Đại Đạo trị quốc (10): Đạo Trung dung



Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

10. Đạo Trung dung

Văn hóa Trung Hoa là nhất thể, học tập văn hóa Thần truyền Trung Hoa nhất định phải có cách nhìn toàn cuộc, toàn bộ tín tức, ắt phải có đủ ngộ tính và căn cơ, nếu không thì cả cuộc đời vất vả cũng chỉ đắc được chút vỏ ngoài nông cạn của văn hóa Thần truyền Trung Hoa.

Nho gia còn có một tư tưởng tối quan trọng chính là Đạo Trung dung. Các bài trước đã nói, Nho gia là từ Đạo gia phân tách ra, do đó tư tưởng Nho gia ắt phải tiếp nối với Đạo gia, mà cửa sổ liên kết này chính là Đạo Trung dung. Có thể nói, vượt qua Trung dung thì từ Nho gia tiến vào Đạo gia, tư tưởng Trung dung là tư tưởng tối cao của Nho gia, là Cổng Trời của Nho gia.

Thế nên Khổng Tử nói: “Trung dung lẽ nào là chân lý tối cao chăng? Bách tính thiên hạ rời xa Trung dung đã rất lâu rồi”. (52)

Trung dung có ba cảnh giới: Cảnh giới mà người bình thường lý giải là không trên không dưới, không làm cái tốt nhất, cũng không làm cái kém nhất, so với trên thì không đủ, so với dưới thì có dư, đây là lý giải bề ngoài thô tục nhất đối với nội hàm Trung dung. Cảnh giới thứ hai là tốt quá hóa lốp, vạn sự chớ quá mức, cũng chớ chưa đạt đến, nắm bắt tốt mức độ, vừa vặn đến chỗ vừa khéo, đây là nội hàm tối cao mà mọi người thường lý giải đối với Trung dung. Cảnh giới thứ ba là tự nhiên vạn vật hài hòa cân bằng, cùng sinh sống, cùng tồn tại, chỉnh thể thăng hoa đạt đến hoàn mỹ, đây là nội hàm cao tầng của Trung dung mà người viết thấy được.

Trước khi đọc chương này, xin hãy đọc chuyên đề “Giải Chu dịch, Bát quái và văn tự Thần truyền”, nếu không thì có thể khó mà lý giải hoàn toàn nội dung của bài viết này.

Tương sinh tương khắc

Về lý tương sinh tương khắc của Đạo gia đã được trình bày và phân tích trong các bài viết trước đây, Tam giới và tiểu vũ trụ mà nhân loại chúng ta tồn tại là do Âm dương, Ngũ hành cấu thành. Giữa Âm dương, Ngũ hành đều tồn tại lý tương sinh tương khắc, chúng đều được duy trì bởi mối quan hệ tương sinh tương khắc, từ đó sản sinh ra sự biến hóa tuần hoàn.

Tương sinh tương khắc là hai loại quan hệ, tức là “tương sinh” và “tương khắc”, giữa chúng tồn tại một loại cân bằng động. Các bài trước chủ yếu bàn về tương sinh, tức là vạn sự vạn vật đều đồng thời xuất hiện hai mặt chính – phụ nhất thể, sinh ra thiện thì cũng đồng thời sinh ra ác, có trên thì đồng thời ắt phải có dưới, có lạnh thì ắt phải có nóng, có đúng thì ắt có sai, có động thì ắt có tĩnh… vạn sự vạn vật đều không không ngoài hai trạng thái âm – dương, cũng chính là không ngoài lý tương sinh tương khắc.

Đồng thời với việc hai nhân tố chính – phụ này trong một thể thống nhất cùng xuất hiện mà tương sinh, thì chúng lại cũng từng cặp tương khắc. Như nóng lạnh tương khắc, sáng tối tương khắc, thiện ác tương khắc, động tĩnh tương khắc… Tương sinh tương khắc đồng thời tồn tại, vạn sự vạn vật trong khi đồng thời tương sinh lẫn nhau thì cũng từng cặp từng cặp tương khắc với nhau.

Ví dụ trong khi cái nóng tăng nhiệt độ trở nên nóng thì nhất định phải có cái từ bên ngoài hấp thu nhiệt lượng, sau khi bị bên ngoài hấp thu nhiệt lượng thì sẽ giảm nhiệt độ trở nên lạnh, đó chính là nóng sinh ra lạnh. Trái lại, đồng thời với việc lạnh trở nên lạnh hơn thì nhất định phải giải phóng nhiệt lượng ra bên ngoài, mà bên ngoài sau khi hấp thu nhiệt lượng thì sẽ tăng nhiệt độ trở nên nóng, đó chính là lạnh sinh ra nóng. Đó là nóng lạnh tương sinh.

Đồng thời lạnh cũng tương khắc với nóng, có thể giảm nhiệt độ của nóng, khiến nóng trở nên lạnh. Mà nóng cũng có thể khắc chế lạnh, có thể nâng cao nhiệt độ của lạnh, khiến lạnh tăng nhiệt độ biến thành nóng. Đó là nóng lạnh tương khắc.

Cùng cái lý như vậy, sáng có thể sinh tối, khiến tối càng hiện ra tối hơn; tối cũng có thể sinh ra sáng, khiến sáng càng rực sáng. Trái lại, tối có thể triệt tiêu độ sáng của sáng, sáng có thể triệt tiêu độ tối của tối. Ác có thể khiến thiện hiển hiện càng thiện lương hơn, thiện cũng có thể khiến ác hiển hiện càng ác độc hơn; đồng thời, ác có thể triệt tiêu thiện, thiện có thể tiêu giảm ác…

Mối quan hệ tương sinh tương khắc rất kỳ diệu, chúng hình thành một vòng tuần hoàn và cân bằng động, do đó mới sinh ra sự vận chuyển tuần hoàn của Âm dương Ngũ hành, thúc đẩy sự phát triển và biến đổi của vạn sự vạn vật trong thế giới.

Điểm cân bằng dịch chuyển

Tương sinh tương khắc là tuần hoàn trạng thái động, nó ắt tồn tại điểm cân bằng. Ví như nước lưu động, sẽ từ nơi cao chảy xuống nơi thấp, nhưng cuối cùng ắt sẽ có một mặt nước phẳng. Khi mặt nước đạt được vị trí mặt nước phẳng thì sẽ cân bằng, không còn chảy nữa. Nước cao hoặc thấp hơn mặt nước phẳng này đều sẽ không ngừng lưu động theo hướng trở về mặt nước phẳng, như vậy mặt nước phẳng là trung tâm, hình thành các sóng nhấp nhô. Do đó, khi nước tĩnh lặng, nó đều nằm ở mặt nước phẳng, khi này mặt nước phẳng là mặt phẳng trạng thái tĩnh; khi nước lưu động, mặt nước phẳng bị phá vỡ và biến mất, trở thành mặt nước phẳng “vô hình”, nhưng nó vẫn tồn tại khách quan vô hình, bởi vì tất cả nước đều lưu động hướng về nó, mặt nước phẳng lúc này được gọi là mặt nước phẳng trạng thái động.

Khi tương sinh tương khắc đạt đến vị trí cân bằng thì sẽ trung hòa và biến mất, quy về Đại Đạo, ẩn trong Đạo, đó chính là “Trung” mà Trung dung nói đến, tương đương với trạng thái mặt phẳng nước khi nước tĩnh lặng. Tương sinh tương khắc luôn tuần hoàn biến hóa ở lân cận điểm cân bằng, đạt đến sự cân bằng động, không tách rời điểm cân bằng, khi không vượt quá mức độ điều tiết, thì đó là “Hòa”, giống như trên mặt nước phẳng có những con sóng lên xuống ở mức độ nhất định. Điểm cân bằng này tương đương với Đạo. Trung, ý là trở về điểm cân bằng, trở về trong Đạo; Hòa, ý là đạt đến hài hòa cân bằng động xoay quanh điểm cân bằng, Trung dung cũng được gọi là Trung Hòa.

Sách Trung Dung viết: “Các tâm trạng hỷ, nộ, ai, lạc… khi chưa sinh ra thì gọi là Trung. Sinh ra hỷ, nộ, ai, lạc rồi nhưng giữ được mức độ điều tiết, không quá mức, thì gọi là Hòa. Trung là gốc rễ của thiên hạ vạn vật. Hòa là Đạo cân bằng hài hòa của thiên hạ vạn vật. Đạt đến trạng thái Trung Hòa thì thiên địa định vị, vạn vật tương sinh”. (53)

Xét tới Trung, Trung chính là trở về trong Đạo, đạt đến trạng thái hoàn mỹ Đạo ẩn vô danh, tự nhiên vô vi.

Hòa, chính là trạng thái xã hội tiểu khang mà Khổng Tử nói đến. Khi thiên hạ sinh ra tư tâm, lệch khỏi Đại Đạo, sau khi lệch khỏi điểm cân bằng thì sẽ phát triển biến hóa tương sinh tương khắc xoay quanh điểm cân bằng. Nếu tương sinh tương khắc của vạn vật đều có thể duy trì ở mức độ điều tiết nhất định, không quá mức, không quá đà, thì điểm cân bằng sẽ không bị thay đổi, có thể khiến chỉnh thể duy trì ở xung quanh điểm cân bằng, giữ được trạng thái cân bằng động. Cũng có nghĩa là, khiến cho vạn sự vạn vật sau khi lệch khỏi Đại Đạo vẫn có thể lấy Đạo làm tiêu chuẩn và làm trung tâm, hướng về Đại Đạo, đạt được sự cân bằng động, khiến cho vạn sự vạn vật giữ được trạng thái hài hòa tương đối ở trong khu vực an toàn nhất định xung quanh Đại Đạo. Đó chính là nội hàm của Hòa.

Nếu vạn sự vạn vật đều thích đi về hướng cực đoan, khiến tương sinh tương khắc mất đi mức độ điều tiết, thế thì điểm cân bằng sẽ xuất hiện thay đổi, thế thì tiêu chuẩn đánh giá cũng xuất hiện lệch lạc, tức là đã lệch ra ngoài tiêu chuẩn của Đạo. Tiêu chuẩn đánh giá bị lệch lạc thì đó là việc vô cùng đáng sợ, sẽ dẫn đến thiên tượng “âm dương trái ngược”, thiên tượng âm dương trái ngược một khi xuất hiện thì sẽ đối ứng đến nhân gian, đó chính là dấu hiệu báo sự hủy diệt. Cũng có nghĩa là kiếp số của nhân gian đã đến, trong vận mệnh luân hồi của thành trụ hoại diệt, đã đi đến thời khắc diệt.

“Điểm cân bằng dịch chuyển” nghĩa là gì?

Ví như vị giác của con người chúng ta là có một phạm vi hài hòa, vị giác trong phạm vi đó khiến chúng ta cảm thấy thoải mái dễ chịu, gọi là vị giác hài hòa. Vị giác vượt ngoài phạm vi đó khiến chúng ta cảm thấy kích thích quá mạnh, nhất thời khó mà tiếp nhận được, đó chính là vị giác cực điểm.

Chúng ta cho rằng nước đun sôi không có vị, giả sử khi trong miệng bạn ăn thứ có vị vô cùng đắng, như nhai lá trà trong thời gian dài, sau đó bạn uống nước trắng, bạn sẽ phát hiện ra nước trắng có vị ngọt. Đây chính là điểm cân bằng đã dịch chuyển, khiến nước trắng vốn ban đầu không có vị đã biến thành vị ngọt. Một ví dụ nữa là kem đánh răng rất ngọt, vị rất đậm, thuộc về vị giác cực đoan. Mỗi chúng ta có lẽ đều đã trải nghiệm là sau khi đánh răng buổi sáng xong, ăn trái cây thì thấy trái cây không có mùi vị, giống như là nước trắng vậy. Đây cũng là việc tương sinh tương khắc của vị ngọt tạm thời mất mức độ hài hòa, do điểm cân bằng dịch chuyển mà tạo thành.

Sự mất cân bằng của điểm cân bằng vị giác ở trên chỉ là mất cân bằng tạm thời, chỉ mất trong thời gian ngắn, không lâu sau vị giác vốn có sẽ được khôi phục lại. Nhưng nếu cứ ở trong trạng thái vị giác cực đoan đó một thời gian dài thì sẽ phá hoại điểm cân bằng vị giác vốn có, sẽ gây ra mất cân bằng vĩnh viễn, sẽ không thể trả lại được vị giác ban đầu nữa.

Xin phân tích chi tiết một chút:

Điểm cân bằng tương sinh tương khắc của vạn sự vạn vật chính là tiêu chuẩn của Đạo, nó là sự tồn tại tiên thiên khách quan, hoặc còn gọi là “Trung”. Tương sinh tương khắc hoàn toàn trở về điểm cân bằng, chính là đạt đến trạng thái “Trung”, như vậy là bước ra khỏi tương sinh tương khắc, tương đương với vạn sự vạn vật đều trở về trong Đạo, đạt đến trạng thái vô vi nhi hành. “Vô vi nhi trị” của Lão Tử, hoặc xã hội “đại đồng” mà Khổng Tử nói đến, chính là trạng thái ở trong “Trung”.

Khi thiên hạ lệch khỏi Đại Đạo, cũng chính là khi lệch khỏi điểm cân bằng, thì ắt sẽ rơi vào vòng luân hồi trong cái lý tương sinh tương khắc. Khi đó, nếu có thể luôn giữ được mức độ điều tiết, thì sẽ khiến tương sinh tương khắc của vạn sự vạn vật biến hóa xung quanh điểm cân bằng, đạt được một loại cân bằng trạng thái động, giữ được ở trong phạm vi hài hòa. Như thế tương đương với sau khi lệch khỏi Đại Đạo vẫn luôn lấy Đạo Đạo làm trung tâm, hướng về Đại Đạo, giữ được ở trong khu vực tương đối an toàn bên ngoài xung quanh Đại Đạo. Xã hội “tiểu khang” mà Khổng Tử nói đến chính là duy trì trạng thái “Hòa” này.

Khi vạn sự vạn vật trong mối quan hệ tương sinh tương khắc mà vượt quá mức độ, quá khích, thì sẽ khiến tương sinh tương khắc mất cân bằng, thế thì điểm cân bằng sẽ bị xê dịch. Điểm cân bằng ban đầu nhất này chính là Đạo, là quy luật tồn tại khách quan tiên thiên của vạn sự vạn vật, là chân lý vĩnh hằng bất biến, ở trong nơi u minh (nơi mà chúng ta không thấy được) mà duy trì, cân bằng hết thảy. Khi điểm cân bằng lệch khỏi vị trí tiên thiên vốn có, thì tiêu chuẩn đánh giá đã xảy ra biến đổi, không còn lấy Đạo làm tiêu chuẩn nữa, mà là lấy điểm cân bằng mới hình thành hậu thiên làm tiêu chuẩn, đây là sự việc đáng sợ nhất.

Lấy một ví dụ, khi thiên hạ đều ở trong Đạo, thì chính là lúc vạn sự vạn vật đều ở vị trí cân bằng, lúc này không cần tiêu chuẩn đánh giá, vì thiên hạ đều ở trong tiêu chuẩn rồi. Mọi người sẽ hành xử theo bản tính tự nhiên ở trong Đạo, làm theo những gì trong tâm mong muốn mà không vượt ra khỏi Đạo.

Sau khi thiên hạ đều lệch ra khỏi Đạo, thế thì vạn sự vạn vật đều lệch ra khỏi vị trí cân bằng, trạng thái hài hòa hoàn mỹ nhất đã bị phá vỡ, vạn sự vạn vật đều rơi vào tương sinh tương khắc, đạt được cân bằng trạng thái động ở gần vị trí cân bằng. Lúc này tuy thiên hạ đều lệch khỏi Đại Đạo, lệch khỏi điểm cân bằng, nhưng điểm cân bằng vốn có không bị dịch chuyển, do đó tiêu chuẩn đánh giá vốn có không bị biến đổi, mọi người đều lấy Đại Đạo làm tiêu chuẩn đánh giá, để đánh giá tốt xấu, đúng sai. Vạn sự vạn vật đều xung quanh Đại Đạo, lấy Đại Đạo làm trung tâm, đạt được cân bằng trạng thái động ở gần điểm cân bằng (Đại Đạo). Sau khi điểm cân bằng bị xê dịch, thế thì tiêu chuẩn đánh giá đã lệch khỏi Đại Đạo, mọi người không còn lấy Đại Đạo làm tiêu chuẩn đánh giá nữa, mà lấy vị trí sau khi đã xê dịch (điểm cân bằng mới) làm tiêu chuẩn đánh giá, lúc này sự cân bằng của vạn sự vạn vật đã bị phá vỡ triệt để, chỉnh thể đều đã xảy ra xê dịch, những nhận thức của mọi người không còn chính xác nữa, tiêu chuẩn đánh giá đã xảy ra rối loạn.

Ví như sau khi đánh răng, điểm cân bằng của vị giác đã xảy ra xê dịch, thế thì nước trắng vốn trước đó là không có vị thì lại biến đổi thành có vị đắng, trái cây vốn trước đó có vị ngọt thì lại biến đổi thành không có vị gì. Nói một cách khách quan, không phải vị của những sự vật này đã thay đổi, mà là điểm cân bằng đã xảy ra xê dịch, do đó tiêu chuẩn đánh giá đã sai vị trí, lúc này, vị ngọt mà con người biết đã không còn là vị ngọt nữa, vị đắng cũng không còn là vị đắng nữa.

Sau khi điểm cân bằng xê dịch, tiêu chuẩn đánh giá của mọi người sẽ lệch khỏi chân lý khách quan, lệch khỏi Đại Đạo. Cái tốt mà lúc này mọi người nhận thấy thì không còn là tốt nữa, cái xấu mà con người nhận thấy cũng không còn là xấu nữa. Đây là điều vô cùng đáng sợ, khi tiêu chuẩn thiện ác đúng sai của con người hoàn toàn xảy ra biến đổi, con người sẽ không còn là con người nữa, sẽ chuyển thành ma quỷ cầm thú, sẽ đi đến sự hủy diệt!

Chú thích:

(52) Nguyên văn như sau: “中庸其至矣乎!民鲜能久矣”

(53) Nguyên văn như sau: “喜、怒、哀、乐之未发,谓之中。发而皆中节,谓之和。中也者,天下之大本也。和也者,天下之达道也。致中和,天地位焉,万物育焉”

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/242735



Ngày đăng: 04-01-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.