Đại Đạo trị quốc (4): Đạo Bá Vương



Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

4. Đạo Bá Vương

Sau thời Ngũ Đế, Đại Vũ đã sáng lập triều Hạ, chế độ triều đại “gia thiên hạ” (chế độ độc chiếm thiên hạ) đã thay thế cho chế độ thiện nhượng (nhường ngôi), lịch sử Trung Hoa bước vào thời kỳ Tam Đại Hạ – Thương – Chu. Đồng thời dân tộc Trung Hoa cũng chuyển từ thời kỳ Đế Đạo trị quốc sang thời kỳ Vương Đạo trị quốc, từ thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế sang thời kỳ Tam Vương Ngũ Bá.

Trong “Lễ – Hiệu Thụy Ký” viết: người sáng lập triều Hạ là Đại Vũ, người sáng lập triều Thương là Thương Thang, người sáng lập triều Chu là Chu Vũ Vương, gọi là Tam Vương.

Trước tiên chúng ta hãy xem hàm nghĩa của chữ 王 (Vương):

“Thuyết Văn giải tự” viết: “Người khiến bách tính trong thiên hạ đua nhau tới quy thuận thì gọi là Vương”. Khổng Tử và Đổng Trọng Thư nói: “Chữ Vương (王) là một nét sổ xuyên suốt ba nét ngang tạo thành, ba nét ngang tượng trưng cho Tam Tài là Thiên Địa Nhân, nghĩa là người có thể thấu suốt được Tam Tài: Trời, Đất, Người thì gọi là Vương (王)”.

“Quản Tử – Chân Pháp Thiên” viết: Người thông hiểu “Đức” gọi là Vương.

Trong “Lễ Ký – Thụy Pháp” viết rằng: Người nhân nghĩa thì mới gọi là Vương.

Đến thời kỳ Vương Đạo trị quốc, nhân tâm đã biến đổi trở nên càng phức tạp và dơ bẩn hơn, thiên hạ càng chệch khỏi Đại Đạo. Vương bèn quán thông Thiên, Địa, Nhân, định ra chế độ lễ nhạc để quy chính hành vi của nhân loại, để giáo hóa thiên hạ, thúc đẩy phổ biến nhân nghĩa ra khắp thiên hạ, vì thế thiên hạ đua nhau tới quy phục.

“Thái Bình Kinh” viết: Đế tham ngộ ra trí huệ của Đạo trong Trời Đất, khiến thiên hạ trở về cân bằng hài hòa, tránh xa hung hiểm, cho nên gọi là Đế. Vương thực hiện nhân nghĩa, khiến người dân, vạn vật quy thuận ông mà không bị tổn hại, cho nên gọi là Vương.

Thời kỳ Đế trị, nhân loại đã đi chệch hướng khỏi Đại Đạo, nhưng vẫn chưa quá xa, do đó Đế từ trong thiên địa vạn vật mà ngộ Đạo, phát hiện ra cơ chế duy trì sự cân bằng hài hòa của trời đất vạn vật, từ đó kiến lập đức, khiến trời đất vạn vật trở về với sự hài hòa. Đến thời kỳ Vương trị, nhân loại đã lệch khỏi Đại Đạo quá xa rồi, không thể nào đạt được chuẩn mực của Đạo nữa, Vương bèn dựa theo đạo đức, dùng biện pháp lễ nhạc để quy phạm lời nói hành vi của bách tính trong thiên hạ, để đạt được tiêu chuẩn nhân nghĩa, khiến thiên hạ duy trì được trạng thái tương đối hài hòa, khiến người dân và vạn vật quy thuận ông mà không bị tổn hại.

Đến thời kỳ Xuân Thu, triều đình nhà Chu suy tàn, Vương Đạo suy yếu, đạo đức, nhân tâm bại hoại, đến mức lễ nhạc băng hoại, các chư hầu trong thiên hạ liền đua nhau xưng bá, Bá Đạo thừa cơ sinh ra.

“Xuân Thu” viết: Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Tống Tương Công, Sở Trang Vương được gọi là Ngũ Bá.

“Quản Tử – Chân Pháp Thiên” viết: Người dùng biện pháp vũ lực khiến thiên hạ sợ uy quy phục để đạt mục đích thì được gọi là Bá.

Mạnh Tử nói: Dựa vào vũ lực, giả danh nhân nghĩa để thiên hạ quy phục thì gọi là Bá, muốn xưng Bá thì nhất định phải dựa vào quốc lực lớn mạnh; người dựa vào đạo đức, thực hiện nhân nghĩa khiến lòng người trong thiên hạ quy phục được gọi là Vương, muốn xưng Vương không cần phải dựa vào quốc lực lớn mạnh. Thương Thang chỉ dựa vào đất đai 70 dặm và dùng nhân nghĩa thần phục thiên hạ, kiến lập triều Thương. Văn Vương cũng chỉ dựa vào đất đai 100 dặm mà khiến lòng người thiên hạ quy thuận, sáng lập ra cơ nghiệp nhà Chu. Dựa vào vũ lực không thể nào khiến người ta thực lòng phục tùng, mà chỉ khiến người ta nhất thời phục tùng do không dám chống lại cường bạo; dựa vào nhân nghĩa đạo đức thì mới có thể khiến mọi người vui vẻ tâm phục khẩu phục.

Những lời của Mạnh Tử đã phân biệt rất rõ ràng Vương Đạo và Bá Đạo. Đến thời kỳ Bá Đạo, phương thức trị quốc đã thay đổi từ việc quy thuận lòng người thông qua giáo hóa nhân nghĩa sang biện pháp vũ lực cưỡng chế buộc thiên hạ phải khuất phục.

“Tân Luận – Vương Bá Đệ Nhị” của Hoàn Đàm đời Đông Hán viết: Thời thượng cổ có Tam Hoàng, Ngũ Đế, sau đó lại có Tam Vương, Ngũ Bá, đây đều là những đại biểu của các bậc quân vương trong thiên hạ. Tam Hoàng dùng Đạo trị thế, Ngũ Đế dùng Đức giáo hóa vạn vật, Tam Vương thực thi nhân nghĩa, Ngũ Bá dựa vào mưu mẹo giảo hoạt. Người không sử dụng hình phạt, không có chế độ pháp lệnh mà khiến quốc gia thịnh trị thì được gọi là Hoàng; Người có chế độ pháp lệnh, nhưng không sử dụng hình phạt để trị vì quốc gia thì được gọi là Đế; Người thưởng thiện diệt ác, khiến chư hầu thiên hạ đều quy phục thì được gọi là Vương. Người dựa vào vũ lực, ký thệ ước với chư hầu, mượn danh (giả danh) tín nghĩa để dẹp yên thiên hạ thì được gọi là Bá. Vương nghĩa là quy về, có nghĩa là Vương dùng nhân nghĩa ban ân trạch cho thiên hạ, khiến lòng dân bách tính theo nhau quy về. Vương Đạo trị quốc, trước tiên vì bách tính mà trừ hại, khiến bách tính đời sống no đủ, sau đó dùng lễ nghĩa giáo hóa bách tính, dùng hình phạt để quy phục bách tính, để đạt được mục đích biểu dương cái thiện diệt trừ cái ác, khiến thiên hạ an lạc. Bá Đạo trị quốc, thích việc lớn hám công to, khiến quân chủ thì tôn quý còn thần dân thì hèn kém, đem toàn bộ quyền lực quốc gia tập trung vào trong tay một người là quân chủ, do một mình quân chủ ra mệnh lệnh, quyền sinh quyền sát trong tay, sau đó dựa vào uy thế cường quyền khiến pháp lệnh được thi hành, thưởng phạt tất nhiên phải giữ chữ tín, khiến mọi quan lại trong thiên hạ đều bị chỉnh trị… Nghe nói trong các đệ tử Khổng môn, ngay đứa trẻ cao 5 thước (khoảng 1,52 m) cũng không thèm nói đến chuyện Ngũ Bá, bởi xấu hổ vì họ đã làm trái với nhân nghĩa và tôn sùng quyền mưu gian trá”.

Hoàn Đàm đã luận bàn khá đầy đủ về những đặc điểm của quá trình trị quốc trong lịch sử Trung Hoa, bắt đầu từ Tam Hoàng đến kết thúc triều Chu, quá trình trị quốc trong lịch sử Trung Hoa đã trải qua bốn thời kỳ là Hoàng Đạo, Đế Đạo, Vương Đạo và Bá Đạo. Trong toàn bộ quá trình này, chúng ta có thể phát hiện ra một quy luật: sự phát triển của quá trình trị quốc của Trung Hoa và sự suy thoái nhân tâm trong xã hội là đồng bộ với nhau. Cũng có thể nói, tầng thứ đạo đức nhân tâm xã hội quyết định phương thức trị quốc và hình thái xã hội, đây chính là vấn đề cốt lõi.

Đến cuối thời Chiến Quốc, nước Tần xưng Bá. Năm 221 TCN Tần Thủy Hoàng bình định sáu nước kiến lập triều Tần. Ông thống nhất chữ viết và đơn vị đo lường, bãi bỏ chế độ phân phong, thực hiện chế độ quận huyện, xây dựng vương triều thống nhất trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Tần Thủy Hoàng được gọi là “Tổ Long”, ông lần đầu tiên sử dụng kết hợp hai từ “Hoàng” và “Đế”, sáng tạo ra danh hiệu tôn quý “Hoàng Đế”, mở đầu cơ nghiệp ngàn thu cho sự phát triển tiếp nối của các triều đại về sau.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/242718



Ngày đăng: 23-05-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.