Dương Diên Chiêu truyền kỳ: Ba lần chiến ác long ở suối Nhất Mẫu



Tác giả: Ngưỡng Nhạc

[ChanhKien.org]

Dương Diên Chiêu (Tác giả: Chí Thanh/Nguồn: The Epoch Times)

Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.

Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.

Suối Nhất Mẫu ban đầu có tên là Tây Đường Bạc (Hồ Tây Đường), là đầu nguồn của một trong tám thắng cảnh của thành phố Bảo Định có tên “Kê Cự hoàn thanh” – là con sông Kê Cự (sông cựa gà) nổi tiếng trong vắt, cá bơi lội khắp nơi. Ngày xưa trong vòng 10 dặm nơi này kênh rạch nhiều như mắc cửi, là một trong những nguồn nước của Bảo Định, chính vì vậy cũng được mệnh danh là mẹ của các con suối ở Bảo Định. Thôn Nhất Mẫu Tuyền có phong cảnh nên thơ đẹp như tranh, so với Giang Nam chỉ hơn chứ không kém, trong lịch sử cũng đã thu hút không ít danh nhân nhã sĩ đến sống tại đây.

Mà nguồn gốc của suối Nhất Mẫu này lại càng thần kỳ hơn. Dân chúng địa phương nói: con suối này là do danh tướng thời Bắc Tống Dương Diên Chiêu dùng trường thương (một loại giáo dài) đâm ra mà thành. Trường thương làm sao mà đâm ra được nước đây? Muốn trả lời câu hỏi này thì phải nhắc tới truyền thuyết “Dương Diên Chiêu ba lần chiến ác long” đã được lưu truyền ở địa phương cả nghìn năm nay.

Giao long hành ác

Thành phố Bảo Định ở tỉnh Hà Bắc ngày nay vào thời Bắc Tống có tên Bảo Châu, là nơi tiền tuyến mà Tống – Liêu hay giao chiến. Nguồn nước ở nơi này dồi dào, phong cảnh xinh đẹp, giống như Giang Nam ở phương Bắc vậy, vì vậy rất nhiều dân chúng tụ tập sinh sống tại đây.

Ngày nọ có một con giao long (người Việt hay gọi là con thuồng luồng) đến đây, thấy phong cảnh nơi đây tươi đẹp bèn ở lại, một thời gian lâu sau thì bắt đầu hành ác. Con giao long này có đạo hạnh mấy trăm năm, đã có được hình người. Nó lấy thân người hiện hình rồi đến nơi người dân ở đòi ăn trẻ nhỏ, nếu không nghe theo sẽ dẫn nước tới làm ngập lụt thôn làng. Ngư dân trong thôn thấy việc nghĩa không từ, muốn diệt trừ con giao long độc ác, bảo hộ người dân. Nhưng vì thực lực chênh lệch, hết người này tới người khác bị mất mạng trong miệng giao long. Dân chúng địa phương không có cách nào, chỉ đành nén giận chuyển nhà lên vùng đất cao mà ở.

Nhưng con giao long này vẫn chưa chịu từ bỏ ý định, ngược lại còn dẫn nước lũ tới biến khu vực xung quanh thành một vùng mênh mông biển nước, những người dân chạy không kịp bị chết rất nhiều. Khi ấy vừa đúng lúc Dương Diên Chiêu đi tuần biên ải qua nơi này. Sau khi nghe người dân khóc lóc kể lại nguyên nhân, ông lập tức truyền lệnh tới doanh trại thủy quân gần đó, điều một đội quan binh tinh thông thủy chiến tới để cùng bắt ác long.

Không lâu sau, người và thuyền đã chuẩn bị ổn thỏa, Dương Diên Chiêu dẫn theo quân sĩ điều khiển chiến thuyền, thoáng một cái đã gặp con giao long trên sông. Dương Diên Chiêu trước tiên duỗi thương nghênh chiến, các tướng sĩ cũng nhất loạt xông lên, liên tiếp bắn tên, giăng lưới, dùng lưỡi lê. Hai bên chiến đấu kịch liệt mấy chục hồi, nhưng thật lạ là đao thương bình thường không làm gì được con giao long, chỉ có Dương Diên Chiêu mới có thể làm nó bị thương, hai bên giằng co không thôi. Lúc ấy Dương Diên Chiêu giả bộ hư chiêu, quay người bỏ chạy, giao long há cái mồm rộng đầy máu đuổi theo, ông bèn xoay người tung ra tuyệt học của thương pháp Dương gia – Hồi Mã Thương. Con ác long không kịp né, bụng bị thương đâm cho thủng một cái lỗ lớn, máu huyết tuôn ra ào ạt, nó lập tức lặn xuống dưới đáy sông không ngoi lên nữa. Lúc ấy, dân chúng đang xem trận chiến trên bờ hết người này tới người kia tiến đến cảm tạ Dương Diên Chiêu và các tướng sĩ. Nhưng Dương Diên Chiêu cho rằng con ác long này chưa chết, nên cùng quân sĩ tạm thời ở lại trong thôn.

Tuyết Tễ Giang Hành Đồ của tác giả Quách Trung Thứ thời Bắc Tống (Bảo tàng Cố cung Đài Bắc cung cấp)

Ngày hôm sau, con ác long quả nhiên lại xuất hiện tiếp tục làm loạn. Nó hiện ra thân người, đến uy hiếp người dân trong thôn đòi mỗi ngày phải cống nộp hai đứa trẻ cho nó ăn, nếu không nó sẽ gây ra nạn lớn hơn nữa. Dương Diên Chiêu nghe thấy, lại mang theo quan binh tới nghênh chiến. Thấy vậy nó bèn nhảy vào trong nước rồi quát lên với Dương Diên Chiêu: “Ta và ngươi không thù không oán, nhưng ngươi lại bức ta phải chết! Dương Diên Chiêu nhà ngươi ức hiếp ta quá lắm!” Dương Diên Chiêu trừng mắt quát lớn: “Nghiệt súc! Ngươi vì ham ăn mà sát hại bách tính, trời không dung, đất không tha, còn không mau khoanh tay chịu trói!”

Lời vừa dứt, giao long trở mình tạo cơn sóng lớn tấp về phía chiến thuyền, Dương Diên Chiêu cũng bị sóng to đẩy ra khỏi thuyền cuốn xuống đáy sông. Nhưng ông nhanh chóng bơi lên mặt nước, leo lên mặt tàu. Con ác long lại đánh tới, Dương Diên Chiêu lấy thương pháp Dương gia đánh trả, sau khi dùng thương làm nó bị thương, ông lấy bảo đao đeo ở bên hông ra, chém ngang eo nó làm hai đoạn. Giao long lại lặn xuống dưới nước không còn thấy tung tích.

Đánh xong, Dương Diên Chiêu không dám đắc ý, e rằng giao long hồi phục trở lại. Ông truyền lệnh trở về nơi ở, mang khôi giáp và bảo kiếm mà Thái Tổ hoàng đế ngự ban tới, lại bảo quân lính đi giúp dân chúng khắc phục hậu quả. Còn một mình ông cưỡi lên ngựa trắng, đến con đê bên sông tĩnh tâm cầu nguyện, thỉnh cầu Thần minh cấp cho mình sức mạnh để trảm yêu trừ ma.

Mạch nước ngầm 50 lý, giao long ác nghiệt vĩnh viễn biến mất

Một ngày nọ, con giao long tàn ác lại càng thêm càn rỡ, nó vì nguyên khí đại thương nên đòi dân chúng mỗi ngày phải hiến cho nó ăn ba đứa trẻ. Lúc đó khôi giáp bạc và bảo kiếm mà hoàng đế ngự ban đã tới, Dương Diên Chiêu nghe tin, biết rằng đạo hạnh của con giao long này không phải tầm thường. Ông ra lệnh cho quân sĩ chăm sóc cho dân chúng thật tốt, không cần phải đi theo ông. Ông một mình chỉnh lại trang phục, đeo bảo kiếm vua ban, cầm theo cây kim thương (thương vàng) có gắn tua trắng vẫn hay sử dụng, rồi cưỡi lên ngựa trắng đến bên sông tìm ác long.

Dương Lục Lang (Tác giả: Thiên Ngoại Khách/ Nguồn ảnh: Chánh Kiến Net)

Chỉ chốc lát ông đã phát hiện bóng dáng ác long. Ác long thấy Dương Diên Chiêu liền hiện ra chân thân, hướng Dương Diên Chiêu đánh tới. Lúc này cuồng phong nổi lên, sóng lớn ngập trời. Con ngựa trắng mà Dương Diên Chiêu cưỡi cũng biến thành một con bạch long (rồng trắng), đưa ông hướng về phía trước nghênh chiến.

Chân thân của ác long lớn hơn hiện thân trước đó của nó tới mấy lần nên nó định lấy ưu thế thể hình to lớn một phát nuốt luôn Dương Diên Chiêu. Nhưng khôi giáp vua ban mà ông đang mặc cứng rắn dị thường, răng nanh sắc nhọn của con ác long cũng không làm gì được. Tuy nhiên, lực hồi phục của chân thân ác long dường như cũng mạnh hơn nhiều ngày xưa, Dương Diên Chiêu nhiều lần lấy thương đâm trúng thân nó, nhưng vết thương lập tức khôi phục. Hai bên đại chiến vô số hồi, khó phân thắng bại.

Đang lúc đánh nhau kịch liệt, Dương Diên Chiêu linh cơ máy động, mượn lực của bạch long nhảy dựng lên cách mặt đất mấy trượng. Tiếp theo ông tập trung tinh thần, lấy hết sức bình sinh đưa tay đẩy thật mạnh cây kim thương gắn tua trắng về phía bụng của giao long. Cây thương như một tia chớp bắn xuyên qua bụng nó, cứ như xuyên qua kẹo hồ lô ghim thân con giao long thẳng xuống đáy sông. Dương Diên Chiêu lập tức rút ra bảo kiếm, chém đứt đầu rồng và tứ chi của nó, ném lên trên đê cạnh sông.

Lúc ấy Dương Diên Chiêu vẫn chưa yên tâm, ông hét lớn: “Mạch nước ngầm 50 lý, giao long ác nghiệt vĩnh viễn biến mất!” Ông nhảy vào trong nước, cầm cây kim thương gắn tua trắng đâm tiếp về phía đáy sông, quả nhiên thân thể của con giao long giãy giụa chui xuống dưới, không lâu sau liền không còn động tĩnh, con ác long biến mất hoàn toàn. Nhưng không ngờ được là, nó dường như đã đào trúng mạch nước ngầm dài đến 50 lí (khoảng 25m) gần đó, cuối cùng phun trào mãnh liệt hình thành nước suối. Con suối đó chính là suối Nhất Mẫu trứ danh sau này.

Sau khi trừ hại giao long, Dương Diên Chiêu cùng các tướng sĩ giáo hóa dân chúng tín Phật hướng thiện. Nhờ có nguồn nước suối chảy ngàn năm không dứt, địa phương này cũng ngày một sầm uất, cảnh sắc núi sông tựa hồ chỉ hơn chứ không kém ngày xưa. Thế nên dân chúng mới gọi nơi này là suối Mẫu Thân hay suối Mẹ của Bảo Định. Còn câu chuyện anh hùng Dương Diên Chiêu ba lần chiến ác long cũng được lưu truyền tại dân gian hơn ngàn năm nay.

Có văn nhân đời sau từng làm bài thơ “Vịnh Bảo Định Nhất Mẫu Tuyền” kể lại câu chuyện cũ này như sau:

Vịnh Bảo Định Nhất Mẫu Tuyền

Xuất giao Tây Đường Bạc, nghiệt long thi tà thuật.
Hiên phong tá thủy thế, cường lược ấu đồng cật.
Chúng sinh tao họa hại, hoàng hoàng bế gia trạch.
Diên Chiêu lĩnh quân lai, trì mã tuần quan tắc.
Mục đổ thử cảnh thảm, nghĩa phẫn điền tâm phách.
Tru yêu huy bảo kiếm, diệt tà đĩnh thương thứ.
Biên trạc biên hát lệnh. Vi dân trừ giao nghịch.
Tiềm lưu ngũ thập lý, nghiệt long vĩnh tuyệt tích.
Tòng thử giới hà thủy, đích để hành bán bách.
Tái tòng tuyền nhãn xuất, hối thành Nhất Mẫu Tuyền.

Tạm dịch:

Giao long xuất hiện ở Tây Đường Bạc, thi triển tà thuật
Dâng nước gọi gió, ỷ mạnh cướp trẻ để ăn
Dân chúng gặp tai họa, kinh sợ đóng cửa nhà
Diên Chiêu dẫn quân qua, phi ngựa tuần tra biên ải
Mắt thấy thảm cảnh, phẫn nộ trước việc bất bình
Giơ bảo kiếm trừ yêu, giương thương trừ tà
Vừa đâm vừa hét lớn, vì dân trừ con giao long phản nghịch
Mạch nước ngầm năm mươi lý, con giao long ác nghiệt vĩnh viễn biến mất
Từ đó mạch nước này, đã chảy ở dưới đất năm trăm năm
Lại từ đầu nguồn suối chảy ra, hợp thành Suối Nhất Mẫu

Thế nhưng, gần một ngàn năm sau khi Dương Diên Chiêu chém ác long, Trung Cộng phát động Đại Cách mạng Văn hóa, danh thắng lịch sử văn hóa này của Bảo Định nhanh chóng gặp nạn nặng nề. Những di tích cổ như Miếu Bắc Nhạc, Thiền tự Trấn Quốc, Thiên Phật Động, Chùa Phật Nằm, v.v đã bị hủy hoại. Mấy vạn người cuốn vào đấu tranh, chết oan chết uổng. Suối Nhất Mẫu từ sau Đại Cách mạng Văn hóa cũng khô kiệt, không còn chảy nữa.

Tư liệu tham khảo: “Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản Thiếu niên Nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986 – Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/280903



Ngày đăng: 17-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.