Luân hồi ký sự: Đạo tặc cũng phải có “đạo”



Tác giả: Tiểu Liên

[Chanhkien.org] Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện có thật về luân hồi của tôi, khi tôi còn là một đạo tặc trước khi tôi bắt đầu tu luyện và đạt viên mãn.

Câu chuyện bắt đầu vào triều đại Bắc Tống (960 –1127 sau công nguyên). Sau khi liên tục thất trận, triều Bắc Tống cuối cùng đã phải ký hiệp ước ‘Thiền Uyên’ với nước Liêu. Trong hiệp ước đó, Bắc Tống đồng ý cống nạp một số tiền lớn cho nước Liêu hàng năm. Kết quả là, Bắc Tống đã phải thu thuế cao từ người dân, làm bách tính ngày càng trở nên nghèo khổ hơn. Những người dân nước Tống sống gần biên giới giữa Tống và Liêu thì phải chịu đựng khổ cực trong suốt cả năm trời. Ngược lại, nước Liêu đã đạt đến đỉnh điểm của sự thịnh vượng vào thời bấy giờ.

Hồi ấy, tôi được luân hồi thành một vị công chúa của nước Liêu tên là Thiên Hành (天行). Thiên Hành công chúa tính tình khá rắn rỏi và mạnh mẽ. Do sinh trưởng tại phương Bắc nên công chúa có một dáng dấp tương đối đậm đà. Một lão sư tinh thông võ nghệ đã dạy võ cho Thiên Hành công chúa từ khi cô còn nhỏ. Trước khi vị lão sư dạy võ cho cô, ông đã đưa cho công chúa một thanh bảo đao sắc bén đến nỗi có thể cắt sắt ra làm đôi. Vị lão sư nói với công chúa rằng cô phải không được giết người vô cớ. Khi lão sư ra đi thì công chúa đã tròn 20 tuổi. Để lo lắng cho việc hôn sự của Thiên Hành, phụ vương của công chúa đã phải hao tổn rất nhiều tâm tư. Ông đã tìm nhiều người để cô lựa chọn nhưng Thiên Hành công chúa vẫn không ưng một ai. Công chúa cũng luôn cảm thấy sầu muộn về vấn đề hôn sự của mình.

Một ngày, Thiên Hành công chúa có một giấc mơ, trong đó một bạch diện thư sinh vô cùng khôi ngô tuấn tú đọc cho cô nghe một bài thơ:

Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu,
Nhân sinh phồn hoa chi đa thiểu,
Tuế nguyệt du du thiên bách độ,
Công thành danh tựu thân thể khô.
Hà xứ thị vĩnh hằng?
Duy hữu tu luyện phương thành kim cương bất hoại thân!

Diễn nghĩa:

Khi hoa xuân tàn và trăng thu lặn,
Sự phồn hoa nơi cõi người còn được bao lâu,
Hàng ngàn năm dần dần trôi qua,
Đến khi công thành danh toại thì thân thể đã khô mòn.
Cõi vĩnh hằng ở nơi đâu?
Chỉ có cách tu luyện thành thân thể kim cương bất hoại!”

Lúc ấy, công chúa cảm thấy vô cùng thân thiết với người thư sinh này. Đến khi cô định bước tới và chào hỏi thì người thư sinh lập tức biến mất. Cô vô cùng ngạc nhiên và choàng tỉnh.

Sau khi tỉnh dậy từ giấc mơ, cô quay sang nhìn những thị nữ của mình và thấy họ đang ngủ. Công chúa châm lên một ngọn đèn và ngắm nhìn dung mạo như hoa như ngọc của mình phản chiếu lên tấm gương đồng. Mặc dù không có dáng vẻ ‘liễu yếu đào tơ’ của một nàng tiểu thư suốt ngày ở trong khuê phòng, công chúa có một vẻ đẹp cương dương mạnh mẽ. Nhưng vì một vài lý do, cô cảm thấy không có gì là chân thật trong đó. Thời gian liên tục trôi đi như một dòng sông. Làm sao cô có thể bảo trì vĩnh viễn tuổi trẻ và nhan sắc của mình? Công chúa nghĩ về giấc mơ vừa qua và bắt đầu sầu muộn. Cô luôn luôn bất như ý về chuyện hôn nhân của mình. Đột nhiên, một quyết tâm mạnh mẽ thúc giục cô rời khỏi Hoàng cung. “Ta muốn ra đi để tìm kiếm triết lý nhân sinh.” Cô đã quyết định ra đi ngay lập tức bởi vì cô biết rằng phụ vương cô sẽ không bao giờ đồng ý. Cô đã viết một bức thư gửi cho phụ vương: “Thiên Hành sẽ rời khỏi Hoàng cung đêm hôm nay. Thưa phụ vương, xin thứ lỗi cho Thiên Hành đã không chào từ biệt phụ vương. Hài tử phải ra đi một mình để tìm kiếm chính Pháp. Hài tử sẽ tự thân giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử và thoái xuất khỏi tam giới. Đến khi tu thành chính quả, hài tử nhất định sẽ quay trở lại cứu độ song thân!”

Sau khi viết xong bức thư, Thiên Hành công chúa gạt những giọt nước mắt lăn trên má. Công chúa cưỡi trên một con kỵ mã và rời khỏi Hoàng thành với thanh bảo đao. Sáng hôm sau, những thị nữ của công chúa không tìm thấy cô đâu và ngay lập tức bẩm báo với Hoàng thượng. Sau khi đọc xong bức thư, Hoàng thượng đã khóc một lúc lâu. Phải mất một thời gian lâu sau, Hoàng hậu mới làm cho vị Hoàng đế nguôi ngoai đi. Cuối cùng, ông nói một cách lạc quan: “Thậm chí nếu Thiên Hành có ở bên ta, chúng ta cũng vẫn phải xa nhau trong vài chục năm nữa. Nếu hài tử thực sự có thể tìm được chính Pháp và thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, chẳng phải sẽ tốt hơn sao? Khi Thiên Hành còn nhỏ, nó không bao giờ thích thú với những tranh đoạt quyền lợi nơi trần thế. Nó rời khỏi Hoàng cung cũng là một việc tốt. Nó sẽ sống một cuộc sống thanh thản. Ta cảm thấy toại nguyện khi nó được hạnh phúc. Nó một thân võ nghệ và không kể nó đi đâu, không ai có thể bắt nạt nó.” Gần mười năm sau khi công chúa rời khỏi Hoàng cung, phụ vương và vương hậu của công chúa qua đời.

Sau khi Thiên Hành công chúa rời khỏi Hoàng thành, cô đi lang thang trong khoảng 2 tuần cho tới một ngày nọ, khi cô du ngoạn tới một ngọn núi cao có tên là Đại Thanh Sơn. Cô nhớ lại rằng phụ vương cô đã từng nói rằng có một sơn trại trên Đại Thanh Sơn. Theo lời kể của phụ vương, trại chủ tên là Khổng Tâm, tự xưng là ‘kim đao vô địch’ nhưng do chỉ là một người ‘hữu dũng vô mưu’ nên đã bị triều đình nhà Tống cử gian tế xâm nhập. Tên gian tế lẩn trốn tại một nơi phụ cận Đôn Hoàng và đã giết chết trại chủ. Hiện tại sơn trại trên núi đang ở trong trạng thái vô thủ [lĩnh].

Trong khi công chúa đang nghĩ về cuộc đối thoại giữa mình và phụ vương thì một đám lâu la chạy xuống núi và bao vây lấy cô. Dẫn đầu đám lâu la là một đại hán mặt đỏ với cây đại chùy trong tay. Hắn vừa chắn ngang đường vừa nói: “Xú nha đầu, mau đưa tiền ra thì bổn đại gia sẽ tha mạng cho. Bằng không, ta sẽ cho ngươi một chùy.”

“Ngươi dám à! Nếu có bản sự thì lại đây, bổn cô nương sẽ đấu với ngươi một phen!” Thiên Hành rút thanh bảo đao ra và không hề tỏ ra sợ hãi chút nào. Sau một vài phen giao tranh, cây đại chùy của tên đại hán mặt đỏ đã bị thanh bảo đao của Thiên Hành bổ ra làm đôi.

Thiên Hành nhảy lên ngựa và định rời đi, tuy nhiên tên đại hán ôm quyền rồi nói: “Xin cô nương dừng bước. Tại hạ có điều muốn thương lượng, không biết có được hay không?”

“Có gì thì ngươi cứ nói thẳng ra đi.”

“Không biết cô nương có nghe nói về việc bổn sơn trại đang trong trạng thái vô thủ [lĩnh] hay chưa. Hôm nay thấy cô nương võ nghệ siêu quần, nhất định là người hành hiệp trượng nghĩa. Chúng tôi mong cô nương lên núi làm trại chủ, huynh đệ chúng tôi nguyện nghe theo sự điều khiển của cô nương.” Thiên Hành thầm nghĩ mình đang không có nơi nào để dung thân nên đã đáp ứng yêu cầu của họ. Kể từ đó, Thiên Hành trở thành trại chủ của sơn trại.

Trong mười năm sau đó, Thiên Hành và nhóm thổ phỉ này đã giết chết nhiều tham quan trụy lạc và kẻ giàu có ăn chơi sa đọa. Họ đã bảo vệ sự công bằng cho rất nhiều người. Tuy là hành hiệp trượng nghĩa nhưng họ cũng đã giết hại rất nhiều người. Người dân quanh đó đã đặt cho Thiên Hành một cái tên – ‘bảo đao nữ hiệp’. Trong lúc nhàn rỗi, Thiên Hành thường nghĩ rằng: “Ta đã rời Hoàng cung để tầm Đạo cầu Pháp, nhưng số phận run rủi đã dẫn dắt ta trở thành cường đạo! Than ôi! Khi nào ta mới tìm được chân Pháp để tu luyện đây?”

Hai ngày sau, trong khi Thiên Hành và băng nhóm đang tụ họp trong sơn trại ăn thịt uống rượu thì một tên tiểu lâu la vào bẩm báo: “Ở dưới núi có khoảng sáu người đang đi ngang qua, trông rất giống mấy tên tham quan và nhà giàu. Liệu chúng tôi có nên ‘mãi mại’ (cắt hợp đồng) với chúng?”

Thiên Hành ra lệnh: “Cứ làm như mọi khi. Tại sao nhà ngươi chần chừ thế?”

Một lúc sau, tên lâu la quay lại bẩm báo: “Chúng tôi đã giết chết tất cả bọn họ, ngoại trừ một tên có dáng dấp thư sinh. Khi chúng tôi định hạ thủ thì hắn nói rằng hãy để hắn vào nói với trại chủ ba câu rồi muốn làm gì hắn cũng được.”

Thiên Hành nói: “Kẻ nào có gan nói ra những câu này? Đem hắn lên đây. Ta muốn xem mặt mũi hắn ra sao.”

Không lâu sau, người thư sinh được đưa lên núi trong tư thế bị trói. Thiên Hành thầm nghĩ: “Dường như ta đã gặp hắn ở đâu rồi thì phải.” Nhưng cô không có thời gian để nghĩ ngợi. Cô trừng mắt nhìn anh ta rồi quát: “Nghe nói ngươi muốn nói vài lời với bổn trại chủ. Nói nhanh lên rồi chịu chết.”

Người thư sinh không có vẻ sợ hãi chút nào. Anh ta nói với Thiên Hành: “Nghe nói trại chủ được dân chúng vùng phụ cận phong cho đại danh là ‘bảo đao nữ hiệp’, nhưng hôm nay được gặp mặt mới thấy rằng cũng chỉ là hư danh.”

Thiên Hành cảm thấy rất không vừa ý. Cô hỏi: ‘Ngươi định ám chỉ điều gì?”

“Người hành hiệp trượng nghĩa không bao giờ lạm sát người vô tội. Nhưng hôm nay cô nương không thèm hỏi xem tại hạ là ai, đây có phải là tùy tiện giết người hay không?”

Thiên Hành đáp: “Được rồi, để ta hỏi ngươi mấy câu. Tại sao ngươi lại đi cùng những người đó?”

“Tại hạ là nhân sĩ vùng Liêu Đông, tên là Lý Bằng Phi. Tại hạ đi học từ thuở còn nhỏ, sau đó được gặp một vị sư phụ dạy cho pháp môn tu luyện. Sư phụ từng nói với tại hạ hãy đi lên núi Hoa Sơn để tìm gặp một cao nhân dạy cho cách thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Trên đường tới núi Hoa Sơn, tại hạ gặp những viên quan và người giàu có đó rồi đi cùng với họ. Bây giờ đến lượt tại hạ hỏi cô nương vài câu hỏi. Thứ nhất, khi nào thì cô nương ngừng việc sát nhân? Thứ hai, cô nương có cảm thấy mất tự do khi sống trong thế giới con người này hay không? Thứ ba, cô nương có biết rằng ‘thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo’ chính là đạo lý của thần linh trên thiên thượng hay không?”

Thiên Hành trở nên sững sờ và không nói được câu nào sau khi nghe xong những lời này. Đột nhiên cô nhớ lại giấc mơ mà cô đã có về người thư sinh. Cô nghĩ rằng: “Có thể nào người đàn ông này đã xuất hiện trong giấc mơ của ta?” Cô tự mình cởi trói cho anh ta và lệnh cho đám lâu la đưa anh ta đi.

Đêm hôm ấy Thiên Hành trằn trọc mãi không ngủ được. Cô cứ nghĩ mãi về vấn đề nhân sinh, hôn nhân và lý tưởng của mình. Một điều cứ ám ảnh cô mãi là cô đã giết rất nhiều người trong 10 năm qua và là thủ lĩnh của một băng nhóm thổ phỉ. Một khi cô bắt đầu tu luyện, quá khứ sát nhân của cô có gây chướng ngại cho cô không? Ngoài ra, cô đã phát triển rất nhiều thói xấu khi là trại chủ ở sơn trại này. Cô có khả năng loại bỏ những điều ấy nếu tu luyện trong đời này hay không? Cô không ngừng nghĩ ngợi về những vấn đề này và không sao ngủ được.

Ngày hôm sau, cô kể về nỗi khổ sở của mình cho Lý Bằng Phi nghe. Bằng Phi nói: “Không có vấn đề gì chừng nào cô nương còn có thiện niệm và thiện hành. Phật chỉ nhìn vào tâm người. Cổ nhân có câu: “Tri thác năng cải thiện mạc đại yên.” (Người tự biết lỗi và cải thiện chính mình thật là bao dung vĩ đại). Phật Pháp có sức mạnh tiêu diệt những quan niệm hậu thiên và đưa con người trở về bản lai thuần chính. Ngoài ra… Cô nương đã quên mất tại hạ, tại hạ sẽ luôn ở bên cô nương. Nếu có vấn đề gì thì xin cô nương cứ nói với tại hạ để chúng ta cùng giải quyết!”

Nhìn Bằng Phi thân đầy chính khí, Thiên Hành bất giác nảy sinh lòng ngưỡng mộ. Cô thầm nghĩ: “Ta rất vui lòng tầm Đạo cầu Pháp với người thư sinh này. Huống hồ anh ta rất giỏi thơ phú, và ta sẽ không buồn chán khi ở bên anh ta.” Cô bèn phóng tâm nói với Bằng Phi: “Kể từ bây giờ, nếu ngươi không đối xử tốt với ta, ta sẽ cho ngươi nếm mùi bảo đao đấy!” Bằng Phi nói: “Tại hạ đâu dám bắt nạt cô nương. Chừng nào cô nương không lớn tiếng hay nổi cơn thịnh nộ, tại hạ sẽ vô cùng biết ơn!” Hai người cười nói với nhau một lúc. Và rồi Thiên Hành triệu tập tất cả huynh đệ trong sơn trại để an bài sự việc của hai người. Sau đó hai người họ thành thân và cùng nhau xuống núi.

Khi đến chân núi Hoa Sơn, hai người hỏi bất cứ ai mà họ gặp về vị cao nhân kia. Họ không ngừng hỏi từ chân núi cho tới tận đỉnh núi, nhưng không ai từng nghe về một cao nhân như vậy. Trời đã bắt đầu tối, cho nên họ phải nghỉ qua đêm trong một ngôi miếu hoang trên đỉnh núi. Sáng sớm hôm sau, họ được chứng kiến cảnh Phật quang xuất hiện trên đỉnh núi. Tới tận hôm nay, tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc thiêng liêng ngày hôm đó! Đúng là:

Thất thải Phật quang tự thiên hàng,
Vạn bàn tường thụy phá mê mang
Thù thắng mỹ diệu mãn khung vũ,
Thần Phật từ bi chiếu đại thiên!”

Diễn nghĩa:

Phật quang chiếu thẳng xuống từ bầu trời như bảy sắc cầu vồng,
Ánh sáng huy hoàng xua tan đi đám sương mù buổi sớm,
Thật là một cảnh tượng thiêng liêng và mỹ diệu,
Sự từ bi của Thần Phật tỏa sáng trên thế giới này!”

Họ vô cùng vui sướng và mong ước một điều thật kỳ diệu sẽ xảy đến.

Và rồi một điều gì đó thậm chí còn khó tin hơn đã xảy ra: Trong ánh quang huy, một vị Phật to lớn (cự Phật) xuất hiện, thật vô cùng đẹp đẽ và uy nghiêm! Với đài sen vàng dưới chân, Phật du hành khắp mọi nơi và cứu độ chúng sinh với lòng từ bi vô hạn, đồng thời hiển hiện chân tượng trước mặt những người tu luyện chân chính để điểm hóa cho họ! Cặp vợ chồng khấu đầu không ngừng trước vị Phật. Vị cự Phật chỉ nhìn họ rồi nói một câu: “Dụng tâm lai tu, tất thành chính quả.” Rồi Phật biến mất trong ánh kim quang.

Cặp vợ chồng ôm chầm lấy nhau trong nước mắt! Họ chưa bao giờ hy vọng sẽ có cơ hội được gặp và nhìn tận mắt một cự Phật trong giây phút thiêng liêng ấy! Họ nghĩ: “Chúng ta chắc phải tích được rất nhiều phúc phận từ những kiếp trước!” Kể từ đó, họ sống trên ngọn núi Hoa Sơn và bắt đầu tu luyện. Mỗi khi họ thiếu Phật Pháp để chỉ đạo tại mỗi tầng thứ, họ lại nhận được những điểm hóa trong giấc mơ để giúp họ tiếp tục thăng hoa. Sau khi tu luyện trong gần 30 năm, khi đang ngồi đả tọa vào buổi trưa, họ đột nhiên nghe được tiếng Pháp nhạc trên bầu trời. Không lâu sau, nhiều đóa hoa trong suốt rơi xuống từ trên không trung, trông mười phần mỹ diệu. Sau đó, hai người họ bắt đầu phiêu đãng bay lên; cơ thể họ trở nên thông thấu (trong suốt) và vô cùng uy nghiêm. Rồi họ lại trông thấy vị cự Phật đang cười với họ. Sau đó, từ trên thiên thượng bay xuống một đài sen cùng một con hạc tiên. Thiên Hành bước lên đài sen còn Bằng Phi cưỡi trên lưng hạc tiên và bay lên trời. Những đám mây đầy màu sắc cũng theo họ bay lên trên thiên thượng. Cuối cùng họ đã được giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử!

Lời kết:

Có một câu nói của cổ nhân Trung Hoa: “Đạo tặc cũng phải có ‘đạo’”. Không kể là chúng ta đã làm gì trong quá khứ hay bao nhiêu việc xấu chúng ta đã làm, chúng ta vẫn có thể đạt viên mãn chừng nào chúng ta còn tinh tấn trong tu luyện. Câu chuyện về luân hồi của tôi đã minh chứng rất rõ điều này.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2005/9/18/33891.html
http://www.pureinsight.org/node/3374



Ngày đăng: 31-08-2009

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.