Chính thuyết về Văn hóa tu luyện Thần truyền (Phần 6): Đời đời kế thừa



Tác giả: Tống Minh

[ChanhKien.org]

Người Trung Quốc đã sinh sôi nảy nở trên mảnh đất cổ được gọi là “Thần Châu” này, đời đời kế thừa, trong 5000 năm qua, đã sáng tạo ra một nền văn minh Thần truyền Trung Hoa huy hoàng xán lạn. Người Trung Quốc ngày nay khi nhìn lại lịch sử của mình, từ trong sử sách chúng ta có thể thấy, đặc biệt là trong hơn 2000 năm qua, cho dù triều đại thay đổi như thế nào, thế sự đổi thay ra sao, nền văn minh Hoa Hạ đã truyền lại bằng một hình thức hoàn chỉnh, liên tục, phong phú đa nguyên khiến người ta kinh ngạc. Mặc dù trong dòng sông dài của lịch sử có sự mất mát, nhưng thông qua các phương diện như ghi chép văn tự, di tích lịch sử, âm nhạc hội họa, kiến trúc trang phục, truyền thuyết dân gian cũng như nội hàm văn hóa thấm sâu trong sâu thẳm nội tâm của chúng ta, khiến người Trung Quốc ngày nay vẫn luôn khát khao, ngưỡng mộ phẩm đức cao quý, thanh cao và có niềm tự hào sâu sắc đối với nền văn hóa Thần truyền Trung Hoa. Văn hóa tu luyện là cốt lõi của văn hóa Thần truyền cũng được đời đời kế thừa, không chỉ mở rộng kéo dài đến mọi phương diện đời sống của người Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tinh thần nội tâm của người Trung Quốc.

Trước thời Tiên Tần, Trung Quốc là thời kỳ nhân Thần đồng tại, tuy nhiên, thuận theo lễ nhạc giáo hóa băng hoại, kỉ cương xã hội đổ nát, đạo đức trượt dốc, chính tín vào Thần dần dần mất đi, Thần cũng không còn dễ dàng hiển hiện ra nữa, thế nhân càng biểu hiện ra nỗ lực truy tìm Thần nhiều hơn. Cho nên chúng ta đã nhìn thấy trong lịch sử có câu chuyện hoang đường về hai đời đế vương là Tần Hoàng và Hán Vũ cầu lấy tiên dược, từ đó cũng thấy được tập tục, thị hiếu hướng Đạo trong người dân được ảnh hưởng bởi thế hệ trước, thế hệ trước làm gì, thế hệ sau bắt chước làm theo. Thời Hán Minh Đế, Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, trong sách “Ngụy Thư Thích Lão Chí” có ghi chép lại sau khi vua Hán Minh Đế dạ mộng kim nhân (đêm mơ thấy vị Thần cao lớn toàn thân lấp lánh ánh sáng vàng), tỉnh giấc ông đã sai sứ giả đi tìm kiếm Phật, sau đó cho xây dựng chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, Phật giáo ở Trung Quốc cũng bắt đầu từ đó. Thời vua Hán Thuận Đế, Trương Đạo Lăng sáng lập ra “Ngũ Đấu Mễ” giáo, Đạo giáo bản địa từ đó mà hưng thịnh. Vào thời Tam Quốc, có thuật dẫn Đạo dưỡng tính, các văn sĩ, sĩ đại phu học theo, trở thành trào lưu thời bấy giờ. Triều đại nhà Tấn tôn sùng tự nhiên, các sĩ đại phu không nhìn thực tế, hay thích đàm đạo triết lý suông, còn kẻ sĩ thì thích uống Ngũ thạch tán, Ngũ thạch tán này lại bắt nguồn từ thuật Ngoại đan của Đạo gia. Trong thời kỳ Nam Bắc triều, Phật giáo đã nghênh đón một thời kỳ phồn vinh, nhìn vào hình tượng điêu khắc tại các hang động vách đá ở Đôn Hoàng, Long Môn, Vân Cương, chúng ta có thể hình dung ra được sự phát triển phồn thịnh của Phật giáo thời bấy giờ, cái gọi là “Nam triều tứ bách bát thập tự” ý nói vào thời đại Nam triều có rất nhiều ngôi chùa đã được xây dựng, có thể thấy lúc đó có rất nhiều tín đồ Phật giáo. Bồ đề Đạt Ma cũng sáng lập ra Thiền tông vào thời điểm này. Triều đại nhà Đường là thời kỳ đỉnh cao huy hoàng trong nền văn minh Thần truyền Trung Hoa, với tư tưởng dung nạp hết thảy đã làm cho Phật giáo và Đạo giáo đều có sự phát triển mạnh mẽ, cho dù là hoàng tộc, sĩ phu hay là bách tính bình dân, tinh thần tín Phật tín Đạo đã được mở rộng. Có “Đại Đường Tây Vực Ký” của cao tăng Đường Huyền Trang, thuật lại công lao đi thỉnh chân kinh, có “Thánh Giáo Tự” của Đường Thái Tông, để biểu dương cái đức của chính giáo. Có lời dự ngôn “Thôi bối đồ” truyền thế, có “Dược Vương” Tôn Tư Mạc cứu tế thế nhân, nhật nguyệt tinh huy, mỗi người đều có sở trường riêng. Tống Thái Tổ Hoa Sơn gặp tử vi Lão tổ Trần Đoàn, Khâu Xử Cơ với chuyến Tây du của Trường Xuân Chân nhân, tất cả đều ra đời vào lúc Đạo giáo hưng thịnh. Mà triều đại nhà Minh lại là thời kỳ đỉnh cao của Đạo giáo, Thái Cực quyền mà người ngày nay quen thuộc chính là do Đạo sĩ đời nhà Minh là Trương Tam Phong truyền ra. Đến triều đại nhà Thanh, Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng đã phát triển và được truyền bá mạnh mẽ. Thuận Trị đế xuất gia làm tăng, mà thời “Khang Càn thịnh thế” (thời hoàng kim Khang Hy – Càn Long) lại là thịnh thế cuối cùng trong lịch sử cổ đại Trung Quốc có thể so sánh với thời Đường Trinh Quán – Khai Nguyên thịnh thế.

Cần phải nói rõ một điểm rằng tôn giáo không hẳn là tu luyện, Thần Phật cũng không coi trọng hình thức tôn giáo, chỉ nhìn vào nhân tâm. Đương nhiên trong tôn giáo, đặc biệt là trong Phật giáo, Đạo giáo nguyên thủy có không ít người thông qua hình thức tu luyện tôn giáo này tu luyện thành công, nhưng đến thời cận đại, đặc biệt là sau khi ĐCSTQ cướp đoạt chính quyền và xây dựng chính quyền mới, những bại tượng tôn giáo liên tục xuất hiện, không còn là nơi thanh tu của người tu luyện nữa.

Như vậy trong lịch sử rốt cuộc có bao nhiêu người đã từng tu luyện đây? Truy tìm con số này đối với con người ngày nay mà nói kỳ thực không có ý nghĩa. Chúng ta không bàn luận về trước thời Tiên Tần, chỉ nói riêng nhân vật lịch sử, từ thời Hậu Tần những nhân vật khiến người Trung Quốc nghe nhiều nên thuộc có thể kể đến như Trương Lương, một trong ba anh hùng hào kiệt thời Hán, cuối cùng cũng đi tu Đạo; Trương Đạo Lăng là cháu đời thứ tám của Trương Lương, người sáng lập Đạo giáo bản địa. Gia Cát Lượng cũng là nhân vật Đạo gia, có dự ngôn “Mã Tiền Khóa” truyền đời, Kê Khang là một trong Trúc Lâm thất hiền giỏi về Thuật Đạo Dẫn. Trong các đại thi nhân đời Đường, Thanh Liên cư sĩ Lý Bạch giỏi về Đạo, Hương Sơn cư sĩ Bạch Cư Dị giỏi về Phật, Vương Duy có hiệu Ma Cật cư sĩ. Đời Tống, Thiệu Ung nghiên cứu sâu về dịch học, nghiên cứu thiên nhân, có thể dự đoán trước được kiếp sau, “Mai Hoa Thi” chính là lời dự ngôn được ông lưu lại. Lưu Bá Ôn thời nhà Minh giúp Chu Nguyên Chương định đỉnh thiên hạ, cũng truyền ra những lời dự ngôn nhằm vào đời sau như “Thiêu Bính Ca”, “Kim Lăng tháp bi văn”. Các cao tăng đại đức trong lịch sử Phật giáo nhiều không đếm xuể, bốn bộ “Cao tăng truyện” lưu lại cho hậu nhân bình luận.

Ngoài những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, còn có rất nhiều nhân vật tiêu biểu trong các ngành nghề, hay các danh nhân tên tuổi như sấm dậy bên tai đã được nhiều người ngưỡng mộ từ lâu, hoặc những người cả đời sống ẩn mình nhưng tên tuổi lại được lưu truyền trong truyền thuyết. Như thợ mộc tổ sư Lỗ Ban, nghe nói có thể tạo ra một loại chim gỗ biết bay. Tranh vẽ của Họa Thánh Ngô Đạo Tử vô cùng chân thực, có danh xưng là trường phái “Ngô Đái Đương Phong”, một nét bút có thể vẽ ra ánh sáng quang huy của Thần Phật, hình tượng được vẽ ra vừa sống động lại có thần, giống như thật. Nhạc thánh Sư Khoáng dùng dây Chủy (Chủy là một trong năm âm thời cổ tương đương với số năm trong giản phổ) để tấu bản Huyền Hạc hạ tập, Liệt đội minh vũ; dùng dây “Giốc” (Giốc là một trong năm âm cổ, tương đương với số ba trong giản phổ) để tấu Phong vũ bạo tới, Liệt màn phi ngói. Biển Thước, Hoa Đà được thế nhân xưng danh Thần y. Mà Quỷ Cốc Tử bồi dưỡng ra Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần, Trương Nghi, Mao Toại, Từ Phúc, trong dân gian được gọi là Vương Thiện lão tổ, là tổ sư phong thủy hay còn gọi là Ham dư thuật. Tổ sư của Lê Viên Hành là Đường Minh Hoàng, câu chuyện tình yêu giữa ông và Dương quý phi được Bạch Cư Dị viết thành bài thơ “Trường hận ca” truyền xướng ngàn năm, cũng không thoát khỏi quan hệ với Thần Tiên. Còn vô số các di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc cổ đại, tượng Phật giáo cổ đại khắp nơi ở Trung Quốc như Tiên nữ bay trên trời ở hang Mạc Cao Đôn Hoàng, tượng ở hang đá Ma Nhai với số lượng đông đảo cũng phản ánh công nghệ tinh xảo của người thợ thủ công thời xưa. Cái gọi là kỹ thuật gần gũi Đạo là gì? – Là người xưa chính tín đối với Thần Phật từ đó có thể đạt tới thành tựu nghệ thuật kiệt xuất.

“Học sinh trong quá khứ gọi là nho sinh, trước khi lên lớp đều phải ngồi đả tọa, điều tức, tĩnh tâm, sau đó đọc sách. Quá khứ là như vậy, trong các ngành các nghề của Trung Quốc cổ xưa, hầu như đều chú trọng điều tức, tĩnh tâm. Trong một trạng thái như vậy, sẽ làm được rất nhiều rất nhiều sự việc mà bình thường không thể làm được, điều này đã rất gần với tu luyện khí công rồi. Trong quan niệm tư tưởng của người Trung Quốc cổ xưa vẫn luôn xuyên suốt một loại văn hóa như vậy.”[1]

Thời kỳ văn hóa Phục Hưng phương Tây bắt đầu vào cuối thế kỷ 13, trở nên hưng thịnh vào thế kỷ 16, xuất hiện những nhân vật kiệt xuất tiêu biểu như nhà thơ Dante, họa sĩ Da Vinci, họa sĩ Michelangelo, họa sĩ Raphael, đã sáng tạo ra những kiệt tác truyền đời bất hủ cho nền văn minh nhân loại ngày nay, mà họ đều là tín đồ chính giáo thành kính. Nhưng ở Trung Quốc cận đại, dưới sự khống chế của tà linh cộng sản từ phương Tây, tà đảng Trung Cộng tuyên dương thuyết vô thần đã tiến hành cuộc phá hoại mang tính hủy diệt toàn diện đối với văn hóa Thần truyền Trung Hoa trong gần một thế kỷ, sau khi tiến hành cuộc bức hại tàn khốc đối với thể xác và tinh thần của người Trung Quốc, văn hóa Thần truyền Trung Hoa đã gần đến bờ vực kế thừa đoạn tuyệt. May mắn thay, sự ra đời của Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, Pháp Luân Phật Pháp) đã mở ra hy vọng chân chính cho sự mở đầu phục hưng của nền văn minh Thần truyền Trung Hoa. Khi lịch sử sắp lật qua trang này, mỗi một người Trung Quốc đều cần phải lựa chọn, đương nhiên sẽ lựa chọn làm truyền nhân của Viêm Hoàng chứ không phải hậu duệ của chủ nghĩa Mác. Mà mỗi một người Trung Quốc cũng đều cần phải suy nghĩ lại, suy xét lại căn nguyên của tất cả bi kịch này, suy nghĩ xem tại sao bức hại tà ác của Trung Cộng tàn sát bừa bãi trên mảnh đất Trung Hoa cho đến tận ngày nay, từ đó tiếp tục xây dựng lại mối quan hệ hài hòa giữa con người với Thần Phật, trời đất và tự nhiên, từ đó tìm được giá trị chân chính mà chúng ta có thể truyền lại qua nhiều thế hệ.

Hiện nay, đoàn nghệ thuật Shen Yun đang thực hiện chuyến lưu diễn toàn cầu, những ai may mắn được chiêm ngưỡng buổi biểu diễn huy hoàng tráng lệ này, chắc chắn tất cả mọi người, không có ai ngoại lệ, sẽ đều bị chấn động bởi tinh hoa văn hóa Thần truyền 5000 năm của Trung Hoa được triển hiện ra. Sự thể hiện thần kỳ của phông nền sân khấu giống hệt như Thần Phật hạ lâm chốn nhân gian, biểu hiện nghệ thuật thuần thiện, thuần mỹ cảm động thế nhân, mọi người dường như cũng dần dần nhận ra đây chính là sự quay trở lại của Thần Phật mà con người từ sâu thẳm trong lòng đã mong mỏi bấy lâu nay.

Ghi chú: [1] Trích trong Kinh văn “Giảng Pháp tại Lễ thành lập Phật học hội Singapore” của Sư Phụ Lý Hồng Chí.

(Xin đón đọc phần kế tiếp: “Đoạn tuyệt và tái sinh”)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/118474



Ngày đăng: 22-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.