Dương Diên Chiêu truyền kỳ: Dương Diên Chiêu uy chấn Tam Quan



Tác giả: Ngưỡng Nhạc

[ChanhKien.org]

Đưa quân vượt sông – Dương Diên Chiêu truyền kỳ – Uy chấn Tam Quan khẩu. (Ảnh: Thanh Ngọc/The Epoch Times)

Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.

Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.

Những câu chuyện xưa kể về Dương Diên Chiêu uy chấn Tam Quan nhà nhà đều biết. Tam Quan thường là chỉ Ngõa Kiều Quan ở Hùng Châu, Ích Tân Quan và Ứ Khẩu Quan ở Bá Châu. Hồi ấy biên giới giữa Bắc Tống và nước Liêu dài đến nghìn dặm, nếu so sánh với thời Ngũ Đại và Đại Đường, vào những năm đầu lập quốc, Bắc Tống đã mất một phần lãnh thổ rộng lớn là mười sáu châu ở đất Yến Vân. Ở phía Nam của khu vực này chính là Tam Quan, nơi này ngoại trừ mấy quan khẩu và ao hồ thì gần như chỉ toàn là bình nguyên không có chỗ hiểm nào để phòng thủ, cho nên nhất định phải dùng lượng binh lực có hạn để phòng thủ những cứ điểm quan trọng, mới có thể bảo vệ được văn minh Trung Nguyên khỏi bị ngoại tộc xâm phạm.

Do những thiếu sót về quốc phòng vốn có từ trước, Tống Thái Tổ vào những năm đầu lập quốc đã muốn dùng mọi lực lượng để đòi lại đất U Yến, hòng chặn mọi hậu họa về sau, nhưng các cuộc Bắc phạt liên tiếp đều nhận phải thất bại. Dương Diên chiêu kế thừa ý chí của cha ông là Dương Nghiệp, bảo vệ biên ải, ban đầu áp dụng chiến lược tích cực, ý đồ thu phục lại đất U Yến để đổi lại việc triều đình nhà Tống được yên bình dài lâu. Thế nhưng người nối ngôi Thái Tổ là hoàng đế Chân Tông chỉ muốn phòng thủ, lại thêm vào việc trong triều gian thần lộng quyền, Dương Diên Chiêu chỉ đành thoái lui chờ thời, chuyển trọng tâm sang chiến trường ở biên ải, làm sao để quân Liêu không vượt qua được trường thành dưới lòng đất. Theo thống kê của thời nay, ở địa phương này những địa danh liên quan đến Dương Diên Chiêu có tới mười mấy nơi, ông cũng để lại vô số những tích xưa anh hùng lưu truyền thiên cổ.

Xuất trận ở Thảo Kiều

Do quân Liêu nhiều lần xâm phạm biên giới, Dương Diên Chiêu liên tiếp đề xuất lên triều đình sách lược nước giàu binh mạnh, cũng hy vọng Tam Quan được tăng quân lên mười vạn, như vậy có thể thừa dịp quân Liêu chưa chuẩn bị, điều quân lên phương Bắc thu phục đất U Yến, khiến Đại Liêu phải thần phục Đại Tống, giúp biên giới phương Bắc được yên bình dài lâu. Thế nhưng trong triều quân quyền đều nằm trong tay của Khu Mật Sứ Vương Cường, hắn là gian tế mà nước Liêu cài trong triều đình nhà Tống. Năm xưa hắn dựa vào tài văn chương mà tiến được vào Thọ Vương phủ (là tên gọi thời còn là vương gia của Tống Chân Tông), đảm nhiệm chức tham mưu. Sau khi Tống Chân Tông lên ngôi, Vương Cường được trọng dụng, nắm giữ đại quyền về quân đội.

Bởi Vương Cường khó dễ từ bên trong, hoàng thượng chỉ đồng ý gia tăng chi phí cho quân đội ở biên ải. Dương Diên Chiêu ở gần bờ sông Bạch Câu đã lập nên Thảo Kiều Quan, làm cửa ngõ tiền tiêu cho Ích Tân Quan ở phương Bắc.

Một ngày nọ Dương Diên Chiêu đang đóng tại Ích Tân Quan phòng thủ, đêm ấy khi dân chúng và binh sĩ đều đã đi nghỉ, ông vẫn còn ở trong phòng thắp đèn đọc sách. Đó là thói quen ông dưỡng thành từ nhiều năm trước. Ông thường đọc các loại kinh điển như Thi Kinh, Hán Thư, Luận Ngữ, Binh pháp Tôn Tử. Đang đọc sách thì bất chợt cảm thấy tâm thần không yên, vì thế ông đi ra ngoài cửa phòng, lên trên đài cao nhìn ngắm bầu trời đêm. Lúc này có một đàn chim hoang bay đến, binh lính canh gác đến nơi nói: “Nguyên soái, không còn sớm nữa, ngài nên đi nghỉ”.

Dương Diên Chiêu đáp: “Sao tai di chuyển về phía Nam, chim hoang cũng bay về phía Nam, Hàn Xương lại đến rồi! Nhanh chóng gọi các tướng sĩ dậy”. Ông còn lập tức cho bồ câu đưa thư tới hai quan còn lại, yêu cầu đề phòng nghiêm ngặt.

Sau một phen chỉnh đốn, tướng sĩ đã tập kết xong, Dương Diên Chiêu dẫn quân đến Thảo Kiều Quan ở tiền tiêu. Ông lệnh cho Mạnh Lương và Tiêu Tán đến rừng cây ở hai bên bờ sông mai phục. Bản thân thì cầm quân phòng thủ ở trong quan, sắp xếp xong xuôi cho cấp dưới, ông hạ lệnh toàn quân tắt hết đèn dầu.

Không lâu sau đó, Hàn Xương và Đại Bằng quả đúng là dẫn lượng lớn binh mã tới tập kết trong đêm. Hàn Xương thấy Thảo Kiều Quan không có động tĩnh gì, cho rằng quân Tống thả lỏng đề phòng đang đi ngủ rồi, không khỏi cười lớn: “Ha ha! Quá tốt rồi, lần này ta cuối cùng đã lừa được Dương Diên Chiêu, ta ở biên ải nhiều lần xuất quân cố tình bày trận giả, tưởng đánh mà lại không đánh, cuối cùng đã khiến quân Tống mệt mỏi, đều đi ngủ hết rồi. Toàn quân xông lên!”

Hắn hạ lệnh một tiếng, quân Liêu rầm rập tiến tới Thảo Kiều Quan. Thế nhưng đến trước quan khẩu liền nghe thấy tiếng pháo hiệu liên tiếp vang lên, trên thành trong nháy mắt xuất hiện rất nhiều bó đuốc cháy rực. Tiếp theo đó mưa tên từ trên tường thành trút xuống, đám quân Liêu đi đầu lần lượt trúng tên rơi xuống ngựa. Dương Diên Chiêu dẫn quân ra khỏi quan, lớn tiếng quát: “Hàn Xương! Ta sớm đã biết ngươi sẽ tới, đã ở đây đợi ngươi lâu rồi! Xem người trốn đi đường nào!” Nói xong liền chĩa thương về phía Hàn Xương đánh tới. Hàn Xương lập tức tiếp chiêu, hai người xông vào đánh nhau. Quân lính hai bên cũng hăng hái chém giết. Lúc ấy rừng cây ở bờ bên vang lên tiếng pháo hiệu, Mạnh Lương, Tiêu Tán cũng dẫn quân tiến đến tấn công. Quân Liêu nhất thời rơi vào cảnh bị bao vây. Hàn Xương, Đại Bằng thấy trận thế không ổn, vội vàng liều mình chém giết để thoát khỏi trùng vây, cố gắng lắm mới miễn cưỡng mở được một con đường máu chạy về phương Bắc. Những quân Liêu còn lại thấy thế không còn chiến khí, cũng vứt bỏ khôi giáp chạy trốn, trận đó quân Tống toàn thắng.

Tiếp vận ngầm dưới đất

Sau chiến thắng ở Thảo Kiều Quan, Dương Diên Chiêu tranh thủ dịp quân Liêu nghỉ ngơi hồi phục để về triều, bẩm báo cho hoàng đế Chân Tông tình hình quân Liêu xâm phạm, lại thỉnh cầu hoàng đế chấp nhận cho tăng quân ở biên ải để phục vụ kế hoạch thu phục lại đất U Yến, giúp cho Đại Tống có thể được bình yên lâu dài. Nhưng Vương Cường biết tin đã cực lực bác bỏ, hai người vì việc đó mà tranh luận không ngớt, cuối cùng Chân Tông đồng ý với yêu cầu tăng quân và quân phí. Nhưng đối với việc thu phục đất U Yến thì vẫn còn để lại chưa xem xét. Vương Cường còn phái thân tín của mình đến bên Dương Diên Chiêu để giám sát.

Vì Chân Tông không đồng ý Bắc phạt, nên Dương Diên Chiêu chỉ còn cách ở biên ải tiếp tục xây dựng, chẳng những dựng lên nhiều quan khẩu, thành trại, cầu đường, mà còn lợi dụng địa hình để đào địa đạo nối thông các quan khẩu. Vào lúc ngày mùa bận rộn, ông cho binh sĩ đi giúp người dân khai khẩn đất hoang, gieo trồng mùa màng, cây cối. Khi nông nhàn, ông đưa ra nhiều đãi ngộ để dân chúng trợ giúp đào địa đạo, một mặt vừa giúp tăng cường phòng thủ, một mặt lại cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân, có thể nói là nhất cử lưỡng tiện.

Có lần đúng vào lúc mùa màng bận rộn, Dương Diên Chiêu dẫn theo tướng sĩ tới cùng dân chúng canh tác. Lúc ấy thám tử đến bẩm báo: “Hàn Xương lại dẫn mười vạn đại quân đến xâm phạm, trước mắt đang tới gần Ngõa Kiều Quan.” Dương Diên Chiêu nghe xong thoải mái trả lời: “Vất vả rồi! Ta biết hắn sẽ lại đến”. Sau đó ông hướng về phía bách tính nói: “Đừng lo lắng! Tiếp tục trồng trọt đi, ta đi một chút sẽ trở lại”.

Dương Diên Chiêu lên đài quan sát, nhìn về Ngõa Kiều Quan ở phía xa thấy gần đó có một đoàn quân Liêu đông nghìn nghịt đang thay đổi trận thế, như thể đang chia quân làm hai lộ. Quan sát trận thế này xong, Dương Diên Chiêu nói: “Hàn Xương lại muốn giở mánh khóe đây, cho rằng bố trí quân ở giữa hai quan khẩu thì có thể ngăn cản ta, như vậy liền có thể đánh hạ Ngõa Kiều Quan sao?”

Một mặt, Dương Diên Chiêu cho đốt khói báo hiệu, lại lệnh cho Mạnh Lương, Tiêu Tán triệu tập tướng sĩ chuẩn bị ra trận. Lúc ấy Hàn Xương đã dẫn đại quân tới ngoài Ngõa Kiều Quan khiêu chiến: “Ta là Hàn Xương nguyên soái Đại Liêu giá lâm đây! Còn không mau mở cửa thành đầu hàng. Ta đã bố trí năm vạn đại quân chặn ở giữa hai quan. Bản sự của Dương Diên Chiêu có lớn nữa cũng không đuổi tới đây được, ngoan ngoãn đầu hàng thì có thể được tha chết, nếu không ta sẽ san bằng quan này, giết các ngươi đến một viên ngói cũng không còn”.

Chỉ thấy tướng thủ thành là Nhạc Thắng đứng tại đầu thành đáp lời: “Hàn Xương! Cứ mơ mộng thiên thu đi, quân cứu viện của nguyên soái rất nhanh sẽ tới. Người cứ cứng đầu tấn công thành sẽ bị rơi vào cảnh trước sau giáp kích, chắc chắn cuối cùng sẽ thảm bại. Ngươi còn không mau chạy nhanh về nước Liêu, đừng để cho các tướng sĩ chịu chết oan uổng”.

Hàn Xương nghe xong, lập tức hạ lệnh tấn công Ngõa Kiều Quan; Nhạc Thắng cũng liền chỉ huy tướng sĩ ứng chiến: gỗ, tên, pháo đồng loạt phóng ra, quân Liêu khó lòng tiến lên dù chỉ một bước, tấn công hồi lâu mà vẫn chưa hạ được quan khẩu này.

Đúng lúc đang giao tranh kịch liệt, chỉ thấy phía sau quân Liêu đột nhiên xuất hiện một cánh quân gia nhập cuộc chiến. Hàn Xương không khỏi liên tục kinh hãi, làm thế nào lại bất ngờ xuất hiện viện quân như vậy?

Hắn nhìn về đạo quân đã phái đi ở Ích Tân Quan phía xa, thấy vẫn đang giằng co với quân Tống, bèn nghĩ: “Dương Lục Lang chẳng phải đang ở Ích Tân Quan giằng co với Da Luật Sa hay sao, làm sao lại bất ngờ xuất hiện ở đây? Là mọc cánh bay sang đây? Hay là theo địa đạo ngầm mà tới?”

Thì ra đúng là theo địa đạo ngầm mà tới. Giữa ba quan khẩu đều có rất nhiều địa đạo thông nhau. Ở trong địa đạo mặc dù chỉ có thể vừa một người một ngựa (cũng gọi là Động Dẫn Ngựa), nhưng ở giữa có nhiều khoảng không gian lớn có thể cho phép binh sĩ nghỉ ngơi và tích trữ vũ khí, lương thực, có thể chứa tới hàng nghìn binh sĩ ẩn thân (cũng gọi là Động Giấu quân Lục Lang). Dương Diên Chiêu lệnh cho Mạnh Lương và Tiêu Tán dẫn quân đối phó với Da Luật Sa, còn bản thân dẫn một đội tướng sĩ nhanh chóng đi qua địa đạo, phối hợp với đội quân mai phục ở trong động bên ngoài Ngõa Kiều Quan cùng nhau xuất kích.

Chỉ thấy Dương Diên Chiêu cưỡi ngựa trắng xông lên quát lớn: “Hàn Xương! Dương Lục Lang ta tới đây, quỷ kế của người bị ta nhìn thấu rồi. Xem thương đây!” Nói xong liền đánh về phía Hàn Xương, Hàn Xương thấy thế chỉ đành giơ đại xoa lên nghênh chiến, đánh nhau mấy chục hồi rồi dần dần rơi vào thế hạ phong. Nhạc Thắng đang thủ thành thấy chủ soái tự thân đến hiện trường, sĩ khí tăng vọt, dẫn quân mở cửa quan tấn công ra ngoài. Quân Tống từ bốn phía trong các Động Giấu quân cuồn cuộn đổ ra không dứt. Đại quân của quân Liêu trong chớp mắt rơi vào thế bị bao vây, Hàn Xương mắt thấy đại thế đã mất, chỉ đành ra sức chém giết mở một đường máu thoát thân về phương Bắc. Da Luật Sa ở Ích Tân Quân biết tin chủ lực thua trận bỏ chạy, cũng theo đó rút quân. Quân Tống lần này lại thu được đại thắng.

Hành quân trên mặt nước

Hàn Xương vừa trải qua đại bại lại do thám được Ứ Khẩu Quan bình thường binh lực mỏng, đường đi lối lại với các quan khẩu khác gặp khó khăn, quân Tống muốn tới chi viện phải mất không ít thời gian, vì thế muốn tập trung binh lực đánh hạ quan này trong thời gian ngắn nhất. Hắn dẫn theo Da Luật Sa, Đại Bằng cùng mười vạn đại quân xâm phạm. Tướng thủ quan là Dương Hưng, Trần Lâm địch không lại, rút vào trong quan tử thủ. Phòng thủ kín kẽ, Hàn Xương trong thời gian ngắn khó lòng hạ được. Mắt thấy bốn bề báo hiệu không ổn, Hàn Xương không khỏi tức giận: “Thật là một đám giá áo túi cơm! Lấy mười đánh một mà không hạ nổi một cái quan bé tí này”.

Mấy lần thua trận liên tiếp khiến Hàn Xương càng đánh càng bực, cuối cùng dứt khoát lệnh cho Da Luật Sa, Đại Bằng cầm một đạo quân tiếp tục tấn công, còn mình dẫn một cánh quân khác đi vòng qua quan ra phía sau cướp bóc. Hàn Xương cười lớn với thuộc hạ: “Phóng hỏa, giết người, cướp đồ đi, để giải mối hận trong lòng ta!” Lại nói tiếp: “Mấy chục dặm về phía Tây đều là vùng nước mênh mông, Dương Lục Lang cho dù có là Thần tiên thì chốc lát cũng không tới kịp”. Vốn dĩ thời ấy ở giữa Ứ Khẩu Quan và Ích Tân Quan là một mảng mênh mông biển nước rộng hơn mười dặm, một dải này có tên là Mạn Hoa Đào. Đại quân muốn đến chi viện thông thường phải đi vòng quãng đường rất xa, cực kỳ bất tiện.

Nhưng một thời thần trôi qua, tướng sĩ quân Liêu tới bẩm báo: “Thủ lĩnh! Không xong rồi! Dương Lục Lang dẫn tướng sĩ cưỡi ngựa đi trên nước tới”.

Hàn Xương đáp lời: “Nói bậy. Hắn cũng không phải là Thần tiên, làm sao vượt nước tới đây được?”

Tiếp theo lại có tướng sĩ đến bẩm báo: “Dương Lục Lang thực sự dẫn quân vượt nước mà tới, sắp tới trước mặt quân ta rồi!”

Hàn Xương ra phía trước kiểm tra, chỉ thấy Dương Diên Chiêu, Mạnh Lương, Tiêu Tán dẫn một đại đội kỵ binh vượt nước phi tới. Ngựa phi như dẫm trên mặt nước mà qua sông, hắn chỉ còn cách bày trận chuẩn bị tiếp chiến.

Thì ra Dương Diên Chiêu sớm đã lệnh cho quân sĩ xây một cây cầu ẩn dưới mặt nước, cách mặt nước một đoạn nhỏ, khi trời có sương mù, đứng từ xa rất khó nhìn thấy mặt cầu.

Trong chốc lát quân Tống đã tiếp cận Ứ Khẩu Quan. Mạnh Lương, Tiêu Tán hỏi: “Nguyên soái, thần thấy thôn làng ở phía sau có khói lửa bốc lên bốn bề. Quân Liêu e rằng đã vào trong thôn cướp bóc rồi, quân ta cứu viện quan khẩu hay là vào thôn cứu dân chúng đây?” Dương Diên Chiêu lập tức nói: “Cứu dân trước!” Vì vậy Dương gia tướng sĩ phi thẳng vào trong thôn ngăn chặn Hàn Xương đang làm loạn.

Loáng một cái viện quân đã vào tới trong thôn. Dân chúng thấy viện quân đến, quá đỗi vui mừng, lấy hết dũng khí cầm vũ khí lên cùng chống lại quân Liêu. Tướng sĩ ở trong quan thấy chủ soái đã đến, sĩ khí cũng tăng vọt. Kỵ binh mấy lần xung phong đã phá giải được trận thế của đại quân Hàn Xương. Tướng sĩ trong quan cũng thành công đẩy lùi được thế tấn công của Đại Bằng và Da Luật Sa. Sĩ khí quân Liêu tan rã, Hàn Xương thấy đại thế đã mất, chỉ đành dẫn quân rút lui.

Trước đây Dương Diên Chiêu với quân Liêu thua trận rút chạy thường không chủ động đuổi theo. Nhưng trong trận chiến lần này ông có thái độ khác hẳn. Ông tập trung tất cả kỵ binh lại chuẩn bị truy kích đám quân Liêu đang rút chạy, giống như muốn khiến bọn chúng phải trả giá vì đã cướp bóc thôn làng. Đại quân của Hàn Xương vừa đánh vừa lui, mà tướng sĩ Dương gia càng đánh càng hăng, một mạch dí theo quân Liêu tới tận chân thành Trác Châu ở biên giới nước Liêu. Lúc này trong thành Trác Châu phòng ngự có cũng như không, nếu cố gắng tấn công thì mấy ngày là đoạt được thành. Nếu thuận lợi hạ được thành này, lại tập trung tướng sĩ ở Tam Quan thừa thắng truy kích, rất có thể sẽ thu phục lại được đất U Yến.

Thế nhưng ngay lúc Dương Diên Chiêu chuẩn bị ra lệnh công thành thì gặp phải sự ngăn cản của giám quân. Hắn lấy cớ chưa có lệnh của hoàng thượng nên không cho phép Dương gia tướng sĩ tấn công. Dương Diên Chiêu im lặng hồi lâu. Lúc ấy Tiêu Tán kiềm chế không được, vung roi thép nói: “Tướng quân ở bên ngoài, lệnh vua có thể không theo! Tên gian thần nhà ngươi xem ta xẻ thịt ngươi đây! Ta giết người vô số, không sợ giết thêm một kẻ như ngươi”. Dương Diên Chiêu thấy thế, lập tức ra lệnh cho Tiêu Tán lùi xuống, ông ngẩng đầu lên nhìn trời im lặng hồi lâu, cuối cùng nói: “Ý trời như vậy, không thể làm bừa”. Dương Diên Chiêu lập tức ra lệnh cho ba quân lui về Tam Quan, một cơ hội thu phục lại đất U Yến chỉ đành trôi qua như thế.

Sau trận chiến, Dương Diên Chiêu dẫn theo tướng sĩ về lại thôn để an ủi dân chúng trong làng, lại còn bắt những tên quân Liêu đầu hàng phải lao động, tu sửa lại thôn trang, khai khẩn ruộng nương. Sau này quân và dân còn lấy cây cầu ẩn dưới mặt nước vắt qua Mạn Hoa Đào kia làm cơ sở để xây một con đê (người đời sau gọi nó là Đê Lục Lang), làm thủy lợi để dân chúng không còn phải khổ sở vì thiên tai. Con đê Lục Lang này tồn tại hơn ngàn năm mà giờ vẫn đang phát huy tác dụng. Dương Diên Chiêu cũng lần lượt trong thời gian đó xây dựng một hệ thống địa đạo có diện tích lên tới 1.300 km2 (người đời sau gọi nó là Chiến đạo cổ Tống Liêu, Động Dẫn Ngựa, Động Giấu binh Lục Lang). Nó giống như một dãy Trường Thành ngầm, hơn một ngàn năm qua nằm dưới vùng đất Hà Bắc, bảo vệ cho văn minh tại Trung Nguyên.

Tư liệu tham khảo:

“Dương Lục Lang uy chấn Tam Quan khẩu” – Nhà xuất bản Nhân dân Hà Bắc – xuất bản năm 1984, Triệu Phúc Hòa, Lý Cự Phát… sưu tập.

“Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản Thiếu niên Nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986, Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/291351



Ngày đăng: 09-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.