Nghĩa giải tam quốc (19): Tào Tháo huệ nhãn nhìn ra Quan Vũ, anh hùng phân cao thấp tại đây
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Cuộc thảo phạt nghịch tặc của liên quân lần này, cũng là lần đọ sức đầu tiên về tấm lòng và kiến thức giữa Tào Tháo và anh em họ Viên, quá trình Tào Tháo giành lấy cơ hội trao cho Quan Vũ cũng là đang triển hiện cảnh giới của mỗi người. Có thể nói việc phân định cao thấp đã có kết quả rõ ràng. Nhà họ Viên cuối cùng không phải thất bại dưới tay Tào Tháo, mà là thất bại bởi chính bản thân mình. Đồng thời, mối duyên không giải giữa Tào Tháo và Quan Vũ cũng bắt đầu từ đây.
Quan Vũ xin ứng chiến, Tào Tháo trợ giúp
Lưu Bị vốn là bạn tốt của Công Tôn Toản, nghe nói chư hầu hội quân, cùng thảo phạt Đổng Trác, bèn từ bỏ chức quan huyện lệnh Bình Nguyên, mang theo Quan Vũ và Trương Phi gia nhập đội quân của lộ chư hầu Công Tôn Toản, đây là lần đầu ông công bố thân phận dòng dõi Hán thất trước mặt các trấn chư hầu trên toàn quốc. Khi các lộ chư hầu tại cửa Dĩ Thủy bị Hoa Hùng đánh cho thảm bại, trong truyện viết như sau:
“Tất cả đều thất sắc. Thiệu nói: “Tiếc thay các thượng tướng của ta là Nhan Lương, Văn Sú chưa đến! Giá thử một người ở đây thì sợ gì Hoa Hùng?” Nói chưa dứt lời, một người ở dưới thềm hô to lên rằng: “Tiểu tướng quân nguyện xin ra chém đầu Hoa Hùng, đem dâng dưới trướng!”. Mọi người nhìn xem, thấy người ấy mình cao chín thước, râu dài hai thước, mắt phượng mày ngài, mặt đỏ như gấc, tiếng như chuông lớn, đứng ngay trước trướng. Thiệu hỏi là người nào. Công Tôn Toản thưa: “Em Huyền Đức tên là Quan Vũ đấy”. Thiệu lại hỏi hiện làm chức gì. Toản thưa: “Vũ theo Huyền Đức làm mã cung thủ”. Viên Thuật ở trên trướng thét lên: “Mày dám khinh chư hầu chúng tao không có đại tướng hay sao? Thứ mày là một thằng cung thủ, mà dám nói khoác à! Đuổi cổ nó ra ngoài kia!”. Tào Tháo vội ngăn rằng: “Công Lộ hãy nguôi cơn giận. Người ấy đã nói mạnh thế, chắc là có dũng lược. Xin hãy thử cho ra đánh, nếu không đánh thắng, trách cũng chưa muộn”. Viên Thiệu nói: “Sai một tay bắn cung ra đánh, tất sẽ bị Hoa Hùng cười nhạo”. Tháo nói: “Người ấy diện mạo oai vệ thế kia, Hoa Hùng đâu biết là tay bắn cung?” Quan Công nói: “Nếu tôi không đánh được, xin chặt đầu tôi đi”.
Có thể thấy, khi Quan Vũ thấy mọi người đều hoảng hốt lo sợ, không ai có thể ứng chiến, tự mình chủ động thỉnh mệnh, thế mà điều Viên Thiệu quan tâm đầu tiên lại là chức vị của Quan Vũ. Khi nghe nói chỉ là một chức bắn cung nhỏ nhoi dưới trướng huyện lệnh, chính là một tiểu đội trưởng cưỡi ngựa bắn cung, còn chưa đợi Viên Thiệu mở miệng, thì em trai của ông ta là Viên Thuật bèn ngay lập tức vì thế mà tức giận, coi thường chức vụ nhỏ của Quan Vũ, thậm chí cảm thấy để ông xuất trận sẽ là nỗi ô nhục của chúng chư hầu, không những không đồng ý, còn muốn đem Quan Vũ đánh đuổi ra ngoài. Lời nói của hắn cũng là nói thay tâm lý của Viên Thiệu, sợ bị đối phương chê cười. Anh em Viên Thiệu không nhìn ra anh hùng, chỉ nhìn vào xuất thân, kiến thức cổ hủ chú trọng thể diện và tấm lòng nhỏ mọn, phẩm chất ngạo mạn tự đại, đều được triển hiện một cách trơ trụi tại đây. Nếu như Tào Tháo không khuyên Viên Thiệu cho Quan Vũ cơ hội, nghĩ cách phá trừ lo nghĩ mất thể diện của Viên Thuật và Viện Thiệu, lấy lời nói “Diện mạo oai vệ, đối phương không nhìn ra là tay bắn cung” để khuyên giải, Quan Vũ sẽ thật sự bị Viên Thuật đuổi ra ngoài rồi, căn bản không có cơ hội xuất chiến.
Đoạn này đã chứng minh rõ nét về sự tương phản về tấm lòng cũng như kiến thức của Tào Tháo và Viên Thiệu, Viên Thuật, ai cao ai thấp, nhìn qua là có thể rõ ngay.
Quan Vũ “Uy chấn càn khôn đệ nhất công”
Tào Tháo sau khi giành được cơ hội xuất chiến cho Quan Vũ, đối đãi Quan Vũ mười phần kính trọng, sai người đem cho Quan Vũ một cốc rượu ấm, uống rồi lên ngựa. Nhưng Quan Vũ lại nói: “Xin hãy để chén rượu ở đấy, tôi đi rồi sẽ về ngay”. Thế là “ra khỏi lều, vác long đao nhảy lên lưng ngựa”. Bắt đầu giao chiến:
“Chúng chư hầu nghe thấy ngoài cửa ải tiếng trống đánh lớn, tiếng người hò reo ầm ầm, tựa hồ như trời long đất lở, núi đổ non nghiêng, ai nấy đều thất kinh. Đang định sai người ra nghe ngóng, thì đã thấy tiếng chuông ngựa vang lên, ngựa đã vào tới trong quân. Vân Trường cầm đầu Hoa Hùng ném xuống đất, chén rượu của Tào Tháo đưa hãy còn nóng. Đời sau có thơ khen rằng:
“Uy chấn càn khôn đệ nhất công;
Viên môn trống trận nổi thùng thùng;
Vân Trường ngừng rượu triển anh dũng;
Rượu còn đang nóng chém Hoa Hùng”.
Đây chính là thần uy kinh thiên động địa “rượu ấm trảm Hoa Hùng” của Quan Vũ, rượu mà Tào Tháo chuẩn bị vẫn còn đang nóng, người đã thắng trận trở về, có thể nói là thần tốc, không chỉ chiến thắng mà còn thắng theo cách thong dong như vậy, so với các thượng tướng của chúng chư hầu thật là khác biệt một trời một vực. Do vậy, thất bại thảm hại liên tiếp của các chư hầu trước đó đã triển hiện sự uy dũng vô địch của Hoa Hùng, cuối cùng chẳng qua là để tôn lên sự uy dũng của Quan Vũ. Cũng tức là nói, cho dù trước đó viết dài bao nhiêu trang, đều chỉ là làm nền cho Quan Vũ mà thôi. Do đó, Quan Vũ mới là nhân vật chính của trận chiến. Một mãnh tướng khiến cho người người kinh sợ như Hoa Hùng mà Quan Vũ đánh không tốn hơi sức. Hậu nhân vì vậy đã làm thơ ca ngợi ông là “Uy chấn càn khôn đệ nhất công”.
Quan Vũ đắc thắng, Viên Thuật đố kỵ tài năng, Tào Tháo quý mến
Quan vũ sau khi giành được thắng lợi, trong truyện miêu tả một đoạn về phản ứng khác nhau của Tào Tháo và Viên Thuật:
Tào Tháo mừng lắm. Lúc ấy, Trương Phi ở sau lưng Huyền Đức mới chạy ra nói to lên rằng: “Anh tôi đã chém chết được Hoa Hùng, sao không nhân thể đánh thẳng vào cửa quan, bắt sống lấy Đổng Trác, còn đợi đến bao giờ!” Viên Thuật giận quát mắng rằng: “Đại thần của chúng tao đây còn phải khiêm nhượng, thứ mày là tiểu tốt của một quan huyện, sao dám diễu võ dương oai ở đây! Đuổi cả chúng nó ra ngoài kia!” Tào Tháo nói: “Ai có công thì thưởng, hà tất phân quý tiện?” Viên Thuật nói: “Các ông chỉ trọng một người huyện lệnh như này thì tôi xin cáo lui”. Tháo nói: “Sao lại vì một lời nói mà bỏ việc lớn?” Nói thế rồi Tháo bảo Công Tôn Toản hãy mời Huyền Đức, Quan, Trương về trại. Chúng quan đều tản đi. Tháo mật sai người đem trâu và rượu đưa sang thăm hỏi, vỗ về ba người.
Đoạn văn này càng trực tiếp làm rõ tâm đố kỵ và lòng dạ hẹp hòi của Viên Thuật, đối lập với Tào Tháo là người có tấm lòng và khí độ biết quý tiếc người tài, thưởng phạt phân minh không kể xuất thân quý tiện. Tào Tháo còn bí mật đem rượu vỗ về ba người Lưu Bị, mười phần kính trọng, quan tâm đối với anh hùng. Do vậy, sau này bên Viên Thuật Viên Thiệu tất nhiên bị diệt vong. Tào Tháo và Quan Vũ qua việc này đã kết một thiện duyên, cùng diễn vở “Qua năm cửa chém sáu tướng”, “Vì nghĩa thả Tào Tháo ở đường Hoa Dung”… để lại câu chuyện trung nghĩa và ân nghĩa lưu truyền thiên cổ.
Thúc phụ bị giết, Viên Thiệu vô tình vô nghĩa
Lại nói tới Viên Thiệu, thúc phụ của ông ta Viên Ngỗi lúc đó ở tại Lạc Dương, giữ chức thái phó, Đổng Trác sau khi bị thất bại tại trận ải Dĩ Thủy, biết được Viên Thiệu là minh chủ, thế là đem cả nhà Viên Ngỗi sát hại, “không phân già trẻ, đều đem giết cả”, “đem đầu Viên Ngỗi ra bêu trước cửa ải”. Đổng Trác bèn đem hai mươi vạn quân, chia năm vạn quân trấn thủ cửa Dĩ Thủy, đồng thời tự mình đem Lã Bố và 15 vạn đại quân đi về hướng cửa Hổ Lao. Trận chiến này, Lã Bố là chủ tướng, độ khó càng lớn hơn, do vậy mới có câu chuyện “Tam anh chiến Lã Bố”.
Nhưng kỳ lạ ở chỗ, trong truyện không có nửa chữ miêu tả Viên Thiệu đau đớn và phẫn uất sau khi nghe thấy cả nhà thúc phụ bị giết hại. Đổng Trác sau khi thua trận, uy hiếp thiên tử rời đô về Trường An, ông lại không truy đuổi, lúc này về công hay về tư đều thấy là không hợp tình hợp lý. Liên tưởng đến chuyện sau này Viên Thiệu hủy ước sau khi lừa Công Tôn Toản đoạt Ký Châu, có được rất nhiều vật tư nhưng lại không muốn cho Viên Thuật mượn ngựa, dẫn đến huynh đệ trở mặt, từ đó có thể thấy được, con người của Viên Thiệu và Viên Thuật, có thể nói là loại người thấy lợi quên nghĩa, đối với cái chết của thúc phụ, đều thản nhiên không cảm thấy đau thương chút nào, con người vô tình vô nghĩa, tự tư tự lợi như vậy, làm sao có thể trở thành đối thủ của Tào Tháo. Do vậy tất sẽ bại vong.
Cho dù sau lần nghĩa cử này, thì trong truyện Tào Tháo dường như trở thành hình tượng phụ diện, nhưng kiến thức và bản chất anh hùng của ông thì từ đầu tới cuối tác giả không cách nào che đậy được, trong thời kỳ lịch sử hiền thần chọn chủ mà thờ, thiên hạ hào kiệt nghĩa sĩ tự chọn chủ, ông có thể xưng hùng một phương, trở thành chủ nhân mà các nghĩa sĩ trong thiên hạ lựa chọn, trung thành phụng dưỡng, bản thân điều này cũng đủ để thể hiện rõ vấn đề. Sau này Tào Tháo vì để báo thù cha mà tấn công đánh Đào Khiêm, bị miêu tả là lòng dạ hẹp hòi, dưới ngọn bút của tác giả ông trở thành kẻ bất nhân bất nghĩa đồ sát bách tính, cũng chỉ là vì để làm nổi bật nhân nghĩa của Lưu Bị. Tác giả viết đến đoạn này hẳn là rất mâu thuẫn, so với hành động chính nghĩa của Tào Tháo khi tiêu diệt đồ đảng Khăn Vàng ở Thanh Châu, Sơn Đông, rõ ràng rất mâu thuẫn. Ông có thể thu nạp tướng sĩ nghịch tặc Khăn Vàng đã đầu hàng với con số lên đến 30 vạn người, lưu lại cửa sống cho hơn một trăm vạn nam nữ bách tính có liên quan, chứng minh rằng ông không phải là kẻ giết người bừa bãi, mà ông biết để một con đường sống cho một số lượng người rất lớn, sau này, ông đem những người tinh nhuệ trong đó kết hợp thành quân Thanh Châu, chiêu nạp bọn họ. Cho dù đoạn miêu tả này rất ngắn, nhưng cũng đủ để hé lộ và cho thấy rõ rằng, người có kiến thức và khí độ như vậy, sau khi thảo phạt Đào Khiêm thì sẽ không đè tội lên đầu bách tính. Đây là một đoạn rất mâu thuẫn, cho dù người ta có tin nghĩa cử của Tào Tháo là chân tâm hay không, thì ít nhất có thể đoán được rằng, người có đại chí, có thể xưng hùng một phương như Tào Tháo thì kiến thức, khí độ đều không đơn giản, làm sao có thể công khai đồ sát bách tính, làm tổn hại hình tượng bản thân, đem bản thân đặt vào vị trí trái với đạo nghĩa một cách ngu muội như vậy. Huống hồ, bên cạnh ông lúc đó thần tử dưới trướng có quá nhiều những mưu sĩ có kiến thức, không thể không khuyên can. Bởi vì việc phục thù thảo phạt Đào Khiêm kể ra thì vẫn hợp tình hợp lý, nhưng công khai đồ sát bách tính thì không hợp tình hợp lý.
Do vậy, đối với Tào Tháo, chúng ta cần có một nhận thức thanh tỉnh, dưới ngòi bút của tác giả ông trở thành hình tượng phụ diện, mục đích là để làm nổi bật Lưu Bị.
Tam anh chiến Lã Bố
Có thể nói câu chuyện “Tam anh chiến Lã Bố” ở cửa Hổ Lao, mọi người đều rất quen thuộc rồi. Tám lộ chư hầu tại cửa Hổ Lao giao chiến với Lã Bố, bị Lã Bố đánh cho đến độ nước chảy hoa rơi, không có cách nào ngăn cản, cuối cùng do Công Tôn Toản xém chút nữa bị Lã Bố giết chết, Trương Phi trượng nghĩa tương cứu, điều này mới dẫn đến việc Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi ba người hợp lực chiến đấu với Lã Bố, Lã Bố không cách nào ngăn cản, chỉ đành thất bại chạy về, tám lộ chư hầu do đó cùng nhau xông lên đánh bất ngờ mới đánh bại được Lã Bố. Do đó, việc Tào Tháo hiệu triệu dẫn khởi các chư hầu cùng khởi nghĩa lần này, khiến cho hai lộ anh hùng là Tào Tháo và ba anh em Lưu Bị được làm nổi bật lên trước mặt người dân trong thiên hạ, hai bên do đó cùng vang danh thiên hạ.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/255238
(Còn tiếp)
Ngày đăng: 30-06-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.