Dương Diên Chiêu truyền kỳ: Uy chấn Đảo Mã Quan



Tác giả: Ngưỡng Nhạc

[ChanhKien.org]

Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.

Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.

Đảo Mã Quan (Đảo mã có nghĩa là Ngã ngựa) là một quan khẩu quan trọng ở bên trong Trường Thành. Chính vì địa thế hiểm trở thường làm cho chiến mã ngã xuống mà nơi này được đặt tên như vậy. Vào thời Chiến Quốc còn có văn tự ghi lại, xưa kia nó từng được gọi là Hồng Thượng Quan, Thường Sơn Quan hoặc Thanh Long Khẩu Quan. Nó cùng với Tử Kinh Quan, Cư Dung Quan hợp thành Tam Quan bên trong Trường Thành của triều Tống.

Nơi này xưa nay chính là vùng đất hay có chiến sự giao tranh, đến thời Bắc Tống, danh tướng Dương Diên Chiêu (Lục Lang) tại nơi đây dẫn quân ngăn địch, bởi vậy lại càng nổi danh. Tới thời nhà Minh, dân chúng nơi đây vì để kỷ niệm sự tích của Dương Diên Chiêu, lại càng xây dựng quan khẩu này to lớn hơn nữa, ở gần đó còn lấy đá cẩm thạch chạm khắc thành “Bia Lục Lang”. Văn nhân Mã Trung Tích cũng làm thơ để ca tụng sự tích của Dương Diên Chiêu. Người dân vùng này lưu truyền lại một câu chuyện xưa như sau:

Tại những năm đầu xây dựng nhà Bắc Tống, đại tướng Dương Diên Chiêu theo cha ông là Dương Nghiệp xuất chinh, thu phục lại những vùng đất mà Đại Tống đã mất. Dọc đường đi thế như chẻ tre, đánh tới một quân thành ở phía Tây Bắc của huyện Đường tỉnh Hà Bắc thì Dương Nghiệp lệnh cho Dương Diên Chiêu đóng giữ quân thành.

Lúc ấy đại tướng quân của nước Liêu là Hàn Xương. Hắn ta võ nghệ cao cường, được người ta gọi tên là Vạn Nhân Địch, con chiến mã của hắn tên là Sư Hống Thú. Hắn ta dựa vào nó chinh chiến ở tái ngoại (phía Bắc Trường Thành) hơn 10 năm không có đối thủ. Nhưng không ngờ rằng, lại bị Dương Diên Chiêu dẫn dắt tướng sĩ đánh cho liên tiếp bại trận.

Hình ảnh vị tướng Dương Diên Chiêu trong “Bảng trăm vị anh hùng” của Vương Song Khoan (hình ảnh do Vương Song Khoan cung cấp).

Có một lần, Hàn Xương dẫn mấy vạn quân tinh nhuệ của nước Liêu xâm nhập phía Nam. Hắn ỷ thế người đông, ồ ạt xâm phạm quân thành. Sau khi biết tin, Dương Diên Chiêu xuất thành nghênh chiến, ông cưỡi ngựa trắng, tay cầm thương Bàn Long Kim, cùng Hàn Xương đánh mấy trăm hồi, nhất thời khó phân cao thấp. Trong lúc chiến đấu, Dương Diên Chiêu toàn thân như có Thần lực dùng mãi không hết, càng đánh càng hăng. Sau một thời gian dài hai bên giao chiến, Hàn Xương dần cảm thấy chống đỡ không nổi, vừa đánh vừa lui, quân Liêu cũng dần dần lui về phía sau tới một khe núi.

Dương Diên Chiêu dẫn quân truy kích, tiếp tục cùng quân Liêu của Hàn Xương giao chiến. Hai người kẻ tới người lui đánh nhau liên tục ba ngày ba đêm, quân Liêu liên tiếp thoái lui 30 dặm, nhưng ỷ thế quân đông, nên cứ giằng co mãi với quân Tống. Đang đánh nhau thì Dương Diên Chiêu và Hàn Xương hai người nghe thấy từ trên núi có người hô lớn: “Hai vị anh hùng nên ngừng tay nghỉ ngơi đi!” Ông ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy trên đỉnh núi có một ông lão tóc bạc trắng, bên cạnh còn có một miếu thổ địa. Lúc này hai người cũng cảm thấy mệt mỏi, chỉ đành tạm thời cho quân nghỉ ngơi.

Lúc này con ngựa trắng mà Dương Diên Chiêu cưỡi trải qua mấy ngày chiến đấu đã kiệt sức, không còn sức lực đánh tiếp. Ông chỉ đành xuống ngựa để nó được nghỉ ngơi. Hàn Xương biết được tin này, liền lên ngựa tiếp tục hướng Dương Diên Chiêu đánh úp. Con chiến mã Sư Hống Thú của hắn ta bẩm sinh thiên phú dị thường, chỉ nghỉ ngơi một chút là khôi phục sức chiến đấu.

Dương Diên Chiêu lúc này không có chiến mã, một mình khó chống lại được kỵ binh của nước Liêu, lo lắng tới hốt hoảng. Đúng lúc này, ông nhìn thấy một con chiến mã từ trên đỉnh núi lao xuống, bộ dạng giống con ngựa cũ của mình như đúc, mà ông lão tóc trắng và miếu thổ địa lại không thấy đâu nữa. Dương Diên Chiêu không nghĩ nhiều, đợi chiến mã chạy tới trước mặt liền nhảy lên lưng ngựa, giơ thương nghênh chiến. Không ngờ rằng con ngựa này chạy rất bình ổn, lại hiểu tính người, muốn nó chạy đi đâu thì nó chạy đi đấy, cưỡi lên nó đánh trận lại càng như ý. Đến lúc này Hàn Xương đánh được một chút là bại, vừa đánh vừa lui.

Cứ như vậy quân Liêu bị bức lui 30 dặm, đến bên bờ một con sông lớn. Tới lúc này Dương Diên Chiêu cũng có chút mệt mỏi, liền từ trên lưng ngựa nhảy xuống, để con ngựa tới bờ sông uống nước. Không ngờ rằng con ngựa này đến bờ sông bước xuống nước liền hóa đi mất, cứ như là từ đất sét nặn ra vậy! Thì ra ông già tóc trắng hô lớn ở đỉnh núi ấy chính là Thần thổ địa. Ông thấy con chiến mã của Dương Diên Chiêu mệt mỏi ngã xuống bèn ra tay tương trợ, dùng đất sét nặn thành một con ngựa, rồi thổi vào một luồng tiên khí để nó sống dậy hoạt động.

Dương Diên Chiêu (Mộng Tử/ The Epoch Times)

Lúc này Hàn Xương phát hiện Dương Diên Chiêu không còn chiến mã, lại dẫn quân đánh tới. Dương Diên Chiêu gấp không đừng được, chỉ còn cách dẫn quân sĩ gấp rút bò lên một quan khẩu trên đỉnh núi gần đó. Hàn Xương cũng dẫn quân đuổi theo lên núi, nhưng không ngờ tới chỗ ấy, chiến mã leo lên núi hết con này con kia liên tiếp ngã xuống, chỉ còn lại con Sư Hống Thú của Hàn Xương là còn gắng gượng đi được. Hàn Xương thấy thế, chỉ còn cách để bộ binh lên núi tấn công. Không ngờ rằng mới leo được lưng chừng, thì từ trên núi vô số cung tên bắn xuống cùng loạn thạch ném xuống. Thì ra sau khi Dương Diên Chiêu lên đến quan khẩu trên núi, liền lập tức bày bố trận thế, bắn tên ném đá xuống núi. Đoạn đường chỗ quân Liêu đang leo núi lại rất hẹp, gần như không có cách nào né tránh, binh sĩ chết và bị thương rất nhiều. Hàn Xương nguyên ban đầu không muốn bỏ cuộc. Sau đó Dương Diên Chiêu tự mình giương cung bắn một tên về hướng Hàn Xương, hắn ta bộc phát mãnh lực miễn cưỡng né được. Mũi tên bay tới vách núi bên cạnh rồi cắm sâu vào vách đá. Một tên đó khiến Hàn Xương toát mồ hôi lạnh đầy mình, liền nói: “Dương Diên Chiêu giỏi lắm! Lại có Thần lực như vậy!” Hắn không dám tiếp tục đánh nữa, liền mang theo số binh sĩ còn lại xuống núi tháo chạy.

Chiến trận xong Dương Diên Chiêu nhìn quanh, thấy quan khẩu trên đỉnh núi này mặc dù không phải thật cao, nhưng lại hiểm yếu vô cùng, dễ thủ khó công, liền cho dựng doanh trại ở đây, xây tường xây cổng, và đặt tên là Đảo Mã Quan. Tên này được lưu truyền cho tới ngày nay. Còn mũi tên chấn nhiếp đại tướng Hàn Xương của nước Liêu, theo truyền thuyết đến nay vẫn còn cắm ở trong vách núi!

Tư liệu tham khảo:

“Dương gia phủ thế đại trung dũng thông tục diễn nghĩa” – Tác giả khuyết danh thời Minh, Tần Hoài Mặc Khách duyệt lại.

“Dương Lục Lang uy chấn Tam Quan khẩu” – Nhà xuất bản nhân dân Hà Bắc xuất bản năm 1984 – Triệu Phúc Hòa, Lý Cự Phát v.v. sưu tập.

“Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản thiếu niên nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986 – Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.

Dịch từ: https://www.epochtimes.com/gb/19/5/19/n11266623.htm



Ngày đăng: 04-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.