Đại Đạo trị quốc (3): Vô vi nhi trị
Tác giả: Lý Đạo Chân
[ChanhKien.org]
3. Vô vi nhi trị
Vô vi nhi trị (tức vô vi mà trị) luôn là cảnh giới cao nhất và là mục tiêu cuối cùng của đạo trị quốc của Trung Hoa. Trong phần này chúng ta cùng luận bàn cụ thể về nội hàm của vô vi nhi trị.
Cũng giống như hoạt động của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể người như hô hấp, nhịp tim, tiêu hóa… cũng như sự tân trần đại tạ của tế bào, những hoạt động này không cần sự can thiệp của con người, chúng tự động vận hành chiểu theo quy luật tự nhiên của thân thể người. Quy luật tự nhiên bẩm sinh này của thân thể người có thể gọi là Đạo của cơ thể người. Tất cả các tế bào, tổ chức của thân thể người đều lặng lẽ tự động vận hành chiểu theo Đạo của cơ thể người, hoàn toàn không cần sự can thiệp của con người. Nếu tất cả những cơ chế thân thể người này đều cần sự can thiệp của con người, và không thể vận hành tự nhiên được, thì ắt sẽ phiền phức, sẽ khiến con người không thể chịu đựng được gánh nặng đó. Vừa khống chế nhịp tim, vừa không quên hô hấp, vừa phải chỉ huy hệ thống tiêu hóa, lại vừa phải sắp xếp sự tân trần đại tạ của các tế bào… Con người hoàn toàn không có khả năng này, càng không thể có trí huệ để khống chế những thứ đó, nếu làm như thế thì trạng thái cân bằng tự nhiên của cơ thể người sẽ bị phá vỡ, sẽ nhanh chóng dẫn đến rối loạn chức năng và tử vong.
Sự vận động tuần hoàn của tự nhiên cũng như thế, đều tự động vận hành theo Đạo của tự nhiên, tất cả đều hài hòa, hoàn mỹ, mãi mãi không ngừng nghỉ, sự can thiệp của con người thường dẫn đến việc phá hoại và hủy diệt thế giới tự nhiên. Nếu sự tuần hoàn của bốn mùa, của nước, của khoáng chất, của sinh vật, của khí quyển… trong tự nhiên đều cần sự can thiệp của con người mới có thể vận hành thì giới tự nhiên sẽ lập tức tan rã sụp đổ, dẫn đến thiên tai không ngừng, thế giới bước vào ngày tận thế.
Đây chính là Đạo, nó là một cơ chế khách quan tồn tại lặng lẽ, vô hình, tồn tại trong bản nguyên tiên thiên của vạn vật tự nhiên, xuyên suốt hết thảy mọi thứ trong vũ trụ. Nó là cơ chế hài hòa, hoàn thiện nhất tạo ra vạn vật trong vũ trụ, duy trì sự tồn tại của vạn vật trong vũ trụ.
Vạn vật trong vũ trụ đều sinh ra trong Đạo, do Đạo duy trì, cho nên bản tính tiên thiên của vạn vật tự nhiên đều ở trong Đạo. Thời kỳ này, vạn vật vận hành theo bản tính tự nhiên, xuất phát từ nội tâm, tất cả đều ở trong Đạo, chỉnh thể hài hòa và hoàn mỹ. Sau này trong quá trình phát triển dài đằng đẵng, sinh mệnh bị các loại tư tâm và dục vọng hậu thiên làm ô nhiễm mà suy bại, họ đã mất đi bản tính thuần chân của tiên thiên, từ đó đi chệch khỏi Đại Đạo, phá vỡ trạng thái cân bằng hoàn hảo và hài hòa nhất của thế giới, dẫn đến các loại thống khổ, tai nạn liên tiếp xuất hiện. Sinh mệnh rời xa Đại Đạo càng xa thì tai hoạ và thống khổ càng lớn. Nếu tất cả đều hoàn toàn thoát ly khỏi Đại Đạo, thoát ly khỏi đạo lý căn bản duy trì sự tồn tại này, thế thì hết thảy đều sẽ bị giải thể và hủy diệt.
Vào lúc ban đầu của Trời Đất vạn vật, nhân loại ở trong trạng thái thuần chân tự nhiên bẩm sinh, không có tư tâm và dục vọng, tâm hồn giản đơn không có tà niệm. Khi đó nhân loại hành xử một cách vô tư, tất cả đều tự động vận hành trong Đạo, hết thảy đều đạt đến trạng thái hài hòa hoàn hảo nhất trong Đạo, hoàn toàn không cần sự can thiệp của bất kỳ biện pháp nào, của cơ chế chính phủ và người đứng đầu tổ chức nào, tất cả sự can thiệp của con người đều là phá hoại. Đây chính là ý nghĩa của vô vi nhi trị.
Giống như một người hoàn toàn mạnh khỏe, nếu ép anh ta đặt máy điều hòa nhịp tim để can thiệp vào nhịp tim của anh ta, thì người đó không có bệnh cũng sẽ trở thành có bệnh tim, chính là đạo lý này. Cũng có thể nói, vô vi nhi trị chính là để sinh mệnh trở về trong Đạo, trở về với bản tính tốt đẹp thuần chân tự nhiên tiên thiên, từ đó vận hành tự phát trong cơ chế tự động hoàn mỹ này, thoát khỏi những thủ đoạn can thiệp của bất kỳ người nào.
Bây giờ chúng ta quay lại xem cách Hoàng Đạo trị quốc ở bài trước thì đã có thể hiểu rõ. Hoàng Đạo ở thời ban đầu của nhân loại, ở trong trạng thái nhân loại hồn nhiên ngây thơ nhất, thiên hạ tự vận hành trong Đạo, do đó Hoàng Đạo hoàn toàn thực hiện vô vi nhi trị. Đây là trạng thái vô vi tiên thiên của sinh mệnh. Giống như trong sách Bạch Hổ Thông Nghĩa viết: “Gây phiền nhiễu cho bất kỳ người dân nào cũng không thể gọi là Hoàng được, hoàn toàn không can thiệp đến cuộc sống của bất kỳ người dân nào mới có thể gọi là Hoàng. Trong thời kỳ Hoàng Đạo trị quốc, vàng ở trên núi không ai khai thác; châu ngọc đá quý ở dưới nước không ai vớt; người dân sống trong hang động, mặc áo da lông thú, uống nước sương ngọt, hòa thành nhất thể với tự nhiên, không lo không nghĩ, không muốn không cầu, vui vẻ tự tại, con người tương thông với Trời Đất Thần linh”.
Hoàng Đế trị quốc
Sách “Liệt Tử” ghi chép: “Có lần Hoàng Đế ngủ ngày, trong mộng thần du đến Thần quốc thượng cổ là Hoa Tư quốc. Nước này không có người quản lý, hết thảy đều hành xử theo tự nhiên, người dân thuần chân vô tà, không có tư tâm và dục vọng, cũng không có tất cả những thống khổ như sinh lão bệnh tử. Họ có thể đi lại trên không, có thần lực siêu nhiên, nước lửa và vạn vật tự nhiên đều không thể làm hại đến họ được. Đó là một quốc gia cực lạc kỳ diệu. Sau khi tỉnh dậy, Hoàng Đế đồng thời ngộ ra đạo dưỡng sinh và trị quốc, trải qua 28 năm trị vì khiến thiên hạ thịnh trị, đất nước của ông khi đó cũng được cai quản gần giống như Hoa Tư quốc, trở thành quốc gia lý tưởng nửa Thần nửa nhân”.
Sự việc này cũng được chép Trong sách “Thần Kỳ Bí Phổ”, cuốn sách nói rằng sau khi Hoàng Đế mộng du nước Hoa Tư, và trị vì thiên hạ thành quốc gia nửa Thần, thì đã sáng tạo ra cầm khúc thượng cổ nổi tiếng là “Hoa Tư Dẫn” để làm kỷ niệm. Đây chính là nguồn gốc cầm khúc “Hoa Tư Dẫn”.
Sử sách ghi lại rằng, trong thời gian Hoàng Đế trị vì, thiên hạ thịnh trị, Thiên nhân giao hòa, liên tiếp có điềm lành. Sao Cảnh xuất hiện trên bầu trời, có cỏ thần mọc ở trước sân, mỗi khi có người gian nịnh vào thì cỏ chỉ về hướng người đó, cỏ có tên là khuất dật. Khi đó phượng hoàng giáng hạ xuống nhân gian, làm tổ ở trong cung, rồng kéo xe cho Hoàng Đế, kỳ lân đi lại trong vườn thượng uyển…
Sách Hoài Nam Tử có ghi chép: “Sau khi Hoàng Đế đại trị thiên hạ, ngoài đường không ai nhặt của rơi, đêm ngủ không đóng cửa, thiên hạ không có trộm cướp, trong chợ không có lừa dối, thiên hạ không tranh đoạt, người dân thôn quê nơi hoang dã đều nhường tài sản cho nhau, ngay cả chó lợn cũng nhả thức ăn trên đường để nhường nhau… Khắp nơi đều là cảnh tượng hài hòa mỹ mãn. Đây chính là mô tả xã hội mà Hoàng Đế đã thực hiện vô vi nhi trị thành công”.
Nhưng vô vi nhi trị mà đạo “Đế” đạt được còn cách xa với vô vi nhi trị tiên thiên thời kỳ “Hoàng Đạo”. Vì đến thời kỳ Đế trị thì thiên hạ đã lệch khỏi Đại Đạo lâu rồi, chiến tranh và phạm tội đã bắt đầu xuất hiện trên diện rộng. Thế là đã nảy sinh ra các biện pháp cai trị cưỡng ép như binh chinh thiên hạ, thực hiện hình pháp. Đế vương thông suốt tường tận vạn vật trong trời đất, từ đó ngộ Đạo và tham ngộ ra cơ chế hài hòa, hoàn mỹ nhất để duy trì sự vận hành tự động của vạn vật trong tự nhiên, vì vậy đã kiến lập đức, khiến thiên hạ trở về với tiêu chuẩn của Đạo, tự động vận hành, thực hiện vô vi nhi trị hậu thiên.
Điều này cũng giống như đạo lý dưỡng sinh trị bệnh trong Trung y. Thân thể người bị tổn hại do thất tình lục dục hậu thiên, đã phá hoại sự cân bằng tiên thiên của thân thể, và lệch khỏi Đạo của thân thể người, lệch khỏi cơ chế tự động vận hành hài hòa hoàn mỹ này, từ đó sinh ra các loại bệnh tật và thống khổ. Lúc này cần thông qua các biện pháp để chữa trị, điều chỉnh, khiến thân thể khôi phục được sự cân bằng khỏe mạnh, quay trở về cơ chế tiên thiên tự động vận hành của thân thể người.
Mục đích cuối cùng của trị bệnh là để cơ thể có thể tự động vận hành khỏe mạnh cho dù tách rời các biện pháp chữa trị. Mục đích cuối cùng của trị quốc cũng là để thiên hạ có thể tự động vận hành cho dù tách khỏi khỏi can thiệp của con người như pháp lệnh của chính phủ, đạt đến trạng thái hài hòa hoàn mỹ nhất, đó chính là vô vi nhi trị. Cho nên sau khi Hoàng Đế thần du nước Hoa Tư đã đồng thời ngộ được đạo lý trị quốc và dưỡng sinh.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/242717
Ngày đăng: 07-05-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.