Luân hồi ký sự: Cơn gió bấc tại Đôn Hoàng



Tác giả: Tiểu Liên

[ChanhKien.org] Lời mở đầu: Tôi mong muốn chia sẻ một bài học quý báu mà tôi đã học được từ quá trình tu luyện của tôi ở một trong những đời trước. Qua việc chia sẻ câu chuyện này, tôi hy vọng sẽ giải thoát bản thân khỏi tâm chấp trước của mình, thứ gắn liền với những bức bích họa [trên động đá] tại Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc. Ngoài chấp trước vào mảnh đất này, tôi cũng từng rất chấp trước vào những bức bích họa vẽ hình Phật trên những động đá tại Đôn Hoàng. Khi tôi đi ngang qua đó lần đầu tiên, tôi cảm thấy dường như đã thấy chúng từ trước, mặc dù tôi không thực sự hiểu chúng đại diện cho điều gì.

Thật khó để mô tả mong muốn của tôi trong việc tìm một trường phái tu luyện mà có thể giải thoát bản thân khỏi sự luân hồi chuyển sinh mãi mãi, ở giữa cơn gió bấc trên đại mạc tại tỉnh Cam Túc. Trong kiếp luân hồi đó, tôi đã xem việc tu luyện như là một cách để trốn tránh thực tế phũ phàng. Ngoài ra, tôi đã không thể loại bỏ được chấp trước mạnh mẽ của tôi vào chữ ‘tình’. Do vậy, tôi đã bỏ lỡ cơ hội đạt viên mãn trong kiếp luân hồi đó. Tôi vô cùng biết ơn Sư Phụ khi đã an bài cho tôi cơ duyên quý giá được tu luyện Pháp Luân Công trong kiếp sống hiện tại. Tôi muốn nhân cơ hội này để nhắc nhở mọi người rằng tu luyện là rất nghiêm túc và thần thánh. Nếu một người ôm giữ một động cơ kín đáo nào đó hay không thể loại bỏ các tâm chấp trước, người đó sẽ bỏ lỡ cơ duyên tiền định này. Chúng ta chỉ có cơ hội cuối cùng này để tu luyện. Đây là cơ hội sẽ không bao giờ quay trở lại. Hãy trân quý cơ hội này, vì chúng ta đã chờ đợi điều này trong rất nhiều kiếp sống và còn vì mục đích cứu độ chúng sinh, những người đã đặt rất nhiều hy vọng vào chúng ta! Hãy tinh tấn trên con đường tu luyện của chúng ta. Chúng ta không được lãng phí một giây phút nào trong thời điểm trọng đại và huy hoàng này. Chúng ta phải làm tròn lời cam kết của chúng ta! Chúng ta không thể để Sư Phụ thất vọng sau khi Ngài đã liên tục ban cho chúng ta cơ hội tu luyện.

* * * * * * * * * * * * * * * * * *

Câu chuyện của tôi xảy ra trong thời “An Sử chi loạn” [1] vào năm 755 sau công nguyên, vào những năm cuối thời trị vì của Hoàng Đế Huyền Tông đời nhà Đường. Cuộc nổi dậy đã phá hủy hoàn toàn triều đại nhà Đường và phải mất nhiều năm sau để tái lập lại sự thịnh vượng. Tại trấn Cảnh Đức, tỉnh Giang Tây, có một thiếu niên tên là Lâm Giang. Cậu sống tại Hữu Tài Phường, nằm bên ngoài cổng thành phía Nam thị trấn. Cha của cậu đã dạy cậu một công phu nội gia (tu nội). Do đó, cậu đã trở nên nổi tiếng với tài năng văn võ song toàn của mình.

Cha mẹ của Lâm Giang làm việc tại Giang Bắc, vì vậy cậu sống một cuộc sống khá sung túc và thoải mái. Điều đáng tiếc nhất là Lâm Giang không thể ở cùng cha mẹ, và cậu sống cùng người chú ruột. Lâm Giang cùng với tiểu nữ nhà hàng xóm, A Tú, có với nhau một tình cảm ngây thơ trong sáng tựa như ‘thanh mai trúc mã’ [2] từ khi chúng còn nhỏ. Họ rất gần gũi nhau. A Tú có một đôi mắt sáng long lanh, tựa như mặt nước hồ trong trẻo và tinh khiết. Mẹ của A Tú đã qua đời từ khi cô bé còn nhỏ. Cha cô trở thành nghiện đánh bạc và thường đi đánh bạc tại sòng bạc lớn nhất trong vùng – Thuận Nghĩa Phường. Cha của A Tú luôn luôn thua tiền sau khi đánh bạc và đã hoang phí gần hết gia tài. Đôi khi gia đình của Lâm Giang cho họ vay một chút tiền. A Tú thường khóc một mình vì cha cô nghiện đánh bạc.

Một ngày nọ vào buổi trưa, Lâm Giang và A Tú nắm tay nhau đi vào thị trấn du ngoạn. Khi còn cách chợ vài bước, đột nhiên họ chú ý tới một thanh niên đến từ một gia đình giàu có đang cố gắng bắt cóc một thiếu nữ. Trong khi cố gắng vồ lấy cô gái, người thanh niên hét lên: “Đại gia ta đã cưới 13 người vợ lẽ rồi. Hôm nay ta sẽ đưa nàng về nhà làm người vợ lẽ thứ 14 của ta! Chúng bay đâu! Đưa nàng về nhà!” Và rồi vài tên đàn em của hắn vồ lấy người thiếu nữ và quăng cô vào một chiếc kiệu nhỏ màu xanh. Khi Lâm Giang nhìn thấy vụ bắt cóc, cậu hét lên: “Dừng lại! Sao các ngươi dám bắt cóc và cưỡng bức con gái nhà lành giữa thanh thiên bạch nhật? Thả ngay cô ấy ra, bằng không các ngươi sẽ nếm mùi nắm đấm của ta!”

Người thanh niên nói: “Tên tiểu tử quê mùa này ở đâu ra vậy? Ai dám ngăn cản đại gia ta đây? Chúng bay đâu, cho tên tiểu tử nhà quê này một bài học!”

Lâm Giang tung một nắm đấm vào người thanh niên, nhưng bị trượt vì anh ta kịp né đòn. Vài tên đàn em của hắn nhảy xổ vào Lâm Giang, nhưng cậu đã nhanh chóng đánh ngã họ xuống đất. Người thanh niên liều lĩnh kia cũng bị đánh.

Đến khi Lâm Giang định rời đi, người thanh niên kia nói: “Cho ta biết tên nếu ngươi dám. Chẳng lẽ ngươi định bỏ trốn mà không để lại danh tính hay sao!”

Lâm Giang nói lớn: “Tên ta là Lâm Giang, là nhân sĩ vùng này. Ta sống tại Hữu Tài Phường phía bên ngoài cổng thành. Nhà ngươi được chào đón đánh một trận với ta vào bất cứ lúc nào!”

Rồi cậu nắm lấy tay A Tú và tiếp tục đi du ngoạn. Trên đường đi, Lâm Giang nói với A Tú: “Hôm nay đánh nhau với tụi vô lại này vui thật đấy.” Họ cười suốt cả ngày hôm đó và rất vui vẻ.

Vào ban đêm, sau khi Lâm Giang trở về nhà, người chú nói với cậu rằng ông đã nghe về sự tình vừa xảy ra hôm nay. Ông khuyên nhủ Lâm Giang: “Cháu thật chẳng biết trời cao đất dày là gì. Cháu có biết hôm nay cháu đã đắc tội gì không?”

“Vì chuyện gì thế ạ?” Lâm Giang hỏi lại vì cảm thấy thật khó hiểu.

“Cậu thanh niên kia là chủ nhân của sòng bạc lớn nhất trong thị trấn – Thuận Nghĩa Phường. Cha của cậu ta là Tri Phủ ở Vũ Tây. Ông ta có thế lực trong Triều đình. Cháu có biết tấn công con trai của một gia đình quyền thế như vậy là tội gì không?!” Lâm Giang bắt đầu cảm thấy áp lực to lớn đè nặng lên mình.

Hai hôm sau, Lâm Giang nhận được một lá thư từ người cha, trong đó ông yêu cầu cậu tới Giang Bắc và giúp ông trong công việc. Trong ngày từ biệt trước khi lên đường, Lâm Giang nắm tay A Tú dưới ánh trăng và nói chuyện với cô trong suốt cả buổi tối. Lâm Giang nói: “Ta sẽ trở về, lâu nhất là 10 đến 15 ngày nữa. Khi ta trở lại, chúng ta sẽ thành thân. Và rồi chúng ta sẽ ở cùng cha mẹ ta. Ta sẽ làm việc cùng ông tại Giang Bắc. Chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao!”

A Tú nói với đôi mắt ngấn lệ: “Huynh sớm trở về nhé! Muội sẽ đợi huynh!” Sau đó Lâm Giang khởi hành đi Giang Bắc.

A Tú trở về nhà trong tâm trạng vô cùng buồn bã. Vừa về đến nhà thì cô nghe phụ thân nói: “Hôm nay cha đi đánh bạc tại Thuận Nghĩa Phường và đã nợ họ 20 nén bạc.”

Sau khi nghe về việc nợ bạc của phụ thân, A Tú vô cùng lo lắng. Cô phàn nàn: “Cha vẫn cứ chứng nào tật nấy. Tại sao cha không từ bỏ cái việc đánh bạc đó đi? Lâm Giang đã đánh chủ nhân nơi đó mấy hôm trước. Sớm hay muộn hắn sẽ quay lại gây sự. Giờ cha đang nợ hắn bạc, con e rằng hắn sẽ quay lại sớm cho mà xem!”

Không lâu sau người thanh niên vô lại, chủ nhân của Thuận Nghĩa Phường cùng vài tên đàn em to con đập cửa xông vào nhà. Hắn cười thô bỉ: “Tốt rồi, cả hai đều ở nhà. Tên tiểu tử Lâm Giang đã đánh ta và làm hỏng việc của ta. Hôm nay ta sẽ bắt vị hôn thê tương lai của hắn phải bồi thường! Lão già, nếu lão trả lại ta ngay 20 nén bạc lão đã nợ thì ta sẽ thả con gái lão. Bằng không… chúng bay! Lột hết quần áo của cô ta ra!”

Cha của A Tú vừa khóc lóc vừa cầu khẩn: “Không! Xin đừng! Xin các người! Hãy để con gái tôi được yên!” Tuy nhiên những kẻ côn đồ đã làm ngơ trước lời cầu xin của ông. Chúng nhanh chóng lột hết quần áo của A Tú. Kẻ thanh niên ác còn hơn cả cầm thú kia đã cưỡng hiếp A Tú ở ngay trước mặt mọi người. Nhưng đây vẫn chưa phải là tất cả những gì mà A Tú phải chịu đựng. Chúng đã rạch mặt và cơ thể của cô bằng dao rồi sau đó rắc muối lên vết thương… (Thứ lỗi cho tôi. Tôi không thể kể chi tiết hơn nữa vì quả thật sự đau đớn là không sao tả nổi).

A Tú vẫn chưa chết nhưng đã hôn mê bất tỉnh sau khi những kẻ côn đồ kia rời đi trong tiếng cười man dại. Phụ thân của A Tú cố gắng bế cô sang nhà của Lâm Giang và đem nguyên sự tình kể lại với người chú của Lâm Giang. Sau khi nghe xong câu chuyện, chú của Lâm Giang bật khóc. Ông ngay lập tức cho người báo tin gấp tới Lâm Giang, đồng thời mời vị lang trung tốt nhất trong thị trấn tới cứu chữa cho A Tú. Tuy nhiên không ai cứu nổi A Tú. Lâm Giang tức tốc trở về nhà sau khi nghe tin. Cậu chạy vội vào nhà, ôm A Tú đang hôn mê trong vòng tay mình rồi khóc thống thiết: “Là ta đã hại muội! Là ta đã hại muội!”

Ba ngày ba đêm sau, Lâm Giang vẫn thức trắng và ôm A Tú trong vòng tay. Cậu khóc nhiều đến nỗi không còn một giọt nước mắt. Chỉ có vài ngày sau mà Lâm Giang trông như thể là đã già đi vài tuổi.

Vào sáng sớm ngày thứ tư, A Tú đột nhiên tỉnh lại. Khi cô nhận thấy cô đang ở trong vòng tay của Lâm Giang, cô nức nở một cách yếu ớt: “Lâm Giang ca, muội e rằng muội không thể trở thành thê tử của huynh trong kiếp này. Huynh sẽ vẫn cưới muội trong kiếp sau chứ? Muội hứa rằng chúng ta sẽ lại đoàn tụ trong kiếp tới. Muội sẽ vẫn yêu huynh!”

Lâm Giang gào lên: “Ta muốn muội mãi mãi ở bên ta kể từ kiếp này. Kiếp này!”

“Muội e rằng muội không thể làm điều đó trong kiếp này. Lâm Giang ca, hãy bảo trọng! Muội đi đây!”

“Không! Không! Đừng bao giờ rời xa ta!” Lâm Giang lay thân thể của A Tú một cách lo lắng, nhưng mắt A Tú đã nhắm và cơ thể cô dần dần cứng lại…

Năm ngày sau, Lâm Giang mai táng A Tú dưới gốc một cây liễu ở bên ngoài thành. Ban đầu trời mưa lất phất, nhưng khi việc an táng đã hoàn tất, bầu trời dần trở nên trong sáng hơn. Trên bầu trời phía tây xuất hiện một chiếc cầu vồng vô cùng ngoạn mục. Để giữ hoài niệm về A Tú, Lâm Giang đặt bút viết một bài thơ:

Thanh mai trúc mã nguyệt trung hành,
A Tú dữ ngã hỗ tương kính,
Kim triêu nhữ dĩ hàm oan khứ,
Chỉ lưu Lâm Giang thân nhất nhân,
Nhữ thuyết dữ ngã trường tương bạn,
Nguyện nhữ thệ ngôn năng thành chân,
Sinh sinh thế thế thủ khiên thủ,
Tự tại như ý thế thượng hành!”

Diễn nghĩa:

“Thanh mai trúc mã đi dưới ánh trăng,
A Tú và ta kính trọng lẫn nhau,
Hôm nay nàng hàm oan ra đi,
Để lại Lâm Giang một thân một mình,
Nàng nói chúng ta sẽ mãi là bạn của nhau,
Ta hy vọng nàng sẽ giữ lời thề,
Đời đời vẫn nắm tay nhau,
Bước đi ung dung và như ý trên thế gian!”

Sau khi viết xong bài thơ, Lâm Giang định đốt nó đi. Nhưng trước khi cậu kịp đốt nó, tờ giấy bỗng bay lên không trung (mà không có cơn gió nào) rồi tự bốc cháy…

Sau khi trở về thị trấn, Lâm Giang tới Thuận Nghĩa Phường toan báo thù, nhưng người thanh niên kia đã rời khỏi thị trấn. Để hả giận, Lâm Giang phá hủy sòng bạc Thuận Nghĩa Phường. Sau đó người ta nói rằng người thanh niên kia đã chết ở tuổi 35 do thân thể suy nhược vì quá đam mê nữ sắc.

Lâm Giang cảm thấy vô cùng đau buồn khi ở tại Giang Nam, vì cậu luôn luôn nghĩ về A Tú. Cậu đã quyết định du hành tới vùng hoang mạc. Cậu nghĩ: “Tại nơi sa mạc này, sẽ không còn những tranh đấu thương tâm và âm mưu hiểm ác nữa.” Sau khi bái biệt người chú và phụ thân của A Tú, cậu lên đường đi về phía Tây Bắc. Cuối cùng cậu đến một nơi phụ cận vùng Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc. Gió bấc thổi quanh năm tại đây. Cậu đi qua một vài động đá với những bức tượng Phật đang xây dở. Sau khi cậu nhìn ngắm những bức bích họa và tượng Phật bằng đá đẹp đẽ này, cậu bắt đầu nảy sinh lòng sùng kính Phật.

Khi đi ngang qua một tu viện Phật giáo, cậu chạy tới bái kiến vị sư trụ trì, một người đức cao vọng trọng nhưng thái độ vô cùng khiêm nhường. Lâm Giang muốn ông thu nạp cậu làm đồ đệ, nhưng lão tăng nói: “Thí chủ có căn cơ phi phàm nhưng mang tâm phàm quá nặng. Vậy hôm nay ta thu nhận thí chủ làm đệ tử tục gia, vậy được chứ?”

“Tạ ơn Sư phụ!” Lâm Giang vừa khấu đầu vừa nói. Thế rồi Lâm Giang trở thành đệ tử tục gia của vị sư trụ trì tại hang Mạc Cao.

Vài ngày sau, Lâm Giang phát hiện thấy một dòng suối trong mát nằm ngay dưới chân núi cát. Dòng nước trong trẻo ấy tựa như đôi mắt mỹ lệ của A Tú. Khi nghĩ về A Tú, Lâm Giang lại cảm thấy vô cùng thống khổ trong lòng. Cậu nghĩ: “Ta đã phải bỏ nhà ra đi để thoát khỏi nỗi đau xa cách người mà ta hằng thương mến. Chẳng ngờ nỗi thống khổ này lại sâu sắc và nặng nề đến nhường ấy!” “Ta phải tu hành cho tốt!” Lâm Giang tự an ủi mình. Hai mươi năm sau, nỗi đau khi mất A Tú đã phai nhạt dần cùng với sự tu luyện của cậu. Ngay trước khi viên mãn, Lâm Giang có thể bay lượn trên không trung. Tuy nhiên, mỗi khi cậu nhìn thấy dòng suối hình trăng lưỡi liềm, cậu lại liên tưởng đến đôi mắt mỹ lệ và trong trẻo của A Tú. Kết quả là, cậu đã bỏ lỡ cơ hội đạt viên mãn. Cậu khóc trong nước mắt, và hối tiếc cho sự kém tinh tấn của bản thân mình. Ngay lúc ấy, một thanh âm to lớn vang vọng trên bầu trời:

Tu luyện tình vị tận,
Chẩm dạng lượng tâm tính?
Vô lậu phương khả thành,
Nhân yếu tái tinh tiến!”

Diễn nghĩa:

Tu luyện nhưng chưa bỏ được chữ ‘tình’,
Ta đánh giá tâm tính con thế nào đây?
Phải ‘vô lậu’ [3] mới có thể thành công,
Con lại phải tinh tấn lần nữa thôi!”

Cậu đột nhiên nhận ra rằng Sư phụ đã nói cậu “Căn cơ phi phàm nhưng tâm phàm quá nặng”, quả là đạo lý! Cậu đã phải trả một cái giá quá đắt chỉ vì chấp trước vào chữ ‘tình’! Cậu quỳ gối xuống đất với hai tay chắp trước ngực trong thế hợp thập rồi phát nguyện: “Nếu con có cơ hội tu luyện lần nữa trong Phật Pháp, con nhất định sẽ nắm chắc cơ hội và tu thành chính quả!” Sau khi nguyện đã phát ra, nguyên thần của Lâm Giang rời khỏi thân thể và tiếp tục đi vào vòng luân hồi chuyển thế…

Lời kết: Sau khi viết xong bài viết này, tôi cảm thấy nhân tố ‘tình’ trong tôi đã bị thanh lý đi nhiều. Cái cảm giác đau khổ khi phải vượt qua chữ ‘tình’ đã biến mất, đồng thời xuất lai một cảm giác được giải thoát khỏi nó. Tôi cảm thấy thật ung dung tự tại!

Chú thích của người dịch:

[1] “An Sử Chi Loạn”: cuộc phản loạn quy mô lớn đời nhà Đường, được cầm đầu bởi An Lộc Sơn (nguyên là một tiết độ sứ của Triều đình) và thuộc hạ là Sử Tư Minh. Cái tên ‘An Sử’ là lấy từ tên họ của hai người này ghép lại mà ra.

[2] ‘Thanh mai trúc mã’: Câu ‘Thanh mai trúc mã’ lấy lời và ý từ bài Trường Can hành của Lý Bạch (701 – 762) đời nhà Đường, ngụ ý tình cảm thắm thiết của lứa đôi.

[3] ‘Vô lậu’: Không còn thiếu sót, đối lập với ‘hữu lậu’ nghĩa là còn thiếu sót.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2005/9/29/34023.html
http://www.pureinsight.org/node/3432



Ngày đăng: 17-08-2009

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.