Tác giả: Lưu Hiểu
[ChanhKien.org]
Phần trước nói đến Tôn tiên sinh đêm đó đi ngủ và nguyên thần xuất ra đến miếu Thành Hoàng, ông nhìn thấy sổ sách chất đống như núi, bên tai còn nghe thấy Phán quan đang kêu tên mình, bảo ông đối chiếu bản danh sách. Thế nên Tôn tiên sinh đã mở danh sách, cẩn thận kiểm tra. Phía trên viết đều là nơi nào đó người nào đó, đã làm loại việc ác gì, phải gặp thảm họa, sẽ gặp nạn ngày tháng năm nào và ở đâu, chết theo cách nào. Trong đó, đại đa số người chết là do nước, lửa và đói. Trong số đó còn có người đã được điều tra rõ và được báo cáo thoát khỏi thảm họa. Số đó đều được khoanh tròn màu đỏ, và ghi rõ là vì đã làm loại việc tốt nào, có thiện tâm nào mà được miễn trừ, v.v..
Trong khi Tôn tiên sinh đang kiểm tra, ông đột nhiên nhìn thấy các vị Thần Thổ Địa đến tấu sự và trình lên bản danh sách tương ứng. Thần Thành Hoàng xem từng cái một và phê thị, sau khi ngài hỏi họ nhiều lần, các Thần Thổ Địa tản ra.
Thần Thành Hoàng nói với Tôn tiên sinh: “Đại thảm họa lần này không liên quan gì với vận mệnh quốc gia, kỳ thực là vì bách tính ở trần thế gây nghiệp chướng quá nặng, vì vậy Ma Vương hưng khởi đao binh để phản ứng, danh sách gặp nạn sớm đã lập xong. Bởi vì quan giám sát Phan công phụ trách phòng sách chung của Đông Nhạc Phủ tiếp quản giải quyết việc này, ông đặc biệt khẩn cầu xin Thiên Đế ‘võng khai nhất diện’ chừa cho thế nhân một tia hy vọng sống, giảm thảm họa hiện tại bớt ba phần mười, và hạ văn thư thông tri tới Thành Hoàng các nơi tra biện, nếu có người sửa sai phát thệ hướng thiện, đều có thể xóa tên người đó trong danh sách những người gặp thảm họa. Vì các điều khoản rất phức tạp, nên cần phải nhanh chóng hiệu chuẩn ghi tên vào sổ”.
Tôn tiên sinh hỏi: “Có phải Phan công là người Tô Châu không?” Thần Thành Hoàng bảo ông không cần phải hỏi quá nhiều. Thế là Tôn tiên sinh theo sổ sách kiểm tra đối chiếu không ngừng nghỉ suốt cả ngày lẫn đêm. Trong số đó, danh tính của những người quen rất nhiều, khó mà nhớ hết mọi thứ. Tuy nhiên, Tôn tiên sinh vẫn nhớ rõ một số sự việc của những người được gạch tên khỏi danh sách bị kiếp nạn.
Thần Thổ Địa phía Bắc thành Tô Châu bẩm báo rằng, trong khu vực quản lý của ông có một người tên là Trần Tam Khánh, kinh doanh cửa hàng thuốc lá. Ông ta là người đã từng không trân quý hạt cơm, không tôn trọng vàng mã, đã định trước là toàn gia đình chết cùng nhau trong thảm họa nước vào ngày 12 tháng Hai. May mắn thay, ông ấy là một người hiếu thảo, ông luôn nghĩ rằng tình hình hiện tại không tốt, làm thế nào để đưa gia đình đi lánh nạn. Do vậy, ông thường lo lắng bồn chồn. Trong tâm ông nghĩ gì thì Thần đều biết. Sau khi ông nghe mọi người lan truyền việc Phan công báo mộng tránh thảm họa, thì cả gia đình ông quyết định trai giới, và từ đó về sau đối với hạt cơm và vàng mã đều không dám khinh suất tùy tiện vứt bỏ. Ngoài ra, những chữ trên túi thuốc lá dễ dàng bị người khác giả mạo, vì vậy ông mời các đồng nghiệp của mình đến trước tượng Thần giao hẹn, dùng hai chữ làm biệt hiệu cửa hàng để sử dụng cho túi lớn, và dùng kiểu hoa văn để sử dụng cho túi nhỏ. Dường như vì ông phát tâm hướng thiện như thế, ông lại là người có tâm hiếu thảo, nên Thần Thành Hoàng đã phê chuẩn cho ông được miễn trừ thảm họa, và cho phép Thần Thổ Địa vào ngày 10 tháng Hai đến báo mộng cho gia đình ông, bảo họ đến ngoài cổng Thương Ba tránh nạn.
Thần Thổ Địa cổng Thủy Tây bẩm báo rằng, ở khu vực nơi ông quản lý có một người tên Trương An Trai, từng làm thư lại trong quan phủ, tâm địa hiểm ác, sủng nịnh thê tử. Nhưng gần đây, Trương An Trai cảm động từ chuyện báo mộng của Phan công, đã đưa con trai Thiên Phúc đến phát thệ trước miếu Quan Công, rằng ông ta sẽ tự chi tiền in và gửi một ngàn bản của “Công môn tu hành lục”, đồng thời làm nhiều việc thiện và không bao giờ sát sinh. Ông cũng khuyên nhủ hai gia đình họ hàng cùng nhau phát nguyện. Chỉ là thê tử Lâm thị của ông ta luôn thích những món ăn ngon, không chịu giới sát (cấm sát sinh), cô ta thường bắt ép con trai ăn cua cá cùng mình. Thần Thành Hoàng phán Thần Tuần Tra hóa thành ông lão vào ngày 13 tháng Hai sẽ dẫn cha con Trương An Trai ra khỏi thành, tới núi Thê Hà tránh nạn. Hai gia đình bà con nghe theo khuyên giải của Trương An Trai, thì sẽ đợi sau khi Thần Thổ Địa nơi ấy báo cáo lên rồi mới quyết định. Còn vợ của ông ta không biết hối cải, nên an bài Thần Tuần Tra khiến cô ta đi lại khó khăn, không muốn đi bộ, và bị giết chết khi đang quanh quẩn trong thành.
Trần Tam Khánh là người thân của Tôn tiên sinh, Trương An Trai là bằng hữu của ông. Ông âm thầm vui mừng cho hai gia đình có thể may mắn tránh khỏi nạn.
Đến ngày thứ tư, Tôn tiên sinh đến miếu Thành Hoàng, dựa vào bẩm báo của các vị Thần Thổ Địa ở các nơi, Thần Thành Hoàng đã miễn trừ kiếp nạn cho gần một trăm gia đình trong thành. Họ đều được bảo hộ bởi các vị Thần Thổ Địa ở địa phương mình, hoặc là báo mộng hoặc là dẫn đường, để họ thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Sau đó Tôn tiên sinh lại nhìn thấy một sớ tấu, nói là có một vị mông sư (thầy dạy học) tên là Cao Kính ở dưới núi Thanh Lương. Ông đã mời 27 người cùng làm mông sư tập trung tại cung Văn Xương, cùng nhau phát thệ phải cải biến những hành vi trước đây như không dạy trẻ em đạo lý làm người, khiến học trò có nhận thức sai lầm, từ đây cần dạy trẻ học tập các đức tính hiếu đễ trung tín, để tích công đức cho bản thân. Mọi người biểu thị, nếu ai lười biếng thì người đó sẽ cam nguyện chịu trừng phạt. Bởi vì Tôn tiên sinh cũng là thầy dạy học, do đó ông đặc biệt chú ý trường hợp này. Thần Thổ Địa bẩm báo rằng, cung Văn Xương đã ghi lại tên của họ, sớm sẽ có dụ chỉ truyền đến thông báo việc này. Thần Thành Hoàng phê chỉ thị, đợi dụ chỉ của cung Văn Xương đến rồi sẽ an bài lại. Tôn tiên sinh nghĩ bụng, bản thân mình từ nay về sau cũng cần phải giảng dạy siêng năng hơn.
Tôn tiên sinh lại nhìn thấy tấu báo của Thần Thổ Địa ngoại thành và của chư Thần Tuần Tra, là những vị chuyên nói về thảm họa dịch bệnh. Có một gia đình là nhà bên ngoại của Tôn tiên sinh (gia đình của mẫu thân hoặc nhà mẹ đẻ của thê tử), một nhà là ông chủ cũ của ông, do đó ông nhớ rất rõ ràng.
Gia đình bên ngoại của ông sống tại làng Hạ Quan, từ trước đến nay cư xử vô cùng hung ác, không có tình người, đã từng dẫn dắt đám đông kết hội không nộp lương thực và nợ thuế. Nếu nhà nào nộp trước, họ sẽ phá nhà của người ấy. Thượng Thiên an bài cho Thần Âm Ti, tới tháng Bảy thì sẽ giáng bệnh dịch xuống. Vì tội cầm đầu không có một chút thiên lý và nhân tâm nên toàn gia đình sẽ chết do bệnh dịch. Trong đó có ba người không nguyện ý tham gia vào các khoản nợ thuế triều đình: một người họ Tiền, một người họ Chu và một người họ Vương. Tuy là nông dân nhưng họ đều nói rất có đạo lý. Họ nói: “Người sống trên đời, nhất định phải nói một số đạo lý. Chúng tôi không sợ bị phá nhà, nên quyết không chịu hợp tác”. Thần Thành Hoàng phê duyệt ba người này có tấm lòng tương đối hiếm thấy, do đó lệnh Thần Thổ Địa tại cổng của ba nhà này cắm riêng lá cờ nhỏ “bệnh dịch miễn vào”.
Còn có tại nơi ghềnh Yến Tử, Thần Thổ Địa nơi này bẩm báo rằng, hầu hết người dân địa phương nơi đó lấy việc giết bò, bắn chim, bắt lươn, bắt rùa làm nghề nghiệp, họ tạo tội nghiệp sát sinh nhưng nghĩ chuyện đó là bình thường. Thượng Thiên đã hạ lệnh giáng bệnh dịch xuống ở đây. Trong đó có một người tên là Tưởng Đại Pháp, anh ta chỉ thật thà làm ruộng, không muốn lấy việc sát sinh làm nghề nghiệp, thường khuyên nhủ mọi người. Nguyên nhân bệnh dịch cứ mãi chưa giáng xuống cũng là Thượng Thiên vì anh ta mà cảm động.
Có một phụ nữ khác tên là Chu Mai Thị, bà khuyên chồng không cần mãi nghĩ đến phát tài và đi theo người ta săn giết động vật, cho rằng của cải nhiều hoặc ít, có hoặc không có, trong số mệnh sớm đã định trước. Chồng của bà là Chu A Ngọc, được thê tử cảm hóa đã chuyển sang đi khuyên nhủ những người khác. Hai vợ chồng họ vốn phải chịu tai họa, nhưng vì tâm giữ được suy nghĩ này nên được miễn trừ.
Thần Thành Hoàng liền phê chỉ thị kéo dài tuổi thọ bốn năm cho Tưởng Đại Pháp, bảo Thần Thổ Địa cũng cắm lá cờ nhỏ “bệnh dịch miễn vào” tại Chu gia, và ban thưởng cho Chu A Ngọc, Chu Mai Thị sinh quý tử, đứa trẻ sau khi lớn sẽ làm quan ngũ phẩm.
Ngoài những người trên, nhiều người vì hành thiện và phát lời thề sẽ sửa sai cũng đã được miễn tai họa.
Đến ngày thứ bảy, Tôn tiên sinh lo lắng cho mẹ già, buổi tối hôm đó ông liền xin Thần Thành Hoàng quay về. Thần Thành Hoàng đồng ý và nói với ông: “Trước mắt, những gì nhìn thấy không được tiết lộ một câu, sau đại kiếp nạn mới có thể truyền lại”. Ngài lại dặn dò: “Sự tình ở đây lẽ ra không nên tiết lộ, nhưng kiếp nạn lần này quá nặng, không thể không cho mọi người biết một chút. Sau khi ngươi trở về, thì ngươi hãy đem những sự việc đã trải nghiệm ghi chép lại, và chuẩn bị rời khỏi thành càng sớm càng tốt. Thần Kim Giáp đã được an bài hộ tống các ngươi rồi”.
Lúc này, Tôn tiên sinh chỉ cảm thấy thân thể rất nặng, lại có chút nghe thấy giọng nói của người nhà, liền dần tỉnh lại. Ông lớn tiếng gọi mẫu thân. Lúc này, những người thân đang đau buồn, vây quanh ông đều vô cùng vui mừng. Ông lập tức lấy bút đem những việc trải qua trong bảy ngày mà viết ra và giữ kín nó.
Một ngày sau, cả gia đình ông rời khỏi thành đến nhà bà con ở Mạt Lăng Quan để tránh nạn. Sau khi quân đội Thái Bình tại Nam Kinh bị đánh hạ, Tôn tiên sinh mới đưa những ghi chép ra cho mọi người xem. Thế nhân lúc này mới hiểu rõ rằng mọi thứ đều có nhân quả, thiện ác hữu báo thật sự không phải chuyện đùa!