Đại Đạo trị quốc (2): Đế Đạo lập đức
Tác giả: Lý Đạo Chân
[ChanhKien.org]
2. Đế Đạo lập đức
Sau này, thuận theo văn minh xã hội phát triển, đời sống vật chất phong phú, đạo đức con người bắt đầu thoái hóa, tâm hồn không còn thuần chân, bị đủ loại tư tâm dục vọng lấp kín làm ô nhiễm, bắt đầu trở nên thông minh, giảo hoạt, tranh đấu lẫn nhau. Cứ như vậy, con người dần dần sản sinh ra giãn cách với Đại Đạo của tự nhiên, ngày càng rời xa Thần, Thần lực dần dần tiêu mất, môi trường tự nhiên cũng thuận theo đó mà ngày càng xấu đi, con người bắt đầu trở thành kẻ địch với tự nhiên vạn vật, đề phòng và làm hại lẫn nhau, trạng thái sinh tồn dần trở nên thống khổ và khó khăn.
Kết quả là, Hoàng Đạo từ từ suy tàn trong lịch sử. “Lạc Thư” viết: “Sau khi Hoàng Đạo khuyết thiếu, suy tàn, Đế Đạo bắt đầu hưng khởi.”
Vậy là dân tộc Trung Hoa đã bước qua thời kỳ Tam Hoàng lâu dài và tiến nhập vào giai đoạn đầu của thời kỳ Ngũ Đế năm nghìn năm văn minh. Thời kỳ Ngũ Đế là giai đoạn của chu kỳ văn minh Trung Hoa lần này, vốn khởi thủy từ Hoàng Đế. Thực ra “thời kỳ Ngũ Đế” không có nghĩa là thời kỳ chỉ có năm vị đế vương đản sinh, mà là thời kỳ lấy năm vị đế vương này làm đại biểu, từ Hoàng Đế là thủy tổ cho đến Thuấn Đế là kết thúc, khoảng cách thời gian ước chừng gần một ngàn năm. Ví như Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Khốc, Nghiêu, Thuấn,…đều là các vị đế vương trong thời kỳ Ngũ Đế.
“Thuyết Văn Giải Tự” viết: “Đế” (帝) cũng đồng nghĩa với “Đế” (諦), đều có hàm ý chỉ khả năng hiểu thấu chân lý của vạn vật thế gian, là danh hiệu chỉ vị quân vương cai quản thiên địa. (7)
“Quan tử – Chân Pháp Thiên” cũng viết: Người có thể nhìn thấu, thể ngộ ra chân lý của thiên đạo gọi là “Đế” (8)
“Lễ ký – Thụy Pháp” viết: Người noi theo đạo của thiên địa mà kiến lập được “đức” rộng lớn khắp thiên địa thì gọi là “Đế” . (9)
“Thượng Thư Đại Truyện” viết: Đế, noi theo thiên đạo mà kiến lập đạo đức, thiết lập hình pháp… (10)
Căn cứ theo những ghi chép trên, ta có thể biết được rằng: Người hiểu thấu thiên địa vạn vật, tham ngộ ra đại Đạo từ trong thiên địa vạn vật, lại tuân theo đại Đạo mà kiến lập “đức”, lấy “đức” giáo hóa bách tính trong thiên hạ, được gọi là “Đế”.
Thời kỳ Tam Hoàng, nhân loại ở trong trạng thái thuần chân ngây thơ tiên thiên, không thụ nhận bất kỳ ô nhiễm nào. “Hoàng” trực tiếp triển hiện rõ thiên đạo để khai hóa mông muội, khiến nhân loại sơ kỳ với tâm hồn thuần chân, đơn giản, ở trong đạo tự nhiên thuận theo tính cách mà làm các việc, thi hành “vô vi mà trị” (dùng vô vi để cai trị), thiên hạ vận hành trong đạo.
Trong tiến trình phát triển lâu dài của xã hội, tâm trí con người dần dần không còn thuần chân, bị ô nhiễm bởi các loại tư tâm dục vọng, bắt đầu lừa dối, tranh đấu lẫn nhau, trong xã hội cũng tương ứng xuất hiện những thảm họa như phạm tội, chiến tranh,… Lúc này, con người đã rời xa đại đạo, (vậy nên) không thể để cho bách tính tự nhiên thuận theo tính cách mà làm các việc, tất phải kiến lập “đức”, quy phạm ngôn hành của bách tính trong thiên hạ để dẫn dắt bách tính một lần nữa quay về tiêu chuẩn của “Đạo”.
Lúc này, “Đế” liền ứng vận mà sinh. Họ hiểu thấu thiên địa vạn vật, từ trong thiên địa vạn vật mà tham ngộ được đại Đạo, từ đó kiến lập “đức”, dùng “đức” để quy phạm ngôn hành của bách tính trong thiên hạ, dẫn dắt bách tính quay về trong “Đạo”, lấy việc đạt tới “vô vi mà trị” làm mục tiêu cuối cùng. Đây chính là điều mà Lão Tử nói: “Thất đạo nhi hậu đức” (mất Đạo rồi thì còn có “đức”)
Vậy “Đạo” và “đức” khác nhau ở chỗ nào?
Nói một cách chính xác, đức là chuẩn tắc được kiến lập dựa trên Đạo. Toàn bộ những gì được biểu đạt trong cuốn vô tự thiên thư (thiên thư không có chữ) “Chu Dịch” thần bí của Trung Quốc cổ đại, thực chất chính một loại quan hệ đối ứng: Biến hóa thiên tượng đối ứng mà dẫn khởi biến hóa nhân gian. Đồng thời “Chu Dịch” còn triển hiện toàn bộ quá trình sinh thành đức đối ứng với sự vận hành của Thiên đạo: “Càn đạo sinh khôn đức, thuận chi giả cát, nghịch chi giả hung.” (Đạo của Trời sinh ra đức của Đất; người thuận theo đó thì tốt lành, thuận lợi; kẻ đi ngược lại thì bất hạnh, nguy hiểm)
Lý luận trúc trắc có thể khó lý giải, sau đây xin lấy một sự việc đơn giản ra làm ví dụ để bàn luận:
Vào lúc con người còn thuần chân không chút tà niệm, con người về cơ bản không hiểu “lừa dối” là “vật gì”, không có bất kỳ suy nghĩ trù tính và thông minh khéo léo nào, lời hễ nói ra là tin được, thiên hạ không có lừa gạt. Trong tâm của con người thời kỳ này cơ bản không có khái niệm “thành tín”, bởi vì không có “lừa dối” nên nói chuyện “thành tín” với con người thời kỳ này hoàn toàn là thừa. Nó giống nhưng một đứa trẻ ngây thơ không chút tà niệm, cơ bản không hiểu lừa dối, vậy nên nói chuyện “thành tín” với nó ngược lại sẽ làm ô nhiễm tâm hồn nó. Đây chính là Đạo, quay trở về trạng thái tiên thiên thuần chân nhất của sinh mệnh, hết thảy chỉ là “tự nhiên thuận theo tính cách mà làm các việc”. Lúc này “Đạo” là vô hình, bởi vì thiên hạ đều hành trong Đạo nên không ai cảm giác được sự tồn tại của “Đạo”, Đạo là cơ chế duy trì sự vận hành hài hòa tự nhiên của vạn vật trong trời đất.
Thuận theo sự phát triển của nhân loại, tâm trí con người dần dần không còn thuần chân nữa, bị ô nhiễm bởi các loại tư tâm dục vọng, từ đó sinh ra suy nghĩ trù tính và thông minh khéo léo, xuất hiện lừa dối, đấu tranh,… Lúc này, thiên hạ đã lệch rời khỏi “Đạo”, sự cân bằng hài hòa trong thiên hạ bị phá vỡ, các sinh mệnh bắt đầu làm hại lẫn nhau dẫn đến đủ loại thống khổ và tai họa. Muốn đưa thiên hạ một lần nữa quay về trạng thái mỹ hảo hài hòa, tất phải khiến sinh mệnh quay về với “Đạo”. Vậy nên cần một sinh mệnh đại trí huệ có thể tham ngộ ra Đạo trong thiên địa vạn vật, tham ngộ ra bộ cơ chế khiến thiên địa vạn vật duy trì được sự mỹ hảo và hài hòa, từ đó khiến “Đạo” hiện hình, kiến lập tiêu chuẩn tham chiếu, khiến sinh mệnh hồi quy. Tiêu chuẩn tham chiếu được kiến lập này đó là “đức”, và sinh mệnh đại trí huệ tham ngộ ra “Đạo” từ thiên địa vạn vật chính là “Đế”.
Ví như: Khi sinh mệnh lệch rời Đạo, sau khi sản sinh ra lừa dối và phá tan xã hội hài hòa vốn có, lúc này liền sinh ra một loại “đức” tương ứng là “thành tín”, để uốn nắn lại sự thiên lệch của sinh mệnh, khiến sinh mệnh có thể quay về với Đạo, “đức” cứ như vậy từ từ được kiến lập nên.
“Đức” là tiêu chuẩn được kiến lập dựa trên “đạo”, cũng có thể coi là một hiện loại hiện hình của “Đạo” ở nhân gian. Khi vạn vật trong thiên hạ đều vận hành trong Đạo, thì không tồn tại khái niệm “đức” này, khi ấy “Đạo” hoàn toàn vô hình. Sau khi sinh mệnh lệch rời khỏi Đạo, hòa hợp tự nhiên bị phá hỏng, mới có tham chiếu và so sánh, thuận theo đó mà người ta cảm giác thấy Đạo. Giống như không có “thượng” làm tham khảo, đối chiếu thì không cách nào kiến lập được khái niệm “hạ” vậy, hai thứ này cùng tồn tại như một thể thống nhất.
Khi sinh mệnh đã lệch rời khỏi Đạo, phá vỡ sự hài hòa vốn có, đã có được so sánh và tham khảo, lúc này “Đạo” mới có thể theo đó mà “hiện hình”, “Đế” liền từ thiên địa vạn vật tham ngộ ra bộ cơ chế hài hòa hoàn hảo này, từ đó kiến lập tiêu chuẩn, khiến sinh mệnh quay về với hài hòa, đây chính là “đức”. Vậy nên khi sinh mệnh rời xa khỏi Đạo, khi sinh ra “lừa dối”, liền kiến lập “thành tín”; sinh ra “ác”, liền kiến lập “thiện”; sinh ra “đấu tranh” liền kiến lập “khiêm nhường”,…
Khi sinh mệnh còn thuần chân không chút tà niệm, hết thảy đều “tự nhiên thuận theo tính cách mà làm các việc”, hành trong Đạo, thiên hạ hoàn mỹ hài hòa, thì cơ bản không cần dùng “đức” để quy phạm ngôn hành, làm thế là thừa. Đây là “Hoàng” Đạo, cũng là cảnh giới cuối cùng mà Khổng Tử nói đến trong những năm cuối đời: “tòng tâm sở dục nhi bất du củ” (muốn làm gì thì làm nấy, mà vẫn không vượt ra ngoài phép tắc)
“Tòng tâm sở dục nhi bất du củ”, thực ra sau khi quay về trong Đạo rồi, hết thảy sẽ tự nhiên thuận theo bản tính mà làm các việc. Đây là quá trình Khổng Tử trải qua một đời đúc kết, không ngừng tu đức, cuối cùng quay về với Đạo; đây đã nói rõ lên rằng Nho gia khi đến đỉnh điểm, liền quy về Đạo gia; khi “đức” đã hoàn bị (hoàn mỹ) và đạt đến vô hình, tự nhiên sẽ quy nhập về “Đạo”.
Đế thông qua ngộ Đạo mà lập đức, dẫn dắt bách tính trong thiên hạ quay về với tiêu chuẩn của Đạo, cuối cùng thực hiện được “vô vi mà trị”, đây là “vô vi mà trị” hậu thiên, có chỗ khác biệt với “vô vi mà trị” của thời kỳ Hoàng Đạo.
Theo các ghi chép lịch sử, trong thời kỳ Ngũ Đế, vị đế vương cuối cùng tiếp cận được “vô vi mà trị” là Nghiêu Đế.
Tương truyền vào cuối thời kỳ Nghiêu Đế tại vị, thiên hạ được trị lý vô cùng tốt. “Cao Sỹ Truyện” có ghi chép: Thời Nghiêu Đế, thiên hạ thái bình, hài hòa, cuộc sống bách tính thong dong tự tại, vô ưu vô lo, người già trẻ nhỏ vui vẻ tự lạc, thiên hạ khắp nơi đều là tiên cảnh chốn nhân gian. Có một lão nhân 80 tuổi, vừa cuốc đất vừa hát bên bờ ruộng, thong thả tự lạc. Nhìn thấy dáng vẻ vui vẻ vô ưu của lão, người đi đường cảm thán: “Đây đều là thịnh đức của Nghiêu Đế ban cho!” lão nhân nghe được bèn hát to: “Mặt trời lên thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ, đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn, nào có chuyện đức của Đế ban cho ta.
Đây chính là bài “Kích nhưỡng ca” nổi tiếng trong lịch sử, miêu tả cảnh tượng tuyệt mỹ tựa bồng lai tiên cảnh thời Nghiêu Đế, ý cảnh xa xưa, sâu sắc, họa cảnh an tường mộc mạc. Đây cũng là sự thể hiện hồn nhiên của phong tục dân gian, đức tính dân gian sau khi Nghiêu Đế cai trị thiên hạ, hết thảy thuận theo tự nhiên, như thể đế vương căn bản không hề tồn tại.
(6) “Lạc Thư” viết: “Hoàng đạo khuyết cố đế giả hưng” (7) “Thuyết văn giải tự” viết: “Đế, đế dã, vương thiên hạ chi hiệu dã.” (8) “Quản tử-Chân Pháp Thiên” viết: “Sát đạo giả đế” (9) “Lễ ký-Thụy Pháp” viết: “Đức tượng thiên địa xưng đế” (10) “Thượng thư đại truyện” viết: “Thiên lập Ngũ Đế dĩ vi tương, tứ thời thi sinh, pháp độ minh sát, xuân hạ khương thưởng, thu đông hình, đế giả nhậm đức thiết hình, dĩ tắc tượng chi, ngôn kì năng hành thiên đạo, cử thác thẩm đế dã”
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/242716
Ngày đăng: 26-03-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.