thời cổ đại thường được gọi là vô tự thiên thư (cuốn Thiên Thư không có chữ), hàng ngàn năm qua, rất ít người có thể hiểu được chân cơ đằng sau nó, hiện nay lại càng không ai có thể hiểu được. Bài viết này sẽ giải thích cơ lý của Chu Dịch Bát Quái ở tầng thứ cá nhân, đồng thời kết hợp cơ lý của Chu Dịch Bát Quái để giải thích các chữ Hán, sẽ cố gắng hết sức dùng ngôn ngữ và ví dụ đơn giản nhất để diễn đạt ra, đồng thời để mọi người cùng khám phá Thiên cơ đằng sau văn tự Thần bí nhất trên thế gian này.

Chú thích:

Chu Dịch được lưu truyền từ thời tiền sử nên nó tồn tại trước chữ Hán. Tác giả cho rằng Phục Hy xưa kia đã tạo ra Bát Quái đồng thời với việc tạo ra Chu Dịch, nó chính là sáu mươi tư Quẻ, vì vậy trong bài viết dùng khái niệm sáu mươi tư Quẻ để chỉ Chu Dịch.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/239679



Ngày đăng: 03-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.