Giải thích Chu Dịch, Bát Quái và chữ viết Thần truyền (5): Chữ Hán và Chu Dịch
Tác giả: Đạo Sinh
[ChanhKien.org]
5. Chữ Hán và Chu Dịch
Trong bài này, chúng tôi sẽ liệt kê các ví dụ để cùng các bạn nghiên cứu thảo luận về nguồn gốc và huyền cơ của Chu Dịch, Bát Quái và chữ Hán:
Bát Quái sinh Chu Dịch
“Chu Dịch – Hệ Từ Thượng” viết: “Âm dương tương sinh tương khắc, mỗi quẻ trong Bát Quái kết hợp với nhau, để khiến sấm sét cổ động cho muôn vật, mưa gió thấm nhuận cho muôn vật”. [1] Bát Quái là tám đại tượng của vạn vật trong trời đất được tinh luyện từ tầng cao hơn, giữa Bát Quái kết hợp lẫn nhau, tức là tám trạng thái diễn hóa, liên tiếp với nhau, nên sinh ra các loại vận động biến hóa, sinh ra 64 Tượng, chứa đựng cái lý của vạn sự vạn vật trên thế gian.
Dưới đây là một ví dụ để minh họa:
Quẻ Ly ☲ và Quẻ Chấn ☳ được xếp chồng lên nhau, Ly ở trên Chấn ở dưới, hình thành Quẻ Phệ Hạp (䷔), gọi là Hỏa Lôi Phệ Hạp. Phệ Hạp có nghĩa là sự ăn khớp, cắn tan chỗ gián cách thì mới hợp được.
Mỗi quẻ trong Bát Quái đều là một Tượng, không chỉ một sự vật cụ thể nào, nhưng hàm chứa vạn vật trong đó, so với nội hàm của 64 Tượng thì càng lớn hơn. Ví dụ quẻ Ly có thể đại diện cho lửa, mặt trời, điện, ánh sáng, mắt, mùa hè, phương Nam, nền văn minh… vì nó bao hàm vạn vật cho nên không thể liệt kê toàn bộ ra hết, nhưng mỗi lần có thể chọn một sự vật có tính đại diện hoặc đặc trưng trong đó để chỉ rõ Quẻ Tượng này và lý giải nó. Ở đây đầu tiên chúng ta chọn “điện” để đại diện cho quẻ Ly, và “sấm” đại diện cho quẻ Chấn để chỉ rõ một hiện tượng cụ thể.
Về quẻ này, quái từ của Chu Văn Vương nói: Phệ Hạp, hanh, lợi dụng ngục.
Ý nghĩa có thể được hiểu là: quẻ Phệ Hạp, suôn sẻ, có lợi cho việc sử dụng các hình phạt và chỉnh đốn pháp lệnh.
Tượng Từ của Khổng Tử viết: Lôi điện, Phệ Hạp; Tiên vương dĩ minh phạt sắc pháp.
Ý nghĩa có thể giải thích là: lôi trên điện dưới, cắn để hợp lại với nhau; theo quẻ này tiên vương ngộ ra đạo lý của sự trừng phạt nghiêm minh và việc chỉnh đốn luật pháp.
Giải thích của cá nhân: lấy điện đại diện cho Quẻ Ly, lấy lôi (sấm) đại diện cho Quẻ Chấn. Quẻ Ly và Quẻ Chấn kết hợp trên dưới để tạo thành Tượng của Quẻ Phệ Hạp, giống như sấm sét cùng đến. Thiên tượng có sấm sét cùng đến đại diện cho việc Trời đang trừng phạt tội ác của nhân gian và cảnh báo loài người để triển hiện sự uy nghiêm của Thiên Đạo. Với thiên tượng sấm sét cùng đến, kẻ ác thường sẽ kinh sợ, lo lắng rằng sẽ bị sét đánh. Cho nên các cổ thánh tiên vương noi theo trời đất tự nhiên, từ hiện tượng này mà ngộ ra rằng: Nên sử dụng hình phạt để trừng trị tội ác, đồng thời pháp luật phải nghiêm minh, ân uy song hành, để kiến lập sự uy nghiêm của bậc quân vương, khiến kẻ ác bị trừng trị, người lương thiện được bảo vệ, để duy trì chính đạo của nhân gian…..
Ngoài ra trong “Chu Dịch – Hệ từ Hạ” có viết: “(Thần Nông thị) đã tạo ra chế độ giao dịch thị trường, cho phép bách tính trong thiên hạ thu thập hàng hóa trong thiên hạ, hàng ngày giao dịch với nhau vào buổi trưa, lấy vật đổi vật, mỗi người chọn những gì mình cần, đã có sắp đặt đâu vào đấy, trao đổi hàng và ra về, đại khái là làm theo Tượng quẻ của quẻ ‘Phệ Hạp’.”[2]
Cá nhân xin giải thích đối với điều này: Tượng của Ly bao gồm các sự vật như điện, lửa, ánh sáng, Mặt Trời, con mắt, nền văn minh v.v, ở trên lấy điện để giải thích, còn ở đây lại lấy ánh sáng để giải thích; Quẻ Chấn có thể đại diện cho các sự vật như sấm, chấn động, đe dọa, gót chân, phương Đông, v.v., ở đây lấy đe dọa để đại diện.
Vì vậy, quẻ Tượng này có thể hiểu là: sấm chớp đan xen, tiếng sấm rung chuyển mười phương, có uy nghiêm nhưng không ánh sáng, không có uy nghiêm của ánh sáng thì dẫn đến hung bạo; tia chớp chiếu sáng trời đất, có ánh sáng lớn nhưng không có đủ đe dọa, không đủ ánh sáng để uy hiếp sẽ trở nên yếu ớt và không chừng mực. Sấm sét đan xen, để thuộc tính hai bên của chúng giao nhau và trao đổi lẫn nhau, để bổ sung cho nhau, bù đắp khuyết điểm của nhau, đạt đến sự hài hòa và hoàn mỹ. Sấm nhờ có tia chớp mà có ánh sáng, tia chớp nhờ có tiếng sấm mà uy hiếp mười phương, cả hai kết hợp khiến uy nghiêm và ánh sáng đồng tại, ân uy cùng tồn tại, khiến vạn vật trong trời đất ngưỡng mộ mà kính sợ, đạt được sự hài hòa hoàn mỹ.
Vì vậy, Thần Nông thị bảo bách tính trong thiên hạ thu thập hàng hóa trong thiên hạ, trao đổi với nhau, chọn lấy những gì họ cần, mỗi người đều sử dụng những vật phẩm mà mình có sở trường làm ra để bổ sung cho nhu cầu của người khác, và hàng hóa dư thừa của người khác cũng bổ sung cho sự thiếu hụt của chính họ, như vậy hàng hóa trong thiên hạ đều được bổ sung cho nhau, đã có sắp đặt đâu vào đấy, đạt đến sự hài hòa hoàn mỹ, đây là đạo lý mà Thần Nông thị ngộ ra từ trong Tượng của quẻ “Phệ Hạp”.
Đương nhiên, Tượng của quẻ “Phệ Hạp” rất lớn, trên đây chỉ lược chọn ra hai vật mà ngộ Đạo, liệt kê hai ví dụ, không thể liệt kê ra hết toàn bộ, mọi người đều có thể dựa vào ngộ tính của mình mà thể ngộ, đạo lý của thế gian đều bao hàm trong đó. Khi hiểu được thấu đáo 64 Tượng của Chu Dịch, thì sẽ đạt đến cảnh giới tuyệt diệu, có thể thấy được cái lý của sự tồn tại và biến hóa của vạn vật trong thế gian, có thể biết được quá khứ và tương lai.
Các quẻ kết hợp với nhau theo từng đôi, hợp thành 64 Tượng, cũng là theo cơ lý này, nên không liệt kê nhiều.
Nguyên do văn sinh tự
“Văn tự” hiện nay là một từ, nhưng trong thời cổ đại, văn và tự là hai khái niệm. Văn: Ý nghĩa ban đầu là hoa văn, đường vân; Tự: Ý nghĩa ban đầu là mang thai, sinh đẻ. Bây giờ chúng ta hãy kết hợp cái lý của Bát Quái Chu Dịch để lý giải từ “văn tự”:
Trong “Tự Thuyết – Tự” nói: “Văn sinh ra tự, giống như mẹ sinh con, đây là cơ lý giống như việc Bát Quái suy diễn để sinh ra 64 quẻ, thanh luật, kết cấu, hàm nghĩa, v.v. của nó đều là tự nhiên mà thành, không phải là thứ mà trí tuệ của phàm nhân có thể tạo ra”.[3]
Ở đây nói tự là do văn sinh ra, trước tiên có văn rồi sau mới sinh ra tự. Cơ lý của văn sinh ra tự cũng giống như cơ lý của Bát Quái sinh ra 64 Tượng.
Trong “Thuyết Văn Giải Tự – Tự” Hứa Thận đã nói: “Khi Thương Hiệt tạo ra các chữ lúc đầu, các chữ được tạo ra bằng phương thức tượng hình được gọi là văn; các chữ do văn kết hợp với nhau mà sinh ra, thì được gọi là tự.” [4]
Trong “Hiếu Kinh Viện Thần Khế” và “Văn Tự luận” cũng đã ghi lại rằng: “Văn là ông cha, tự là con cháu, tất cả đều được sinh ra một cách tự nhiên, lời văn đầy đủ cả…”[5]
Từ những ghi chép trên có thể thấy: Văn là chữ nguyên thủy nhất, phần lớn được tạo ra bởi phương thức tượng hình. Thương Hiệt thần mục như điện, với hai cặp mắt thần khác với người thường, thấu suốt vạn vật thiên địa, chắt lọc ra cái thần của vạn vật, sau đó sử dụng các đường nét đơn giản sống động để biểu lộ rõ ràng hình ảnh của nó và tạo ra văn. Ví dụ như: (xem hình ảnh)
Nguyệt (trăng): 月;sơn (núi): 山;thủy (nước): 水;điểu (chim): 鸟;mã (ngựa): 马;ngưu (trâu): 牛;dương (dê): 羊: tị (mũi): 鼻; mục (mắt):目;thảo (cỏ): 草;môn (cửa): 门……
Hãy xem ví dụ về văn sinh tự:
Ví dụ: “马” (mã) và “门” (môn) biểu thị phân biệt hai tượng vật khác nhau, cũng giống như việc hai quẻ kinh khác nhau của Bát Quái biểu thị hai Tượng khác nhau. Nếu tổ hợp chúng lại với nhau, đặt mã vào trong môn, mã và môn sẽ hợp thành một Tượng mới, giống như Bát Quái từng đôi kết hợp thành 64 Tượng, quẻ Tượng này là “闯” (Sấm: xông xáo).
Tượng này có thể biểu thị: con ngựa phi qua cửa, mãnh liệt lao ra, hành sự lỗ mãng, bôn ba kiếm sống, dũng mãnh tiến lên, mở lối thoát… Tất cả đều có nghĩa là “xông xáo”, đó cũng là Tượng của chữ “闯” (sấm: xông xáo), nội hàm của Tượng này rất rộng, bao gồm tất cả, lấy hình ảnh con ngựa từ trong cửa lao qua để thay cho Tượng này.
Một ví dụ khác là sự kết hợp giữa “马” (mã: ngựa) với “又” (hựu: cái tay): “又” trong Giáp Cốt Văn là hình ảnh của một bàn tay (xem hình dưới), nghĩa gốc biểu thị như dùng tay nắm giữ và khống chế. Sau khi kết hợp chúng với nhau, thì một Tượng mới được hình thành, Tượng tự này được gọi là “驭” (ngự: đánh xe)”. Đại diện cho: thuần phục ngựa, đánh xe, nô dịch, khống chế, thống trị và giở trò… dùng “驭” để biểu thị cho Tượng này, lấy hình ảnh điều khiển ngựa để biểu thị cho Tượng này.
- Chữ hựu giáp cốt
Nếu ghép “马 “(mã: ngựa) và “冰”(băng: nước đá,giá lạnh) lại thành “冯” (phùng: ngựa chạy nhanh). Trong Giáp Cốt Văn băng là “”, sau đó phát triển thành hai giọt nước ” 冫”. Chữ này Tượng là “冯” (phùng: ngựa chạy nhanh), đại diện cho: ngựa băng qua sông, đi bộ qua sông, ngựa phi nhanh, ỷ lại, dựa vào…..
Một ví dụ khác là sự kết hợp của “日” (nhật: mặt trời) và “月” (nguyệt: mặt trăng) thành “明” (minh: sáng); “木” (mộc: cây) và “木” (mộc: cây) thì thành “林” (lâm: rừng) và “森” (sâm: rừng rậm); “人” (nhân: người) và “木” (mộc: cây) kết hợp lại thành “休” (hưu: nghỉ ngơi)….. đây đều là cùng một cơ lý.
Nhìn vào các ví dụ trên, chúng ta sẽ thấy rằng: văn sinh tự và cơ lý của Bát Quái sinh ra 64 quẻ là tương thông, tức là nguyên lý của “Dịch”. Cơ lý của văn hóa Thần truyền của Trung Hoa cũng đều có thể tương thông với nhau, điều này không phải với trí tuệ của phàm nhân có thể đạt được.
Trong “Thuyết Văn Giải tự”, Hứa Thận đã lấy cách tạo chữ Hán quy thành sáu loại, đó là tượng hình, chỉ sự, chuyển chú, giả tá, hình thanh và hội ý. Cá nhân tôi cho rằng phương pháp phân loại này chưa đủ chính xác, chưa có sự huyền bí và cơ lý để hiểu chữ Hán. Thông qua việc nghiên cứu các văn tự cổ như Giáp cốt văn, tôi tin rằng chữ Hán kỳ thực là vận dụng “Tượng” và dựa vào nguyên lý của “Dịch” mà tạo ra, mặc dù hiện nay trong chữ Hán có một số lượng lớn “chữ hình thanh”, nhưng không tồn tại loại phương pháp tạo chữ “hình thanh” này. Trong số các chữ viết mà con người biết hiện nay, về cơ bản chúng đều là chữ viết biểu âm, còn chữ Hán là một loại chữ tam vị nhất thể (bao gồm âm thanh, hình dạng và ý nghĩa cùng tồn tại trong một chữ). Chữ Hán không chỉ dùng “hình” để đồng thời biểu đạt hình tượng và ý nghĩa, mà còn có thể dùng hình và ý để chỉ âm, nó đồng thời cũng có chức năng biểu âm, đây là đặc điểm mà các chữ viết của các ngôn ngữ khác của nhân loại không có, do đó có số lượng lớn “chữ hình thanh” trong chữ Hán.
Một ví dụ ngắn gọn được đưa ra để minh họa: Ví dụ như chữ “踵” (âm tiếng Trung đọc là [zhǒng], âm Hán Việt là: chủng, nghĩa là: gót chân) thuộc về chữ hình thanh, trong “Thuyết Văn Giải Tự” cho rằng “踵” được tạo ra theo phương thức hình thanh, lấy “足” (âm tiếng Trung: [zú], âm Hán Việt: túc, nghĩa: bàn chân) một bên để làm hình dạng, biểu đạt ý nghĩa; lấy “重” (âm tiếng Trung: [zhòng] , âm Hán Việt: trọng, nghĩa: nặng) một bên làm âm thanh, biểu đạt cách phát âm chứ không có ý nghĩa ([zhǒng] và [zhòng] đọc gần như nhau). Kỳ thực chữ “踵” không phải được tạo ra theo phương thức này, ý nghĩa ban đầu của “踵” có nghĩa là gót chân, khi một người đứng thẳng, trọng lượng của toàn bộ cơ thể về cơ bản đều do gót chân gánh chịu, vì vậy lấy “重” để biểu đạt ý này, biểu thị đây là nơi chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể. Ngoài ra gót chân là một bộ phận của bàn chân nên lấy “足” (chân) làm gốc kết hợp với “重” (nặng) để sinh ra “踵” (gót chân).
Tức là “hình thanh” chỉ là triển hiện đặc điểm của tam vị nhất thể âm-hình-nghĩa của chữ Hán, nhưng không thuộc về cách tạo chữ. Trong quá trình phát triển lịch sử chữ Hán đã trải qua một số biến đổi lớn, nếu lấy tất cả chữ Hán đối ứng với Giáp Cốt Văn cổ xưa nhất, thì có thể thấy hình dáng ban đầu của nó, sẽ phát hiện rằng chữ Hán là được tạo ra dựa trên cơ sở nguyên lý của “Dịch”, là sự vận dụng đối với “Tượng”.
Trong toàn bộ Chữ Hán, mỗi chữ đều là một Tượng, nội hàm bác đại tinh thâm, cao thâm khôn lường, tương thông với Thiên Địa Thần Linh, tương ứng với các tầng thứ cao của vũ trụ, nó vĩnh viễn không phải là thứ mà con người hiện đại có thể lý giải được.
Văn tự sinh từ
Vào thời nhà Hán có một cuốn sách tên là “Tiêu Thị Dịch Lâm”, còn được gọi là “Dịch Lâm”, gồm có 16 quyển, do Tiêu Diên Thọ, một đại sư Dịch học nổi tiếng thời Tây Hán viết. Tiêu Diên Thọ là thầy của Kinh Phòng, người khởi xướng phương pháp xóc đồng tiền để bói toán (tức là phương pháp Lục Hào Nạp Giáp). “Dịch Lâm” bắt nguồn từ “Chu Dịch”, nó dựa trên cơ sở 64 quẻ của Chu Dịch, kết hợp hai quẻ với nhau, cuối cùng sinh ra 4096 quẻ, mỗi quẻ đều soạn một Quái từ, nhưng không có Hào từ. “Dịch Lâm” chủ yếu được sử dụng để bói toán, so với Chu Dịch nó cụ thể hơn, quẻ Tượng càng nhỏ thì ứng dụng lý giải càng dễ.
Bát Quái sinh ra 64 Tượng, còn có thể tiếp tục kết hợp với nhau để sinh ra 4096 Tượng, điều đó tương ứng với nguyên lý “Dịch” của sự sinh thành, phát triển và biến đổi của vũ trụ. Nó càng đi đến tầng bề mặt thì triển hiện càng trở nên cụ thể, phức tạp và nội hàm càng nhỏ. Cũng như vậy, sau khi văn sinh ra tự, nó có thể tiếp tục kết hợp để tạo ra các từ và cụm từ, điều này cũng được xuyên suốt bởi nguyên lý “Dịch” đồng bộ hợp nhất với sự sinh thành, phát triển và biến đổi của toàn vũ trụ, vì vậy dung chứa tất cả. Sau khi từ ngữ được cố định, Tượng cũng sẽ trở nên nhỏ hơn tương ứng, nhưng khi đem các từ ngữ phân tách thành các chữ để xem xét một cách tỉ mỉ, thì cũng tương tự như việc đem 64 Tượng phân tách thành các Quái để diễn giải, năng lượng của nó có thể được giải phóng.
Ví dụ như từ “do dự” (犹豫), hiện nay chúng ta chỉ biết nghĩa của nó là do dự không quyết định, “do dự không quyết định” giống như quái từ “do dự” của quẻ này, chỉ còn lại ý nghĩa cố định cứng nhắc này. Bây giờ chúng ta hãy tách nó ra để hiểu:
“Từ điển Khang Hy” giải thích: Do là một loài động vật giống vượn với mũi quăn và đuôi dài, bản tính đa nghi. Dự là một loài động vật giống voi. Vào thời cổ đại, vùng Hà Nam rất nhiều voi, điều này được ghi lại nhiều trong Giáp Cốt Văn của triều Thương, Hà Nam được gọi tắt là “Dự”, ta có thể lý giải được tại sao sau khi xem được lời giải thích này. Lại giải thích rằng phân biệt do và dự là hai loài thú, cả hai đều có bản tính đa nghi, không biết nên tiến hay lùi, vì vậy gọi những người đa nghi thiếu quyết đoán là do dự.
Hóa ra khi tách rời ra, trong từ ngữ vẫn bao hàm nhiều tín tức như thế, có năng lượng lớn như vậy, rõ thật là có khoảng trời riêng, nhưng mà khi từ ngữ được cố định lại, sau khi Tượng mới được hình thành, Tượng ban đầu sẽ co rút nhỏ lại, nội hàm bên trong cũng bị đóng kín lại, không biểu lộ ra.
Lại xem tiếp từ “ảnh hưởng” (影响), hiện nay chúng ta chỉ biết rằng ảnh hưởng là chỉ hiệu ứng được tạo ra bởi một sự vật nào đó. Hãy xét nguồn gốc của nó: Từ này đầu tiên xuất phát từ “Thượng Thư – Đại Thuấn Mô”, nguyên văn là “Huệ địch cát, tòng nghịch hung, duy ảnh hưởng”. Nghĩa là thuận theo đạo trời mà làm thì may mắn thuận lợi, làm trái với đạo trời thì nguy hiểm, giống như bóng theo hình, giống như tiếng vọng là do âm thanh sinh ra. Hóa ra ảnh là chỉ cái bóng, hưởng là chỉ tiếng vọng. Ngay khi cơ thể di chuyển, cái bóng lập tức theo sau; ngay khi âm thanh được tạo ra, ngay lập tức có phản ứng dội lại, đó chính là ảnh hưởng. Như vậy khi tách rời một cơ thể ra để hiểu nó, ngay lập tức cảm giác sẽ không như thế nữa, sau khi dùng đến từ này thì cảm giác nó có hơi thở, không còn cứng nhắc nữa. Điều này chính là các từ ngữ bị đóng kín lại, nếu phân chia thành các Tượng cao hơn để diễn giải, đưa nó trở lại nội hàm, khiến nó dần dần sống lại, thì nó sẽ phát ra năng lượng lớn hơn.
Ghi chú:
[1] 《 Chu Dịch – Hệ từ thượng 》: “Thị cố cương nhu tương ma, Bát Quái tương đãng, cổ chi dĩ lôi đình, nhuận chi dĩ phong vũ”
[2] 《 Chu Dịch – Hệ từ hạ 》 thuyết: “Nhật trung vi thị, trí thiên hạ chi dân, tụ thiên hạ chi hóa, giao dịch nhi thối, các đắc kì sở, cái thủ chư 《 phệ hạp 》”.
[3] 《 Tự thuyết 》: Văn giả, kì ngẫu cương nhu, tạp bỉ dĩ tương thừa. Như thiên đích chi văn, cố vị chi văn. Tự giả, thủy vu nhất nhị, nhi sinh sinh chí vu vô cùng. Như mẫu chi tự tử, cố vị chi tự. Kì thanh chi ức dương khai tắc, hợp tán xuất nhập, kì hình chi hành túng khúc trực, tà chính thượng hạ, nội ngoại tả hữu, giai hữu nghĩa, giai xuất vu tự nhiên, phi nhân tư trí năng vi dã. Dữ phục hi Bát Quái, văn vương lục thập tứ, dị dụng nhi đồng chế, tương đãi nhi thành 《 dịch 》.
[4] 《 Thuyết văn giải tự · tự 》: Thương Hiệt chi sơ tác thư, cái y loại tượng hình, cố vị chi văn. Kì hậu hình thanh tương ích, tức vị chi tự. Tự giả, ngôn tư nhũ nhi tẩm đa dã.
[5] 《 Văn tự luận 》 viết: Văn tự giả, tổng nhi vi ngôn. Nhược phân nhi vi nghĩa, tắc văn giả tổ phụ, tự giả tử tôn. Sát kì vật hình, đắc kì văn lí, cố vị chi viết văn; mẫu tử tương sinh, nghiệt nhũ tẩm đa, nhân danh chi vi tự.
《 Hiếu kinh viên thần khế 》: Văn giả tổ phụ, tự giả tử tôn, đắc chi tự nhiên, bị kì văn lí. Tượng hình chi chúc, tắc vị chi văn; nhân nhi tư mạn, mẫu tử tương sinh, hình thanh, hội ý chi chúc, tắc vị chi tự. Tự giả, ngôn tư nhũ tẩm đa dã.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/239728
Ngày đăng: 16-08-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.