Nghĩa giải Tam Quốc (5): Sự xuất hiện của Lưu Bị — Đức đi đầu



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 4

Bài trước đã nói, quân Khăn Vàng phản loạn, đội quân của Trương Giác xâm phạm biên giới quận U Châu[1], tình thế nguy cấp, Lưu Yên —Thái thú U Châu— yết bảng các huyện triệu tập nghĩa binh, bảng cáo thị đến huyện Trác [2], sự xuất hiện của Lưu Bị bắt đầu từ đây.

Sự xuất hiện của Lưu Bị — ‘Đức’, ‘chí’ đi đầu

Câu chuyện “Kết nghĩa vườn đào” chính thức bắt đầu, lần đầu tiên Lưu Bị xuất hiện, chúng ta hãy đọc kỹ trình tự trong nguyên tác. Đầu tiên là giới thiệu ông phẩm chất và chí lớn: “Người này không thường đọc sách, tính tình khoan dung, kiệm lời, giận vui không biểu lộ trên mặt; vốn có chí lớn, thường xuyên kết giao hào kiệt trong thiên hạ”.

Người đọc nhất định cảm thấy kỳ lạ, vì sao tác giả mở đầu giới thiệu Lưu Bị như vậy, mà không bắt đầu bằng việc miêu tả ông là dòng dõi của Hán Cảnh Đế hay họ tên.

Chỉ có một nguyên nhân, là vì tác giả sáng tác chỉ có mục đích là thông qua câu chuyện của nhân vật mà biểu đạt nghĩa lý. Mô tả nhân vật, nhất là nhân vật chính then chốt thì tác giả coi trọng đức hạnh, một câu “tính tình khoan dung, kiệm lời, giận vui không biểu lộ trên mặt” chính là quyết định phẩm đức cơ bản của nhân vật chính — nhân ái, lý trí, ổn định. “Vốn có chí lớn”, chí lớn là gì đây? Chính là tế thế an dân mà sẽ được tiết lộ trong lời thệ ước khi “Kết nghĩa vườn đào”.

‘Đức’ và ‘chí’ là yếu tố cơ bản nhất của người quân tử xưa. Cho dù là vua hay thần, quân thần là một thể thống nhất, đồng tâm đồng đức, cùng nhau trình diễn đạo nghĩa quân thần, chính là ý này. Bởi vậy thông qua cách mở đầu của tác giả đã nói lên hai thông tin, cho thấy Lưu Bị có cả hai yếu tố then chốt để đạt thành sự nghiệp đế vương. Xuyên suốt tác phẩm, khi miêu tả Lưu Bị, chắc chắn sẽ lấy hai yếu tố này làm trung tâm, hình tượng Lưu Bị tất nhiên sẽ trở thành vị vua nhân nghĩa. Người sống theo nghĩa lý chắc chắn sẽ xuất tâm nhân hậu. Bởi vậy, chúng ta sẽ thấy sau này, Lưu Bị từ chối Từ Châu của Đào Khiêm, không đoạt Kinh Châu của Lưu Biểu, trong quá trình hỏa thiêu Tân Dã trốn tránh quân Tào truy sát, ông không đành lòng buông bỏ bách tính đi theo dù suốt hành trình gặp phải bao nhiêu trắc trở, tác giả đều mô tả rất kỹ càng; nhất là đem Từ Châu nhượng cho Lữ Bố, sau bị Lữ Bố truy sát, vậy mà Lưu Bị chỉ cảm thán Lữ Bố [chứ không thù hận]; được không nhất định là điều vui, mất đi không nhất định là chuyện xấu, tấm lòng vô cùng rộng rãi, đây chính là biểu hiện của người xưa khi hết lòng tin theo mệnh trời mà giữ vững đạo nghĩa.

Vì sao không thường đọc sách?

Có lẽ có người sẽ thắc mắc, nếu là quân tử, tất phải đọc sách, vì sao câu giới thiệu đầu tiên lại nói “Người này không thường đọc sách” chứ? Đáp án cho câu hỏi này, tác giả đã trình bày vô cùng thấu triệt trong chương mô tả Gia Cát Lượng phân tích “hủ nho” và “đại nho” khi đấu khẩu với các nho sĩ. Những năm cuối triều Hán, nhân tâm đạo đức đi về hướng bại hoại, rất nhiều người đọc sách đã quên mất mục đích căn bản của việc đọc sách là hiểu rõ đạo lý làm người, sau đó áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Nhưng những người đọc sách thời Hán mạt, tuy kinh sách đầy bụng, dù xuất thân là bốn đời tam công, như Viên Thiệu Viên Thuật, nhưng anh không hữu hảo, em không giữ lễ, lòng dạ nhỏ mọn, dùng người không tin, đối đãi bất nhân với người ngoài, quân thần bất hòa, cuối cùng trở thành tiểu nhân theo đuổi danh lợi. Dù là đọc cả vạn quyển sách, nhưng không áp dụng vào thực tiễn, cuối cùng đánh mất lòng người, thuộc hạ bỏ đi, bị Tào Tháo tiêu diệt, thì còn ý nghĩa gì nữa. Bởi vậy, tác giả viết câu mở đầu như vậy, cho thấy Lưu Bị không đọc sách nhiều, nhưng trời sinh đã có bản tính quân tử, so với “hủ nho” ngày ngày đọc sách nhưng hành vi lại xa rời lời thánh nhân giáo huấn thì còn tốt hơn nhiều.

Thật ra, trở thành quân tử không nhất định chỉ có con đường đọc sách, mà tiếp xúc nhiều người hiền, tâm bảo trì thiện niệm, chính là đã theo lời dạy của Khổng Tử, cũng là một con đường khác. Theo quan điểm của Khổng Tử, nếu mọi người đã đọc qua cuốn Học Nhi Thiên trong Luận Ngữ thì sẽ biết, Khổng Tử từng nói với đệ tử rằng: “Phép người con, thánh nhân dạy. Hiếu đễ trước, rồi cẩn tín. Yêu rộng khắp, gần người nhân. Có dư sức, thì học văn”. Là ý nói, làm người học trò, điều đầu tiên là ở nhà phải hiếu kính cha mẹ ông bà, ra đường phải đối đãi người ngoài như anh em, lời nói và việc làm phải cẩn thận giữ chữ tín, nhân ái yêu thương mọi người, gần gũi với người nhân nghĩa, làm những điều này tốt rồi, còn dư sức thì học văn, nắm giữ thêm nhiều đạo lý kiến thức. Trọng tâm lời giảng của Khổng Tử là thực hành Hiếu–Đễ–Trung–Tín và gần gũi với người nhân nghĩa, tâm bảo trì thiện niệm, ông đặt đọc sách học văn ở vị trí thứ hai.

Học trò Tử Hạ nghe xong lời Khổng Tử dạy, đã lý giải lời của thầy như sau: “Hiền hiền dịch sắc; sự phụ mẫu, năng kiệt kỳ lực; sự quân, năng trí kỳ thân; dữ bằng hữu giao, ngôn nhi hữu tín. Tuy viết vị học, ngô tất vị chi học hĩ”. Ý tứ là, lấy người hiền làm chuẩn, thái độ đoan chính (đây là gần người nhân), phụng dưỡng cha mẹ tận tâm tận lực (đây là ở nhà phải hiếu), phục vụ quân vương có thể giao phó cả thân và tâm, đối với bạn bè phải giữ chữ tín (đây là cách đối ngoại), [nếu làm được vậy] cho dù người này chưa từng đọc sách, ta cũng muốn nói rằng người này đã học rồi, là người thật sự hiểu được ý nghĩa chân chính của học vấn.

Bởi vậy, tác giả Tam Quốc diễn nghĩa muốn khôi phục lại ý nghĩa đích thực về việc đọc sách của Khổng Tử, người quân tử không phải là ở đọc sách nhiều hay ít, mà phải xem hành vi của người đó. Trong truyện có viết “Huyền Đức ấu cô, sự mẫu chí hiếu”, Huyền Đức là Lưu Bị, mồ côi cha từ nhỏ, phụng dưỡng mẹ vô cùng hiếu thảo. Đó là nói hành vi của Lưu Bị phù hợp với bản chất của người quân tử, với lời dạy của thánh nhân.

Cháu nhiều đời của Cảnh Đế, gia cảnh bần hàn

Sau đấy tác giả mô tả tướng mạo, xuất thân con cháu đế vương, tên và sau đó là gia cảnh bần hàn: “Thân cao bảy xích năm thốn, tai dài đến vai, tay quá đầu gối, mắt có thể nhìn thấy tai, mặt như đội ngọc, môi hồng; là con cháu Tĩnh Vương Lưu Thắng ở Trung Sơn, cháu nhiều đời của Hán Cảnh Đế; họ Lưu, tên Bị, tự Huyền Đức”. “Huyền Đức mồ côi cha từ nhỏ, phụng dưỡng mẹ vô cùng hiếu thảo; nhà nghèo, làm nghề bán giày dệt chiếu. Nhà ở thôn Lâu Tang huyện Trác”.

Tiên đoán chắc chắn có mệnh làm đế vương hay quý nhân

Sau đó lại mô tả tương lai sẽ thành nghiệp đế vương: “Ở hướng đông nam của nhà người này, có một cây Tang lớn, cao hơn năm trượng, tán lá vươn xa, nhìn như xa thử (xe có lọng che). Có tướng gia (người có tài xem tướng đoán mệnh) từng nói: ‘Nhà này tất xuất quý nhân'”.

Khi Huyền Đức còn bé, lúc chơi với trẻ con hàng xóm dưới tán cây, đã viết: “Ta là thiên tử, đang ngồi xa thử”. Chú ruột của ông đã viết trong Lưu Nguyên Khởi kỳ ngôn rằng: “Đây là đứa trẻ phi thường”. “Năm mười lăm tuổi, mẹ bảo ông đi du học, ông bái Trịnh Huyền, Lô Thực làm thầy; bạn cùng lớp với Công Tôn Toản”.

Những đoạn mô tả trên không chỉ nêu ra thân thế dòng dõi đế vương của Lưu Bị, mẹ góa con côi gia cảnh bần hàn, mà còn nói rằng không phải ông vô học, thật ra là như Khổng Tử đã nói, đến tuổi 15 ông thực hành hiếu đạo tại nhà, sau đó bái bậc đại nho gia Trịnh Huyền, Lư Thực làm thầy, bắt đầu đọc sách học văn, học thức tất nhiên có chỗ hơn người.

Sau đó đến lượt Trương Phi và Quan Vũ xuất hiện. Chúng ta sẽ bàn trong bài tiếp theo.

Chú thích:

[1] U Châu: một trong 13 châu của Trung Quốc thời nhà Hán, trong kinh Chu Lễ có viết: “Đông Bắc viết U Châu”. Phương Bắc thái Âm, nên người xuân lấy U làm hiệu. Là đất thụ phong của Triệu Công, nên thành nước Yên. Thời Đông Hán, U Châu tương đương với Bắc Kinh, Thiên Tân ngày nay, phía Bắc của Hà Bắc, phía Nam của Liêu Ninh, phía Tây Bắc của Triều Tiên. Đơn vị hành chính thời đó U Châu có 11 quận, 90 huyện (huyện là ở dưới châu). Vị quan cao nhất của một châu gọi Thứ sử, quan quản lý quận gọi là Thái thú.

[2] huyện Trác: ngày nay là thị xã Trác Châu thuộc miền Trung của Hà Bắc. Được mệnh danh là “Nam đại môn” của Bắc Kinh.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/254339



Ngày đăng: 25-05-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.