Luân hồi ký sự: Thiên nhai hành giả
Tác giả: Tiểu Liên
[Chanhkien.org] Lời mở đầu: Trong kiếp sống hiện tại của tôi, tôi vui sướng khi hòa mình với non nước thiên nhiên. Sở thích này dường như đã hình thành từ khi tôi sinh ra. Dù bận rộn đến đâu, tôi vẫn luôn có một cảm giác thanh tĩnh trong nội tâm. Tâm thái này càng trở nên rõ ràng hơn sau khi tôi bắt đầu tu luyện. Dường như trái đất này là non nước của đại lục Trung Quốc, đi tới đâu tôi cũng có cảm giác thân quen! Khi đọc các tài liệu về phong cảnh, núi non, tôi có thể cảm nhận chúng và cả tâm hồn của chúng ngay trong tâm tôi, như thể tôi cảm nhận chính da thịt của mình vậy. Chỉ gần đây, tôi mới hiểu được lý do vì sao tôi cảm thấy như vậy. Không phải vì tôi đã tu luyện nhiều lần trong các kiếp trước, hay tôi đã có hoàn cảnh trên quả Địa cầu khi còn ở trên thiên thượng. Đó là bởi vì bằng chính đôi chân của mình,tôi đã từng chạm vào những tinh thần cổ xưa này.
Hãy cùng theo tôi đến núi Trường Bạch ở vùng Đông Bắc Trung Quốc vào cuối thời nhà Nguyên (1271–1368 sau công nguyên). Tại đó, gần hồ Thiên Trì có 1 gia đình nhà họ Lục! Nhà họ có 1 đôi vợ chồng và 1 ông lão bị liệt! Ông lão không phải là cha của đôi vợ chồng. Trên đường trở về nhà sau 1 chuyến đi dài, ông Lục gặp ông lão bên đường. Ông Lục cảm thấy ông lão này thật đáng thương và đã cõng ông lão về nhà.Vừa đi ông Lục vừa nghĩ: “Liệu phu nhân của ta có vui không khi ta đưa về nhà một người lạ? Nhưng ta không thể thấy chết mà không cứu vì mạng người là trân quý nhất. Phụ thân của ta luôn nói làm điều tốt không cầu báo đáp và khi ấy cuộc đời của ta mới có một kết cục tốt đẹp.” Khi họ về đến nhà, Lục phu nhân đang giặt giũ quần áo trong sân. Bà ngay lập tức bước tới giúp khi trông thấy chồng và ông lão. Rồi bà đi nấu cơm.
Đến đêm, ông Lục kể lại sự tình cho vợ nghe. Lục phu nhân cười và nói: “Tướng công, xin đừng lo lắng. Trước khi thiếp xuất giá, mẫu thân thiếp đã nói rằng phải luôn lấy thiện đãi người. Bà nói rằng hãy đối xử tốt với người khác như đối xử với chính bản thân mình và rồi con cháu sẽ được phúc đức.” Từ đó ông lão sống cùng đôi vợ chồng này. Hai người họ đối xử với ông lão như thể cha ruột của mình. Nhưng không những ông lão không tỏ ra biết ơn mà lại thường gây khó khăn cho đôi vợ chồng nhà ông Lục. Dẫu vậy, họ vẫn không hề phàn nàn điều gì!
Thời gian cứ thế trôi qua. Hai hay ba năm sau, Lục phu nhân có mang. Ông lão vẫn gây khó khăn cho họ như mọi khi. Một ngày nọ, ông Lục không còn cách nào khác ngoài việc nói với ông lão: “Thưa cụ, chúng tôi đối xử tốt với cụ. Tại sao cụ cứ làm khó chúng tôi như thế? Bây giờ vợ tôi đã có mang, cụ có thể đối xử với chúng tôi tốt hơn một chút được không?”. Ông lão ra hiệu rồi đọc một bài thơ:
“Tích đức hành thiện thuyết vô cầu,
Vạn sự du du hữu nhân do,
Vật luận đối phương chẩm dạng tố,
Thiện tâm thường tại tâm trung lưu!”Diễn nghĩa:
“Tích đức hành thiện mà không truy cầu,
Mọi sự việc đều có nguyên do của nó,
Đừng để ý người khác hành xử ra sao,
Lòng tốt vẫn luôn ở trong tâm.”
Rồi cụ nói: “Tuy các con vẫn chưa hành xử đúng như những gì đã nói nhưng các con vẫn còn đủ thiện tâm”. Ông Lục cảm thấy rằng ông lão không phải là một người bình thường sau khi nghe những lời này. Rồi ông đối xử với ông lão hòa hảo thân thiết hơn nữa. Ông lão cảm thấy vô cùng phấn khởi.
Đứa bé chào đời không lâu sau đó. Đó là một bé trai. Ông lão đặt cho đứa bé một cái tên: “Lục Tu Tĩnh”. Đây là một cái tên mang đậm sắc thái tu luyện.
Ông lão thường chơi đùa với Tu Tĩnh và kể cho nó nghe rất nhiều câu chuyện. Một lần nọ, Tu Tĩnh nằm ngủ cùng phụ mẫu và hỏi: “Tại sao có nhiều ngựa đẹp và tiên nữ bay lượn trên thiên thượng thế ạ? Tại sao chúng mỹ diệu thế ạ?” Đôi vợ chồng vô cùng ngạc nhiên. Họ biết rằng ông lão rõ ràng có lai lịch không phải tầm thường.
Đến khi Tu Tĩnh chập chững biết đi, ông lão nằm liệt giường bỗng nhiên bước tới và nói với đôi vợ chồng: “Đã đến lúc ta nói cho các con biết sự thật. Ta không có bệnh tật gì cả. Ta cố ý giả vờ bị liệt để khảo nghiệm tâm tính của các con. Ta muốn dạy Tu Tĩnh công phu tu luyện bắt đầu từ ngày hôm nay. Ta cũng muốn nói với các con điều này: Ta đã 103 tuổi. Ta đã tu luyện đắc Đạo và đạt viên mãn vào tuổi 40. Ta đã đi tìm một đồ đệ tốt từ lâu lắm rồi. Ta muốn truyền cấp phương pháp tu luyện trong pháp môn của ta cho nó. Như các con biết, rất khó để tìm được một đồ đệ tài đức song toàn. Nhiều năm trước, ta đã được một vị Thần tiên điểm hóa trước khi gặp Lục tiên sinh. Các con đã đạt tiêu chuẩn trong phương pháp tu luyện của ta. Tuy nhiên, đồ đệ của ta phải là đồng tử. Vì vậy ta đã đợi để đứa trẻ được sinh ra. Bây giờ Tu Tĩnh đã biết đi. Ta biết rằng nó có một căn cơ tốt và tâm tính cũng tốt như các con. Ta phải nói với các con tất cả điều này.” Ngay lúc ấy, Tu Tĩnh bước vào phòng rồi quỳ gối xuống và nói: “Hôm qua, trong giấc mộng, một vị Thần tiên đã nói với con rằng nếu con tu luyện với sư phụ, con sẽ có thể trở về thiên thượng. Con đã hỏi rằng sư phụ của con là ai. Vị Thần tiên nói rằng ông lão trong nhà chính là sư phụ. Bây giờ con đã rõ tất cả. Thỉnh cầu ân sư thu nhận con làm đồ đệ!”. Kể từ đó, Tu Tĩnh bắt đầu tu luyện trong pháp môn của ông lão.
Khi Tu Tĩnh khoảng hai mươi tuổi, ông lão rời đi. Trước khi ra đi, ông lão đưa cho Tu Tĩnh một cái bình quý. Cái bình này có thể tùy ý biến hóa thành bất cứ thứ gì theo ý muốn của chủ nhân. Ông lão yêu cầu Tu Tĩnh đi vân du năm châu bốn biển, đặc biệt phải đến bốn nơi sau: Sa mạc ở vùng lòng chảo Tarim thuộc Tân Cương, hồ Điền Trì thuộc tỉnh Vân Nam, núi Ngũ Chỉ thuộc đảo Hải Nam và đảo Bồng Lai thuộc tỉnh Sơn Đông. Sau cùng, ông lão nói: “Đi ngay đi! Ta sẽ đợi con trên đỉnh núi Lư Sơn!”.
Tu Tĩnh bắt đầu cuộc hành trình với hành trang đơn giản, chiếc bình quý và lòng kiên tín vào sư phụ. Cậu phải ngủ ngoài trời và chịu đựng rất nhiều gian nan. Nguy hiểm và khó nạn luôn rình rập khắp mọi nơi. Lúc ấy, khởi nghĩa loạn lạc nổ ra ở nhiều địa phương. Tu Tĩnh bị coi là gian tế và đã bị bắt một lần. Lần khác, cậu thực sự đã bị đem ra tử hình. Ngạc nhiên thay, cậu đã sống lại ngay khi những tên đao phủ rời đi. Nhiều lần khi bị hết nước nơi hoang mạc, cậu mở chiếc bình ra. Cậu thấy rằng không những có một chút nước ở bên trong bình mà đó còn là một thế giới rộng lớn. Thế giới này vô cùng mỹ diệu và thần thánh. Cậu không còn cảm thấy khát chút nào nữa. Khi thể hiện quyết tâm vào tu luyện và và tín niệm vào phản bổn quy chân, cậu đã thoát được mối đe dọa sinh tử.
Cứ như vậy, cậu đã đi khắp núi nam bể bắc trên đôi chân của mình. Chuyến hành trình đã làm phong phú tâm hồn cậu và giúp cậu hiểu được ý nghĩa của cuộc sống. Hiện nay, người ta nghĩ rằng người xưa du sơn ngoạn thủy chỉ để giải trí, thật ra không phải vậy. Trên đường đi vân du, Tu Tĩnh đã thiết lập được sự trân quý đối với các sinh mệnh. Chuyến hành trình đã giúp cậu trở về với bản nguyên của tự nhiên và vũ trụ. Đây là sự phản ánh trạng thái tu luyện của cậu. Cậu đã hoàn toàn siêu thoát khỏi cảnh giới của người thường. Cậu không hề cố gắng chạy trốn khỏi thế giới trần tục này. Chân chính giúp cậu giải thoát, tắm mình trong mưa gió để hòa mình với thiên nhiên. Trong con mắt của Tu Tĩnh, mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông đều có sinh mệnh riêng của chúng. Chúng cũng có mừng vui, giận hờn, yêu thương như con người. Chúng được các vị Thần tiên trên thiên thượng phái xuống đây để giúp ích cho con người. Cậu đối xử với chúng như tri kỷ. Cậu kể cho chúng nghe về kinh nghiệm tu luyện và cuộc hành trình của mình.
Tu Tĩnh hoàn thành chuyến hành trình của mình trong vòng 20 năm. Cuối cùng, cậu đã leo lên được đỉnh núi Lư Sơn. Tuy nhiên, cậu không thấy bóng dáng một ai trên đó cả. Hai ngày sau, sư phụ vẫn không xuất hiện. Tu Tĩnh nghĩ rằng có thể sư phụ đang bận việc gì đó và ông sẽ không đến trong vài ngày nữa. Cậu muốn đợi sư phụ ở phía giữa của ngọn núi này. Do vậy, cậu bắt đầu trèo xuống. Trên đường đi xuống, cậu đi ngang qua một lão bà. Lão bà là một người còng lưng. Bà la lên khi gặp Tu Tĩnh: “Cậu ơi, cậu đã từng gặp ai không giữ lời hứa chưa? Con trai lão hứa là sẽ đợi lão, nhưng nó đã không giữ lời hứa. Nó đã đi rồi. Làm sao nó có thể làm như vậy chứ?” Tu Tĩnh cảm thấy chấn động: ‘Lẽ nào đây là sư phụ…” Nghĩ lại, cậu thấy sư phụ đã từng biến thành một ông lão bị liệt. Hôm nay, sư phụ cũng có thể biến thành một lão bà để điểm hóa cho cậu. Vì vậy cậu nói: “Là một người con, cậu ấy nên giữ lời hứa. Nếu không, cậu ấy có đáng tin hay không? Cậu ấy có còn là một chính nhân quân tử hay không?” Rồi cậu lại leo ngược trở lên đỉnh núi. Cậu đã qua đêm trên đỉnh núi đó. Sáng sớm hôm sau, mặt trời mọc lên từ phương Đông. Ngay lúc ấy, cậu đột nhiên trông thấy rất nhiều vị Thần tiên bay lượn trên không trung. Sư phụ của cậu xuất hiện đầu tiên trong số những vị Thần tiên ấy. Tu Tĩnh khấu đầu mãi không thôi. Vị Thần nói: “Con đã công thành viên mãn rồi. Hãy đi đi!” Tu Tĩnh đứng dậy rồi bay lên không trung. Cậu đã bay đi cùng sư phụ của cậu.
“Tẩu biến thiên nhai,
Tứ hải vi gia,
Phản bổn quy chân,
Vô khiên vô quải,
Xả tận danh lợi,
Tâm vô sở cầu,
Trì chi dĩ hằng,
Cước thừa liên hoa.”Diễn nghĩa:
“Đi khắp mọi nơi,
Bốn biển là nhà,
Phản bổn quy chân,
Không còn chấp trước,
Xả bỏ danh lợi,
Tâm chẳng truy cầu,
Nỗ lực kiên định,
Bước lên đài sen.”
Lời kết: Đây là một bài viết khác mà đã giúp tôi giải quyết được vấn đề trong tâm mình. Sau hàng ngàn năm luân hồi, các chủng nhân tố khác nhau vẫn còn lưu tồn rất nhiều ở bên trong tôi. Những chủng nhân tố này, dẫu là chính diện hay phụ diện, vẫn đang khởi tác dụng trong quá trình tu luyện ngày hôm nay của tôi. Chỉ sau khi lý giải được những khúc mắc trong tâm, chúng ta mới có thể loại trừ đi những nhân tố bất thuần để tiến nhập vào vũ trụ mới. Rất quan trọng khi chúng ta có nhận thức đúng đắn về những vấn đề này.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/zj/articles/2005/11/9/34537.html
http://www.pureinsight.org/node/3711
Ngày đăng: 24-09-2009
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.