Nghĩa giải Tam quốc (12): Loạn thế nan đề, duy đức năng giải
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Đọc truyện “Tam quốc diễn nghĩa” chúng ta sẽ kinh ngạc phát hiện ra rằng xã hội cổ đại được miêu tả trong sách hoàn toàn không giống với những gì chúng ta thấy trên truyền hình. Người xưa muốn quyết định sự việc gì thì đều lấy đức làm trung tâm, kỷ cương phép tắc và vũ lực đều là phụ, còn những oai lý (oai lý, “oai” trong từ “tà môn oai đạo”) thì không cách nào tìm được chỗ đứng trong xã hội. Ngay cả người không đủ dũng khí nhất thời khiếp sợ vũ lực, không dám lên tiếng, nhưng trong tư tưởng lại không hề hồ đồ, cũng không dễ dàng bị tẩy não và lợi dụng. Đây cũng là điều mà tà ác khiếp sợ nhất, thế nên bạo ngược như Đổng Trác mới sợ người hiểu biết đạo nghĩa như Lư Thực đến thế và muốn trừ khử ông ta. Hôm nay chúng ta đem những lời Lư Thực ra phân tích một cách kỹ lưỡng sẽ thấy người xưa phán đoán sự việc một cách trí huệ như thế nào.
Học theo chí Y Doãn, phán Đổng Trác phản nghịch
Trước hết chúng ta cùng xem lại đoạn hội thoại của Lư Thực:
Lư Thực nói: “Ông lầm rồi! Xưa vua Thái Giáp không minh. Y Doãn lưu đày ông ta ở Đồng cung; vua Xương Ấp lên ngôi vua mới có hai mươi bảy ngày mà làm hơn ba nghìn điều ác, nên Hoắc Quang phải làm lễ cáo ở thái miếu rồi bỏ đi. Ngày nay vua dẫu còn trẻ tuổi, song vốn thông minh nhân từ, chưa có một chút lỗi lầm. Ông chẳng qua là thứ sử đường ngoài, chưa tham dự việc nước, lại không có tài lớn như Hoắc Quang, Y Doãn, sao dám cả gan bàn đến việc bỏ vua nọ lập vua kia? Thánh nhân nói rằng: “Có chí như Y Doãn thì hay, bằng không có chí ấy mà làm thì là thoán nghịch!”
Lời nói của Lư Thực đại ý nói rằng: Đổng Trác ngài nói muốn phế Thiếu Đế ấy là sai rồi, thời xưa vua Thái Giáp của nhà Thương đức hạnh bại hoại, thừa tướng Y Doãn mới đày vua ra Đổng Cung để vua phản tỉnh, tự mình tạm thời đích thân chấp chính. (Sau 3 năm vua Thái Giáp tỉnh ngộ quyết tâm sửa chữa sai lầm của mình, Y Doãn đích thân đến đón rước vua về kinh và trao lại quyền hành, sau Thái Giáp trở thành một vị minh quân của nhà Thương). Vua Hán Xương Ấp đăng cơ mới 27 ngày đã làm ra hơn 3000 điều ác, nên đại thần Hoắc Quang đã làm lễ cáo ở thái miếu phế truất vua. Còn ngày nay vua Thiếu Đế của chúng ta tuy còn nhỏ tuổi nhưng thông minh nhân đức, có tài trí, lại chưa có một chút lỗi lầm, còn ngài chỉ là một Thứ sử của quận ngoài thành, ngày thường không có quyền tham dự triều chính, lại không có tài lớn phụng thiên tế thế như Hoắc Quang, Y Doãn, thì sao dám cả gan cưỡng ép làm chuyện đại sự phế vua nọ lập vua kia? Thánh nhân nói rằng nếu có công tâm như Y Doãn không mưu đồ vương vị mà chỉ dạy dỗ vua quy chính đức hạnh, ôm chí lớn tế thế an dân thì không thành vấn đề, còn nếu không có hoài bão như vậy mà làm việc soán vị thì chính là hành vi phản nghịch.
Câu trả lời của thượng thư Lưu Thực đã cho chúng ta thấy rõ rằng người bị phế vị ắt phải làm chuyện gì thất đức nghiêm trọng, còn người thực thi việc phế vị phải xuất từ công tâm, còn phải có tư cách và uy tín được tổ tiên giao phó nhiệm vụ trọng đại là giáo dục đời sau, được thần minh thiên địa cho phép thì mới có thể làm sự việc này.
Y Doãn là thừa tướng khai quốc của triều Thương, phò trợ 5 đời quân vương, sống đến hơn 100 tuổi, sau khi mất, được mai táng theo nghi lễ vương giả. Ông quả là nhân tài tuân theo thiên mệnh hạ thế, thông thiên lý hợp nhân đạo; là bậc thầy lấy đạo trị quốc nhân hiếu của Vua Nghiêu vua Thuấn để dạy dỗ các bậc đế vương của triều Thương. Gia Cát Lượng trong “Tam Quốc diễn nghĩa” chính là tượng trưng cho Y Doãn. Lưu Bị phải ba lần đến lều tranh thỉnh mời, Gia Cát Lượng mới xuống núi, đây không phải là cảnh giới mà người bình thường có thể đạt được. Những bậc đại trí này vốn là người thông suốt thiên lý hiểu được thiên mệnh, thuận theo thiên ý mà hành sự, trong lòng hiểu rõ vận mệnh quốc gia và đại sự, họ căn bản sẽ không có hứng thú đối với quyền lực và vương vị.
Chuyện Y Doãn đày vua Thái Giáp ra Đồng cung xuất phát từ ghi chép trong Sử ký và trong nhiều tài liệu lịch sử. Có không ít người lấy những loại sách vở khác, những thứ hoàn toàn tương phản, tuyên dương cái ác làm giá trị, để phủ định Y Doãn, phủ định quy phạm đạo đức truyền thống do Thánh vương và Hiền tướng truyền lại. Đây là điều vô cùng đáng sợ, những kẻ dùng ý đồ thóa mạ tổ tiên để huỷ hoại con cháu đời sau và huỷ hoại đạo đức của một dân tộc sẽ thành tội nhân thiên cổ, chỉ có ma quỷ mới làm như vậy. Nếu như con cháu đời sau tin vào những lời lừa dối ấy của ma quỷ thì chúng sẽ cười nhạo tổ tiên, nhạo báng đạo đức. Những kẻ làm ra việc này sẽ biến con cháu đời sau thành phường tà ác chỉ vì quyền lợi mà muốn gì làm nấy không từ thủ đoạn. Chúng ta rốt cục là đang biểu dương cái thiện hay đang huỷ hoại người, muốn biến con người thành cầm thú? Cái mà chúng ta gọi là học vấn và thông minh đó há chẳng phải là do ma quỷ lợi dụng và khống chế [mà làm ra] hay sao? Thử nghĩ một chút thôi cũng sẽ giật mình sởn gáy. Những người viết ngược lịch sử hoặc muốn chứng thực các giá trị quan tà ác, xin hãy suy nghĩ cho kỹ, tài trí của chúng ta có thật là để dùng vào việc huỷ diệt đạo đức dân tộc không? Những nghiên cứu học vấn mà chúng ta làm, những năm tháng cũng như giá trị của kiếp nhân sinh có thật là vì mục đích đáng sợ này mà tồn tại hay không?
Loạn thế nan đề, duy đức năng giải
Thượng thư Lư Thực vốn là bậc đại nho của nhà Đông Hán, chúng ta thấy lời ông nói nhắm vào việc phế vị đế vương, vốn là chuyện đại sự hàng đầu của quốc gia, nhưng trong lời ấy không có chút lúng túng sợ hãi, cũng không tránh né, lời lẽ nhã nhặn, luận cứ rõ ràng, dứt khoát bác bỏ luận điệu hoang đường của Đổng Trác. Ông chỉ cho Trác biết rằng tuyển chọn đế vương thì cũng phải phán đoán ai có tư cách ngồi vào vị trí ấy, không phải dựa vào tiêu chuẩn dáng vẻ uy nghi mà là lấy đức hạnh làm tiêu chuẩn. Những sự kiện phát sinh trong lịch sử đều là những ví dụ về các bậc đế vương bản thân thất đức nghiêm trọng, thất tín với thiên hạ mới bị truất ngôi. Vì thế Thiếu Đế không phù hợp với điều kiện này, ai cũng không thể làm chuyện như thế được.
Lời của Lư Thực chính là để nói rằng đức là nguyên tắc trung tâm để phán đoán đại sự. Có một điều cần chú ý là Lư Thực không lập tức nói tới những phép tắc như đạo quân thần hay quy tắc trưởng thứ có thứ tự, lập con trưởng không lập con thứ. Chính vì thế, người thực sự am hiểu học vấn đều hiểu rõ rằng “lễ” là quy định thường nhật phổ biến thông dụng, tiện cho con người trong công tác bình thường, giao tiếp và sinh hoạt, là phương tiện để biểu đạt sự tôn kính, là các quy củ thông dụng về hành vi của con người như thăm hỏi, hữu hảo và thiện ý. Các dân tộc khác nhau, các triều đại khác nhau sẽ có hình thức biểu đạt cụ thể khác nhau, thế nên hình thức bên ngoài của lễ có thể thay đổi nhưng tác dụng bảo vệ đạo đức, nguyên tắc lấy đức làm trung tâm sẽ vĩnh viễn không đổi.
Do đó, trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, trong một tình huống đặc thù, khi đế vương thất đức nghiêm trọng gây nguy hiểm cho quốc gia và bách tính, lúc mà vua mất đi tư cách của một bậc đế vương, thì cái lễ nghĩa quân thần có thể tạm thời gác sang một bên, thần tử có thể ở trước tông miếu của đế vương, nhưng không phải lấy thân phận một thần tử mà lấy thân phận thay mặt tiên tổ đế vương dạy dỗ đế vương, ở nơi rất nghiêm túc tế cáo với trời đất và tổ tiên của đế vương rồi tiến hành phế truất. Cần phải có tâm thái đường đường chính chính ở trước tông miếu và thiên địa cũng như có mặt đầy đủ các đại thần mà làm việc này. Thế nên trong lịch sử vào thời kỳ đặc thù thật sự là có tiền lệ thần tử phế đế, nhưng phải là khi đế vương đó đã thất đức nghiêm trọng, hơn nữa việc phế đế phải thực hiện một cách công khai và hết sức nghiêm túc. Người tiến hành phế đế không thể có tư tâm không công chính chỉ vì bản thân, nếu không sẽ bị người đời nhìn thấy rõ rành rành.
Thế nên nếu một người lăm lăm trong tay con dao đồ tể, muốn lừa dối trời, bức ép người khác, thì chính là có tội, nếu dễ dàng hoàn thành chính sự trọng đại này một cách tùy tiện, thì cho dù là kẻ ngốc đến mấy cũng đều biết đó là làm điều phản nghịch. Huống chi Thiếu Đế căn bản chưa phạm việc gì thất đức. Do đó hành vi của Đổng Trác không còn nghi ngờ gì nữa chính là hành động mưu phản trái với nghĩa quân thần, sẽ bị người đời mạ là kẻ bất nghĩa thích làm điều ngang ngược. Vậy nên dẫu cuối cùng Đổng Trác cũng làm được việc phế đế nhưng sẽ nhanh chóng làm dấy lên cuộc khởi nghĩa của các anh hùng cùng nhau thảo phạt quốc tặc, và ai ai cũng lăng mạ ông ta. Bởi vì bất kể là người ta có dám lên tiếng hay không thì toàn bộ xã hội đều chọn đức làm tiêu chuẩn tốt đẹp, sẽ tự giác tuân theo nghĩa lý, một cách tự nhiên sẽ phán đoán ra được hành vi của Đổng Trác là bất nghĩa. Lễ nghĩa và pháp luật có thể căn cứ theo hình thức xã hội mà thay đổi, nhưng đạo lý làm người thì không thể thay đổi, do đó có thể thấy được sự sáng suốt của người xưa.
Đổng Trác sau khi phế đế thì ngày ngày đề phòng, ngay cả ban đêm cũng ngủ không ngon giấc, lúc nào cũng e có người ám sát mình, một kẻ dựa vào bạo lực để giành được thiên hạ thì có thể bền lâu chăng? Người như vậy có đáng để người khác tôn sùng và noi theo không? Khẳng định là không thể. Nhưng có phải vì vậy mà chúng ta liền phủ định tác dụng của vũ lực? Đương nhiên không phải, bởi truyện “Tam quốc diễn nghĩa” sẽ vào thời cơ thích hợp, cũng chính là khi “Lưu Bị dẫn quân vào Tây Xuyên thông qua quân sư Bàng Thống mà giảng về đạo lý lấy đức dụng võ và nghịch thủ thuận thủ [1] để giải đáp nghi vấn này cho chúng ta.
Mọi người xem truyện “Tam quốc diễn nghĩa” nếu chú ý sẽ thấy rằng lễ nghĩa không phải là trung tâm khi thảo luận vấn đề mà đức mới là trung tâm, những bậc quân tử có học vấn đều hết sức minh xác điểm này, chỉ có quy về cơ điểm là đạo đức thì mới có thể nhận định được sự vật, mới có thể nhận ra được hết thảy tà ngôn, loạn tượng và mới có thể bác bỏ được những luận điệu hoang đường. Điều này nói lên rằng người xưa vẫn hiểu và áp dụng một cách linh hoạt lời dạy của đức Khổng Tử “vi chính dĩ đức” (làm chính trị thì dùng đức cảm hoá dân) để xử lý việc quốc gia đại sự, thông hiểu về đạo đức mới là căn bản để đoán định được mọi việc, trong đó có cả tiêu chuẩn về lễ nghĩa, đạo đức mới là trung tâm xoay chuyển chính sự. Am hiểu đạo lý mới thoát khỏi được cái vỏ giáo điều sáo rỗng. Rất nhiều vấn đề pháp luật, giáo dục, kinh tế, xã hội ngày nay chỉ cần dùng giá trị quan đạo đức của cổ nhân để đo lường thiện ác thì sẽ có thể tìm ra được mấu chốt của vấn đề. Do đó người đọc sách thánh hiền không những không được bảo thủ mà trái lại còn phải phá trừ những quan niệm bảo thủ, trả lại sự thật cho nền văn hoá của dân tộc Trung Hoa.
Như vậy (Sau lời vạch trần hoang ngôn ấy thì) tính mệnh của Lư Thực sẽ như thế nào? Trong truyện viết có các quan đã can ngăn Đổng Trác: “Lư thượng thư là người có danh vọng lớn ở trong thiên hạ, nếu đem giết đi, e rằng thiên hạ không phục!” Thế là Đổng Trác liền không dám động thủ. Đương nhiên nếu Đổng Trác sát hại bậc quân tử đại biểu cho đạo nghĩa của thiên hạ thì cũng tương đương với việc tuyên cáo khắp thiên hạ rằng y là kẻ đối địch với đạo nghĩa, sẽ lập tức khiến các châu các quận đồng loạt nổi lên thảo phạt nghịch tặc, trở ngại đến việc Trác phế đế.
(Còn tiếp)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/254816
[1]: 逆取顺守 nghịch thủ thuận thủ: tạm dịch là khi giành thiên hạ thì phải đi ngược đạo lý trung thần, còn khi cai trị thiên hạ thì phải tuân theo chính đạo
Ngày đăng: 07-01-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.