Nghĩa giải Tam quốc (9): Dùng sách truyền Đạo, giải mê cho người



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Thiên kinh địa nghĩa: Trời chỉ đạo, đất diễn nghĩa

Thời xưa, Đạo làm người giảng về “thiên kinh địa nghĩa” không chỉ có ý là cần phải phù hợp với Thiên lý và nhân đạo (đạo của con người), kỳ thực trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa” còn chỉ ra nội hàm ở một tầng thâm sâu hơn của “thiên kinh địa nghĩa”; sự thay triều đổi đại chính là Trời đang chỉ đạo [1], Đất đang diễn nghĩa.

Vì thế câu “thiên kinh địa nghĩa” vừa chỉ tiêu chuẩn đạo đức, vừa thể hiện vũ trụ quan thiên nhân hợp nhất. Hiểu được thiên tượng, thuận theo thiên ý, hợp với nhân đạo, đó mới thực sự là nội hàm của câu nói này, và từ đó có thể hiểu được vì sao người xưa giảng “tận nhân sự, thính thiên mệnh”, “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”. Họ sống một cách kiên định không hối tiếc, mang tấm lòng khoáng đạt và thản đãng.

Chữ kinh có ý chỉ kinh sách, trong đó có kinh sách của Nho gia, Đạo gia và Phật gia. Đạo lý mà Nho gia giảng chính là đạo lý ở tầng làm người, nhưng là những nghĩa lý mà Thần truyền cấp cho con người. Vậy nên dù là để tu Đạo hay tu Phật hay để làm người thì đó là những đạo lý mà Trời truyền dạy. Do vậy nếu có thể chiểu theo “Thiên kinh Địa nghĩa”  thì có thể đạt đến Thiên nhân hợp nhất.

Ngày nay người ta hay nói về kinh tế xã hội, về kinh doanh, kỳ thực trong hai chữ “kinh doanh” có chứa đựng thiên cơ, cần lấy kinh, tức là những đạo lý, đạo nghĩa bất biến được Thần truyền cấp cho con người để chỉ đạo và vận hành doanh nghiệp, như vậy sẽ thật sự đạt được đạo kinh doanh “thiên kinh địa nghĩa”, công việc làm ăn mới có thể càng ngày càng tốt đẹp, càng ngày càng thuận lợi. Dùng đạo nghĩa để thực hiện những hoạt động ý nghĩa cho xã hội, đó thực sự là kinh tế [2] xã hội chân chính. Vận hành văn hóa doanh nghiệp được như vậy chính là việc làm công đức vô lượng, nhất định sẽ được trời cao phù hộ. Khi ấy tiền tài của doanh nghiệp không phải là để thỏa mãn mục đích cá nhân, mà nó thuộc về toàn bộ doanh nghiệp hay lớn hơn nữa là thuộc về toàn bộ xã hội, chúng ta sử dụng số tiền ấy để vận hành kinh doanh và có những đóng góp đối với xã hội. Người chủ doanh nghiệp càng có tâm khoáng đạt rộng rãi vô tư bao nhiêu thì càng có tầm nhìn cao bấy nhiêu, doanh nghiệp càng phát triển lớn bấy nhiêu. Trong công việc luôn tận lực mà làm, kết quả dù thành hay bại, đi hay ở, thì lại có một tâm thái hết sức khoáng đạt. Nếu theo cách đó mà làm người thì thân tuy bận nhưng tâm lại an.

Đương nhiên truyện “Tam quốc diễn nghĩa” đứng từ góc độ thiên kinh rồi mới giảng địa nghĩa, tức là cần phải dựa vào thiên tượng, các dự ngôn và những câu chuyện cụ thể khác nhau để giải thích ý nghĩa thực chất của lịch sử Tam quốc – chứ không phải chỉ là kể một cách khái quát về thời gian, địa điểm, cá nhân nào đó, sự việc gì đó, kết quả ra sao – mà tác giả sẽ để những thiên tượng và dự ngôn đóng vai trò như một đạo diễn biến hóa ẩn hiện trong bộ truyện “Tam quốc”, đồng thời cũng phản ánh hết thảy những suy nghĩ của các nhân vật chính, khiến bạn cảm thấy có sự tồn tại của “đạo diễn”, và tác giả cũng đồng thời triển hiện cụ thể những nguyên tắc và phương thức suy xét vấn đề của người xưa, người xưa khi phải đối diện vấn đề thì suy xét như thế nào, dùng tiêu chuẩn nào để xử thế và lựa chọn tiến hay lùi, tất cả đều được chỉ ra một cách rất cụ thể. Đây một phần ưu điểm của truyện mà sử sách không cách nào biểu đạt được.

Từ đó có thể thấy rằng, phần mở đầu tác giả mô tả bối cảnh triều mạt Hán thời vua Hán Linh Đế, hoạn quan loạn quyền; với một lượng câu chữ nhất định tác giả đã mô tả những thiên tượng không lành và các tai nạn biến hóa, đó là thiên ý đang cảnh cáo, quân thần nhà Hán thất đức ắt sẽ bị tiêu diệt, cục diện tam quốc bắt đầu, thế gian xuất hiện Trương Giác dấy binh nổi loạn, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi nhờ việc triều đình chiêu mộ nghĩa binh mà hội ngộ, những nhân vật chính xuất hiện diễn lưu câu chuyện kết nghĩa đào viên. Câu chuyện này chủ yếu nói rằng, khi đất nước lâm nguy thì trang nam tử cần suy xét và hành động như thế nào, có câu của Trương Phi hỏi Lưu Bị rằng: “Đại trượng phu không ra giúp nước, sao lại đứng đó thở dài?”. Nghĩa là, trước cảnh đất nước nguy nan, nguyên tắc suy xét cách làm người của trang nam tử thời xưa là: “ra giúp nước”. Đó là cái nghĩa của trang nam tử thời xưa. Đây cũng chính là thụ ích của việc đọc sách; hiểu được nghĩa lý trong đó. Câu nói “quốc gia hữu nạn thất phu hữu trách” (khi quốc gia gặp nạn thì kẻ thất phu cũng phải có trách nhiệm) chính là tư tưởng được truyền thừa trong đạo nghĩa luân lý truyền thống của chúng ta. Vậy nên người xưa có thể đạt được trạng thái gặp chuyện không hốt hoảng, tỉnh táo minh bạch, khi đối diện với những lựa chọn của đời người như sinh tử và thủ nghĩa thì không mơ hồ, không hối tiếc. Trong loạn thế, nếu lấy nghĩa làm nguyên tắc, thì có thể thể hiện ra một cách rõ ràng rằng, sự giao tranh và lựa chọn giữa thiện – ác, chính – tà là khó tránh khỏi, kể cả nhân vật phụ diện cũng không tránh được vấn đề này… bộ truyện đã thể hiện được một cách chi tiết và sống động như vậy.

Truyện “Tam quốc diễn nghĩa”: dùng sách truyền Đạo, giải mê cho người

Khi viết truyện “Tam quốc”, tác giả La Quán Trung đã lấy trời làm đạo diễn, lấy nghĩa làm nguyên tắc, lấy phương thức tiểu thuyết để truyền tải đạo lý giáo hóa thế nhân và giúp phá giải những nghi hoặc trong lòng người. Hoàn thành trách nhiệm của một người thầy. La Quán Trung đã cống hiến cho văn hóa nhân loại một bộ sách giáo khoa xuất chúng, là bộ sách dạy Đạo làm người là như thế nào. Đó là nguyên nhân vì sao ở Trung Quốc, nội dung giảng bài của người thầy được gọi là “giảng nghĩa”. Điều mà chúng ta nên giảng chính là cái “nghĩa” này, đó là điều căn bản nhất. Tuy nhiên nội dung này đã không còn có trong sách giáo khoa ngày nay.

Việc giáo dục của người xưa lấy việc truyền tải đạo lý làm căn bản, chức trách của người thầy là truyền dạy đạo lý, dạy trò đạo lý nên làm người như thế nào, để đạt được mục đích ấy mà mở lớp chiêu sinh. Khi gặp vấn đề thực tế thì thầy sẽ phải dạy trò cách vận dụng những đạo lý đã được học để phán đoán đúng sai như thế nào, khi xử lý vấn đề cụ thể thì phải đưa ra được quyết định và lựa chọn. Năm xưa Khổng Tử dẫn đệ tử đi chu du các nước cũng là quá trình không ngừng giải đáp các vấn đề cho đệ tử, chính là quá trình truyền Đạo, cũng là quá trình không ngừng phá giải nghi hoặc khi đệ tử gặp phải những vấn đề khác nhau. Đó là giáo dục của thời xưa. Vì thế truyện “Tam quốc diễn nghĩa” cũng thông qua các nhân vật và sự kiện khác nhau để giải đáp những vấn đề nan giải của kiếp nhân sinh. Cũng chính là phá giải chỗ mê cho con người.

Ví như bậc quân vương cần coi trọng nhân nghĩa; khi đối phương đầu hàng thì có chấp thuận ngay không, cần quyết định ra sao; khi gặp các việc như Đổng Trác cầm quân, vô cớ bức ép các đại thần phế bỏ đế vương, thì nhận định đúng sai thế nào, lấy gì làm tiêu chuẩn; khi Lưu Bị không nỡ chiếm đoạt cơ nghiệp của người cùng tổ tiên, thì cuối cùng dưới sự giáo đạo của quân sư Bàng Thống thì đã thực nghịch thủ thuận thủ [3] như thế nào? Khi trung hiếu không thể vẹn toàn, cần bỏ tối chọn sáng, và nếu chỉ chú trọng hiếu đạo thì có đúng không? Câu chuyện “thân tại Tào doanh tâm tại Hán” (Quan Vũ thân ở Tào doanh nhưng lòng vẫn hướng về Hán thất) chính là giảng giải vấn đề này, nếu hiểu được câu chuyện này sẽ hiểu được phương thức tư duy của cổ nhân, và minh bạch được rằng thời xưa sẽ không xuất hiện lựa chọn “khi mẹ và vợ cùng rơi xuống nước thì nên cứu ai trước”, và họ cũng sẽ minh bạch được rằng nữ tử thời xưa khi làm vợ đều thông hiểu đại nghĩa, tuyệt không phải là đối tượng bị ức hiếp, rất nhiều nữ nhân thời xưa đều minh tỏ đại nghĩa, khuyên chồng trọng đạo, kiến thức của họ thậm chí vượt cả nam tử, khiến người ta phải kính ngưỡng, về điều này được mô tả ở rất nhiều đoạn trong “Tam quốc diễn nghĩa”; từng trường hợp cụ thể nên vận dụng nghĩa lý để xử lý vấn đề ra sao, đều được tác giả La Quán Trung viết ra rõ ràng.

Khi hiểu được bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa” thì dù là nam hay nữ đều có thể sống một cuộc đời chính nghĩa thản đãng, minh bạch quyết đoán. Đối với giáo dục, pháp luật ngày nay cũng như các vấn đề loạn tượng của xã hội đều có thể hiểu được gốc rễ, và có những kiến giải rõ ràng minh xác. Trong nền văn hóa 5000 năm của Trung Hoa, cả thời thịnh thế và thời loạn thế đều tuần hoàn diễn lại việc nhân loại vì sao xuất hiện các vấn đề, khi xuất hiện rồi thì nên giải quyết như thế nào, nên lấy gì làm tiêu chuẩn, từ lâu [Thần] đã đưa ra đáp án cho nhân loại ở các tầng khác nhau. Nếu như học sinh có thể tiếp thụ nền giáo dục từ thời xưa truyền lại, hiểu được đạo nghĩa luân lý truyền thống, thì tự nhiên sẽ biết xử lý vấn đề gia đình và vấn đề đất nước ra sao. Đối với những vấn đề hỗn loạn của xã hội ngày nay cũng có thể nhìn một cái liền thấu tỏ. Và người ta sẽ sống một cách đường đường chính chính, minh bạch tỏ tường.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi trong quá trình giải nghĩa “Tam quốc” sẽ lần lượt trình bày với mọi người phương thức tư duy của cổ nhân.

Khi đã hiểu được mục đích thuận theo thiên ý mà truyền đạo nghĩa cho con người của tác giả thì sau đó chúng ta sẽ nói tiếp nối nội dung phần trước. Trong bài trước đã kể đến đoạn Hán Linh Đế sẽ nhanh chóng băng hà, cục diện quần hùng xuất hiện, thiên hạ vô chủ, trong quá trình ấy tác giả đã viết rất chi tiết, liên quan đến hai sự việc lớn, một là tân đế phải chịu nạn ban đêm phải chạy đến núi Bắc Mang, làm mất ngọc tỷ truyền quốc, đế vị chỉ có danh mà không có thực, một nữa là việc Đổng Trác tiến kinh khống chế kinh thành bức ép phế Hán Thiếu Đế lập Hán Hiến Đế, quá trình này thì bài đồng dao mà trẻ con ở thành Lạc Dương hát chính là dự ngôn, tuyên cáo rằng hoàng đế đời cuối “đế mà không phải đế, vương mà không phải vương”, hơn nữa đã triển hiện ra được ý kiến chính trực rằng là một thần tử thì nên thực thi đạo của bề tôi ra sao. Trong câu chuyện, cả thiên ý lẫn đạo nghĩa làm người đều được triển hiện rõ nét.

[1] chỉ đạo: bản gốc là “kinh doanh”, từ này có một nghĩa là điều hành, ở đây tạm dịch là chỉ đạo

[2] Kinh tế: chữ kinh như trong chữ kinh sách, chữ “tế” trong cứu tế. Nếu hiểu theo bề mặt chữ, thì kinh tế có thể hiểu là chiểu theo đạo nghĩa kinh sách mà cứu tế.

[3] 逆取顺守 Nghịch thủ thuận thủ: tạm dịch là khi giành thiên hạ thì phải đi ngược đạo lý trung thần, còn khi cai trị thiên hạ thì phải tuân theo chính đạo.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/254545

(còn tiếp)



Ngày đăng: 03-09-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.