Đại Đạo trị quốc (1): Hoàng Đạo vô vi



Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

1. Hoàng Đạo vô vi

Người viết đã tìm hiểu toàn bộ quá trình phát triển đạo trị quốc trong lịch sử Trung Hoa, và đúc kết ra mô hình tư tưởng trị quốc của các triều đại, hy vọng nhân loại ngày nay sẽ coi đó là tấm gương cảnh tỉnh cho mình, và có thể đưa ra sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt vào thời điểm quan trọng nhất này, đừng kết giao với ma quỷ, hãy chọn cho mình một tương lai tươi sáng và tốt đẹp. Thời gian không còn nhiều, một khi chần chừ bỏ lỡ, bạn sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội của mình!

Nói một cách toàn diện, trong tiến trình lịch sử của chế độ quân vương trị quốc của Trung Hoa, đạo trị quốc trải qua bốn quá trình là Hoàng Đạo, Đế Đạo, Vương Đạo và Bá Đạo. Trước tiên, chúng ta hãy dựa vào bối cảnh lịch sử Trung Hoa để tìm hiểu sự khác biệt giữa Hoàng, Đế, Vương và Bá.

Trong các truyền thuyết còn lưu lại từ thời cổ đại, từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa và Nữ Oa cùng các vị thần tạo ra con người, thời kỳ sớm nhất được biết đến của lịch sử văn minh Trung Hoa là lịch sử về Tam Hoàng. Thuật ngữ “Tam Hoàng” được xuất hiện lần đầu trong “Chu lễ”, và tiếp đến là trong “Lã thị Xuân Thu”. Trong “Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ” của Tư Mã Thiên đã từng dẫn lời của Lý Tư nói rằng: “Thời cổ đại có Thiên Hoàng, có Địa Hoàng, có Thái Hoàng, và Thái Hoàng là quý nhất.”

Nói chung, Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng (Nhân Hoàng) được gọi chung là Tam Hoàng, mà Tam Hoàng này cụ thể là ai, cũng có nhiều ý kiến ​​khác nhau, cũng có người nói rằng Tam Hoàng được chia thành tiền Tam Hoàng, trung Tam Hoàng và hậu Tam Hoàng, tổng cộng có Cửu Hoàng. Tóm lại, có rất nhiều cách nói về Tam Hoàng, nó đại biểu cho một thời kỳ văn minh tiền sử rất lâu dài và thần bí trước năm nghìn năm văn hiến của chúng ta, khoảng thời gian vô cùng xa xôi và lâu dài.

Trong “Xuân Thu vĩ” có ghi lại rằng: từ khi bắt đầu Thái Hoàng thị đến năm thứ mười bốn Lỗ Ai Công (481 TCN), tổng cộng có mười kỷ, kéo dài 3.267.000 năm.

Thời kỳ Tam Hoàng cụ thể kéo dài bao lâu, chúng ta không thể biết, nhưng chúng ta có thể biết rằng thời kỳ Tam Hoàng còn xa hơn rất nhiều chứ không chỉ dừng lại ở chỗ 3 vị “Hoàng” đản sinh, nó đại diện cho một thời kỳ rất dài và bí ẩn của nền văn minh tiền sử. Ví dụ như họ Sào, họ Toại Nhân, họ Phục Hy, họ Nữ Oa, họ Thần Nông, v.v. thuộc về Hoàng của thời kỳ Tam Hoàng. Theo các tài liệu cổ, “Hoàng” là Thần linh đến từ các tầng cao của vũ trụ, họ hạ thế xuống nhân gian và trở thành Vua của nhân gian, truyền lại trí huệ và văn hóa cho nhân loại, bảo vệ nhân loại khỏi sự ngu dốt và bước vào nền văn minh. Có nghĩa là, văn hóa Trung Hoa có nguồn gốc từ thiên thượng và từ các vị Thần, hoàn toàn không phải do trí tuệ của người phàm tạo ra, vì vậy nó được gọi là văn hóa thần truyền.

Hãy cùng nhìn lại nội hàm của “Hoàng”:

Trong “Quản Trọng – Chương Chân Pháp” có nói: “Người [anh] minh là Hoàng”. Vào thời Tiên Tần, “Đạo” được gọi là “Thái nhất”, có thể lý giải là Đại Đạo cao minh soi rọi thế giới hỗn loạn vô minh, gọi là Hoàng.

Trong “Xuân Thu vận đẩu khu” cũng nói: “Hoàng đại biểu cho Thiên, Thiên Đạo không nói, bốn mùa luân chuyển, vạn vật tương sinh. Tam Hoàng thực hiện vô vi mà cai trị, dạy dỗ bằng hành động không cần nói, và có đạo đức cực cao, lời họ nói ra bách tính đều không làm trái, giống như Hoàng Thiên, nên gọi là Hoàng.”

Trong “Bạch hổ thông nghĩa” nói: “Phàm được xưng là Hoàng, ánh sáng rực rỡ vạn trượng, thi hành việc vô vi mà trị, thực hiện dạy dỗ không bằng lời nói, lấy Đại Đạo mà giáo hóa vạn vật, bách tính thiên hạ sẽ không làm trái người đó. Nếu như chúng ta cai quản lý bằng cách thức của con người, can thiệp vào cuộc sống của bất kỳ người dân thường nào, đều không thể được gọi là Hoàng. Vì vậy, lúc bấy giờ, thiên hạ đều hành theo Đại Đạo, vàng bị vứt bỏ trên núi, không ai khai thác, trân châu ngọc thạch vứt xuống dưới nước mà không có người vớt; dân chúng sống trong hang động, mặc áo lông thú, uống nước mưa nước sương, cùng hòa với thiên nhiên, vô lo vô nghĩ, không muốn không cầu, và tương thông với Thiên Địa Thần linh”.

Theo ghi chép, vào thời xa xưa tiền sử, thuở sơ khai của loài người, con người thuần khiết chân thật không tà, không ham muốn ích kỷ, hòa hợp làm một với thiên nhiên, đơn thuần như một tờ giấy trắng. Vào thời điểm đó, nhân loại đang ở trong thời kỳ mông muội, không có văn minh, không có kiến ​​thức về vũ trụ tự nhiên và không biết gì cả, giống như một đứa trẻ sơ sinh. Vì vậy, các vị Thần đã hạ thế, hóa thân thành “Hoàng” của nhân gian, mang trí tuệ của thiên thượng truyền cấp cho nhân loại, soi sáng thế giới còn hỗn loạn vô minh, giống như cha mẹ chăm sóc con thơ, dẫn dắt nhân loại đi qua một thời kỳ lịch sử lâu dài và bước vào nền văn minh.

Lúc bấy giờ, trên trái đất, đâu đâu cũng là hoa thơm quả lạ, mưa thơm suối ngọt, chim tiên, thú thần, cảnh vật tươi đẹp tráng lệ, vạn vật hài hòa không làm hại lẫn nhau. Vào thời kỳ đó, con người có sức mạnh thần thông và rất gần gũi với Thần, không cần làm ruộng, lao động vất vả mà cuộc sống vẫn sung túc, vô lo vô nghĩ, không có tai ương, đau khổ, cuộc sống rất giản dị và hạnh phúc. Vào thời điểm đó, nhân loại không có cơ cấu chính phủ, dựa vào Đạo mà làm, không cần cai trị, giống như “Thần quốc Hoa Tư” mà Hoàng Đế đã từng đến trong mộng.

“Đế Vương Thế Kỷ” và các tài liệu cổ khác ghi lại: Vào thời Tam Hoàng cổ đại, ở nước Hoa Tư có một người phụ nữ gọi là Hoa Tư. Một ngày nọ, Hoa Tư phát hiện ra bên cạnh đầm Lôi có một dấu chân rất lớn nên hiếu kỳ giẫm chân mình lên dấu chân khổng lồ, vì thế nhận sự cảm ứng ở trên trời nên mang thai và sinh ra Phục Hy. Phục Hy là một trong năm vị Thiên đế là Đông phương Thương Đế được sinh ra trong nhân gian và là một trong Tam Hoàng, lưu lại cho loài người các thiên cơ Đại Đạo như bát quái v.v…

“Liệt tử – Hoàng đế thiên” ghi lại rằng: Hoàng Đế ban ngày ngủ và trong giấc mơ của mình lang thang đến nước Hoa Tư quê hương của Phục Hy. Vương quốc Hoa Tư ở một nơi rất xa xôi và bí ẩn, sức của con người không thể đến được, chỉ có thể Thần du. Đất nước này không có người quản lý, mọi thứ đều hòa hợp với thiên nhiên làm một, bách tính không có dục vọng ích kỷ, tâm hồn rất trong sáng, không luyến tiếc sự sống cũng không sợ chết, hoàn toàn thuận theo tự nhiên. Vì vậy, họ không có đau khổ nào và vạn vật trong tự nhiên không thể làm tổn hại họ được, họ có thể bay trên không trung, có đầy đủ phép Thần thông và tồn tại ở trạng thái nửa người nửa thần. Đó là một vùng đất cực lạc kỳ diệu. Sau khi Hoàng Đế tỉnh dậy, Ông đã ngộ được con đường tu dưỡng bản thân và cai trị đất nước, thế là trải qua hai mươi tám năm cai quản, đã khiến thiên hạ thuận theo Đại Đạo, đạt tới vô vi mà trị, và khiến thiên hạ được trị vì giống như nước Hoa Tư.

Trong “Hoài nam tử – Bản kinh huấn” ghi lại rằng: trong thời kỳ trị vì của tộc Dung Thành thời cổ đại, con người đi trên đường một cách tự nhiên và trật tự như chim nhạn, khi đi ra ngoài đặt con non trong tổ sẽ không có nguy hiểm gì, lương thực chưa dùng hết chất đống ngoài đồng cũng không bao giờ bị mất; không có nguy hiểm khi đi theo chó sói, hổ, báo; khi đi đường dẫm phải rắn độc cũng không có nguy hiểm gì. Con người sống thật tự nhiên, vui vẻ và chưa bao giờ cảm thấy có gì kỳ lạ.

Từ những mô tả trên, chúng ta có thể hiểu một hoặc hai điều về thực trạng xã hội thời Hoàng Đạo trị quốc: Vào thời cực kỳ xa xưa, tâm hồn con người thuần khiết, không có ham muốn ích kỷ, không bị ô nhiễm bởi hậu thiên, và ở trong trạng thái mông muội tự nhiên, giống như một đứa trẻ sơ sinh. Khi đó, các vị Thần tầng cao sẽ giáng sinh xuống mặt đất và trở thành Hoàng của nhân gian, họ giống như Hoàng Thiên vậy, tỏa sáng rực rỡ, mang đến chân lý của Thiên Đạo, truyền đạt cho nhân loại văn minh và trí huệ, dạy bằng hành động không cần lời nói, thực thi vô vi mà trị, khiến cho thiên hạ làm theo Đại Đạo. Như vậy, vào thời điểm đó, nhân loại và Thiên Địa Thần linh tương thông, sống như trạng thái nửa Thần nửa người. Khi đó, môi trường trên mặt đất tươi đẹp giàu có vô cùng, con người và thiên nhiên hòa làm một, không còn đau khổ buồn rầu, cuộc sống bình dị và hạnh phúc, vô dục vô cầu…

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/242693



Ngày đăng: 05-03-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.