Đại Đạo trị quốc (14): Thuật của Pháp gia



Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

14. Thuật của Pháp gia

Như phần trước đã bàn, mục tiêu của Pháp gia là lấy nhân pháp thay cho thiên đạo, để kiến lập một xã hội ma tính lấy người thay Trời. Mà lấy nhân pháp thay thiên đạo nhất định phải dựa vào “thế” lớn mạnh, bảo đảm thực thi sức mạnh của nhân pháp, đồng thời khiến nhân pháp trở thành chuẩn tắc duy nhất của thiên hạ, cho nên ắt phải làm cho tất cả quyền thế trong thiên hạ tập trung vào tay quân vương, khiến cho nhân pháp và quân vương hợp nhất.

Hàn Phi nói: “Lấy cây gỗ dài một xích đặt trên đỉnh núi cao, thì có thể cúi xuống thấy vực sâu ngàn trượng, đây không phải là do bản thân cây gỗ cao, mà do đặt nó ở vị trí cao. Vua Kiệt làm Thiên tử có thể khống chế thiên hạ, chẳng phải do ông ta có đạo đức tài năng, mà là do ông ta có quyền thế lớn. Vật nặng ngàn cân nhờ có thuyền nên nổi, nhưng vật nhẹ như vài đồng xu không có thuyền sẽ chìm xuống đáy, đây không phải vì vật có trọng lượng ngàn cân thì nhẹ và vật có trọng lượng như vài đồng xu thì nặng mà nguyên do là vì vật ngàn cân có lực nâng đỡ còn vật như vài xu không có lực nâng đỡ. Cho nên vật thấp lùn có thể coi thường vật cao là nhờ vào địa vị của mình; kẻ tiểu nhân có thế chế ngự người tài đức là do dựa vào quyền thế của hắn.

Rồng bay cưỡi mây, rắn lượn trong sương mù, là dựa vào cái thế của mây mù, nếu mây mù tiêu tan, thì rồng rắn bay lượn kia có khác gì con giun đất. Khi vua Nghiêu còn là thường dân, quản lý chẳng nổi ba người; thế mà Hạ Kiệt sau khi lên Thiên tử, có thể làm loạn cả thiên hạ. Thế nên ta từ đó mà thấy rõ, việc trị quốc chỉ cần dựa vào quyền thế, chứ không cần dựa vào hiền đức và trí huệ”.

“Phụ mẫu nuôi dưỡng con cái, mong chúng bình an thuận lợi, tránh xa tội lỗi. Nhưng quân chủ đối với dân chúng thì khác, khi nguy nan thì muốn họ liều chết chiến đấu, lúc an bình lại muốn họ ra sức cày cấy. Cha mẹ với tình thương nồng hậu, mong con cái được bình an thuận lợi, nhưng con cái không nghe lời cha mẹ; quân chủ đối với bách tính không có lòng nhân ái, yêu cầu chúng dân liều chết tận lực vì mình, nhưng lại có thể thực hiện được thông suốt. Minh quân hiểu rõ đạo lý này, nên vứt bỏ lòng nhân ái, mà chỉ gia tăng cái thế uy nghiêm”.

“Bách tính đều bị quyền thế khuất phục, rất ít người được cảm hóa bởi nhân nghĩa”.

Pháp gia là hoàn toàn phản đạo đức nhân tính, phải dựa vào cường quyền bạo lực, phải dựa vào thế lực lớn mạnh mới có thể đạt được địa vị, đây là cơ sở và bảo chứng của Pháp gia. Pháp gia muốn đạt được sự hợp nhất giữa nhân pháp và quân vương, trở thành chuẩn tắc duy nhất của thiên hạ, để thay thế thiên đạo, cho nên quyền thế trong thiên hạ phải được tập trung trong tay quân vương, tuyệt không cho phép tồn tại kẻ thứ hai nắm quyền, nhằm bảo đảm địa vị tuyệt đối và duy nhất của nhân pháp.

Hàn Phi nói: “Đạo không tương đồng với thiên địa vạn vật khi sinh ra, cái cân với trọng lượng mà nó cân được không như nhau, quân chủ không tương đồng với bề tôi. Đạo là độc nhất vô nhị, nên gọi là “Nhất”, quân chủ nên làm theo sự độc nhất vô nhị của thiên đạo.

Phải luôn luôn kéo căng dây cung, đề phòng trong ổ xuất hiện hai con gà trống, nếu không sẽ phải tranh đấu không ngừng. Nếu lang sói ở trong chuồng cừu, thì cừu sẽ không sinh sôi nảy nở. Nếu có hai người làm chủ gia đình thì công việc sẽ không có hiệu quả.

Quân vương độc đoán chuyên quyền, thì mới được gọi là vua.

Vậy họ dựa vào thủ đoạn nào để tập trung toàn bộ quyền thế trong thiên hạ vào tay quân vương? Đầu tiên là thông qua trò chơi quyền thuật mà khống chế bề tôi, khiến bề tôi tuyệt đối phục tùng.

Hàn Phi nói: “Làm quân chủ, cần phải thường như cắt tỉa cây mà chỉnh trị bề tôi, không để cành lá phát triển đến xum xuê. Cành lá xum xuê, sẽ che khuất phủ quan, nhà riêng đầy của cải, công khố sẽ rỗng không, quân chủ sẽ bị che mắt. Thường cắt tỉa cây, không để cho cành cây vươn ra ngoài, cành cây mà vươn ra ngoài, sẽ đe dọa ngôi vua. Thường chặt cành cắt lá, không để cành dày thân nhỏ, nếu cành dày thân nhỏ thì sẽ chịu không nổi trận gió xuân, chịu không nổi gió xuân cành sẽ làm tổn hại đến tận lõi cây”.

Hàn Phi nói: “Quân chủ không cần hiển lộ nguyện vọng và ý đồ, vì sau khi lộ ra ý đồ và nguyện vọng, thì bề tôi sẽ dựa vào ý đồ của quân chủ để tiến hành giấu giếm và ngụy trang, sẽ không thấy rõ được bộ mặt thật của họ. Chỉ khi quân chủ không thể hiện yêu ghét của mình, thì bề tôi mới triển hiện bộ mặt chân thực của mình. Cho nên, quân chủ có trí huệ cũng không cần dùng trí huệ để suy xét, cứ mặc vạn vật tự tìm về vị trí thực của chúng; có năng lực cũng không cần làm gì, để quan sát năng lực làm việc của bề tôi; có dũng khí cũng không cần thể hiện ra, để bề tôi phát huy đầy đủ dũng khí của họ. Do vậy, quân chủ không sử dụng trí huệ mà vẫn xem xét rõ mọi việc, không phát huy năng lực mà vẫn có công trạng, không biểu hiện dũng lực mà vẫn có vũ lực lớn mạnh, cho nên mới nói, việc gì quân chủ cũng không thể hiện ra, giống như mình không ở vị trí quân chủ, quân chủ thần bí khôn lường, bề tôi hoàn toàn không thể đoán được. Quân chủ ở trên chẳng biểu hiện gì, nhưng quần thần bên dưới tim đập chân run.

Thiên đạo ẩn tàng không thể hiện, nếu như quân chủ thần bí khó lường, khiến cho thuộc hạ không đoán ra được, thì cũng giống thiên đạo cao vợi bên trên. Quân chủ không thể hiện bất kể thứ gì, như thế mới có thể ngầm quan sát lỗi lầm của bề tôi. Thấy được rồi thì làm như nhìn không thấy, nghe được rồi thì làm như không nghe thấy, biết rõ rồi thì làm như không biết. Quân chủ sau khi biết rõ ngôn luận chủ trương của bề tôi, không cần chỉnh sửa họ, mà dùng chính hành động của họ để quan sát đánh giá. Mỗi chức quan chỉ có thể một người, chỉ cần không cho họ tương thông, thì tất cả sự tình đều bộc lộ hết. Quân chủ che đậy hành vi, ẩn giấu ý đồ, bề tôi không thể dò ra; không hiển thị trí huệ, không bộc lộ tài năng, khiến bề tôi không thể dự đoán được.

Khi quân chủ nghe ngôn luận chủ trương, nên giống như kẻ say rượu, mơ mơ hồ hồ. Để quần thần bàn tán, ta không mở miệng trước, quần thần càng say sưa bàn luận, ta càng làm như mơ hồ, làm cho họ tự tranh luận với nhau, phân tích mổ xẻ, ta từ đó mà nhìn rõ, hiểu rõ họ… Quân chủ biểu hiện sự yêu thích của mình sẽ gây ra rắc rối và oán giận. Cho nên cần ẩn tàng yêu ghét, không biểu hiện bất kể gì ra bên ngoài. Quân chủ không cùng làm việc với thần dân, thì thần dân mới tôn kính quân chủ; quân chủ không bàn nghị sự với thần dân, mà để họ tự làm. Quân chủ đóng cửa, ngồi trong nhà quan sát bên ngoài, tất cả gần trong gang tấc, đều ở trước mắt. Người nào đáng thưởng thì thưởng, người nào đáng trị thì trị, cứ dựa vào việc làm của họ mà xử trí tương ứng. Nếu quân chủ không thể biểu hiện được thần bí khó lường, thì thuộc hạ có thể có cớ để lợi dụng”.

Hàn Phi để quân chủ cố ý biểu hiện thần bí khó lường, mục đích là đẩy quân chủ lên Thần đàn, để thay “Trời”, sau đó thông qua hợp nhất với nhân pháp, làm nhân pháp cuối cùng thay thế thiên đạo.

Hàn Phi nói: “Thủ đoạn mà quân chủ anh minh dùng khống chế thuộc hạ, không ngoài hai loại sau. Hai loại thủ đoạn này chính là “hình” và “đức”. Thế nào là hình, đức? Quyền lực giết chóc trừng phạt gọi là “hình”, quyền lực ban thưởng gọi là “đức”. Bề tôi đều sợ giết chóc trừng phạt và ham phần thưởng, cho nên quân chủ chỉ cần nắm vững hai thủ đoạn này, thì khống chế chắc được thuộc hạ. Nhưng gian thần có thể lợi dụng quyền lực trong tay quân chủ để sát phạt những người không ưa, và ban thưởng cho kẻ cùng phe phái. Như vậy, đại quyền thi hành hình và đức sẽ rơi vào tay bề tôi, chúng dân cả nước sẽ sợ bề tôi mà coi thường quân chủ, sẽ quy về dựa vào bề tôi mà xa rời quân chủ. Đây là tai họa dẫn đến do quân chủ mất đi đại quyền thi hành hình và đức.

Như nay quân chủ ở thế chế ước thiên hạ, bao quát toàn bộ quốc gia, nắm hai đại quyền trọng thưởng, nghiêm phạt, chỉ cần dựa chút thủ đoạn pháp luật, thì cho dù loạn thần như Điền Thường, Tử Hãn cũng không dám không thành thực, hà tất phải đi tìm người thành thực, không lừa dối?”

Phần trên đã bàn, dục vọng và sợ hãi là hai nhược điểm lớn của nhân tính, Hàn Phi khuyên quân chủ thông qua hai thủ đoạn lớn là “hình phạt” và “ban thưởng” để thao khống nhân tính, khống chế hoàn toàn thần dân, biến thiên hạ bách tính thành con rối mà tùy ý giật dây.

Nhưng đạo đức lại là khắc tinh của nhược điểm của nhân tính, chỉ cần nhân loại vẫn giữ vững đạo đức trong tâm, thì sẽ khắc chế được hai nhược điểm lớn này, luôn giữ vững thiên đạo làm trung tâm, không lấy nhân pháp làm tiêu chuẩn, không làm con rối để Pháp gia thao khống. Do đó Pháp gia trước tiên phải hủy đi đạo đức của nhân loại.

Hàn Phi nói: “Những người đạo đức như Dự Nhượng, Bá Di, Thúc Tề, không sợ phạt nặng, chẳng màng lợi ích, những hình phạt chẳng thể chế ước họ, ban thưởng cũng không dẫn dụ nổi họ, người như vậy là người vô dụng. Là người mà ta coi khinh vứt bỏ, nhưng lại là người mà quân chủ đương thời ca tụng tìm cầu.

Như Hứa Do, Tục Nha, Tấn Bá Dương, Tần Điên Hiệt, Vệ Kiều Như, Hồ Bất Kê, Trọng Minh, Đổng Bất Thức, Biện Tùy, Vụ Quang, Bá Di, Thúc Tề, 12 người này đều là thấy lợi bất động tâm, lâm nguy không sợ hãi. Có cho cả thiên hạ họ cũng chẳng màng, không vì năm đấu gạo mà khom lưng. Người thấy lợi chẳng màng, cho dù quân chủ ban thưởng hậu hĩnh, cũng không động tâm; người lâm nguy không sợ hãi, dù quân chủ dùng hình phạt tàn khốc cũng không khuất phục nổi. Đây là những người mà quốc gia không cách nào quản chế… Người như vậy, thánh vương cổ đại đều không thần phục được họ, thời thế ngày nay cần họ làm gì?

Quan Long Phùng, Tỷ Can, Lý Lương, Tiết Trị, Thân Tư, Ngũ Tử Tư, sáu người này đều dựa vào tranh luận gay gắt hoặc cưỡng ép can gián để áp đảo quân chủ… liều mạng mà can gián, cho dù tan cửa nát nhà, chém ngang lưng thành hai đoạn, dù bị giết chết cũng không hề sợ hãi. Bề tôi như vậy, các bậc thánh vương thời cổ đại đều không thể tha thứ, thời thế bây giờ sao có thể dùng họ đây?”

Hàn Phi còn nói: “Thiết lập danh hiệu, vốn là dùng để biểu thị sự tôn quý, mà nay có kẻ coi thường danh vị và quyền thế, thế nhân lại tán thưởng họ là cao thượng. Thiết lập tước vị đẳng cấp, thực ra là dùng để phân ra địa vị cao thấp, nhưng có kẻ lại ngạo mạn với quân chủ và không cầu tước vị, thế nhân lại xưng tụng họ là hiền minh. Uy hiếp bằng vũ lực và dẫn dụ bằng lợi ích thực chất là dùng để thi hành mệnh lệnh, nhưng đối với những người coi thường những thứ đó, thế tục lại ngợi ca sự trang nghiêm của họ. Pháp lệnh là dùng để cai trị đất nước, nhưng đối với những người không tuân theo pháp lệnh mà chỉ phục vụ riêng cho mình, thế tục lại tán thưởng họ trung thành. Quan tước là dùng để khuyến khích dân chúng, nhưng đối với những người truy cầu danh tiếng mà chẳng chịu làm quan, thế nhân lại ca ngợi họ có tiết khí… Dân chúng đối với truy cầu thanh danh còn coi trọng hơn là truy cầu lợi ích hiện thực, như vậy, những kẻ sĩ đó, cho dù lâm vào cảnh cơ hàn cực khổ cũng thà ẩn cư nơi thâm sơn mà giữ được tiếng thơm trong thiên hạ. Điều đó đều là do quân chủ đã mất đi nguyên tắc trị quốc, mà tạo thành nguyên nhân không thể cai trị thiên hạ.

Không tiếp thu lời chiêu mộ của quân chủ, được gọi là chính trực. Không nhận ban thưởng của quân chủ, được gọi là thanh liêm. Không nghe mệnh lệnh, được gọi là dũng cảm. Thanh tâm quả dục, khoan dung nhân ái, hành thiện thi đức, được gọi là nhân nghĩa. Tự lập ra học phái, được gọi là thầy trò cùng theo chính thống của Nho gia. Nhàn tĩnh an cư được gọi là người có tư tưởng… thần dân bị nhiễm những nếp sống này tới một mức nào đó thì bên trong sẽ loạn dân chúng, bên ngoài thì bất lợi cho quốc gia”.

Hàn Phi còn nói: “Người thiên hạ đều cho là cách làm của vua Nghiêu, Thuấn là đúng mà học theo, do vậy mới sinh ra chuyện giết vua, bất hiếu với cha. Nghiêu, Thuấn, Thương, Vũ, đã vi phạm chuẩn tắc vua tôi, làm rối loạn giáo hóa của hậu thế. Nghiêu tự cho mình là thánh minh, nhưng ông lại cho thần dân của mình là Thuấn làm Hoàng Đế; Thuấn tự cho mình là hiền đức, nhưng ông lại tự mình tiếp nhận vị trí quân chủ. Thương Thang, Chu Vũ Vương tự cho mình là nhân nghĩa, nhưng lại giết vua của mình. Đây là những vị vua tự cho mình là anh minh thường giao quyền lực của mình ra cho người khác, và là nguyên nhân mà những bề tôi tự cho là có đức hạnh tài năng thường chiếm đoạt quyền lực. Cho nên dẫn đến việc ngày nay, con trai chiếm đoạt gia tài của cha, bề tôi chiếm đoạt chính quyền của vua. Cha đem gia nghiệp truyền lại cho con, vua đem chính quyền nhượng cấp cho thần dân, đây tuyệt không phải là biện pháp dùng để giáo hóa danh vị trong thiên hạ”.

Hàn Phi đem việc vua Nghiêu, Thuấn chí công vô tư mà nhường thiên hạ nói thành làm loạn đạo quân thần; mang việc Thương Thang lật đổ Hạ Kiệt bạo tàn, Chu Vũ lật đổ Thương Trụ vô đạo nói thành phản loạn bề trên, loạn thần tặc tử. Lấy việc cha truyền cấp tài sản gia đình cho con trai và việc nhà vua nhường ngôi cho thần dân nói thành làm loạn giáo hóa thiên hạ. Ông ta cho rằng nhà vua vô luận hoang dâm vô đạo như thế nào, cho dù có giết sạch bách tính thiên hạ thì thần dân cũng tuyệt không thể phản loạn, phải nhẫn nhục chịu đựng, để mặc cam chịu bị hại. Đây chính là lấy vua làm tiêu chuẩn tuyệt đối, dùng người thay thế Trời, từ đó phá hủy tín ngưỡng của bách tính đối với Thiên Địa Thần linh, để nhân pháp thay cho thiên đạo, đạt mục đích hủy diệt xã hội nhân loại.

Hàn Phi nói: “Thuấn bất nhân bất nghĩa bất trung bất hiếu, lưu đày cha mình, sát hại em trai mình, bắt vua xuống làm tôi của mình, đối đãi với mẹ như thê thiếp của mình, lấy con gái vua làm vợ”.

Ở đây ngoại trừ việc vua Nghiêu gả hai con gái cho Thuấn là sự thật, còn lại đều là sự đảo ngược trắng đen, bịa đặt vu cáo của Hàn Phi. Hậu Hắc Học (Học thuyết đen dày, do Lý Tông Ngô viết vào thời Trung Hoa Dân Quốc) của ĐCSTQ có thể cũng bắt nguồn từ đây.

Từ những điều trên có thể thấy rõ, Hàn Phi thông qua nhận thức cực đoan, cường điệu chỗ cô lập phiến diện, để đạt mục đích làm đảo ngược trắng đen, lẫn lộn đúng sai, để phá hoại quan niệm đạo đức của nhân loại, phá hủy điểm cân bằng đạo đức vốn lấy thiên đạo làm trung tâm, từ đó lấy nhân pháp kiến lập thành điểm cân bằng mới, trở thành tiêu chuẩn thị phi thiện ác mới, nhằm thay thế thiên đạo.

Hàn Phi nói: “Thầy thuốc thạo việc hút vết thương người bệnh, miệng ngậm máu bẩn, không phải vì do tình thân cốt nhục, mà là do lợi ích ép buộc. Thợ xe chế tạo xe tốt, thì hy vọng người ta phú quý; thợ đóng quan tài tốt, thì hy vọng có người chết sớm. Chẳng phải do thợ xe nhân từ, thợ hòm độc ác, mà là vì người ta không phú quý, thì xe bán không được; người ta không chết, thì không mua quan tài”.

Hàn Phi loại bỏ tất cả những nhân tố đạo đức, còn lại trong mắt ông ta chỉ là lợi dục. Thầy thuốc hút vết thương, miệng ngậm máu bẩn, nếu không có tác dụng của đạo đức, của y đức, ai dám làm vậy? Hãy nhìn vào bệnh viện ở Trung Quốc ngày nay thì có thể biết.

Pháp gia hợp nhất nhân pháp và quân vương, đẩy quân vương lên vị trí của Thần, có quyền thế tuyệt đối quản chế tất cả, để thay thế thiên đạo. Cần phải biết quân vương là người chứ không phải là Thần; nhân pháp là do người chế định, tuyệt không phải là chân lý khách quan. Quân vương có thể do tư dục của mình mà tùy ý cải biến nhân pháp, có thể tùy ý biến bách tính thành vật nuôi, biến nhân gian thành địa ngục.

Vứt bỏ đạo đức xong, Pháp gia thông qua khống chế hoàn toàn dục vọng và sợ hãi của nhân loại mà khống chế chắc từng cá nhân, khiến nhân pháp thay thế hoàn toàn đạo đức.

Hàn Phi nói: “Giả sử người ta không ăn không mặc mà không đói không lạnh, cũng không sợ chết, thì sẽ không phục tùng nguyện vọng của quân chủ. Tư tưởng dục vọng không chịu khống chế của quân chủ, thì quân chủ không có cách nào sai khiến họ được nữa.

Có được phú quý là lợi dục lớn nhất của bề tôi, bề tôi ôm mục đích này mà làm việc, thì có thể mạo hiểm, vứt bỏ sinh mệnh, dốc toàn sức lực, chết không oán trách. Đây gọi là quân chủ không trọng nhân ái, bề tôi chẳng trọng trung thành, mà có thể xưng bá thiên hạ được”.

Trong hai thủ đoạn lớn mà Pháp gia dùng để khống chế thiên hạ, thì tạo ra sợ hãi là thủ đoạn quan trọng nhất:

Hàn Phi nói: “Thi hành nhân nghĩa, quý trọng bách tính đều không dùng được, chỉ có hình phạt nghiêm khắc pháp luật tàn khốc mới có thể trị quốc.

Hình phạt nghiêm khắc pháp luật tàn khốc là điều bách tính chán ghét, nhưng lại có thể cai quản tốt quốc gia; thương xót con dân, dùng hình pháp khoan dung, là thứ bách tính yêu thích, nhưng có thể làm quốc gia đại loạn”.

Pháp luật của Công Tôn Ưởng là dùng hình phạt nặng cho tội nhẹ. Tội nặng không dễ phạm, nhưng lỗi nhỏ người ta lại dễ thoát. Để người ta bỏ đi các lỗi nhỏ dễ mắc, mà không vướng vào trọng tội, đây là nguyên tắc trị quốc tốt. Lỗi nhỏ không xảy ra, tội lớn không xảy ra, như thế thiên hạ sẽ bình yên vô sự.

Thi hành hình phạt đối với bách tính, không phải là ghét họ, mà là yêu họ. Hình phạt nặng, bách tính mới an định; ban thưởng nhiều, kẻ gian càng lắm. Cho nên, hình phạt nặng là việc lớn đầu tiên để cai quản bách tính; ban thưởng nhiều, là cái gốc của họa loạn.

Nhân pháp là gốc của quân vương; hình phạt là ngọn nguồn của yêu mến.

Áp dụng hình phạt tàn khốc, giảm thiểu ban thưởng, là yêu thương của quân chủ đối với thần dân, thần dân sẽ liều chết để lập công lĩnh thưởng. Ban thưởng nhiều mà hình phạt nhẹ là quân chủ không yêu mến thần dân, thần dân sẽ không liều mạng lập công cầu thưởng”.

Hàn Phi nói: “Yêu bách tính bao nhiêu, thì dùng hình phạt nặng bấy nhiêu. Càng tàn bạo với bách tính thì càng thể hiện yêu thương bách tính. Kiểu tư duy này giống như con sói ác nói với bầy cừu: “Sở dĩ ta cắn các ngươi, ăn các ngươi, là vì ta quá yêu thương các ngươi”. Sau khi nhân pháp có đủ năng lực thao khống hoàn toàn con người, pháp gia vẫn tiếp tục đem nhân pháp tiến tiếp, làm cho thiên hạ bách tính thời thời khắc khắc bị khống chế trong nhân pháp mọi nơi mọi lúc.

Hàn Phi nói: “Kẻ gian trong tình huống chắc chắn bị phát hiện thì mới sợ; trong tình huống chắc chắn sẽ bị trừng phạt mới không dám tái phạm. Ở tình huống không bị phát hiện, kẻ gian dễ làm càn; ở tình huống không bị trừng phạt, nó sẽ hoành hành. Để vật tầm thường ở nơi vắng vẻ, thì cho dù bậc đạo đức cao thượng như Tăng Sâm (Tăng Tử), Sử Thu cũng bị nghi ngờ là ăn cắp; mang vàng trăm lượng đặt nơi phố xá sầm uất, cho dù bọn đạo tặc nổi danh cũng không dám lấy. Nếu không ai biết, Tăng Sâm và Sử Thu có thể làm điều xấu trong bóng tối; nhưng ở hoàn cảnh thế nào người ta cũng biết thì kẻ cướp lớn cũng không dám lấy đi trăm lượng vàng đặt nơi phố xá sầm uất. Do vậy minh quân trị nước, cần đặt nhiều tai mắt, phạt nặng tội phạm, làm dân chúng sợ pháp lệnh mà bị ước thúc, không dựa vào liêm khiết phẩm đức để ngăn chặn tội ác”.

Tăng Sâm và Sử Thu là kẻ sĩ nổi danh đức độ thời cổ đại, thường được coi là tấm gương đạo đức. Hàn Phi thông qua bịa đặt vu cáo, nói rằng nơi nào không bị nhân pháp trông chừng, thì Tăng Sâm, Sử Thu cũng thành kẻ trộm, từ đó triệt để phủ định đạo đức, đồng thời trộm thay xà đổi cột, lấy nhân pháp thay thế đạo đức, nhằm đạt mục đích khiến nhân pháp không lúc nào không giám sát bách tính. Quân chủ không phải là Thần, nhân pháp không phải là thiên đạo, vậy làm thế nào mới có thể đạt được mục đích để nhân pháp thường xuyên giám sát bách tính được đây?

Hàn Phi nói: “Đối với kẻ không khai báo tội phạm ẩn trốn thì phạt nặng, đối với kẻ tố giác tội phạm thì trọng thưởng, như vậy tai mắt có thể phân bố khắp thiên hạ.

Quốc gia trị an được tốt nhất thì khéo lấy việc ngăn chặn gian loạn làm nhiệm vụ cấp bách. Để chặn đứng những hành vi gian loạn mà không dễ bị phát giác, thì dùng cách nào? Mấu chốt ở chỗ phải làm cho bách tính giám sát lẫn nhau. Vậy thì làm thế nào để dân chúng theo dõi lẫn nhau? Đại để là, thi hành chính sách liên đới, một nhà phạm tội, thì toàn bộ năm hoặc 10 nhà xung quanh cũng bị giết hết. Như vậy, tất cả mọi người do sợ liên lụy đến mình mà bắt buộc phải giám sát lẫn nhau. Nhờ đó mà dân chúng thì thận trọng đối với bản thân mình, với người thì giám sát dò xét, vì thế mà tố giác lẫn nhau. Người tố giác người khác sẽ được thưởng, miễn hình phạt, người không chịu tố giác sẽ liên đới mà bị giết chết. Bằng cách này, kẻ gian sẽ đều bị phát giác, ngay cả hành vi gian loạn nhỏ cũng không thể phát sinh, tất cả chính là đều dựa vào tác dụng của việc tố giác mật và thi hành liên đới mà nên”.

Trung Cộng làm đấu tranh giai cấp rất mạnh mẽ, cường điệu lập trường giai cấp, để duy trì đảng tính, lệnh cho con cái tố cáo cha mẹ, thậm chí ra tay đánh chết cha mẹ; học sinh tố cáo, đấu tố thầy cô; giữa vợ chồng người yêu cũng phát sinh tố cáo lẫn nhau; thậm chí một nhà chia thành nhiều bè phái, ngày ngày theo dõi ngầm tố nhau, làm nhân tính mất đi, táng tận lương tâm, đây cũng là điều học được từ Pháp gia mà ra. Pháp gia lấy nhân pháp thay cho thiên đạo, Trung Cộng lấy đảng tính thay cho nhân tính.

Sau khi đạt được mục đích để nhân pháp thâm nhập vào cuộc sống của mỗi người dân, thời thời khắc khắc giám sát bách tính, thì có thể tùy ý lừa bịp, nô dịch bách tính, nhưng trước khi lừa bịp, phải tiến hành tẩy não, làm cho họ trở thành cỗ máy, không có tư tưởng, không có trí lực. Để đạt mục đích này thì phải hủy bỏ tất cả các tư tưởng học thuyết, những thứ có thể thức tỉnh tư tưởng của bách tính, làm bách tính có thể suy xét độc lập, phục hồi nhân tính.

Hàn Phi nói: “Những người tri thức uyên bác, nhanh trí có tài hùng biện như Khổng Tử, Mặc Tử, nhưng họ chẳng tham gia cày cấy, thì quốc gia được ích gì? Những người vừa hiếu thuận lại thanh tâm quả dục như Tăng Sâm, Sử Bào, nhưng họ lại không tham gia chiến trận, thì quốc gia được ích gì?

Ngày nay chỉ cần giỏi văn chương học thuật, biết ăn nói, là chẳng cần cực nhọc cày cấy mà vẫn có thể có được của cải, không mạo hiểm đánh trận mà vẫn có quan tước, vậy nên ai mà chẳng muốn làm như thế? Kết quả là có cả trăm người lao vào hoạt động trí óc, mà chỉ có một người dấn thân dùng sức lực để cày cấy, đánh trận. Nếu kẻ dùng trí óc nhiều lên, thì pháp trị sẽ thất bại; nếu người tận lực canh tác và đánh trận ít, thì quốc gia sẽ trở nên bần cùng. Đây là nguyên nhân làm xã hội hỗn loạn.

Do vậy, trong quốc gia của minh quân, phải xóa bỏ tất cả văn hiến điển tịch của văn hóa học thuật, chỉ lưu lại pháp luật làm tài liệu giáo hóa; cấm tiệt những ngôn luận của cổ Thánh tiên Vương, chỉ lấy quan lại chấp pháp đương thời làm thầy.

Thần dân thường ca tụng đạo đức của các bậc cổ Thánh tiên Vương mà tâm sinh chí hướng, chính là phỉ báng đương kim quân chủ”.

Thương Ưởng nói: “Lễ nhạc, thi thư, thiện lương hiếu đễ, thành tín trinh liêm, nhân nghĩa, hòa bình là sáu tai họa lớn của quốc gia, giống như ký sinh trùng, chúng được gọi là “lục sắt” (sáu con rận)”.

Dưới mô hình của Pháp gia, quốc gia chỉ có thể có hai loại người: Một loại là chuyên khổ lực cày ruộng, loại thứ hai là cỗ máy chuyên đánh trận. Trừ hai loại này ra, tất cả những người còn lại đều là sâu mọt của xã hội. Pháp gia muốn phế trừ tất cả tư tưởng học thuyết và văn hóa học thuật của nhân loại, đốt sạch tất cả văn hiến điển tịch, chỉ để lại sách pháp luật làm sách giáo khoa. Như thế, tinh thần của nhân loại sẽ trở nên cực độ nghèo nàn, triệt để mất đi tư tưởng, mất đi năng lực suy xét phán đoán, như vậy mới càng dễ dàng lừa bịp và nô dịch.

Trung Cộng từ lúc thành lập chính quyền đến kết thúc Cách mạng Văn hóa, đã giết lượng lớn văn nhân học giả, đốt sách, phá tứ cựu, hủy hoại văn hóa Trung Hoa, chỉ lưu lại sách về chủ nghĩa Mác-Lê Nin và mô hình để làm tài liệu giảng dạy cho mọi người, làm cho đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc vô cùng thấp kém mỏi mệt, tư tưởng cực kỳ mù tịt, từ đó đạt mục đích tùy ý ngu hóa và nô dịch người dân trong nước, điều mà họ dùng chính là thủ đoạn của Pháp gia. Bắt con người biến thành giống như vật nuôi và cỗ máy, không có tư tưởng, không có đạo đức, không có nhân tính, không có tín ngưỡng, đây là loại xã hội gì? Hồi tưởng lại Cách mạng Văn hóa, đến tận bây giờ vẫn khiến rất nhiều người vô cùng sợ hãi. Pháp gia đã được kiến lập từ hơn hai ngàn năm trước, đều bị lịch sử phê phán, ngay cả Tần Thủy Hoàng là ở thời điểm đặc biệt cũng không hoàn toàn sử dụng nó, kẻ đầu tiên toàn diện thực thi nó là Trung Cộng.

Sau khi bách tính bị tẩy não hoàn toàn, tiếp đến là giống như cách đối đãi với súc vật, mà tùy ý nô dịch. Thương Ưởng là người giỏi nhất đối với việc nô dịch bách tính, sự nô dịch bách tính của Thương Ưởng là biến bách tính trong thiên hạ đều trở thành nô lệ cày ruộng và thành cỗ máy chiến tranh.

Thương Ưởng nói: “Lễ nhạc, thi thư, thiện lương hiếu đễ, thành tín trinh khiêm, nhân nghĩa, hòa bình là sáu đại họa của quốc gia, giống như ký sinh trùng, gọi là “lục sắt” (sáu con rận).

Nhân dân bần cùng thì sẽ cố gắng để giàu, giàu rồi thì sẽ phóng túng, phóng túng sẽ sinh ra tai họa “sáu rận” kia. Do vậy, khi nhân dân giàu có rồi thì sẽ không dễ nô dịch họ, cần nghĩ cách làm cho họ giao lương thực, làm cho họ phải lao lực, như thế thì nông dân mới không lười nhác. Nông dân không lười biếng, thì “sáu rận” không thể sinh ra.

Nông dân đã có lương thực dư thừa, thế là người trưởng thành an dật hưởng lạc. Thương nhân khi đã kiếm được lợi lớn, sẽ buôn bán những đồ sang trọng, hoa lệ, sẽ ảnh hưởng không tốt đến những thứ đồ thiết yếu hàng ngày.

Những đồ mà bách tính muốn có được là vô cùng nhiều, nhưng nếu chỉ có một con đường duy nhất để có được, làm cho bách tính nếu không thông qua con đường này thì sẽ không có được mọi thứ mong muốn. Như vậy thì có thể tập trung khống chế bách tính trong tay, tập trung khống chế được lực lượng của bách tính trong tay, quốc gia sẽ trở nên cường thịnh.

Bách tính bần cùng, quốc gia sẽ trở nên yếu nhược; bách tính giàu có, thì sẽ phóng túng hưởng lạc, mà phóng túng hưởng lạc sẽ sinh ra “lục sắt” (sáu rận), quốc gia cũng thành yếu nhược như cũ. Do vậy đối với dân nghèo, cần dùng hình phạt bức bách họ nỗ lực làm việc để trở nên giàu có. Đối với kẻ đã giàu, cần tìm cách đem tiền của họ biến thành tiền của quốc gia, như vậy họ sẽ biến thành nghèo. Phương cách bí mật để trị quốc, chính là trước tiên để kẻ bần cùng biến thành giàu có, sau đó lại để họ trở về bần cùng”.

Trước tiên buộc người nghèo trở thành giàu có, sau khi người nghèo trở nên giàu có, thì quốc gia phải nghĩ cách “hợp lý” để lấy tiền tài của họ, làm cho họ lại rơi vào bần cùng. Như vậy mới có thể kích thích lại động lực mưu cầu làm giàu của bách tính, họ vì sinh tồn mà mệt nhọc bôn tẩu, hoàn toàn chẳng còn tinh lực để suy nghĩ, hưởng thụ, quốc gia cũng không có “rận” nữa. Phương thức trị quốc này làm quốc gia giàu có mà bách tính giữ nguyên bần cùng, Trung Cộng lấy hết những tinh hoa, họ luôn thông qua các thủ đoạn “hợp lý”, đem tiền tài của bách tính đổ vào túi của nó, tham quan mặc sức tiêu xài phung phí. Khiến cho thường dân cả đời làm trâu ngựa, cuối cùng thành công dã tràng.

Thương Ưởng nói: “Quốc gia bần cùng mà phát động chiến tranh, thì có thể mang tai họa chuyển sang quân địch, quốc gia sẽ không bị tai họa “sáu rận”, nhất định sẽ cường thịnh. Quốc gia giàu mạnh mà không đánh trận, sẽ làm bách tính tham sống, quốc gia sẽ sinh ra họa “sáu rận”, nhất định sẽ suy yếu”.

Về điểm này, ĐCSTQ hiện cũng đang vừa học vừa vận dụng. Ví dụ cái gọi là đánh Việt Nam để tự vệ, chính là lợi dụng chiến tranh để chuyển dời mâu thuẫn trong nước.

Thương Ưởng nói: “Bách tính dũng mãnh, thì thuận theo dục vọng của họ mà trọng thưởng; bách tính khiếp nhược, thì thuận theo sợ hãi của họ mà dùng hình phạt nặng hoặc giết chóc để uy hiếp họ. Như vậy, kẻ khiếp nhược do sợ hình phạt nặng mà trở nên dũng cảm, kẻ dũng mãnh vì trọng thưởng mà liều chết chiến đấu. Kẻ khiếp nhược trở nên dũng cảm, kẻ dũng cảm trở nên liều chết chiến đấu, thì quốc gia thành vô địch và nhất định sẽ xưng vương.

Nếu bách tính sẵn sàng cơ hàn mà tử vong, chứ không muốn vì lợi lộc mà tranh đoạt, thì đó là bầu không khí của sự vong quốc.

Dân chúng thấy đánh trận như sói đói nhìn thấy thịt, vậy thì quốc gia sẽ cường thịnh. Nhìn chung, chiến tranh là thứ dân chúng chán ghét, một ông vua có thể làm dân chúng thích chiến tranh thì sẽ xưng vương thiên hạ. Dân chúng của quốc gia hùng mạnh, cha tiễn con nhập ngũ, anh tiễn em nhập ngũ, vợ tiễn chồng nhập ngũ, họ đều nói: “Không lấy được đầu giặc không về!”, còn nói thêm: “Không tuân thủ pháp luật, kháng lệnh, anh chết, chúng tôi cũng chết, xóm làng sẽ trị tội chúng ta, trong quân đội không có nơi để trốn, phải chạy về nhà, chúng ta muốn chuyển nhà cũng không có chỗ mà chuyển”. Cách quản lý của quân đội là năm người thành một đội, thi hành tội liên đới. Dùng phù hiệu phân loại họ, dùng quân lệnh để ràng buộc họ. Có đào tẩu cũng không có chỗ cư trú, thất bại thì không có cách sinh tồn. Cho nên ba quân tướng sĩ không có một ai không tuân lệnh, liều chết đánh trận mà không dám lùi”.

Thương Ưởng còn nói: “Chính sách nếu là thứ bách tính chán ghét, tức là bách tính yếu nhược; chính sách nếu là thứ bách tính ưa thích, tức là bách tính cường thịnh. Bách tính nhược thì quốc gia cường, bách tính cường thì quốc gia nhược”.

Pháp gia thạo việc đẩy bách tính về phía đối lập với quốc gia, đem họ biến thành công cụ nô dịch và cỗ máy chiến tranh vô nhân tính.

Thương Ưởng nói: “Nhất thiết phải làm dân bị áp bức và lăng nhục thì họ mới biết sự tôn quý của quan trên; phải ti tiện yếu thế, như vậy mới hiểu được sự lợi hại của kẻ làm quan. Phải bần cùng thì mới có thể vì trọng thưởng mà bán sinh mệnh. Nhân dân mà có địa vị thì sẽ coi thường quan tước; giàu có rồi sẽ coi thường ban thưởng.

Dùng người lương thiện cai trị bách tính, bách tính sẽ thân cận ủng hộ người thân của họ, dùng kẻ gian trá cai trị bách tính, bách tính sẽ thân cận chế độ của quốc gia. Làm dân chúng đoàn kết lại thì sẽ che giấu giúp đỡ nhau, đây gọi là thiện; làm dân chúng chia rẽ, giám sát lẫn nhau, đây gọi là gian. Biểu dương người lương thiện, lỗi lầm của dân chúng sẽ bị dấu diếm; dùng kẻ gian, người có tội sẽ bị phát giác. Tội phạm bị che giấu, tức bách tính thắng pháp luật; phạm tội bị phát giác, tức pháp luật thắng bách tính. Bách tính thắng pháp luật, quốc gia sẽ đại loạn; pháp luật thắng bách tính, quốc gia sẽ cường thịnh. Vậy mới nói, dùng lương dân trị quốc, quốc gia nhất định sẽ hỗn loạn suy yếu; dùng gian dân trị quốc, quốc gia sẽ đại trị mà cường thịnh”.

ĐCSTQ kế thừa mô hình này. Có người ví ĐCSTQ như cỗ máy nghiền nhân tính, nói cách khác, chỉ có những người đạo đức bại hoại nhất mới có thể sinh sống trong thể chế của Trung Cộng, phàm là người có đạo đức lương tri, đều bị bóp chết và đào thải trong các cuộc vận động chính trị, tranh giành quyền lực, cuối cùng những người còn lại cơ bản đều là những tín đồ của đảng có đầy đủ “đảng tính”, nhân cách chia rẽ mất hết nhân tính.

Hàn Phi nói: “Nước Tần gặp nạn đói nghiêm trọng, tể tướng Phạm Thư thỉnh cầu: “Thảo mộc thực vật, rau, quả, táo, hạt dẻ trong vườn thượng uyển hoàng gia đủ để nuôi sống bách tính, xin ngài mang ra cứu tế bách tính”. Tần Chiêu Vương (Pháp gia) nói: “Pháp lệnh Tần quốc của chúng ta là khiến bách tính có công mới có thưởng, có tội thì bị phạt. Nay nếu rau quả của vườn thượng uyển được mở ra để cho bách tính vô luận có công hay không đều tới lĩnh thưởng, đây là cách làm khiến quốc gia hỗn loạn. Cứu tế bách tính mà làm quốc gia hỗn loạn, thì thà vứt bỏ rau quả mà khiến quốc gia được thái bình”. Cách nói khác của Tần Chiêu Vương là: Các loại dưa, trái cây và rau quả trong vườn thượng uyển nếu được mở ra, thì sẽ đủ để nuôi sống bách tính, nhưng sẽ khiến kẻ có công và kẻ không có công tranh giành lẫn nhau. Để họ sống mà quốc gia hỗn loạn, chi bằng để họ chết mà quốc gia an định!”

Đến đây, bất giác làm người ta nhớ lại cái gọi là “Ba năm tai họa tự nhiên” của Trung Cộng. Kỳ thực ba năm đó mưa gió thuận hòa, căn bản là không có tai họa tự nhiên nào, hoàn toàn là nhân họa do Trung Cộng tạo thành. Trong tình huống xuất hiện nạn đói nghiêm trọng trong toàn quốc, từ 1958 đến 1959 chính phủ Trung Cộng vẫn xuất khẩu chi viện một lượng lớn lương thực cho Liên Xô và các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Ví dụ năm 1959, số lượng lương thực xuất khẩu đạt mức cao nhất trong lịch sử, đạt khoảng 4,16 triệu tấn. Cướp lương thực của bách tính đem cho ngoại quốc, mà không cho bách tính đang chết đói, dẫn đến trong ba năm chết đói mấy triệu người Trung Quốc, nơi đâu cũng có hiện tượng người ăn thịt người!

Cuối cùng dùng một câu trong Đạo Đức kinh của Lão Tử làm đoạn kết: “Dân bất úy tử, nại hà dĩ tử cụ chi” (Tạm dịch: Dân không sợ chết, đem chết ra dọa họ được sao?) Khi nhân dân không sợ kẻ thống trị, thì họa loạn lớn đang đến. Không được bức bách sự an cư của nhân dân, không được chặn đường mưu sinh của bách tính, chỉ có cách là không áp bức nhân dân, thì nhân dân mới không chán ghét kẻ thống trị.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/242739



Ngày đăng: 14-02-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.