Chính thuyết về Văn hóa tu luyện Thần truyền (Phần 2): Tiết lộ một đường thiên cơ



Tác giả: Tống Minh

[ChanhKien.org]

Trong số rất nhiều ngọn núi nổi tiếng ở Trung Quốc có một cảnh quan vô cùng độc đáo gọi là “một đường trời”. Tại sao lại gọi là “một đường trời”? Chúng ta hãy thử tưởng tượng mình đang đứng giữa hai vách núi cao chênh vênh sát nhau, khi ấy ngước lên nhìn trời sẽ thấy chỉ còn lại một đường trời xanh, đó là lý do danh xưng “một đường trời” ra đời. Trong giới tu luyện thường dùng hình tượng này để miêu tả trong sự mênh mông bao la của thiên cơ, chỉ còn lại một đường hy vọng mà thôi. Từ xưa đến nay, người cầu Đạo nhiều không sao kể xiết, nhưng người đắc Đạo hiếm có khó tìm, đó cũng là hình ảnh để miêu tả về sự khó khăn gian khổ trong tu luyện.

Trong lịch sử, sự khó khăn của việc tu luyện đầu tiên thể hiện ở việc khó đắc Pháp, cái gọi là “Chân truyền một câu nói, giả truyền vạn cuốn sách” có ý gì? Ý tứ là đạo lý lớn vốn cực kỳ đơn giản, đơn giản đến mức chỉ dùng một, hai câu là nói rõ được. Vậy chúng ta thử xem trong bộ Đạo Tạng, Đại Tạng Kinh có biết bao nhiêu vạn cuốn kinh thư? Ai biết được câu nào là Đại Đạo? Câu nào là chân Pháp? Biết bao người suốt đời miệt mài nghiên cứu kinh sách mà vẫn không tìm ra câu trả lời. Trong tác phẩm Tây Du Ký kể về Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh phải trải qua chín chín tám mươi mốt kiếp nạn, đây vẫn còn là tu luyện chính pháp môn. Nếu bỏ lỡ chính Pháp thì vẫn còn có cơ hội hối hận mà quay đầu, giống như câu chuyện về Bát Tiên Hàn Tương Tử (một trong tám vị Tiên) thời nhà Đường đắc Đạo, hay như Phí Trường Phòng thời Đông Hán bỏ lỡ tiên duyên nhưng giữ vững quyết tâm không đổi, cuối cùng vẫn có cơ hội quay về Đại Đạo. Nhưng nếu như lầm đường lạc lối mà tu “thiền cáo hoang” thì chỉ sợ ngay cả cơ hội hối hận cũng không có. Thứ nữa là tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong tu luyện không cho phép tái phạm sai lầm, những ví dụ chỉ vì một khảo nghiệm không vượt qua được mà đứt gánh giữa đường, hối hận cả đời xuất hiện không ít trong các truyền thuyết thần thoại. Khó khăn thứ ba là một đời khó tu thành chính quả, như Đường Tăng phải mất đến mười kiếp tu hành khổ hạnh mới chứng được quả Phật. Vậy khó khăn thứ tư là gì? Chính là nỗi khổ luân hồi, khó tìm được cơ duyên tu luyện. Bởi vì một đời tu không thành, trong luân hồi chuyển sinh nếu không đắc được thân người cũng khó lòng tu được chính Pháp. Không dễ gì đắc được thân người rồi, nhưng trong quá trình chuyển sinh, ký ức bị phong kín, tâm trí bị xóa sạch, lại thường dễ bị mê mờ mất đi bản tính trong cõi hồng trần, từ đó dẫn đến nghiệp lớn phong bế toàn thân mà mất đi cơ duyên tu luyện lần nữa. Trong tác phẩm Tây Du Ký có một câu danh ngôn kinh điển, đó là: “Thân người khó được, Trung Thổ khó sinh, chính Pháp khó gặp, được cả ba điều, may mắn lắm thay” (Trung Quốc vốn được coi là Trung Thổ), điều này cũng đủ để nhắc nhở cho những người tu luyện sau này dè chừng.

Mặc dù từ xưa đến nay tu luyện vốn là “một đường thiên cơ” rất hẹp, nhưng chưa bao giờ vì thế mà cắt đứt đi tâm cầu Đạo, hướng Đạo của con người. Phần mở đầu truyện Bát Tiên Đắc Đạo Ký có nói: “Các vị Thần Tiên chẳng qua cũng chỉ là những người phàm tục tu luyện mà thành. Phàm nhân ai cũng có thể trở thành Thần Tiên, chỉ sợ lòng không kiên định mà thôi”. “Triêu văn Đạo, tịch khả tử”, nghĩa là buổi sáng được nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng – câu nói này có thể coi như lời thề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của những người Trung Quốc trên con đường truy cầu Đạo Thánh hiền. Cho nên, chúng ta mới có thể nghe trong lịch sử về câu chuyện nhị tổ Thiền tông Huệ Khả chặt đứt cánh tay của mình để cầu Pháp đồng thời cảm nhận được sự chấn động vĩ đại của Tôn giả Milarepa (Mật Lặc Nhật Ba) trong Bạch giáo Mật tông khổ tu một đời, cuối cùng thành Phật quả.

“Lạc sâu trong cõi hồng trần, mê mờ không biết đường về, thấm thoát đã trăm nghìn năm, may gặp Sư tôn phổ độ, đắc độ, đắc độ, đừng lỡ cơ duyên lần nữa”. Lời bài hát “Như mộng lệnh – Đắc độ” [1] này là tiếng lòng phát ra từ sâu thẳm tâm hồn của một người tu luyện Pháp Luân Công sau khi được nghe Đạo và đắc Pháp. Anh đã thể hiện chân thực niềm vui mừng khôn tả của một người tu luyện sau khi trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đi từ thất vọng này đến tuyệt vọng khác, tìm hết núi này đến núi khác, cuối cùng đã gặp được chính Pháp.

Có thể nói, có bao nhiêu người tu luyện Pháp Luân Công thì có bấy nhiêu câu chuyện về những người tu luyện Pháp Luân Công nghe Đạo đắc Pháp. Mặc dù mỗi người đều có nhân duyên khác nhau nhưng những người tu luyện Pháp Luân Công ai cũng đều bày tỏ lòng biết ơn không lời nào diễn tả được đối với sự từ bi cứu độ của Sư phụ.

Trong lịch sử, Đạo gia giảng tu chân, tu luyện chân chính đều là sư phụ chọn đồ đệ, bạn muốn tu luyện, còn phải được sư phụ xem bạn có xứng hay không, có được hay không. Phật gia tu thiện giảng phổ độ chúng sinh, nhưng Phật Thích Ca Mâu Ni tại Ấn Độ cổ đã niết bàn được hơn 2500 năm rồi, Phật Pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni từng truyền cũng đã sớm đi vào mạt Pháp rồi, thời kỳ mạt Pháp hòa thượng tự độ còn khó nói gì đến độ nhân? Ai có thể độ nhân? Phổ độ như thế nào? Nơi nào trên thế gian có chính Pháp phổ độ? Trên thế gian khi nào mới có chính Pháp không cần cải biến nhục thân hiện tại, người tu hành vẫn có thể trở thành một vị Phật giác ngộ viên mãn đây? Lịch sử chớp mắt đã trôi qua 2000 năm trong tiếng gọi khắc khoải mong chờ.

“Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai, kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai” (dịch nghĩa: Cánh cổng trời vĩ đại từ vạn cổ tới nay mới khai mở lần đầu tiên. Biết bao nhiêu người tới nhân gian, biết bao nhiêu người có thể trở về?) “Một đường thiên cơ” của tu luyện này đã thăng trầm trong dòng sông dài của lịch sử, dưới sự an bài của Thần Phật, trong sự truy tìm của người tu luyện đã không ngừng đặt định ra cho thế nhân nhận thức về Thần Phật và tu luyện, nhận thức sự khác nhau về hình thức và văn hóa tiêu chuẩn của tu luyện. Cuối cùng, chúng ta đã đợi đến ngày Đại Pháp khai truyền, “một đường thiên cơ” này cũng không còn là “thiên cơ” nữa, từ xưa đến nay lần đầu tiên thực sự lưu lại cho con người một chiếc thang lên trời – đó chính là cuốn thiên thư “Chuyển Pháp Luân“.

(Xin đón đọc bài kế tiếp: “Không ai không biết, ai có thể biết?”)

[1] Theo hiểu biết của người dịch, “Như mộng lệnh” là một thể từ mà trong đó bài từ có 33 chữ, 7 câu, câu thứ 5 và thứ 6 điệp khúc.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/118470



Ngày đăng: 29-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.