Đại Đạo trị quốc (13): Pháp gia trị quốc



Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

Pháp gia trị quốc chủ trương bá đạo, nhưng bá đạo lại không phải là Pháp gia. Thời Xuân Thu Ngũ Bá vẫn là dựa vào nhân nghĩa để thu phục thiên hạ mà xưng bá.

Pháp gia chủ yếu thông qua hình phạt nghiêm khắc pháp luật tàn khốc, lấy lợi ích để lôi cuốn, dùng quyền lực thủ đoạn để nô dịch bách tính. Những nhân vật đại biểu chủ yếu có Thận Đáo, Thân Bất Hại, Thương Ưởng, Hàn Phi. Trong đó Hàn Phi là người tổng hợp các ý kiến của Pháp gia, có thể nói là đại biểu thực sự của Pháp gia, ông tổng kết các quan điểm của những người đi trước như Thận Đáo, Thân Bất Hại, Thương Ưởng, đồng thời bóp méo, trộm dùng tư tưởng Đạo gia của Lão Tử, cuối cùng lập nên Pháp gia.

Như đã đề cập ở phần trước, tư tưởng Nho gia là bộ phận nhập thế của Đạo gia, lấy nó tách ra, và tư tưởng của Pháp gia cũng có nguồn gốc từ Đạo gia. Chỗ khác biệt là, Khổng Tử giảng “Thuật nhi bất tác” (nói mà không làm), Nho gia chỉ là tổng kết, tách rời phần nhập thế của Đạo gia, nhưng không có tư tưởng nổi trội sáng tạo độc đáo, nó và Đạo gia là nhất thể kết nối liên quan với nhau. Nhưng Pháp gia lại trộm dùng tư tưởng của Đạo gia, bóp méo và sử dụng nó một cách xấu xa mà làm ra một thứ khác. Do vậy tư tưởng Pháp gia thuộc về tà đạo, ma đạo.

Cổ nhân giảng: Nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí (người nhân thấy vậy gọi là nhân, người trí thấy vậy gọi là trí). Cơ điểm của Pháp gia là ác độc và ma tính, nó là khởi nguồn của các học thuyết tà ác trong lịch sử Trung Hoa. Trong cái nhìn của nó, thế giới chỉ có cái tà ác, không tồn tại cái tốt đẹp, không có Thiện trong nhân tính, chỉ có xấu ác của ma quỷ, nó cho rằng nên coi bách tính là vật nuôi, nô dịch, kiến lập một xã hội chỉ có chiến tranh và nô dịch, thiết lập các hình phạt nghiêm khắc luật pháp tàn khốc thay thế Thiên Đạo, lấy quân vương thay Trời, đây là cơ sở tư tưởng của Pháp gia.

Bây giờ chúng ta hãy phân tích mô hình tư tưởng của Pháp gia:

Bất cứ một phương thức trị quốc hoàn thiện nào, tất nhiên sẽ hình thành một cơ chế hoạt động tuần hoàn riêng của nó, từ đó kiến lập nên một mô hình trị quốc hoàn chỉnh. Đạo gia trị quốc, là làm cho thiên hạ quy về trong Đạo, dưới tác dụng của cơ chế hoàn mỹ tự động của Đạo, phải hành sự theo bản tính của mình, để đạt tới vô vi nhi trị. Nho gia trị quốc thông qua cơ chế Lễ Nghĩa, nhằm quy chuẩn hành vi cử chỉ của bách tính trong thiên hạ, để đạt được yêu cầu về Đạo Đức của nhân loại, đồng thời thông qua chế ước của Trung Dung (trong Đạo ngoài Nho), khiến Đạo Đức nhân loại luôn lấy Đại Đạo làm hạt nhân, đứng ở vị trí bất bại.

Cho nên cả Nho gia và Đạo gia trị quốc đều lấy Thiên Đạo làm tiêu chuẩn để trị quốc.

Ngược lại Pháp gia là phản nhân tính, phản Thiên Đạo. Nó phủ định Đạo Đức, đặt định ra các hình phạt nghiêm khắc luật pháp tàn khốc, và lấy đó làm tiêu chuẩn để thay thế Thiên Đạo. Thiên Đạo là sáng tạo ra thiên địa vạn vật, đồng thời duy trì cơ chế hài hòa hoàn mỹ nhất cho sự tồn tại của thiên địa vạn vật, là chân lý bất biến tồn tại vô hình khách quan, ai thuận theo thì hưng thịnh tốt lành, ai ngược lại thì tự diệt vong, không ai thoát ra được. Cho nên Đạo Trời không nói, mà người người kính sợ, tồn ở nơi bí mật con người không biết mà được khắp nơi tôn sùng.

Pháp gia lấy nhân pháp thay cho Thiên Đạo, nhân pháp không phải là chân lý khách quan, chỉ là ý chí cá nhân của kẻ đang cầm quyền, cho nên không có sinh mệnh nào tự giác tôn sùng nó, nhân pháp sẽ không được truyền rộng. Để đảm bảo nhân pháp được truyền rộng phổ biến nhằm thay thế Thiên Đạo, đầu tiên Pháp gia cần kiến lập “Thế” (thế trong quyền thế), lấy “Thế” làm bối cảnh, dựa vào sức mạnh của “Thế”, làm cho nhân pháp được thúc đẩy và chấp hành.

Sau khi Thiên Đạo bị phế bỏ, nhân pháp có thể được chấp hành và thúc đẩy mạnh mẽ, người lập pháp liền thay thế Thượng Thiên, trở thành “Trời” của bách tính trong thiên hạ, trở thành chúa tể của vạn vật trong tự nhiên, ý chí cá nhân của người đó trở thành “Thiên ý”. Như vậy đã làm đứt mối liên hệ giữa nhân loại với trời đất Thần linh, cắt đứt cội nguồn Đạo Đức của nhân loại.

Để đảm bảo nhân pháp có thể thay thế Thiên Đạo, nhân pháp tất phải khống chế chặt chẽ từng cá nhân. Nhân tính có hai khiếm khuyết lớn: Một là dục vọng, hai là sợ hãi. Dục vọng tức là những thứ yêu thích, sợ hãi tức là những thứ chán ghét. Hoàn toàn khống chế chắc hai điểm yếu lớn về nhân tính tốt xấu của nhân loại, thì có thể thao khống nhân loại như điều khiển những con rối. Pháp gia thông qua ban thưởng, tức là thông qua sự cám dỗ về quyền thế, địa vị, lợi ích v.v. để dụ dỗ dục vọng của con người; thông qua hình phạt, tức là hình phạt tàn khốc, giết hại hàng loạt, v.v. để khống chế sự sợ hãi của con người, lấy hai điểm yếu này mà thao khống bách tính trong thiên hạ như những con rối.

Nhưng hai khiếm khuyết lớn này của con người có một khắc tinh, đó chính là Đạo Đức, duy chỉ có Đạo Đức mới có thể khắc chế được hai khiếm khuyết lớn của nhân tính. Cho nên Pháp gia trước khi thi hành nhân pháp, đầu tiên tất phải phế trừ Đạo Đức nhân loại, như vậy mới có thể khống chế chặt từng cá nhân. Nó thông qua các thủ đoạn như việc phủ định nhân nghĩa, làm điên đảo tiêu chuẩn thiện ác thị phi, vu cáo hãm hại Thánh hiền để đạt mục đích phá hoại Đạo Đức. Khi Đạo Đức nhân loại bị vứt bỏ, sự khiếm khuyết của nhân tính liền bộc lộ ra hết, dưới sự thao khống của Pháp gia chúng không ngừng phóng đại, cuối cùng hậu quả trực tiếp nhất dẫn đến chính là làm cho nhân tính tiêu vong thậm chí biến mất, trở thành cầm thú đội lốt người, thành ma quỷ.

Ngoài ra Pháp gia còn nhất định phải bảo đảm lực chấp hành tuyệt đối của nhân pháp, lạnh lùng vô tình, thưởng phạt phải tin, có uy lực đến mức người ta không được nghi ngờ nó, như vậy mới có thể làm cho con người trực tiếp sợ hãi đối với nhân pháp và phục tùng hơn cả Thiên Đạo.

Sau khi nhân pháp chế định xong, nó chỉ là một tờ giấy không có nội dung, cho nên tất phải dựa vào “Thế” mạnh làm cho nó có thể chấp hành và thúc đẩy mạnh mẽ, từ đó nhân pháp mới có đủ uy lực, mới có thể làm dân chúng sợ hãi và tuân theo. Khi thế lực đủ lớn mạnh thì nhân pháp cũng đủ lớn mạnh, chúng sẽ hợp lại làm một, cùng nhau lớn mạnh. Pháp gia thông qua các thủ đoạn khiến quyền lực trong thiên hạ đều tập trung về tay quân vương, để quân vương nắm toàn bộ quyền sinh quyền sát trong tay và sự tồn vong sinh tử của tất cả các sinh mệnh trong thiên hạ, lấy quân vương thay cho “Trời”. Như vậy quân vương và nhân pháp hợp nhất, nhân pháp nhờ thế lực của quân vương mà có sức mạnh thực thi, thúc đẩy trong thiên hạ, quân vương thì nhờ vào nhân pháp khống chế thiên hạ bách tính, thế lực tích tụ ngày càng mạnh. Cuối cùng nhân pháp là quân vương, quân vương là nhân pháp.

Thiên Đạo mà Đạo gia tuân theo, là tạo ra và thành tựu thiên địa vạn vật, đồng thời duy trì một cơ chế hoàn mỹ nhất và chuẩn tắc duy nhất cho sự tồn tại khách quan của vạn vật trong thiên địa, cho nên vào thời Tiên Tần, Đạo cũng được gọi là “Thái nhất”. Pháp gia là lấy nhân pháp thay thế Thiên Đạo, nên cũng nhất định đưa nhân pháp trở thành chuẩn tắc duy nhất của bách tính thiên hạ, cho nên thiên hạ không bao giờ cho phép xuất hiện hai nhân vật cùng nắm giữ nhân pháp, tất cả quyền lực trong thiên hạ nhất định phải tuyệt đối tập trung trong tay một người, đây là điểm cơ bản.

Sau khi nhân pháp hoàn toàn thay thế Thiên Đạo, sẽ phá hủy điểm cân bằng Đạo Đức nhân loại, phá vỡ tiêu chuẩn đo lường thiện ác thị phi của nhân loại, đồng thời lấy nhân pháp làm điểm cân bằng Đạo Đức và tiêu chuẩn đúng sai mới, để kiến lập nên một loại xã hội biến dị mới lấy người thay Trời. Như vậy dẫn đến kết quả trực tiếp nhất chính là Đạo Đức nhân loại bị phá hủy triệt để, dẫn đến thiên tượng âm dương đảo chiều.

Pháp gia hoàn toàn là trộm dùng tư tưởng của Đạo gia, nhưng nó triệt để bóp méo và đảo ngược tư tưởng của Đạo gia. Cơ chế cốt lõi trị quốc của Đạo gia là Thiên Đạo; cơ chế cốt lõi trị quốc của Pháp gia là nhân pháp. Mục đích cuối cùng của trị quốc của Đạo gia là làm cho thiên hạ trở về với Đại Đạo, dưới tác dụng của cơ chế tự động và hoàn mỹ này, nó tự động vận hành, vận hành theo chính bản tính của mình, đạt tới vô vi nhi trị. Còn mục đích trị quốc cuối cùng của Pháp gia, là khiến cho nhân pháp cuối cùng thay cho Thiên Đạo, trở thành pháp luật duy nhất của thiên hạ, đồng thời dưới tác dụng của thế lực, khiến thiên hạ hoàn toàn khuất phục theo nhân pháp, dưới sự khống chế của nhân pháp, tự mình vận hành một cách máy móc cũng đạt tới cái gọi là “vô vi nhi trị”.

Vô vi nhi trị của Đạo gia là thoát khỏi tất cả những thủ đoạn can nhiễu từ bên ngoài, làm cho thiên hạ ở trong Đạo mà tự động đạt tới trạng thái hài hòa hoàn mỹ nhất, vạn vật trong tự nhiên cùng sinh cùng tồn, Thiên Địa bách tính đạt tới hạnh phúc mỹ mãn. Vô vi nhi trị của Pháp gia là hoàn toàn dựa vào thủ đoạn của con người, lấy nhân pháp thay Thiên Đạo, thông qua việc phá hủy Đạo Đức của nhân loại, thao túng dục vọng nhân loại mà đạt mục đích khống chế nhân loại, từ đó kiến lập nền quân chủ chuyên chế, tập trung quyền lực cao độ, biến bách tính trong thiên hạ thành công cụ nô dịch hoặc bộ máy chiến tranh của nhà vua.

Đạo gia trị quốc là quay trở về (bản tính tiên thiên), thông qua không ngừng tiêu giảm tư tâm dục vọng của bách tính, thanh trừ ô nhiễm hậu thiên, làm cho thiên hạ trở về trạng thái tiên thiên thuần chân vô tà, không dùng bất kỳ thủ đoạn cưỡng chế nào của con người, hoàn toàn thuận theo bản tính tiên thiên của sinh mệnh, nhờ vào sức mạnh tự nhiên của Thiên Đạo mà đạt được. Phương hướng trị quốc của Pháp gia là hoàn toàn ngược lại với Đạo gia, nó hoàn toàn dựa vào các thủ đoạn như cường quyền, bạo lực, quyền thuật và lợi ích để cám dỗ, thông qua khuếch trương, phóng túng ma tính và dục vọng của nhân loại, để hoàn toàn kiểm soát dục vọng của nhân loại mà đạt mục đích chi phối thiên hạ.

Do cơ điểm của Pháp gia là cực đoan và tà ác, nên nó hoàn toàn không có trí huệ, cho dù tư tưởng của nó sao chép nguyên xi của Đạo gia, nhưng ngay tầng vỏ ngoài của Đạo Gia nó cũng không đạt tới, mà hoàn toàn là bóp méo, đảo ngược, đi ngược với Đạo gia. Giống như ví dụ ở các phần trước: Nếu Đạo gia là đứa trẻ thuần chân vô tà, nó có thể mông trần chạy khắp nơi; kết quả Pháp gia sao chép nguyên xi Đạo Gia, là kẻ thành niên thân đầy thú dục, để mông trần mà tà dâm khắp đường phố, đẩy nhân gian sa đọa trở thành đất nước của cầm thú.

Thủ đoạn trị quốc của ĐCSTQ, đa số có nguồn gốc từ Pháp gia, nó kế thừa bộ phận bại hoại và tà ác nhất của Pháp gia, thành thục áp dụng trong thực tiễn lịch sử, ứng dụng cho ngày nay. Chẳng qua Pháp gia là một mình ông vua nắm trong tay toàn bộ quyền lực trong thiên hạ, và đảng cộng sản là một đảng độc quyền nắm tất cả quyền thế trong thiên hạ. Pháp gia lấy nhân pháp thay thế Thiên Đạo, thay thế tiêu chuẩn Đạo Đức của nhân loại; ĐCSTQ trực tiếp dùng vô thần luận tuyệt diệt tín ngưỡng của nhân loại đối với Thần linh Thiên địa, lấy “lý luận đảng cộng sản” thay thế Thiên Đạo, lấy đảng tính thay cho nhân tính, và làm tiêu chuẩn cho Đạo Đức nhân loại. Cơ điểm của Pháp gia là ác tính và ma tính; cơ điểm của ĐCSTQ là thù hận và đấu tranh. Chúng thông qua thủ đoạn, mánh khóe, tạo ra sợ hãi, thông qua dục vọng để khống chế để đạt được mục đích nô dịch thiên hạ bách tính, khống chế từng cá nhân.

Pháp gia giống như chất gây nghiện, vì nó trực tiếp nhắm vào và thao khống những dục vọng và nỗi sợ hãi của nhân loại, nên nó tạo hiệu quả tức thì. Những đặc điểm này làm Pháp gia khởi tác dụng như ma túy, thuốc kích thích, sau khi uống vào làm cho tinh thần người ta bị kích phát phấn chấn cực độ, sinh ra lực bật siêu thường, nhưng sau đó thì tổn hại đối với tinh thần và thể xác là không thể đo đếm được. Pháp gia có thể tăng sức mạnh quốc gia trong thời gian ngắn, nhưng cuối cùng sẽ hủy diệt tất cả.

Do vậy trong lịch sử, trừ triều Tần trọng dụng Pháp gia ra, bất kỳ thời nào sau đó đều không trọng dụng Pháp gia, đều dùng mô hình trị quốc trong Đạo ngoài Nho, lấy Thiên Đạo làm cốt lõi, đây cũng là huyết mạch chính trong văn hóa Thần truyền của dân tộc Trung Hoa, là cái gốc tồn tại của Trung Quốc. Ngay việc dùng Pháp gia của triều Tần, cũng không dùng toàn bộ, mà chỉ chọn lấy một bộ phận, sử dụng đồng thời với các phương thức trị quốc khác. Bản thân Tần Thủy Hoàng chính là một người tu Đạo, là tuân theo Thiên Đạo, chỉ là vào một thời kỳ đặc biệt mà mượn dùng Pháp gia.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/242738



Ngày đăng: 24-01-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.