Dương Diên Chiêu truyền kỳ: Câu chuyện về Mã bào tuyền



Tác giả: Ngưỡng Nhạc

[ChanhKien.org]

Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.

Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.

Trong lịch sử Trung Quốc, xưa nay ngựa và xã hội nhân loại vẫn có quan hệ rất gắn bó. Vào thời Xuân Thu còn có ghi chép về Quản Trọng lợi dụng “Lão mã thức đồ”, hay ngựa già biết lối (để tìm đường ra khỏi sa mạc – người dịch). Về sau câu này trở thành thành ngữ chỉ người có kinh nghiệm sẽ quen thuộc với tình hình hơn và dễ dàng làm tốt công việc. Mà trong ghi chép lịch sử, cũng có nhiều câu chuyện truyền kỳ kể về chuyện ngựa cứu chủ trong tình huống nguy nan.

Ngựa là một loại động vật rất có linh tính, trong truyền thuyết dân gian có rất nhiều câu chuyện kể về chuyện ngựa có thể cảm nhận được nguồn nước suối. Ví như, chuyện về Hoàng đế khai quốc nhà Đông Hán là Lưu Tú trong một lần chiến tranh với quân đội của Vương Mãng không may rơi vào thế bất lợi, trong lúc quân mỏi ngựa mệt, đã dựa vào ngựa già mà tìm được nguồn nước, cuối cùng thoát vây. Còn có chuyện trong thời Tam Quốc, Quan Vũ trong chiến dịch Phàn Thành bị rơi vào cảnh lương hết mà quân chi viện chưa tới, lúc đó cũng dựa vào ngựa Xích Thố bới ra thanh tuyền mà tạm thời giải vây.

Bởi vậy, tại Trung Quốc đại lục ở Lai Nguyên tỉnh Sơn Tây, Hồ Bắc tới Xương Bình ở Bắc Kinh, đều có di tích “Mã bào tuyền” hay Suối ngựa đào cũng những câu chuyện khác nhau lưu truyền.

Câu chuyện của Dương Diên Chiêu liên quan tới Mã bào tuyền phát sinh ở khu vực quanh quận Xương Bình của Bắc Kinh hiện nay, lúc ấy vùng lân cận này là tiền tuyến biên giới nơi Tống Liêu giao chiến. Dương Diên Chiêu từng dẫn đầu một tiểu đội thâm nhập vào biên giới nước Liêu trinh sát điều tra tình hình quân địch. Trên đường nhiều lần cùng quân tinh nhuệ ở tiền tuyến của nước Liêu chiến đấu kịch liệt, nhưng đều dựa vào võ nghệ siêu phàm mà thoát ly khỏi cảnh nguy hiểm. Có một lần, Dương Diên Chiêu cùng các tướng sĩ gặp phải quân địch đông gấp 10 lần. Sau ba ngày hai bên chiến đấu kịch liệt, Dương gia tướng sĩ cuối cùng cũng giành được thắng lợi. Tuy nhiên quân sĩ trên người, ngoài một chút lương khô còn sót lại, các quân nhu khác cùng nước uống đều gần như không còn.

Dương Diên Chiêu dẫn đầu mọi người đến thôn Đại Công ở gần đó nghỉ tạm. Các tướng sĩ vào trong thôn đi tìm dân làng để xin nước uống, nhưng không ngờ nơi này đã hạn hán một thời gian rồi. Dân làng khó có thể cung cấp đầy đủ nước cho tướng sĩ uống. Dương Diên Chiêu không muốn làm khó dân chúng địa phương nên dẫn quân sĩ tới một ngôi chùa cổ nhiều năm không được tu sửa ở cạnh núi phía bên ngoài thôn mà nghỉ ngơi, đồng thời phái người đi tìm kiếm nguồn nước.

Dương gia quân sĩ đợi ở ngôi chùa này ba ngày ba đêm, tất cả mọi người đều đi chung quanh tìm kiếm nguồn nước, nhưng vẫn không tìm ra. Các tướng sĩ gần như đều chưa được uống giọt nước nào. Tới buổi sáng ngày thứ tư, một vị lão bà bà cưỡi một con lừa đến, bà thấy Dương Diên Chiêu liền nói: “Tướng quân là tướng tinh hạ thế, là Thần bảo hộ cho bách tính. Chúng tôi ngày đêm trông ngóng tướng quân có thể dẫn quân thu phục lại đất Yến Vân này. Vò nước này chỉ là một chút tâm ý, xin ngài vui lòng nhận cho”. Tiếp theo liền dâng một vò nước lên.

Dương Diên Chiêu nhận lấy vò nước, liên tục cảm tạ. Ông tuy rằng cũng khát, nhưng lại đem vò nước trân quý này mang vào sân sau của chùa, ưu tiên phân cho các tướng sĩ uống. Ngay khi Dương Diên Chiêu trở lại định lấy ra chút tài vật tặng cho lão bà bà để cảm tạ, thì phát hiện ra lão bà bà sớm đã không còn tung tích.

Dương Diên Chiêu trở lại chính điện trong chùa, đúng lúc đang buồn bực thì đột nhiên phát hiện ra bức tượng Thần đang được thờ cúng ở chính điện, có dung mạo cơ hồ giống lão bà bà kia như đúc! Dương Diên Chiêu thấy thế, lập tức cùng các tướng sĩ thành kính hướng về tượng Thần ở chính điện mà làm lễ bái lạy, cảm tạ ân huệ mà Thần Phật ban cho. Đồng thời bảo mọi người quét tước trong ngoài chùa sạch sẽ, sửa sang lại một phen.

Sau khi sửa sang xong, Dương Diên Chiêu nghe nói ở hậu viện có con ngựa để cưỡi màu trắng bỗng nhiên phát ra một tiếng hí dài. Chỉ thấy nó ra sức nhảy dựng, nhảy đến một đài đất nhỏ ở sau chùa, rồi lấy bốn chân đào trên mặt đất. Ban đầu chỉ đào được một chút bùn đất ẩm ướt, tuy nhiên thuận theo việc càng đào càng sâu, dần dần có dòng nước nhỏ chầm chậm chảy ra. Dương Diên Chiêu thấy vậy, nhanh chóng cùng tướng sĩ ra sức đào khoét chỗ vó ngựa vừa quật. Sau khi đào xuống được vài thước, một dòng thanh tuyền tuôn trào, làm các binh sĩ vui mừng khôn xiết. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm được nguồn nước. Dương gia quân sĩ đến lúc này cuối cùng cũng tìm được nước uống dồi dào. Sau đó, họ thông báo cho bách tính trong thôn đến đây lấy nước. Nạn hạn hán của toàn thôn vì vậy cũng được thuyên giảm, xoa dịu.

Sau này, dân chúng nơi đó cảm động và nhớ tới vị Thần Tiên đã ban cho nơi này nước suối, liền xuất tiền tân trang lại từ đầu ngôi chùa cũ đã lâu chưa được tu sửa. Đồng thời, để kỉ niệm chuyện ngựa đào ra nước suối của Dương Diên Chiêu, đã cho đổi tên thôn thành “Mã bào tuyền thôn” – hay “Thôn suối ngựa đào”. Còn câu chuyện về Dương Diên Chiêu và ngựa trắng, nước suối cũng được lưu truyền nghìn năm ở địa phương này, cho đến hôm nay vẫn còn được người đời say sưa kể lại.

Tư liệu tham khảo:

Dương gia tướng Mục Quế Anh truyền thuyết – Nhà xuất bản mỹ thuật nhiếp ảnh Bắc Kinh – Xuất bản năm 2015 – Cao Tuyết Tùng sưu tập chỉnh lý.

Dương gia tướng ngoại truyện – Nhà xuất bản thiếu niên nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986 – Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/284203



Ngày đăng: 30-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.