Nghĩa giải Tam quốc (6): Trương Phi đại nghĩa giúp Lưu Bị, cương nhu kết hợp



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

“Lúc Lưu Diên đăng bảng mộ quân, Huyền Đức cũng đã hai mươi tám tuổi. Ông nhìn thấy thông báo danh sách hôm đó và thở dài. Sau đó, có một người nghiêm khắc hỏi: “Đại trượng phu không ra sức vì quốc gia, cớ sao thở dài?”. Huyền Đức quay lại nhìn người: Người cao tám thước, đầu báo mắt trừng, râu hùm hàm én, giọng nói như sấm, khí thế tựa ngựa phi”.

Hai câu này trong Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả lúc Trương Phi gặp Lưu Bị, đây là lần đầu tiên Trương Phi xuất hiện trước độc giả. Nhiều người nghĩ Trương Phi tính tình hung bạo, làm việc bốc đồng nhưng thực tế không phải vậy.

Trương Phi – Lưu Bị, sự kết hợp giữa cương và nhu

Nói về Trương Phi, trong câu đầu tiên là đề cập đến giọng nói với vẻ nghiêm khắc chứ chưa miêu tả vóc dáng của ông. Câu thứ hai miêu tả sinh động khí chất mãnh tướng của ông: nhanh nhẹn, mạnh mẽ như hổ báo, giọng nói như tiếng sấm vang dội trên không trung, khí thế như tuấn mã dũng mãnh chạy như bay, sự miêu tả sinh động khiến độc giả cảm thấy như đang nhìn thấy con người thực sự. Như vậy có một sự tương phản nổi bật với sự điềm tĩnh và ôn hòa của Lưu Bị, có thể nói một tĩnh một động, một cương một nhu, kết hợp cương nhu trở thành sự kết hợp hoàn mỹ. Chính giọng nói này, một mình đứng trước cầu Trường Bản ở Đương Dương, ba tiếng vang như sấm đã làm khiếp sợ hàng trăm ngàn binh sĩ của Tào Tháo. Vì nên, Trương Phi nhanh nhẹn, dũng mãnh, khí phách hiên ngang như thần uy, tuyệt đối không phải là một kẻ lỗ mãng hữu dũng vô mưu.

Tác giả dùng bút lực phi thường làm nhân vật sống động như thật, khiến người ta như nhập vào tình huống câu chuyện, nhưng đó đều không phải là mục đích chính. Thật ra quan trọng nhất không phải là việc miêu tả giọng nói hay ngoại hình của Trương Phi mà là câu hỏi mở đầu của ông: “Đại trượng phu không dốc sức vì quốc gia, cớ sao thở dài?”. Nếu là một người lỗ mãng thì làm sao lại có được kiến giải như vậy, thốt ra lời hùng tâm tráng trí, không chút che đậy, nói thẳng vào vấn đề trọng tâm. Có thể thấy khi miêu tả Trương Phi, điều đầu tiên người ta nghĩ đến chính là đại nghĩa của một trang nam tử đối với quốc gia, quốc gia gặp nạn, vì nghĩa không từ. Vội vàng tìm cách đóng góp cho đất nước, sao lại thở dài?

Vì vậy, chúng ta có thể thấy rõ Trương Phi tính tình nhanh nhẹn, thẳng thắn, dũng mãnh, chính trực, tuy có khuyết điểm là có xu hướng thô lỗ với người khác sau khi uống rượu, nhưng tính chính trực, quyết đoán chính là đặc điểm chủ yếu. Vì vậy, ông đã tức giận đánh quan đốc bưu tham nhũng, trừng trị cái ác và bảo vệ người dân; Trương Phi còn là con người hào hiệp: thả Nghiêm Nhan khi vào Tây Xuyên, thiện đãi lão tướng Hoàng Trung, và đồng thời cũng thể hiện sự quyết liệt, dũng cảm và mưu lược. Nếu như Lưu Bị nổi bật về lòng nhân từ thì Trương Phi lại nổi bật về nghĩa khí ngay thẳng, chính trực không nể tình riêng. Chính trực là cương, nhân từ là nhu, cương và nhu là sự kết hợp của nhân và nghĩa. Hai cái vốn dĩ là một và không thể tách rời.

Vì vậy, ở chương 70, tác giả đã đánh giá một cách khái quát về Trương Phi qua lời kể của Gia Cát Lượng: “Khổng Minh cười nói: ‘Chủ Công và Dực Đức đã là huynh đệ bấy lâu nay, nhưng vẫn không hiểu con người ông ấy sao. Dực Đức từ trước đến nay cương cường, nhưng trước khi vào Tây Xuyên thì đã thả Nghiêm Nhan, một kẻ dũng phu thì không làm được như vậy”.

Nói chung, Trương Phi là một người mạnh mẽ, cương quyết, nổi bật với tính quyết liệt, chính trực, không thể dung thứ cho những việc làm xấu xa, không chấp nhận sự bất công, không để cái ác chạy thoát. Thực sự đại diện cho mặt mạnh của công lý, nhưng chính vì Trương Phi quá mạnh mẽ, thiếu đi sự nhu hòa mềm mỏng, cần sự khuyên can nhu hòa của tính “nhân” của Lưu Bị. Vì vậy, Lưu Bị và Trương Phi chính là khởi tác dụng kết hợp cương nhu. Có thể nói đó là duyên phận trời sinh, là sự tương phùng trong mệnh đã định sẵn.

Trương Phi đại chí đại nghĩa hiến của cải

Chính nhờ câu nói của Trương Phi, “Bậc đại trượng phu không cống hiến cho quốc gia, cớ sao lại thở dài?” mà khiến cho Lưu Bị có được đại chí là “Phá tặc an dân”. Tiếp theo tác giả viết:

“Huyền Đức thấy tướng mạo dị thường liền hỏi tên. Người đó nói: ‘Tôi họ Trương, tên là Phi, tự là Dực Đức. Người sống ở huyện Trác, có nhiều ruộng đất, bán rượu mổ lợn, thường hay kết giao với thiên hạ hào kiệt, vừa rồi thấy ông nhìn bảng mộ quân mà thở dài, nên mới hỏi.’ Huyền Đức nói: ‘Tôi vốn là người của Hán thất, họ Lưu, tên là Bị. Nay nghe đội quân khăn vàng nổi loạn, mong muốn phá tặc an dân; chỉ hận lực không đủ, nên đành thở dài vậy thôi.”

Cuộc đối thoại giữa hai người đã phần nào cho thấy chí hướng to lớn của Lưu Bị, nhưng lực bất tòng tâm. Hà cớ vì sao lại bất lực? Bởi vì xuất thân Lưu Bị gia cảnh bần hàn, không có của cải chiêu tập nghĩa binh, chế tạo binh khí áo giáp, mua sắm chiến mã, và thảo phạt quân giặc. Trương Phi nghe vậy, liền thấy việc này quá dễ dàng, vừa vặn lúc tài chính dồi dào, chỉ đang canh cánh không tìm được người cùng chung chí hướng, thân phận lại cũng phải phù hợp, để tới hỗ trợ đắc lực cho người đó, vì vậy, ông ta vui mừng khôn xiết và dứt khoát nói với Lưu Bị rằng: “Tôi có rất nhiều tiền, cũng đang chiêu mộ dũng sĩ trong thôn, cùng ông làm đại sự, được không?”

Hai người có cùng chung chí hướng nên chỉ qua dăm ba câu làm quen đã trở thành bạn tâm giao, vui vẻ uống rượu và bàn tính về tương lai tại một quán rượu trong làng.

Với tính cách mạnh mẽ và quyết đoán, vì trợ giúp Lưu Bị thực hiện chí lớn báo quốc an dân nên Trương Phi đã chủ động mở lời. Đây chính là vai trò của Trương Phi.

Trương Phi vì để thảo tặc an dân nên đã không ngần ngại quyên góp tiền bạc của cải cá nhân, trái ngược với những kẻ gian vì lợi mà quên nghĩa. Lưu Bị, Trương Phi và Quan Vũ là ba huynh đệ hợp nhất, họ tuy thân phận bất đồng, chức trách có khác, nhưng cùng chung chí hướng cao xa, sở trường của người này bù đắp cho sở đoản của người kia, và hình thành mối quan hệ quân thần hợp tác và bổ trợ lẫn nhau, và mỗi diễn dịch ra các nội hàm cụ thể khác nhau của chữ “nghĩa”.

“Nghĩa khí ngút trời” không chỉ là đánh giá về Quan Vũ, mà cũng là đánh giá về Lưu Bị và Trương Phi. Ba người họ là ‘tam vị nhất thể’ (tuy ba mà một). Ba người cùng nhau “Diễn” “Nghĩa”, cũng chính là thiên mệnh của họ.

Phần tiếp theo sẽ kể về sự xuất hiện của Quan Vũ. Lúc này long hổ gặp nhau phụng sự thiên mệnh, và cả ba huynh đệ cùng nhau kết nghĩa vườn đào.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/25434



Ngày đăng: 27-07-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.