Dương Diên Chiêu truyền kỳ: Tiêu Tán dùng diệu kế cứu dân



Tác giả: Ngưỡng Nhạc

[ChanhKien.org]

Tranh minh hoạ Tiêu Tán trong “Dương Gia Tướng toàn truyện” thời Bắc Tống, bản vẽ năm Quang Tự Nhâm Thìn 1892 (phạm vi công cộng)

Một năm nọ khi Dương Diên Chiêu đang trấn giữ biên ải thì có nạn đói xảy ra, người dân phải đi cướp lương thực để sinh tồn. Khi đó trong triều gian thần lạm quyền đã hạ lệnh xử tử những người dân vốn không đáng tội chết này. Tướng quân Dương Diên Chiêu đã khéo léo vận dụng trí tuệ của mình, ông đã lợi dụng “tiếng xấu” “lỗ mãng” của thuộc hạ Tiêu Tán để hoá giải được mối nguy này.

Tiêu Tán là một viên tướng dưới trướng của Dương Diên Chiêu thời Bắc Tống. Tương truyền khi ông sinh ra thì mặt đỏ như đất nung, mắt như chuông đồng, mình hổ eo gấu, cầm trong tay hai cây côn làm bằng thép tinh chế (cũng có lúc cầm thương sắt), là viên tướng dũng mãnh muôn người khó địch. Ông và người anh em kết nghĩa là Mạnh Lương vốn là sơn tặc trên núi Ba Tiêu, sau bị đánh bại trong một trận chiến với Dương Diên Chiêu, sau đó Tiêu Tán và Mạnh Lương đến nương nhờ Dương Diên Chiêu và trở thành cánh tay đắc lực dưới trướng Dương Diên Chiêu, họ cùng đứng lên chống lại nhà Liêu, nổi danh khắp vùng Hà Bắc.

Tiêu Tán võ nghệ cao cường tuy nhiên tính tình lỗ mãng, dễ bị kích động, ông từng có lần trong cơn giận dữ mà đã giết sạch cả nhà gian thần Tạ Kim Ngô, suýt chút nữa liên luỵ đến Dương gia phải chịu tội tịch biên gia sản. Nhưng theo lời của Hán Vũ Đế trong “Cầu mậu tài dị đẳng chiếu” đã nói: “Kẻ sĩ nhờ có tật xấu mà lập công danh”, cái gọi là mỗi người đều có sở trường đặc biệt, tất lẽ cũng cần phải xem người lãnh đạo chỉ huy thế nào.

Năm đó, khi Dương Diên Chiêu trấn giữ ải Tam Quan thì gặp phải trận hạn hán hơn chục năm mới có một lần. Từng cánh đồng dần dần trở nên hoang vu, người dân đói khát buộc lòng phải ra ngoài đào rau dại về ăn. Dương Diên Chiêu thấy tình hình hạn hán nghiêm trọng nên quyết định cho mở kho lương, phát chẩn số lương thực dự trữ cho chiến tranh để cứu giúp nạn dân. Nhưng sau khi dâng tấu văn lên triều đình thì bặt vô âm tín, mãi cũng không có hồi đáp.

Trước tình hình thiên tai ngày càng nghiêm trọng, ngay lúc Dương Diên Chiêu quyết định tự ý cho mở kho lương thực thì gặp phải một chuyện rắc rối, có một nhóm người dân vì không chịu được đói nên đã cấu kết bè đảng để cướp kho lương thực của quan phủ. Quan phủ địa phương sau khi biết được, một mặt bẩm tấu lên triều đình, một mặt phái nha dịch đi bắt người, sau đó tổng cộng đã bắt được hơn 100 người tham gia cướp đoạt lương thực. Triều đình sau khi biết tin đó, rất nhanh chóng yêu cầu phải xử tử những người này. Dương Diên Chiêu biết tin, lại một lần nữa đem tình hình nạn đói bẩm tấu lên triều đình, thỉnh cầu triều đình khoan hồng với phạm nhân, tự mình cũng sẵn lòng chịu phạt thay người dân.

Tuy nhiên, triều chính khi đó bị gian thần Phan Mỹ thao túng, ông ta không những bác bỏ lời thỉnh cầu của Dương Diên Chiêu mà còn phái khâm sai đại thần tới ải Tam Quan, yêu cầu tướng lĩnh nhận lệnh điều binh để áp giải phạm nhân về kinh thành, không được sai sót. Dương Diên Chiêu không còn cách nào, đành phái Tiêu Tán chuẩn bị chấp hành nhiệm vụ này.

Tiêu Tán tất nhiên cũng không muốn áp giải người dân tới chỗ chết. Đêm hôm đó, Tiêu Tán sau khi nhận lệnh thì một mình uống rượu giải sầu, đúng lúc đó thì Dương Diên Chiêu tiến đến thăm dò. Tiêu Tán vừa thấy Diên Chiêu, trong lòng than phiền nói: “Đại ca, vì sao lại phái đệ áp giải bách tính tới chỗ chết? Chúng ta dẫn theo binh sĩ, thừa dịp nhiệm vụ lần này, tiến tới triều đình giết chết đám gian tặc Phan Mỹ, thuận đường trừ xử gian thần bên cạnh vua.” Dương Diên Chiêu nói: “Hiền đệ! Hãy bình tĩnh một chút, chớ vội nóng nảy, ta có kế này, đệ cứ theo đó mà làm là được rồi”. Tiếp đó liền đưa cho Tiêu Tán một túi gấm lớn, rồi khẽ thầm nói với Tiêu Tán về kế hoạch của mình. Tiêu Tán nghe xong không ngớt lời tán thán: “Kế hay, kế hay!”

Tiêu Tán nhận lệnh xong, hai ngày sau liền dẫn theo binh lính đến áp giải phạm nhân, cùng với quan khâm sai lên đường. Trên đường áp giải, người dân không ngừng oán thán kêu than, Tiêu Tán cũng liên tục buông lời nói ác độc về phía họ, lệnh cho đoàn người nhanh chóng rời đi. Quan khâm sai thấy thế cũng liên tục quất roi đánh họ, những người bị áp giải lại càng kêu to hơn, tiếng kêu to đến ngút trời. Lúc này Tiêu Tán lập tức giơ lên song côn, luôn miệng trách mắng: “Bọn gian dân các ngươi! Nếu như lại còn làm bậy la hét thì ta sẽ giết sạch các ngươi ngay tại chỗ. Dù sao cũng là tội chết, như vậy ông nội Tiêu Tán ta đây đỡ phải áp giải các ngươi!”

Vừa nói dứt lời, ông nặng nề giơ lên cây côn thép mà đánh xuống, lúc này dường như có một luồng kiếm khí ào đến đánh bay cây roi da của quan khâm sai. Quan khâm sai lúc đó hai chân như nhũn ra, bởi vì Tiêu Tán vừa mới giết sạch cả nhà của gian thần Tạ Kim Ngô, vốn mang tiếng xấu, nên quan khâm sai rất sợ, sợ rằng không cẩn thận sẽ rước họa vào thân, cho nên cũng không nhặt roi da lên. Thế cũng bằng như cứu được người dân, giúp họ không bị roi quật nữa.

Đoàn người đi rất lâu, trên đường còn gặp phải mưa lớn, đến lúc trời tối thì vừa may có một quán rượu, Tiêu Tán đề nghị cho khâm sai đại thần tạm thời dừng chân tại quán nghỉ một chút. Cả đoàn người vừa đói vừa mệt cứ như vậy ngồi xuống ngay tại quán. Vừa bước chân vào quán rượu, Tiêu Tán kêu mọi người ngồi xuống để dùng chút rượu và thức ăn, mọi người cùng nhau ăn uống. Trong lúc ăn uống, Tiêu Tán còn cho thuộc hạ mang đồ ăn tới cho những người dân.

Tranh minh hoạ “Dương Gia Tướng toàn truyện” thời Bắc Tống, bản vẽ năm Quang Tự Nhâm Thìn 1892 (phạm vi công cộng)

Sau đó, Tiêu Tán thừa dịp đang lúc hứng rượu, lấy ra ngân lượng đưa cho chủ quán, dặn dò chủ tiệm giết thêm dê và lợn, chuẩn bị thêm nhiều đồ ăn và rượu cho mọi người. Tiêu Tán hào phóng nói: “Khó được cơ hội đến kinh thành để mở mang tầm mắt, tiệc này ta mời, mọi người hãy ăn uống hết mình, bữa tiệc này ta sẽ trả tiền hết!”

Tiêu Tán và đoàn người khâm sai cùng nhau chúc rượu linh đình. Sau ba lượt rót rượu, thấy thời cơ chín muồi, ông mượn cớ đi vệ sinh tới chỗ lều mà người dân đang chờ bên ngoài, rồi âm thầm mở hết còng tay và xích chân cho họ. Sau khi cùng họ bàn bạc biện pháp để ứng phó, ông quay trở lại quán rượu như chưa có chuyện gì xảy ra, rồi cùng mọi người tiếp tục ăn uống.

Một lát sau, người dân trong lều bắt đầu reo hò ầm ỹ, từng người bọn họ đều la hét rằng đồ ăn không đủ, tiếng la hét càng lúc càng to. Đám người ăn uống trong quán nhìn thấy Tiêu Tán đập mạnh vào bàn một tiếng lớn, đập một chưởng làm chiếc bàn thủng một lỗ to. Ông nghiến răng nói: “Tốt lắm, lũ điêu dân các ngươi, thật làm ta buồn bực muốn chết! Dọc đường đi kêu la vẫn chưa đủ sao, ban đêm rồi còn làm ầm ĩ đến ta! Rồi xem ta đập chết từng đứa các ngươi! Dù sao thì triều đình cũng khép các ngươi vào tội chết, nếu giết sạch các ngươi ở đây, Tiêu Tán ta cũng đỡ phải đi áp giải các ngươi!”

Vừa nói dứt, ông quơ lấy cây côn thép, bộ dạng nghiêng ngả vừa đi vừa đập vỡ nát mấy cái bàn, rồi nói: “Các ngươi nghe thấy chưa, tất cả tránh đường cho ta! Ai cũng không được nhúc nhích, ai cũng không được ra ngoài. Ta đang nóng lòng muốn giết vài mạng người để giải tỏa cho hả cơn buồn bực trong lòng. Đừng trách ta uống rượu mà sẩy tay!”

Đoàn người quan khâm sai nghĩ rằng Tiêu Tán thật sự say rồi, liền vội vàng nấp sang một bên, không ai dám can ngăn. Tiêu Tán cứ như vậy xông ra ngoài, mọi người trong quán rượu đều nghe thấy từng tiếng gầm thét của Tiêu Tán cùng với những tiếng: “Đùng, đùng, đùng” liên thanh nổ vang và tiếng kêu la thảm thiết của người dân. Đoàn người khâm sai càng trở nên sợ hãi, từng người từng người đều trốn nấp vào góc tường, không ai dám liếc mắt nhìn ra ngoài.

Không lâu sau, Tiêu Tán trên thân đầy máu tiến vào, ông đứng trước cổng, dùng côn thép chỉ vào đoàn người khâm sai và nói: “Các ngươi hãy nhanh chóng cút về kinh thành báo tin cho ta, hãy nói rằng đám phạm nhân này giữa đường gây rối, tất cả đều đã bị ta giết chết! Ta cùng các huynh đệ trở về ải Tam Quan tiếp tục canh giữ chống quân Liêu rồi!”

Đám người vừa bước ra ngoài nhìn, chỉ thấy hơn trăm người đó đều nằm lẫn lộn trong vũng máu. Nhìn thấy phạm nhân đều bị giết chết, đoàn người khâm sai không khỏi sợ hãi, cấp tốc lên ngựa, chạy một mạch về hướng kinh thành không dám ngoái đầu nhìn lại dù chỉ một cái.

Chờ đến khi đoàn người khâm sai đã đi xa, những người dân nằm trong vũng máu kia liền bò dậy. Hoá ra trong túi gấm lớn mà Dương Diên Chiêu đưa chứa đầy thuốc nhuộm đỏ, vì để làm cho giống thật, Tiêu Tán còn trộn thêm nhiều máu lợn và dê mà ông đã dặn chủ quán rượu giết khi trước. Những lời ác khẩu mà Tiêu Tán nói với người dân suốt dọc đường đi hay việc mổ dê giết lợn ở quán rượu, đều là kế sách mà bọn họ đã tính toán kỹ lưỡng rồi.

Người dân sau khi được cứu tới tấp dập đầu để cảm tạ Tiêu Tán sau đó đều mau chóng tản đi. Có một số người thì chạy về nhà, có người thì chạy tới thôn làng lân cận để mưu sinh, còn một số người quyết tâm đầu quân làm binh sĩ của Tiêu Tán.

Đoàn người quan khâm sai trở về kinh thành, báo cáo tới Phan Mỹ rằng toàn bộ phạm nhân đã bị Tiêu Tán xử tử tại chỗ, Phan Mỹ cũng đành bất đắc dĩ chấp nhận, e rằng nếu bức bách Tiêu Tán quá thì lại gặp phải đại họa. Như vậy, bằng trí tuệ của Dương Diên Chiêu, lợi dụng “tiếng xấu” “lỗ mãng” của Tiêu Tán, đã giải cứu được hơn một trăm người dân.

Tư liệu lịch sử tham khảo:

(1) “Dương Gia phủ thế đại trung dũng thông tục diễn nghĩa” thời nhà Minh, tác giả: ẩn danh, Tần Hoài Mặc xét duyệt.

(2) “Dương Gia Tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản thiếu niên nhi đồng Hà Bắc, năm 1986, Triệu Vân Nhạn sưu tầm, chỉnh lý.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/267144



Ngày đăng: 09-07-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.