Nghĩa giải Tam quốc (14): Hiến Đế lên ngôi, hai nền tảng đạo nghĩa lớn cùng song hành
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Trong con mắt của tác giả La Quán Trung, sự an bài tam quốc không chỉ là dùng hình thức tam tài Thiên Địa Nhân truyền đạt cái nhìn nhân văn về thiên nhân hợp nhất, để con người biết đạo diễn của văn hóa này là Trời chứ không phải người, mà đồng thời, mục đích chủ yếu của toàn bộ câu chuyện cũng là muốn chỉ rõ đoạn lịch sử này cần phải để con người ở nhân gian “diễn” xuất nội hàm các góc độ và tầng thứ khác nhau của “nghĩa”. Do đó, thời kỳ Hán mạt mới xuất hiện hiện tượng vừa có đế vương vừa không có đế vương, cũng tức là hiện tượng lịch sử đặc biệt “Hoàng đế mà không phải hoàng đế, vua mà không phải vua” do việc Hán Hiến Đế tại vị trong thời gian dài.
Cũng có nghĩa là, chính vì cho rằng thiên hạ không có chủ, nên mới tạo thành việc những người khác nhau có nền tảng thực hành việc nghĩa khác nhau, từ đó có những lựa chọn khác nhau, để con người thấy được những lý giải và cách làm khác nhau của con người đối với đạo nghĩa. Như vậy nội hàm của nghĩa mới có thể triển hiện mười phần chi tiết. Để lý giải vấn đề này, chúng ta có thể bắt đầu từ cuộc chiến bình định loạn khăn vàng của nghĩa quân Lưu Bị.
Vận dụng đạo nghĩa khi thiên hạ có chủ rõ ràng
Mọi người hẳn đều nhớ đến câu chuyện kinh điển bậc nhất “Kết nghĩa vườn đào” trong “Tam quốc diễn nghĩa”. Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi kết nghĩa, chính là vì muốn bình định phản loạn của quân Khăn vàng, để quốc gia thái bình, lấy việc này để trên báo đáp quốc gia, dưới an định lê dân. Đây là nội hàm của “nghĩa” trong câu chuyện đầu tiên. Do đó, đồng thời với việc triển hiện chiến tranh, tác giả không hề quên biểu hiện việc lý giải và thực thi đạo nghĩa của ba anh em Lưu Bị.
Việc đầu tiên Lưu Bị làm là trợ giúp Thái thú U Châu đánh đuổi quân phản loạn, bản thân việc này chính là đang làm tròn lời thề của ba người khi kết nghĩa, thể hiện việc thực hành đại nghĩa của ba người đối với quốc gia. Về sau, khi Lưu Bị biết được thầy của mình là Lư Thực lấy thân phận Trung lang tướng dẫn quân, đang đối đầu với Trương Giác ở Quảng Tông, ông bèn từ biệt quân đội của Thái thú, thống lĩnh đội quân của mình trợ chiến cho Lư Thực, một là vì sư ân, hai là vì quốc gia, đều cần phải đồng thời báo đáp. Nhưng sau khi Lư Thực thấy Lưu Bị, lại để Lưu Bị đi thám thính tình hình của hai đại quân triều đình khác do Chu Tuấn và Hoàng Phủ Tung dẫn đầu, hẹn ngày diệt đạo tặc, thế là Lưu Bị phụng mệnh trong đêm tối đến Dĩnh Châu, sau khi nhìn thấy hai vị tướng quân, biết rằng hai người em của Trương Giác là Trương Bảo và Trương Lương đều bị đánh bại, đang dẫn tàn binh chạy về Quảng Tông, thế là trong đêm tối Lưu Bị lại quay về Quảng Tông, không ngờ rằng trên đường đi lại gặp Lư Thực đang bị kết tội, bị giam, đang bị áp giải về kinh hỏi tội. Thì ra Lư Thực bị Trương Giác dùng gian thuật cản trở, mãi không thấy tin chiến thắng, sứ giả do triều đình phái tới do không nhận được tiền hối lộ của Lư Thực, nên đã báo tin quân sự giả, Lư Thực vì vậy mà bị bắt giam bãi chức, Đổng Trác trở thành người thay thế Lư Thực lãnh quân.
Lưu Bị Thấy Lư Thực bị nhốt giam hỏi tội, không có cách nào, bèn dự định quay trở về chỗ Thái thú quận Trác. Trên đường lại gặp được Đổng Trác bị Trương Giác đánh cho tán loạn bỏ chạy, quân Hán thảm bại, ba người không nói lời gì khác, liều mình cứu được Đổng Trác, Đổng Trác chính là người sau này dẫn quân tiến kinh phế trừ Thiếu Đế. Đổng Trác lúc ấy đang giữ chức Thái thú Hà Đông, tính tình tàn bạo, ngạo mạn vô lễ, khi được ba anh em Lưu Bị ra tay tương cứu, không những không biết cảm ân, mà còn vì nghe nói Lưu Bị là một dân thường không quan không chức, nên hắn đối với Lưu Bị mười phần vô lễ. Do đó Trương Phi tức giận, muốn giết luôn loại người bất nghĩa này, nhưng ông bị Lưu Bị, Quan Vũ ngăn lại vì lý do không thể giết mệnh quan triều đình. Nhưng Trương Phi cho rằng, loại người bất nghĩa như vậy, cho dù không thể giết hắn thì cũng không thể làm thuộc hạ nghe theo mệnh lệnh của hắn, nếu như hai vị ca ca lựa chọn đi theo Đổng Trác thì ông cũng sẽ không nghe theo. Lưu Bị và Quan Vũ cho rằng ba người kết nghĩa cùng sống chết, tiến thoái có nhau, thế là ông rời khỏi Đổng Trác, dẫn quân đầu quân cho Chu Tuấn, giúp Chu Tuấn tiêu diệt Trương Bảo, bình định các quận, giành được thắng lợi lớn.
Ở đây chúng ta thấy được ba người Lưu Bị thực hành việc nghĩa, bọn họ trước hết bảo vệ quận Trác, vùng đất của họ, sau đó báo đáp ân sư, chính là giảng ra nghĩa thầy trò, sau giúp đỡ Đổng Trác xoay chuyển bại cục, cứu được quân Hán. Có thể thấy họ không hề có tư tâm cá nhân, chỉ vì Đổng Trác phụng mệnh triều đình, do vậy chưa cần biết thân sơ, họ vẫn xả thân vì nghĩa. Nhưng khi phát hiện được phẩm chất con người Đổng Trác là một kẻ bất nghĩa, kiêu ngạo vô lễ, thì tính tình cương trực thủ nghĩa của Trương Phi bắt đầu biểu hiện ra, điều ông thể hiện ra là đạo nghĩa của việc “Hiền thần chọn chủ mà thờ”. Đạo lý “Hiền thần chọn chủ mà thờ” này không chỉ đơn giản hạn hẹp nghĩa giải trong quan hệ giữa quân thần với nhau, mà là chỉ nghĩa rộng trong quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Tuy rằng Trương Phi tính tình cương trực, nhưng về đạo nghĩa này thì ông lại không hề hồ đồ. Ông lựa chọn việc rời khỏi Đổng Trác, cũng giống như Triệu Tử Long, Từ Thứ và Gia Cát Lượng lựa chọn Lưu Bị, đều là tuân theo đạo nghĩa, chỉ có như vậy, mới không dẫn đều việc trợ Trụ vi ngược.
Nhưng Lưu Bị cũng có suy xét và lựa chọn của ông, triều đình đương thời là chính thống trong thiên hạ, Linh Đế tuy rằng dốt nát, nhưng thời đó vẫn là thiên hạ có chủ. Đổng Trác là tướng phụng mệnh lãnh quân, là quan viên triều đình, giết hắn đồng nghĩa với việc chống lại triều đình, về danh nghĩa là không thỏa đáng, như vậy thì sẽ bị người ta vu tội là cùng đội ngũ với quân Khăn Vàng, vì vậy, nhận định của Lưu Bị cũng là đúng, do đó, cách làm lúc đó của bọn họ, lựa chọn hợp lý nhất, chính là không thể giết mệnh quan triều đình, nhưng có thể lựa chọn rời bỏ kẻ bất nghĩa. Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, ba người đối diện với tình huống cụ thể lựa chọn việc nghĩa, mỗi người có góc đó khác nhau, hợp lại làm một, chính là nhận định tốt nhất lúc bấy giờ. Ví dụ này là nhận định khi thiên hạ có chủ.
Lựa chọn việc nghĩa của Trần Cung khi thiên hạ vô chủ
Ba anh em Lưu Bị không giết mà rời khỏi Đổng Trác, cách lựa chọn thi hành việc nghĩa của họ thì trong sách nhiều lần đề cập đến phương thức này, và khi thiên hạ xuất hiện tình hình vô chủ, cũng tức là Hán Hiến Đế không cách nào làm chủ cục diện, trong thời kỳ mà ông không được coi là chủ của thiên hạ về mặt thực tế cũng như ý nghĩa, thì phương thức này cũng được biểu hiện. Ví dụ, Trung Mưu huyện lệnh Trần Cung vì ủng hộ Tào Tháo hành nghĩa ám sát Đổng Trác mà tình nguyện từ bỏ chức quan, mạo hiểm tính mạng của bản thân mà thả Tào Tháo đang bị bắt, về sau biết được Tào Tháo dự định trở về quê chiêu tập nghĩa quân thảo phạt Đổng Trác, thế là quyết định đi theo Tào Tháo. Nhưng trên đường đi Tào Tháo tá túc tại nhà của người bác nuôi của Tào Tháo là Lã Bá Sa, Tào Tháo do đa nghi, giết cả nhà Lã Bá Sa (trong truyện vì để hình thành đối lập với hình tượng Lưu Bị, Tào Tháo bị khắc họa thành hình tượng gian hùng, không phải là lịch sử chân thực của Tào Tháo, điều này mọi người nên hiểu rõ). Do vậy ông cho rằng Tào Tháo bất nghĩa, muốn giết Tào Tháo, nhưng lại chuyển một niệm nghĩ, bản thân vì đại nghĩa đã minh xác lựa chọn đi theo Tào Tháo, cũng tức là khi vẫn chưa chính thức lựa chọn rời bỏ thì theo lý vẫn nên phụng sự quân chủ, trung nghĩa phò tá, bây giờ giết Tào Tháo, thì bản thân mình chẳng phải sẽ trở thành kẻ bất nghĩa giết chủ quân sao. Nhưng bây giờ phát hiện Tào Tháo bất nghĩa, không thể đi theo, nên chỉ có thể rời đi, không thể giết ông ta. Do đó, Trần Cung nhận định, chỉ có thể rời khỏi ông ta, không muốn đem tài trí đi theo ông ta làm những việc không có đạo nghĩa như vậy, đây chính là phương thức tư duy của người xưa đối với việc lý giải về trung nghĩa.
Sau này Trần Cung đi theo Lã Bố, bị Tào Tháo bắt được, nhưng vẫn không đầu quân dưới trướng Tào Tháo, dù chết cũng không hối hận. Sự việc ấy biểu hiện một điều là sau khi thiên hạ không có chủ, thì chủ của mỗi người lúc này chính là tư tưởng nền tảng để thực hành trung nghĩa. Cũng tức là khi thiên hạ không có chủ xác định, Hán Hiến Đế không được coi như là chủ nhân thực sự của thiên hạ nữa, do đó anh hùng tranh giành, thì Trần Cung lựa chọn Lã Bố để phò tá, là quân chủ mà cá nhân ông đã nhận định, do đó trung nghĩa đối với Lã Bố, không rời bỏ, sống chết không hối hận.
Về biểu hiện của câu chuyện đầu đuôi nhân duyên giữa Trần Cung và Tào Tháo, cho dù là đối với Tào Tháo hay là Trần Cung, thì những tình tiết được viết ra chưa chắc đã có thật, đây không phải lịch sử chân thực, mọi người coi đó là tiểu thuyết hư cấu là được. Điều tác giả nhấn mạnh không phải bản thân thật giả của câu chuyện mà là mượn câu chuyện này để thể hiện cụ thể phương thức tư duy của người xưa, rằng khi không có chủ rõ ràng thì làm thế nào dùng nghĩa để lựa chọn và hành động.
Thế nhưng, quá trình lịch sử này cũng rất có ý nghĩa, nói là không có định chủ, nhưng trang phục Hán triều vẫn tồn tại, danh nghĩa đế vương của Hán Hiến Đế vẫn còn, hơn nữa ông không ngu dốt, cũng không tàn bạo, lại không làm việc xấu, nên để ông làm chủ thì cũng hợp đạo nghĩa, cũng là một cách thi hành trung nghĩa. Do đó, thiên hạ vô định chủ và có định chủ, hai cách suy nghĩ đều không thể nói là sai, vào thời điểm đó, có thể dùng cả hai cách nói, đều không thể tuyệt đối nói ai đúng ai sai.
Nghĩa cử của Lư Thực, sau khi can gián thì từ quan
Lại nói đến Lư Thực, Lư Thực vì không có cách nào can gián Hà Tiến, Hà Tiến nắm quyền nhưng không có mưu, dẫn Đổng Trác tiến vào kinh, do vậy Lư Thực cho rằng thiên hạ không còn chủ và từ quan, để tránh việc thân là thần tử triều Hán mà vừa phải thực hành trung nghĩa của thần tử, lại phải phụng mệnh Hà Tiến làm việc xấu. Đây chính là nguyên nhân khiến Lư Thực lựa chọn từ quan. Nhưng sau khi ông từ quan lại không kịp rời đi nên tận mắt thấy hoạn quan ức hiếp Thiếu Đế, không nhẫn tâm bỏ rơi Thiếu Đế bơ vơ, bèn cứu thái hậu và Thiếu Đế, còn kịch liệt bài bác lại hành vi phế đế của Đổng Trác, làm một việc nghĩa cuối cùng mà ông nên làm, rồi mới rời đi. Có thể nói là ông đã tận nhân tận nghĩa. Lúc làm quan, thì trung nghĩa khuyên gián, sau khi từ quan, dù không còn là quan hệ quân thần, ông vẫn liều mạng đối kháng với Đổng Trác, bảo vệ quân chủ. Ông là một quân tử chân chính.
Những câu chuyện bên trên chính là viết ra rất chi tiết việc cổ nhân suy nghĩ về nghĩa như thế nào, làm thế nào để tránh trở thành ngu trung, làm thế nào để lựa chọn hành vi của mình. Chính bởi vì có Hán Hiến Đế hữu danh vô thực tồn tại mấy chục năm, mới có hai loại nền tảng suy xét đồng thời tồn tại là có định chủ và vô định chủ, mới có nhận thức và lựa chọn khác nhau về việc làm thế nào để thực thi đạo nghĩa dưới những cơ điểm khác nhau.
Câu nói mỗi người vì chủ của mình biểu hiện ra là hai nhận thức lựa chọn việc nghĩa trong thời kỳ không có định chủ, ví dụ lựa chọn đi theo Tào Tháo, Viên Thiệu, Lã Bố, hay những anh hùng khác; và nhận thức và lựa chọn phụng sự Hán thất, trọng trung nghĩa, đi theo Lưu Bị, thừa nhận Hán Hiến Đế là hoàng đế. Như vậy, lịch sử thông qua thời đại đặc thù này mà triển hiện cụ thể và toàn diện những góc độ khác nhau về nội hàm của nghĩa. Đây chính là nguyên nhân căn bản của thời kỳ trị vì lâu dài “Đế mà không phải Đế” của Hán Hiến Đế. Vũ đài này là do Trời định, vì để “diễn nghĩa” mà được tạo thành.
(Còn tiếp)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/254900
Ngày đăng: 24-04-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.