Truyện ngụ ngôn: Quốc mã và Tuấn mã (Gồm bốn câu chuyện)



Tác giả: Mặc An

[ChanhKien.org]

1. Quốc mã và Tuấn mã

Có một người cưỡi “quốc mã” và một người cưỡi “tuấn mã” cùng rong ruổi trên một con đường. Con tuấn mã cắn vào bờm của con quốc mã, máu chảy xuống đất, nhưng quốc mã vẫn như cũ, cắm cúi bước đi như không có chuyện gì xảy ra, dáng điệu thong thả, cũng không quay đầu lại nhìn, giống như cái gì cũng không để ý vậy.

Sau này, khi tuấn mã trở về nhà, nó cứ đứng ở đó, run rẩy suốt hai ngày, bỏ ăn bỏ uống. Chủ nhân của tuấn mã đem việc này nói với chủ nhân quốc mã. Chủ nhân quốc mã nói: “Chắc nó thấy hổ thẹn vì sự việc cắn con quốc mã đó! Nếu tôi dắt quốc mã đến và khuyên bảo nó thì có lẽ nó sẽ trở lại bình thường thôi”. Vậy là ông bèn dẫn quốc mã đi đến ngôi nhà đó. Khi quốc mã nhìn thấy tuấn mã, liền đến gần dụi dụi mũi làm thân, rồi lại cùng ăn cỏ trong máng của nó, chưa đầy một giờ sau thì bệnh của tuấn mã tự nhiên mà khỏi.

Loài bốn chân và ăn cỏ là ngựa, còn giống hai chân mà lại biết nói, là con người. Ví như con quốc mã này, có bốn chân dài và ăn cỏ, nó là loài ngựa, tai mắt mũi miệng của nó cũng thuộc về loài ngựa, tứ chi xương cốt của nó cũng thuộc về loài ngựa, nó không thể nói mà chỉ có thể kêu, cũng là thuộc về loài ngựa, nhưng khi quan sát những suy nghĩ trong tâm nó thì lại thấy giống với con người. Cho nên, nếu có thể làm được đến mức không so đo tính toán với sự xâm phạm của những con ngựa khác thì đó chính là quốc mã, còn phạm sai lầm mà biết hổ thẹn ăn năn, lại có thể sửa đổi, thì nó chính là tuấn mã.

(Trích trong tuyển tập “Lý Văn Công tập” của Lý Ngao)

Lời bàn:

Cả hai con ngựa này đều tốt: quốc mã thì “bị (xúc) phạm mà không để bụng”, đối với con tuấn mã mạo phạm bản thân nó, nó không buồn so đo tính sổ, chứ đừng nói đến chuyện báo thù, thể hiện sự khoan dung độ lượng. Điều này đương nhiên khiến người ta khâm phục. Mà con tuấn mã về sau này từ trong lương tâm của nó cũng đã phát hiện ra, thấy vô cùng xấu hổ, liền dũng cảm thừa nhận sai lầm, và triệt để sửa chữa, cũng giống như thế, khiến cho con người phải tán thưởng ngợi khen.

Nhìn lại con người chúng ta thì thấy, những kẻ không bằng ngựa rất nhiều! Những người như vậy thì nên học tập phong thái cư xử quân tử của hai con ngựa trong câu chuyện kể trên!

2. Kinh Vu

Ở dải đất Kinh- Sở này, phong tục cúng tế đã thịnh hành từ rất lâu. Có một thầy cúng khá nổi tiếng trong thôn. Ban đầu, ông ta cúng tế cho mọi người, chỉ yêu cầu khoản đãi bằng một bữa tiệc bình thường. Bằng cách này, ông ta dùng lời ca điệu múa để đón tiễn thần linh, đồng thời cầu nguyện rằng những kẻ hoạn nạn được ông trị bệnh đều có thể lập tức khỏe mạnh trở lại; cầu cho những người nông dân có một năm tươi tốt, mùa màng bội thu.

Sau này, ông ta làm lễ cúng tế cho mọi người thì yêu cầu người ta cho mình ăn lợn dê béo tốt và uống những ly mỹ tửu đầy tràn, nhưng những người bệnh được cầu cúng trị bệnh thì ngược lại đều chết. Còn cầu cúng cho nhà nông một năm tươi tốt thì ngược lại bị mất mùa chết đói. Thôn dân thấy vậy thì trong lòng vô cùng bất mãn, nhưng lại nghĩ không ra nguyên do vì sao?

Có người trong lúc tình cờ bàn luận về việc này đã nói: “Tôi trước đây đã từng đến nhà ông thầy cúng này chơi. Trong nhà ông ấy không có cái gì khiến ông ấy phải bận tâm, cho nên trong khi cúng tế cho mọi người thì tất cả đều là thành ý phát ra từ trong tâm ông ấy, thì thần ban phước cũng theo đó tương ứng mà giáng lâm; những vật phẩm dùng trong lễ cúng cũng được phân phát cho mọi người. Sau này, gia đình ông ta sinh thêm con cái, cơm ăn áo mặc cũng cần dùng nhiều hơn. Vì vậy, trong khi làm lễ cúng tế cho mọi người, ông ấy không thể dùng tâm thành kính của mình như trước, và các vị thần vì thế cũng không còn gần gũi và bảo hộ cho nữa. Vật phẩm dùng trong lễ cúng thần linh thì ông ta cũng đều lấy mang về nhà. Vị thầy cúng này cũng không phải kẻ trước kia minh mẫn sáng suốt, sau thì ngu đần xuẩn ngốc mà là dục vọng tự tư bám víu trong tâm nên không thể tập trung tinh thần mà chuyên tâm cầu xin thần thánh. Trong lòng luôn chỉ nghĩ đi chỗ khác”

Một thầy cúng cầu thần cũng cần dùng cái tâm thuần tịnh thành kính! Huống hồ là nguời khác!

(Theo “Sàm thư” của La Ẩn)

Lời bàn:

Ban đầu ông thầy cúng này không có gia đình ràng buộc, làm việc đều rất nghiêm túc thành kính, cho nên tâm thành tất linh. Sau này con cái đông lên, thường chỉ nghĩ đến củi cơm dầu muối tương dấm trà, cho nên trong tâm bất kính thì cầu thần cũng không linh nữa. Có thể thấy, tư tâm cũng là tai nạn của những người trách nhiệm hết mình, còn tạp niệm là kẻ địch của những người luôn tận tâm tận lực.

3. Thương Trung Dũng

Ở huyện Kim Khê, tỉnh Giang Tây, có một người đàn ông tên là Phương Trung Dũng. Gia đình nhiều thế hệ đều làm nghề nông. Khi Phương Trung Dũng lên năm tuổi, cậu chưa bao giờ nhìn thấy đồ dùng văn phòng như giấy, mực, bút. Một ngày nọ, cậu đột nhiên khóc và nói muốn có những thứ này, cha cậu bé cảm thấy rất kỳ lạ nên mượn đồ từ nhà hàng xóm đưa cho cậu. Cậu bé lập tức viết một bài thơ tứ tuyệt, mà hơn nữa còn tự mình viết tựa đề. Bài thơ này dựa trên chủ đề về phụng dưỡng cha mẹ, hòa thuận gia đình, và đã rất nhanh chóng lưu truyền ra trong giới đọc sách đồng hương. Từ đó về sau, khi cậu được giao cho đề tài và yêu cầu viết bài thơ cậu có thể lập tức viết ra ngay, mà hơn nữa văn phong, ý tứ đều rất tốt. Những người dân cùng huyện đều coi cậu là bậc kỳ tài. Dần dần, cha của cậu cũng được người ta tiếp đãi như thượng khách. Một số người còn mang tiền đến giúp đỡ gia đình cậu. Cha cậu cảm thấy như vậy kể cũng là món lợi (mà con trai và mình) xứng đáng được nhận nên mỗi ngày đều dẫn theo Phương Trung Dũng đi đến thăm nhà người dân trong huyện, không cho cậu đi học tiếp nữa.

Tôi (tác giả nguyên tác của bài viết Vương An Thạch tự xưng) từ lâu đã nghe nói về sự việc của Phương Trung Dũng. Một năm nọ, tôi cùng cha về quê và gặp Phương Trung Dũng tại nhà cậu ruột của mình. Cậu bé ấy giờ đã 12,13 tuổi rồi. Tôi đề nghị cậu làm thơ, nhưng những bài thơ cậu làm ra không còn tương xứng với danh tiếng trước đây của cậu nữa. Rồi lại bảy năm sau, tôi từ Dương Châu trở về nhà, lại đến nhà cậu tôi hỏi việc này thì mọi người đều nói: “Tài năng trí tuệ của Phương Trung Dũng đã biến mất rồi, giờ đây cậu ấy đã gần như giống những người bình thường khác”.

Tôi nghĩ: Tài trí, ngộ tính của Phương Trung Dũng là từ tiên thiên mà có, cậu ta bẩm sinh đã có được những thứ này, so với những nhân tài khi đó còn có phần nhỉnh hơn. Nhưng cuối cùng cậu ta lại biến thành một người bình thường, tất là vì cậu ta học hành quá ít. Những người giống như Trung Dũng, đã nhận được rất nhiều từ tiên thiên và cũng rất thông minh, nhưng lại thiếu mất sự bồi dưỡng rèn luyện ở hậu thiên sau này, cho nên đã trở thành một người bình thường. Như vậy, nếu những người được thiên phú kém hơn, bản thân chỉ là người có trí lực bình thường, nếu hậu thiên không chú trọng học tập, thì liệu họ có thể đuổi kịp tài năng của những người bình thường không?

(Theo “Thương Trung Dũng” của Vương An Thạch tuyển tập)

Lời bàn:

Không thể phủ nhận Phương Trung Dũng là bậc kỳ tài! Nhờ tư chất thiên bẩm xuất chúng, với tài năng vượt trội của mình, cậu không cần học thầy mà tùy hứng chơi đùa với giấy bút mực nghiên, sáng tác ra những áng văn thơ khiến người đời tán thưởng. Một bậc thiên tài như thế, cuối cùng lại trở nên tầm thường trong trò chơi không hồi kết của cha mình là “hàng ngày lôi kéo Trung Dũng đi gặp gỡ tiếp xúc dân làng”: “Những bài thơ cậu ấy mới viết không thể sánh được với những bài trước đây”; lại qua bảy năm sau, một vị thiên tài mà giờ đây “Đã không còn gì nữa”, cuối cùng đã bị hủy rồi, quả thực khiến người ta phải ngẫm nghĩ suy tư. Hãy thử suy nghĩ một chút, nếu cha của Trung Dũng không phải suốt ngày kéo cậu ta ra ngoài giao thiệp kiếm tiền mà biết tận dụng lợi thế, để cậu phát huy hết ưu thế về trí lực của tiên thiên, “bảo ban học hành”, vậy thì Trung Dũng cuối cùng liệu có thể trở thành một kẻ “phàm phu tục tử được không”. Đương nhiên là không!

Xem ra, con người là có rất nhiều những tư chất tốt đẹp bẩm sinh thiên phú, nhưng lại thiếu đi sự học tập trau dồi cần thiết ở hậu thiên, nếu muốn đạt được những thành tựu lớn thì trước sau cũng vẫn chỉ là mộng tưởng.

4. Con chuột tinh ranh (đáng sợ, thông minh)

Tô Tử (Tô Đông Pha) đang ngồi ở trong nhà vào ban đêm thì nhìn thấy một con chuột đang cắn thứ gì đó, Tô Tử vỗ vỗ vào đầu giường mấy cái thì con chuột ngừng cắn. Nhưng cứ ngừng vỗ thì nó lại tiếp tục cắn, Tô Tử kêu tiểu đồng lấy đèn cầy ra thắp lên thì nhìn thấy một chiếc túi rỗng, bên trong phát ra tiếng kêu chít chít.

Tô Tử nói: “Ồ, con chuột này hóa ra là bị nhốt trong túi nên không thoát ra được”.

Ông liền mở miệng túi ra xem, bên trong rất im ắng, như thể là không có gì trong đó, bèn giơ đèn cầy lên soi, lục túi thì phát hiện trong túi có một con chuột chết.

Tiểu đồng kinh ngạc nói: “Vừa xong nó còn đang gặm cái gì đó, làm sao lại chết nhanh như thế nhỉ? Vậy mới rồi là âm thanh gì? Lẽ nào là ma ám sao?”

Cậu dốc chiếc túi lên, đổ con chuột ra ngoài, con chuột vừa rơi xuống đất liền vùng chạy thoát thân. Dẫu là người có tay chân nhanh nhạy cũng không cách nào bắt được nó nữa.

Tô Tử cảm thán nói: “Kỳ lạ thật! Con chuột này quả là ranh mãnh”

(Theo “Con chuột tinh ranh” của Tô Thức)

Lời bàn:

Con chuột nhỏ bé này cũng quả là xảo trá, khi bị hãm trong tình cảnh ngặt nghèo, có thể thi triển một chút mưu mẹo nhỏ, thừa lúc con người không để ý mà vùng chạy thoát thân.

Nhưng mặt khác, nếu như Tô Tử và tiểu đồng ở trong cuộc sống hàng ngày chịu để ý quan sát tỉ mỉ, nắm rõ thói quen giả chết lừa người của lũ chuột thì họ đã không bị hiện tượng bỗng dưng “đột tử” của lũ chuột đánh lừa. Nếu như vậy thì con chuột kia dù có chắp thêm cánh chắc chắn cũng khó có thể trốn thoát được.

Vì vậy, Tô Tử đã suy ngẫm về vấn đề này, sau đó viết ra một bài “Duy đa học nhi thức chi (Chỉ có học nhiều mới biết được)” như một kinh nghiệm sống để cảnh báo cho người đời sau.

Nghe nói rằng, Tô Thức (Tô Đông Pha) viết bài này từ thời còn niên thiếu. Một thiếu nên chưa có nhiều trải nghiệm ở đời, lại có thể viết ra những dòng chữ tài hoa, giàu triết lý và phong phú đến vậy thì quả thực là không hề dễ dàng.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/158346



Ngày đăng: 16-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.