Dương Diên Chiêu truyền kỳ: Bắt quân Liêu ở thành Áp Nga



Tác giả: Ngưỡng Nhạc

[ChanhKien.org]

Dương Diên Chiêu (Tranh/Thiên Ngoại Khách)

Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.

Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.

Ở khu Từ Thủy của tỉnh Hà Bắc hiện nay có một thôn làng tên Lưu Trang. Phía Đông Bắc Lưu Trang có một di tích đài đất, người quản lý đất ở địa phương gọi đó là Dương gia lâu, cũng gọi là Đình Lục Lang Vọng Hải. Phía đối diện có một địa danh gọi là Áp Nga Thành (thành Vịt Ngan). Những du khách lần đầu tới nơi này thường có một câu hỏi, vì sao một di tích lịch sử cổ xưa lại có tên gọi là loài gia cầm như vậy nhỉ? Thì ra nơi này có liên quan tới bậc anh hùng Bắc Tống Dương Diên Chiêu. Chuyện ông tại nơi này lùng bắt quân Liêu đã được lưu truyền ở địa phương cả nghìn năm nay…

Ráng chiều ở Hồ Bạch Dương (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Vào thời Bắc Tống, khu Từ Thủy có tên gọi là An Túc, thôn Lưu Trang là nơi đóng quân của quân đội tiền tiêu nhà Tống. Gần đó có một tấm chắn tự nhiên là hồ nước ngọt nông tên Bạch Dương. Lúc ấy nước hồ Bạch Dương ở gần Lưu Trang rất nông, Dương Diên Chiêu lo lắng quân Liêu có thể thừa cơ mà vào, nên đã phái một đội binh lính đến đóng giữ ở trong thôn. Ngoài ra, ở phía sau thôn ông còn cho dựng lên một tòa tiểu lâu rất cao. Tiểu lâu này phía dưới có thể cho người ở, phía trên có đài quan sát, tầm nhìn rất rộng lớn, có thể nhìn rõ tình hình quân địch trong vòng mấy chục dặm. Dân chúng trong vùng gọi tiểu lâu này là Lục Lang Đình. Vào lúc sáng sớm, hơi nước bốc lên khiến mặt hồ trở thành một mảng trắng mênh mông, giống như trên biển vậy, vì vậy cũng gọi đây là Vọng Hải Đình.

Dương Diên Chiêu thường hay lên trên tiểu lâu quan sát tình hình quân địch, có khi cũng tiện đường ở lại. Ông thân là Đại soái của Tam Quan, quyền cao chức trọng, nhưng cuộc sống lại giản dị mộc mạc, đồ ăn đồ dùng đều không khác với binh sĩ. Những phần thưởng của triều đình ông đều đem phân phát cho thuộc hạ, vì vậy quân sĩ rất yêu quý ông, đều nguyện ý cùng ông nam chinh bắc chiến, vào sinh ra tử.

Vịt ngan bắt địch – một đá ném hai chim

Nhưng Lưu Trang dù sao cũng là nơi biên ải nên vật tư thiếu thốn. Có một lần Dương Diên Chiêu tới nơi này, lệnh cho quân sĩ dựng một nông trường nhỏ đối diện tiểu lâu, nuôi vịt ngan ở bên hồ. Sau khi tổ chức chăn nuôi được một khoảng thời gian, vịt ngan sinh sôi nảy nở ra mấy nghìn con. Như vậy hàng ngày không chỉ có dư dả trứng để ăn, mà ngày lễ ngày tết còn có thể làm thịt mấy con để tăng thêm đồ ăn giải cơn thèm cho binh sĩ, một phần còn có thể phân phát cho dân chúng trong vùng, tất cả mọi người đều rất vui mừng.

Một hôm Dương Diên Chiêu lại đến ngủ lại ở tiểu lâu. Sớm hôm sau, trời còn chưa sáng, ông đã cấp tốc bật dậy khoác chiến giáp lên mình.

Dương Diên Chiêu (Mộng Tử/The Epoch Times)

Lúc này vệ binh tới hỏi Dương Diên Chiêu, sớm như vậy ngài định đi đâu? Dương Diên Chiêu nói: “Quân Liêu đến đấy, ngươi nhanh chóng gọi mọi người dậy đi!”

Người vệ binh cảm thấy quái lạ, Dương Diên Chiêu làm sao lại biết quân Liêu tới nhỉ? Dương Diên Chiêu nói: “Ta sau khi tỉnh lại tựa đầu trên gối gỗ, nghe thấy ở nơi xa có tiếng vó ngựa vọng tới, mà vịt ngan ở nông trường lại kêu la không yên, cho nên ta nghĩ, đúng là quân Liêu tới đấy”.

Người vệ binh nghe xong, cảm thấy điều Dương Diên Chiêu nói thật thần kỳ, liền vội vàng xuống tầng dưới gọi mọi người dậy. Dương Diên Chiêu cũng đã lên tới đài quan sát để xem xét, quả nhiên phát hiện xa xa thấp thoáng có một toán quân Liêu, ước tính không quá 100 người. Ông xuống lầu, truyền lệnh cho quân sĩ trước tiên ẩn náu, chuẩn bị bắt sống toán quân Liêu này.

Tốp quân Liêu sau khi tiếp cận Lưu Trang, nhìn thấy Lục Lang Đình, rất sợ gặp phải lính tuần tra, do đó dự định đi đường vòng, trên đường gặp phải mấy con vịt chạy ra, mà cách đó không xa, đàn vịt ngan ở nông trường đã nhận ra động tĩnh, cũng bắt đầu quang quác loạn cả lên. Đám quân Liêu thấy vậy, bèn nghĩ đã không làm thì thôi, đã làm thì làm đến cùng, tranh thủ bắt mấy con vịt về làm thịt ăn cũng tốt, liền đi về phía nông trường.

Quân Liêu vượt qua tường đất của nông trường, nhìn thấy trong nông trường một màu trắng như tuyết, đếm cũng không đếm được rõ có mấy nghìn con vịt con ngan, khiến bọn chúng sáng hết cả mắt, tên nào tên nấy nhảy xuống khỏi lưng ngựa bắt vịt đuổi ngan. Lũ vịt ngan kinh sợ nhao nhao chạy trốn thục mạng. Vừa vặn lúc đó cửa chính của nông trường mở ra, đàn vịt ngan chạy túa ra hướng hồ Bạch Dương.

Trong nông trường là một mảng trắng như tuyết, đếm cũng không đếm được rõ, phỏng chừng có tới mấy nghìn con vịt con ngan. (AFP)

Toán quân Liêu thấy con mồi sắp rơi vào tay lại chạy mất, tên nào tên nấy vứt bỏ vũ khí, khiên chắn đang cầm trên tay, đuổi theo vịt ngan đang chạy. Đến bờ hồ, đàn vịt ngan nhảy vào trong hồ bơi đi, đám quân Liêu cũng nhảy vào trong hồ mà đuổi. Nào ngờ nhảy xuống xong tên nào tên này đều rơi vào bùn lầy, càng giãy giụa thì càng lún sâu hơn. Lúc đó chỉ nghe thấy một tiếng hét lớn, Dương Diên Chiêu dẫn theo quân sĩ từ đám lau sậy gần đó xông ra, lập tức bao vây nhóm quân Liêu kia, bọn chúng chỉ còn cách giơ tay đầu hàng.

Thì ra sau khi Dương Diên Chiêu xuống lầu, ông truyền lệnh cho quân sĩ trước tiên ẩn náu. Thấy toán quân Liêu không dám tiếp cận tiểu lâu, liền thả mấy con vịt ra, lại mở cửa chính của nông trường, quân Liêu quả thực trúng kế. Sau đó, quân sĩ lấy móc dài kéo đám quân Liêu đang kẹt trong bùn lên bờ, bắt sống từng tên một.

Dương Diên Chiêu thẩm vấn từng người bọn chúng, lại cho dân chúng địa phương ra đối chất, mới biết được nhúm quân Liêu này thường đến khu vực gần đây để ăn trộm, nhưng không cướp của hay uy hiếp người dân. Ông lại hỏi bọn chúng về tình hình quân đội nước Liêu, bọn chúng cũng đều nói ra tình hình thực tế, vậy nên chỉ giữ lại chiến mã của chúng, quở mắng một trận rồi thả đi. Đám quân Liêu thấy Dương Diên Chiêu không giết bọn họ, nhao nhao khấu đầu như giã tỏi, sau đó chạy về phương Bắc.

Dương Diên Chiêu trấn thủ biên ải hơn 10 năm, ở biên giới Hà Bắc thành lập các cứ điểm quan trọng để phòng vệ biên giới dài hơn 2.000 km, làm cho biên giới Tống Liêu vững như thành đồng, đủ sức bảo vệ văn minh Trung Nguyên. Ông không chỉ vỗ về dân chúng địa phương, mà dù là quân sĩ nước Liêu, chỉ cần không làm loạn xâm phạm biên giới, ông đều đối xử bình đẳng như nhau, cho nên nước Liêu dù là quân địch, cũng thêm phần kính nể ông.

Ngày bảy tháng giêng năm Đại Trung Tường Phù thứ bảy (năm 1014) đời vua Tống Chân Tông, Dương Diên Chiêu vì bệnh mà ly thế về trời. Cả nước Tống trong ngoài triều đều đau xót, hoàng đế Tống Chân Tông đặc biệt phái người hộ tống linh cữu về quê. Dân chúng ở biên ải cũng bi thương như mất đi phụ mẫu, cứ nhìn về phía quan tài mà khóc. Còn quân và dân “địch” của nước Liêu kia, cũng thay nhau khóc thương vĩnh biệt.

Sau khi Dương Diên Chiêu qua đời không lâu, vì để kỷ niệm giai đoạn lịch sử này, dân chúng địa phương đã xây dựng lại nông trường nhỏ kia, gọi nó là Áp Nga Thành. Đó chính là nguồn gốc của Thành Áp Nga.

Tư liệu tham khảo:

“Dương Lục Lang uy chấn Tam Quan khẩu” – Nhà xuất bản nhân dân Hà Bắc – Xuất bản năm 1984 – Triệu Phúc Hòa, Lý Cự Phát v.v. sưu tập.

“Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản thiếu niên nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986 – Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/274318



Ngày đăng: 05-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.