Dương Diên Chiêu truyền kỳ: Giếng cổ sinh mộc



Tác giả: Ngưỡng Nhạc

[ChanhKien.org]

Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.

Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.

Hòa thượng Tế Công thời Nam Tống thần thông quảng đại, truyền thuyết ông vận chuyển gỗ từ trong giếng cổ tại chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu có thể nói là nhà nhà đều biết. Nhưng hơn 200 năm trước đó vào thời kỳ Bắc Tống, danh tướng Dương Diên Chiêu ở chùa Long Tuyền tỉnh Hà Bắc cũng đã tạo nên thần tích tương tự, nhưng rất ít người biết, đó chính là truyền kì về “giếng cổ sinh mộc”…

Tấm lòng chân thành cảm động tới trời xanh – Đào thông giếng cổ

Trấn Tín An thuộc thành phố Bá Châu tỉnh Hà Bắc ngày nay xưa kia có tên là “Ứ Khẩu Quan”, là một trong Tam Quan mà danh tướng Dương Diên Chiêu triều Tống từng trấn thủ. Ở đó có một ngôi chùa tên là Long Tuyền Tự. Chùa này ban đầu được xây dựng vào những năm Thiên Lộc nhà Liêu (tháng 9 năm 947 – tháng 9 năm 951), lúc đầu có tên là chùa Long Hoa, sau triều nhà Nguyên mới đặt tên lại là chùa Long Tuyền. Trong chùa có hai cái giếng, theo truyền thuyết nước trong giếng không chỉ thơm ngọt không gì sánh được, mà còn dùng mãi không hết, có thể cung cấp cho cả vạn người trong toàn thành sử dụng. Nhưng hai cái giếng này cũng không phải là tự nhiên mà có, mà là do Dương Diên Chiêu tự mình đào nên.

Một hôm, Dương Diên Chiêu dẫn quân xua đuổi quân Liêu, vừa hay đi ngang qua nơi này. Lúc đó giếng nước ở Ứ Khẩu Quan rất ít, đúng lúc lại có hạn hán xảy ra, dân chúng đang vây quanh vỏn vẹn mấy cái giếng nước trong thành, chuẩn bị múc nước. Dương Diên Chiêu nghĩ thầm: trong thành có nhiều quân binh và dân chúng ở như thế này, mà nguồn nước lại thiếu, bèn cùng quân sĩ quyết tâm phải giúp người dân đào giếng.

Sau khi quyết định đào giếng, Dương Diên Chiêu tự mình đi kiểm tra mạch nước. Vừa hay có hai mạch nước chạy tới chùa Long Tuyền ở trong thành, Dương Diên Chiêu liền cùng quân sĩ động thổ đào giếng ở trong chùa. Dân chúng trong thành sau khi biết chuyện cũng kéo nhau đến giúp. Nhưng đã mấy ngày trôi qua, hai cái giếng đã đào sâu mấy chục trượng (một trượng dài 3,33m) rồi nhưng vẫn không thấy một giọt nước. Thấy thế ai nấy đều nhụt chí, khó mà đào tiếp. Nhưng Dương Diên Chiêu không muốn từ bỏ, ông để mọi người nghỉ ngơi còn lại một mình mình tiếp tục đào giếng.

Đêm hôm đó, Dương Diên Chiêu một mình vào chùa tham bái, khẩn cầu Thần Phật phù hộ cho dân chúng. Hôm sau trời sáng ông tiếp tục đào giếng. Cứ như vậy mấy ngày trôi qua, cuối cùng cũng đào thông tới được nguồn nước. Một dòng nước mát từ trong giếng bất ngờ phun ra. Dương Diên Chiêu sau khi bò lên miệng giếng, nước giếng cũng lên đầy hơn phân nửa. Mọi người nghe tin, ai nấy mang theo gia quyến tới múc nước. Nước giếng không chỉ ngọt lành, mà cứ như là lấy mãi không hết, dùng mãi không kiệt. Người người đều truyền nhau rằng chính là Dương Diên Chiêu đã làm cảm động Thần Phật, Thần Phật ra lệnh cho Đông Hải Long Vương đưa nước tới đây giúp mọi người, vì thế mà đặt tên cho hai giếng này là “Long Tuyền”. Sau đó dân chúng tự phát xây dựng một gian hành quán (nhà khách) cho Dương Diên Chiêu để tướng sĩ Dương gia có thể nghỉ ngơi tại đây.

Tin tức Dương Diêu Chiêu ở Ứ Khẩu Quan lộ ra, Hàn Xương biết được, hắn đem theo năm vạn đại quân, chuẩn bị rửa sạch nhục cũ. Lúc đó số lượng binh sĩ ở trong Quan chỉ khoảng mấy nghìn người. Dương Diên Chiêu nghe tin, leo lên lầu trên tường thành quan sát, chỉ thấy đại quân đông nghìn nghịt bao vây Ứ Khẩu Quan. Dương Diên Chiêu hạ lệnh tử thủ, đồng thời cho đốt phong hỏa (đài báo tin), thả chim bồ câu về xin viện binh.

Lúc ấy thủ lĩnh của quân Liêu là Hàn Xương từ xa nhìn thấy Dương Diên Chiêu đang đứng trên tường thành, liền lớn tiếng khiêu chiến. Dương Diên Chiêu không chịu yếu thế đáp lại: “Hàn Xương! Có giỏi thì tới đây đánh nhau!” Sau đó lại tiếp tục khích tướng. Hàn Xương nhịn không được, khua cây Thác Thiên Xoa đang cầm trong tay rồi rống to lên với quân Liêu: “Ba quân xông lên! Hôm nay sẽ công hạ được thành này!”

Lúc này quân Liêu tràn lên như ong vỡ tổ. Dương Diên Chiêu hạ lệnh bắn tên, tự mình cũng bắn ra một tên. Tiễn pháp của ông chuẩn xác như Thần, uy lực mạnh mẽ, một tên liên tục bắn xuyên qua mấy người. Quân Liêu sau khi nhìn thấy Thần tiễn của Dương Diên Chiêu, cũng không dám tiến về phía trước.

Hàn Xương thấy thế lớn tiếng quát mắng: “Các ngươi ai còn dám chạy về, ta sẽ lập tức giết chết!!” Quân Liêu chỉ đành tiếp tục kiên trì tiến lên, cứ như vậy đánh nhau cả ngày. Số tên của quân Tống càng ngày càng ít. Dương Diên Chiêu chỉ còn cách truyền lệnh, đợi quân Liêu tới gần rồi mới bắn. Nhưng quân Liêu thực sự quá nhiều, một tên một mạng, cứ tiếp tục mãi như vậy cũng khó kiên trì. Lúc đó dân chúng trong thành nghe tin chiến sự thủ thành dữ dội căng thẳng, ai nấy sôi nổi mang vũ khí trong nhà ra cùng giúp trợ thủ.

Giữa lúc chiến sự, dân chúng nói với Dương Diên Chiêu: “Nguyên soái, quân số quân Liêu nhiều quá, xin ngài hãy dỡ nhà của chúng tôi, lấy gỗ từ xà nhà, cột nhà ra mà làm lôi mộc thủ thành (lôi mộc là khối gỗ hình trụ ném từ trên cao xuống thường dùng trong tác chiến thời cổ đại)!”

Giếng cổ sinh mộc – Thần tích lui địch

Nhưng Dương Diên Chiêu lộ vẻ khó xử, ông thật sự không muốn dỡ nhà của người dân. Dân chúng thấy vậy lại tiếp tục nói: “Nguyên soái, ngài mau chóng truyền lệnh thôi! Chỉ cần giữ được thành, thì nhà của chúng tôi dù bị dỡ đi, vẫn còn có thể xây lại được”. Dương Diên Chiêu chỉ đành đứng trước mặt quân lính rồi nói: “Đi theo ta. Chúng ta trước tiên đi dỡ hành quán của Dương gia!”

Ông mang binh sĩ đi dỡ hành quán, lấy một cây xà nhà rồi gấp rút mang về phía cửa thành, khi đi qua giếng ở chùa Long Tuyền, trong lòng Dương Diên Chiêu nảy ra một ý: “Khúc gỗ này nhẹ như vậy, cho nó ngâm ở trong nước giếng, như thế có thể khiến nó nặng hơn, làm lôi mộc có thể ném chính xác hơn”. Liền ra lệnh ném cây gỗ vào trong giếng để ngâm nước. Lúc ấy ông lẩm nhẩm nói một mình: “Long Tuyền ơi Long Tuyền! Ngươi nếu có thể sinh ra khúc gỗ thì tốt quá, dân chúng đỡ phải dỡ nhà để thủ thành”.

Không ngờ được rằng lời vừa nói ra, trong giếng Long Tuyền thật sự nổi lên một khúc gỗ, với khúc vừa ném xuống giống nhau như đúc!

Dương Diên Chiêu mừng rỡ, liền nhanh chóng gọi dân chúng đang đi dỡ nhà lại, bảo mọi người lấy gỗ từ trong hai giếng Long Tuyền. Kết quả thật thần kỳ, lấy được hết khúc này tới khúc khác, mãi vẫn không hết.

Dương Diên Chiêu (Cổ Thụy Trân)

Dương Diên Chiêu leo lên thành, truyền lệnh cho quân sĩ ném lôi mộc xuống quân địch. Đột nhiên lúc ấy cuồng phong gào thét, sấm sét đan xen, đánh trúng vào những khúc lôi mộc đang được ném xuống, khúc nào khúc nấy đều bắt lửa. Quân Liêu dính lôi mộc bị lửa thiêu tới mức kêu cha gọi mẹ, không chết cũng bị thương, kẻ nào kẻ nấy sợ tới mức ba chân bốn cẳng mà chạy, Hàn Xương có chửi bới thế nào cũng không dám quay lại. Cứ như vậy quân Liêu chết và bị thương tới quá nửa, Hàn Xương không còn cách nào, chỉ đành rút quân.

Quân đội của Dương Diên Chiêu liên tiếp mấy lần trải qua Thần tích, chấn động cả triều đình và dân chúng nhà Tống. Hoàng đế mời Bát Hiền Vương Triệu Đức Phương làm đặc sứ, tới Ứ Khẩu Quan để thăm hỏi tướng sĩ và bách tính. Dương Diên Chiêu cũng dẫn vị Bát Hiền Vương tín Phật sùng Đạo này tới thăm viếng chùa Long Tuyền.

Long Tuyền là một ngôi chùa, ngoài việc cúng phụng Tây phương Tam Thánh và 18 vị La Hán ra, ở chính điện còn cúng phụng Di Lặc Bồ Tát, cũng chính là Vị Lai Phật. Trong kinh Phật từng ghi rằng Vị Lai Phật Di Lặc vào thời mạt kiếp sẽ hạ thế cứu độ chúng sinh, giải cứu thế nhân. Bát Hiền Vương sau khi tham bái cảm thán trước Phật ân hạo đãng, bèn nói: “Trời không diệt Tống, quả đúng là Long Tuyền (giếng rồng) rồi!

Tượng Di Lặc Bồ Tát thời nhà Đường năm 705 sau Công nguyên (Hình ảnh không có bản quyền, thuộc về công chúng)

Sau này Bát Hiền Vương dâng tấu lên triều đình, xin phong cho hai cái giếng này là “Ngự tỉnh – giếng vua”, phái quân bảo vệ. Thần tích giếng cổ sinh mộc của Dương Diên Chiêu, cũng được lưu truyền ở địa phương cả nghìn năm từ đó tới nay.

Lại nói, hai cái giếng này, vào thời Đại Cách mạng Văn hóa đã bị Hồng Vệ binh của Trung Cộng tới phá hủy. Dân chúng địa phương lúc đó bảo vệ đoạt lại được một giếng, nhưng đã bị san bằng đóng lại, chỉ còn làm kỷ niệm, giếng cũng không còn tuôn ra nước nữa.

Tư liệu tham khảo:

“Dương gia phủ thế đại trung dũng thông tục diễn nghĩa” – Tác giả khuyết danh thời Minh Thanh, Tần Hoài Mặc Khách duyệt lại.

“Dương Lục Lang uy chấn Tam Quan khẩu” – Nhà xuất bản nhân dân Hà Bắc – Xuất bản năm 1984 – Triệu Phúc Hòa, Lý Cự Phát v.v. sưu tập.

“Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản thiếu niên nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986 – Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/260765



Ngày đăng: 27-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.