Nghĩa giải tam quốc (16): Ngũ Phu đương triều giết giặc, trung nghĩa lưỡng toàn



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Đổng Trác giết vua làm nhục hoàng đế, tại kinh thành ngang nhiên đồ sát bách tính, đồng nghĩa với việc công khai tuyên cáo với thiên hạ rằng bản thân hắn là kẻ chống lại đạo nghĩa, đặt bản thân vào vị trí một tên quốc tặc mà người người đều có thể giết.

Cấm quân việt kỵ hiệu úy (là một chức vụ thống lĩnh quân khinh kỵ) Ngũ Phu, không thể tiếp tục dung nhẫn, là người đầu tiên bước ra. Cho dù là thành hay bại, nghĩa cử của ông đều sẽ trở thành tiếng hô mở màn cho các châu quận toàn quốc, là ánh lửa chỉ đường cho quần chúng cùng khởi nghĩa. Có nghĩa là, thời cơ diễn nghĩa trên quy mô lớn đã hoàn toàn chín muồi. Sau Ngũ Phu, đến lượt Tào Tháo, sau khi Tào Tháo thất bại, quan văn Vương Doãn kế thừa trách nhiệm trọng đại ấy, có thể nói là võ tướng dẫn đầu, quan văn dùng kế, cuối cùng đã diệt trừ được gian tặc.

Trung thần phụng nghĩa, hai loại phương thức

Quá trình này đã triển hiện hai loại nhận thức và phương thức căn bản trong việc thực hành trung nghĩa của quần thần Hán triều. Một loại là ôm giữ quyết tâm dùng cái chết để thành tựu việc nghĩa, như Ngũ Phu và quan thượng thư Đinh Quản, người đã đổ máu ngay trước khi Đổng Trác phế hoàng đế; một loại khác là có thể xả thân vì nghĩa nhưng không dễ dàng từ bỏ sinh mạng, mà phải nhẫn nhục chịu khổ để giữ lại sinh mạng và xây dựng lực lượng, chờ thời cơ cuối cùng để đạt được mục đích trừ ác như Tào Tháo và Vương Doãn. Đương nhiên cũng bao gồm những người sau này như Quan Vũ, Lưu Bị,… Hai loại phương thức ở tầng con người này đều được thế nhân khẳng định, nhưng loại thứ hai làm khó hơn. Tình hình cụ thể cũng phức tạp đa biến, khi thực hiện cũng tùy theo hoàn cảnh mà có cách làm khác nhau. Hai loại phương thức đều được thể hiện đầy đủ trong “Tam quốc diễn nghĩa”, đủ để cho hậu nhân khi gặp các tình huống khác nhau có thể có được nhiều loại tham chiếu và lựa chọn khác nhau.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc, là con cái trong gia đình thì phải thật hiếu thảo; còn đối với quốc gia, là thần tử thì phải tận trung báo quốc. Nói cách khác, hiếu là yêu cầu đối với con cái, mà trung, chủ yếu là yêu cầu đối với thần tử. Thần tử tận trung, tất phải vì quốc gia bách tính giữ vững đạo nghĩa, lại có hàm nghĩa là đối với quân chủ phò tá có thủy có chung, không rời bỏ (do đó “trung” trong “trung nghĩa” đồng âm với “chung” trong “chung thủy”), đều là giảng đạo nghĩa dưới các góc nhìn khác nhau. Nhưng khi lịch sử Trung Quốc đi đến thời kỳ Hán mạt Tam Quốc, khi hoàng đế không có thực quyền, người ở thời đại này dường như chủ yếu dùng thân phận và góc độ của thần tử để thống lĩnh thiên hạ thi hành trung nghĩa, bảo vệ Hiến Đế, bảo vệ lê dân, do đó gọi là thi hành trung nghĩa, nhưng trọng điểm của nó đặt tại chữ “nghĩa” mà không phải chữ “trung”. Bởi vì giai đoạn lịch sử này trên thực chất là quyền thần lệnh chư hầu, không phải thời đại có quân chủ thực chất để quy thuận và phò tá, bối cảnh thời đại này không xuất hiện một quân chủ chân chính có thể khiến thiên hạ không thể rời bỏ, tận trung một cách có thủy có chung. Thực chất, thời đại này đa số là lấy danh nghĩa thần tử, thống lĩnh mọi người thi hành đạo nghĩa, tiến tới thời đại triển hiện toàn bộ nội hàm của nghĩa.

Chúng ta trước tiên xem xét phương thức thủ nghĩa của Ngũ Phu.

Ngũ Phu khởi đầu, thích sát Đổng Trác, trung nghĩa lưỡng toàn

“Việt kỵ hiệu úy Ngũ Phu, tên chữ là Đức Du, thấy Trác tàn bạo, căm hận bất bình, thường mặc áo giáp ở trong triều phục, dắt một con dao ngắn, rình tiện dịp để giết Trác. Một hôm, Trác vào chầu, Phu ra đón. Lúc Trác đến dưới gác, Phu rút dao ra đâm, không ngờ sức Trác khỏe hơn, hai tay ôm chặt được Phu, Lữ Bố trông thấy, chạy lại túm Phu ra vật ngã xuống. Trác hỏi Phu rằng: “Ai xúi nhà ngươi làm phản?” Phu trợn mắt thét mắng: “Ngươi không phải là vua ta, ta không phải là bề tôi của ngươi, sao gọi là phản được, tội ngươi tày trời, ai ai cũng muốn giết! Ta tiếc rằng không xé nhỏ được xác ngươi ra để tạ thiên hạ!” Trác tức lắm, sai Phu đem ra mổ. Phu cứ mắng chửi Đổng Trác không thôi cho đến lúc chết. Đời sau có thơ khen Ngũ Phu rằng:

“Hán mạt trung thần thuyết Ngũ Phu, Xung thiên hào khí thế gian vô. Triều đường sát tặc danh do tại, Vạn cổ kham xưng đại trượng phu!”

Tạm dịch:

“Hán mạt trung thần nhắc Ngũ Phu, Hào khí xung thiên thế gian chẳng ai bằng. Đương triều giết giặc danh tiếng để, Vạn cổ xưng danh đại trượng phu!”

Đây chính là hình tượng Ngũ Phu được miêu tả trong “Tam quốc diễn nghĩa”, ông tuy hành thích thất bại, lấy cái chết để thành tựu việc nghĩa, nhưng lại nói ra được chính lý của trung thần vì đất nước trừ gian. Đổng Trác tự cho mình là chủ của thiên hạ, do đó mới cho rằng người khác hành thích hắn là hành động phản nghịch. Ngũ Phu không sợ hãi nói ra được đạo lý: Đổng Trác ngươi không phải là quân chủ mà ta muốn tận trung phò tá, ta đương nhiên không phải là thần tử của ngươi, không phải quan hệ quân thần sao nói là phản nghịch? Ta giết ngươi, chỉ bởi vì ngươi tội ác tày trời, thiên hạ ai cũng có thể giết ngươi. Những lời này chính là thể hiện rằng, giết hắn là thay trời hành đạo, là vì bách tính thiên hạ trừ hại, Đổng Trác trở thành kẻ địch chung của cả thiên hạ, hắn đã trở thành kẻ chống lại đạo nghĩa. Trừ bỏ hắn đã trở thành một hành động phù hợp với đạo lý của đất trời.

Ngũ Phu vì dùng cái chết để thực hành việc nghĩa, có thể nói là đã dùng phương thức đầu tiên để thay trời hành đạo, đã thi hành nghĩa cử của trung thần báo quốc, đồng thời cũng dùng sinh mệnh để hoàn thành bổn phận có thủy có chung của một thần tử đối với cá nhân quân chủ, cả cuộc đời ông đều phụng sự cho Hán triều, tròn bổn phận với hoàng đế đương triều Hán Hiến Đế. Do đó, hành vi của ông có thể được coi là “trung nghĩa lưỡng toàn” một cách hoàn mỹ. Phong trào diễn nghĩa của thời kỳ Hiến Đế là do ông khởi phát, nhưng người đời sau lại dùng hình thức thơ để định vị ông là một vị trung thần thời Hán mạt. Kỳ thực, từ góc độ của trung mà nói, hành động nhẫn nhục vì việc lớn, uốn mình chịu nhịn đem Điêu Thuyền hiến cho Đổng Trác, dùng mỹ nhân kế trừ bỏ Đổng Trác của Vương Doãn sau này, và với Hán Hiến Đế ông cũng không rời bỏ, cuối cùng dùng cái chết để bảo toàn cho Hiến Đế, hai vị này đều là thay bách tính thiên hạ thi hành đạo nghĩa, đồng thời mặt khác cũng hoàn thành việc tận trung với quân chủ của mình.

Nội hàm cơ bản của trung: tận tâm duy hộ chính đạo

Tại đây, chúng tôi muốn làm rõ một khái niệm, chính là từ “trung” này, nếu như trở thành bổn phận của thần tử, muốn thực hành một cách hoàn mỹ, chỉ có thể đối với quân chủ có đức hoặc ít nhất là không đến mức như Hạ Kiệt và Thương Trụ Vương, mới có thể làm được. Chữ trung (忠), là một loại đạo nghĩa, do trung (中) và tâm (心) tổ hợp thành, biểu hiện nội hàm cơ bản của nó là làm người phải trung chính vô tư, tận tâm tận lực, cũng tức là phải tận tâm duy hộ chính đạo. Chữ “trung” này thường dùng để chỉ việc thần tử vì quốc phụng công, do đó trung thần khi đứng trước quốc gia, phục vụ quân chủ, thì xuất hiện hai tầng nghĩa vụ, thứ nhất là dùng tâm chính trực vô tư thi hành trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ đối với quốc gia bách tính, nhưng đồng thời cũng có cả phương diện tận tâm tận lực phò tá có thủy có chung đối với cá nhân quân chủ. Bảo vệ quốc gia bách tính là cái nghĩa lớn, bảo vệ cá nhân quân chủ là cái nghĩa tương đối nhỏ, đều là đạo nghĩa, trong tình huống bình thường thì không mâu thuẫn, bản thân trung nghĩa chính là một. Vì khi quân chủ có thể yêu thương dân thì phò tá ông tận trung cũng chính là đồng nghĩa với việc đang bảo hộ quốc gia, tự nhiên sẽ phù hợp đạo nghĩa lớn. Nhưng nếu như quân chủ tàn hại bách tính, thiên lý không dung, vậy sẽ không được coi là chủ của thiên hạ, lúc này nếu như phò tá ông ta tận trung, thì trừ khi có thể dùng đạo lý chân chính khuyên giải và quy chính ông ta về với chính đạo, thay bách tính chỉ dạy ông ta, còn không làm được như thế mà vẫn muốn ở bên cạnh ông ta toàn lực tiếp tục giúp đỡ thì cũng đồng nghĩa với việc tổn hại bách tính quốc gia, thay người xấu làm việc ác rồi. Do đó, trong tình huống cá biệt đối với quân chủ tàn bạo hoặc cực kỳ hôn quân, nếu trung một cách cực đoan với cá nhân quân chủ, thì ngược lại sẽ xa rời chính đạo, sẽ không đúng với nghĩa ban đầu của chữ trung, nguyên gốc là không nghiêng lệch, công chính.

Chữ tâm với nghĩa “tấm lòng tận tâm tận lực”, được đặt ở dưới chữ trung (中), chính là muốn con người một lòng một dạ thi hành chính đạo, vậy thì khi quân chủ tàn bạo bất chính, thì thực sự tận trung thế nào đây. Do đó trong lịch sử những năm cuối của Thương Triều đã diễn dịch câu chuyện “Trợ Trụ vi ngược” và đã trở thành thành ngữ sử dụng thường ngày, trở thành lời cảnh báo đối với những người muốn giúp người khác làm việc ác. Do vậy, khi gặp phải bạo quân hôn quân, thì phải lấy lịch sử làm gương, nhận định có nên tạm thời từ bỏ trung đối với cá nhân quân chủ hay không, chỉ nói về nghĩa đối với quốc gia bách tính. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thành ngữ “Tận trung báo quốc”, nhắc nhở thần tử rằng, tận trung là vì báo quốc an dân, tận trung không được quên mục đích cuối cùng là dùng chính đạo báo đáp quốc gia bảo vệ người dân. Trung nghĩa phải là nhất thể.

Quá trình hình thành tam quốc thời Hán mạt quả là rất đặc thù, luận hành vi và lựa chọn của những thần tử, đối mặt với cá nhân quân chủ thì có thể nói họ tận trung cũng đúng, tuy không cách nào trực tiếp phò tá, nhưng nhân phẩm và danh nghĩa của Hiến Đế vẫn còn, dựng lên ngọn cờ chính nghĩa thì nhất định phải coi Hán thất là chính thống, là danh nghĩa chính đáng. Nhưng nói họ tận nghĩa thì chính xác hơn, suy cho cùng cũng là thay trời hành đạo, coi việc trừ bỏ kẻ thù chung là việc chính, đối với cá nhân vị hoàng đế không thể làm chủ quốc gia ấy, có nhiều tình huống, cho dù muốn phò tá ông cũng không cách nào phò tá, muốn làm đến độ không rời bỏ, có thủy có chung thì đã mất đi điều kiện thực tế. Nhưng về hàm nghĩa căn bản của chữ trung mà nói, chỉ cần tận tâm duy hộ chính đạo là đã được coi là trung thần chân chính theo nghĩa rộng rồi.

Ngũ Phu và Vương Doãn, đối với Hiến Đế, là hai vị trung thần điển hình cho câu “trung nghĩa lưỡng toàn”. Hai người họ đã đại biểu cho đức hạnh phổ biến của thần tử trong thời kỳ quân chủ bình thường. Nhưng tại thời kỳ mạt của vương triều, thường thường phải coi trọng đạo nghĩa cứu dân cứu quốc lên vị trí thứ nhất. Do đó, vũ đài tam quốc chỉ có thể làm nổi bật những cái lý chính nghĩa mà tất cả mọi người tuân theo một cách phổ biến.

Ngũ Phu hành thích, tuy không thành công, nhưng lại trở thành ánh lửa dẫn đường cho toàn quốc cùng nhau khởi nghĩa, thảo phạt Đổng Trác, góp phần dẫn đến hành động hành thích của Tào Tháo ở chương tiếp theo.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/255062



Ngày đăng: 25-05-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.