Dương Diên Chiêu truyền kỳ: Đại phá Thiên Môn Trận (3)
Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Dương Diên Chiêu truyền kỳ – Đại phá Thiên Môn Trận (Ảnh: Thanh Ngọc / The Epoch Times)
Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.
Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.
Câu chuyện Mộc Quế Anh đại phá Thiên Môn Trận có thể nói là nhà nhà đều biết. Trong tiểu thuyết Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa có ghi lại chuyện Lã Động Tân trong Bát Tiên tức giận với sư phụ của mình là Chung Ly Quyền nên đã làm chuyện phản nghịch giúp Liêu diệt Tống, xuống núi trợ giúp nước Liêu bày ra Thiên Môn Trận đã thất truyền từ lâu, mượn nó để tiêu diệt quân Tống. Mà Chung Ly Quyền sau khi trở về biết chuyện Lã Động Tân một mình xuống trần trợ Liêu diệt Tống, vì để ngăn cản ông ấy làm chuyện nghịch thiên mà gây nghiệp lớn, cũng đành phải hóa thân thành đạo sĩ vân du trợ giúp quân Tống phá Thiên Môn Trận. Nhưng trong truyền thuyết dân gian lại lưu truyền một câu chuyện khác với bản ghi lại trong cuốn Diễn Nghĩa.
(Tiếp theo kỳ trước)
Đại phá Thiên Môn Trận
Sau khi thất bại ở trận chủ Ngọc Hoàng Điện, Vương Lan Anh, Dương Diên Chiêu và Mộc Quế Anh dẫn các tướng sĩ một lượt đánh hạ hơn mười trận như Ngọc Nữ, Đồng Quang,… cũng thành công kêu gọi quân sĩ nước Hắc Thủy, Tây Hạ quay đầu hỗ trợ quân Tống. Tuy nhiên lúc này Tiêu Thái Hậu của nước Liêu đích thân tới trấn thủ, sĩ khí quân Liêu tăng vọt, hai quân Tống Liêu có thắng có bại, tình hình chiến trường rơi vào trạng thái kéo dài tới mấy tháng. Các tướng sĩ quân Tống vất vả suy nghĩ đối sách, trước sau vẫn khó có tiến triển.
Lúc này Dương Diên Chiêu nói với mọi người: “Thời xưa tổ tiên Hoàng Đế chiến đấu dài ngày với Xi Vưu mà không thể giành được chiến thắng, cho nên lui về Thái Sơn, ngày đêm thành tâm hướng trời cầu nguyện, cuối cùng cảm động thượng thiên phái Thần linh xuống trần trợ giúp. Mắt thấy thế khó trước mắt, chúng ta nên tự mình phản tỉnh cầu xin thượng thiên hỗ trợ, để dân chúng sớm ngày được miễn trừ nỗi khổ chiến tranh”. Các tướng sĩ nghe lệnh, cùng nhau trai giới tĩnh tọa, cầu xin thượng thiên phái Thần linh hỗ trợ. Mấy ngày trôi qua, một vị hòa thượng vân du tứ phương tới bái kiến Mộc Quế Anh.
Ông nói: “Lão nạp họ Chung tên Hán, nhà ở núi Bồng Lai, lấy việc hái thuốc để duy trì cuộc sống. Lần này nước Liêu dấy binh là do có yêu nhân tà phái khơi mào, thực sự khiến sinh linh đồ thán. Ta vì việc phá trận này nên tới đây. Đài chỉ huy của Ngọc Hoàng Điện là yếu điểm của Thiên Môn Trận, 49 thiên đăng và cờ hiệu là công cụ để thay đổi trận thế và điều động binh mã, nên phá hủy chúng trước. Trận chủ Ngọc Hoàng Điện và mười mấy trận khác có sự liên hệ với nhau. Đánh từng cái sẽ mất rất nhiều thời gian, tại sao không phá luôn cái ở trung tâm, các trận còn lại sẽ không thành vấn đề”. Dứt lời, ông lấy một viên tiên đan ra đưa cho Mộc Quế Anh.
Sau khi Mộc Quế Anh nhận tiên đan, quay đầu nhìn lại phát hiện vị hòa thượng kia đã biến mất không còn thấy đâu. Mộc Quế Anh biết đã gặp được Thần Tiên rồi, vội vàng quỳ xuống cảm tạ. Sau đó nàng uống viên tiên đan, lập tức cảm thấy thần khí sảng khoái, suy nghĩ rộng mở, vội vàng gọi các tướng sĩ tới để bàn bạc kế sách phá trận.
Trong hội nghị, nàng đề xuất kế hoạch chia mười vạn quân Tống thành mười lộ đại quân, chia nhau ra cùng tiến, một lần tấn công mà hạ được Thiên Môn Trận. Sau hội nghị lại mượn danh Vương Diêu làm một bức thư giả, phái thám tử đưa đến cho thống soái của quân Liêu là Hàn Xương, trong thư viết: “Quân cứu viện của Tống không ổn, chuẩn bị rút quân”.
Không lâu sau, thám tử ẩn náu trong doanh trại quân Liêu báo về: “Các trại trong Thiên Môn Trận rõ ràng đã nới lỏng, quân sĩ không có việc gì, Hàn Xương và quân sư Nhan Động Tân, Bạch Thiên Tổ đêm nào cũng uống rượu mua vui, lại còn gọi cả vũ nữ tới trợ hứng, tối ngày hát ca”. Mộc Quế Anh biết thời cơ tiến công đã tới, vì vậy đích thân dẫn theo mấy trăm thân binh từ Mộc Kha Trại vòng ra phía sau Cửu Long Cốc, thâm nhập vào hậu phương của địch, chuẩn bị trong ứng ngoài hợp, đoạt lấy đường lớn và các cứ điểm chỉ huy chính trong trận, lại còn chọn đúng lúc thả chim cắt để báo tin cho Dương Tông Bảo.
Ngày hôm sau Dương Tông Bảo nhận được thư từ chim cắt, vì vậy phân đại quân ra mười lộ tấn công. Lúc ấy, Hàn Xương và các tướng sĩ vẫn còn đang uống rượu thưởng nhạc, đột nhiên có quân sĩ tới bẩm báo: “Quân Tống chia quân làm mười lộ đang tiến tới, tình huống nguy cấp!”
Hàn Xương kinh sợ nói: “Sao có chuyện ấy! Bọn chúng chẳng phải chuẩn bị rút quân rồi sao?”
Chưa kịp lấy lại tinh thần thì bên ngoài doanh trại tiếng chém giết đã vang lên rung trời. Mộc Quế Anh đã phái người chiếm các cứ điểm. Đợi tới lúc Hàn Xương tập hợp các tướng sĩ ra trận thì lộ thứ nhất tới lộ thứ tám của quân Tống đã đánh vào trong trận, thành công cắt đứt các con đường quan trọng tương ứng. Hai tướng Tiêu Mạnh dẫn đầu tấn công đài chỉ huy của Ngọc Hoàng Điện, phá hủy các loại cờ xí chỉ huy. Dương Diên Chiêu liên tiếp lấy cung bắn hạ 49 cây thiên đăng. Quân Liêu không còn chỉ huy nên trận hình đại loạn. Hơn mười viên tướng Liêu cố gắng phá vây nhưng đều bị Vương Lan Anh, hai tướng Tiêu Mạnh và các tướng sĩ chém hạ. Mộc Quế Anh và Dương Ngũ Lang, Dương Diên Chiêu dẫn quân tấn công vào trung quân phá luôn mấy đài. Bạch Thiên Tổ muốn vãn hồi thế tàn, vội vàng thi triển chú pháp với Dương Diên Chiêu và Mộc Quế Anh. Hắn tưởng hai người này không có đạo hạnh, dễ bị chú pháp làm hại. Kết quả là chú pháp chưa xong đã gặp phản phệ, hậu quả lần này nặng nề hơn cả lần phản phệ trước, thất khiếu chảy máu ngã xuống, Bạch Thiên Tổ mất mạng tại trận. Lúc này bốn phía lửa cháy bốc lên. Hỏa tiễn quân của Hoàng Quỳnh Nữ và chủ tướng của nước Hắc Thủy là Thổ Kim Túc đồng loạt tấn công, phóng hỏa đốt cháy các trận, quân Liêu đại loạn.
Quân Tống tấn công thế như chẻ tre, sau khi Dương Tông Bảo hạ được trận chủ Ngọc Hoàng Điện, lập tức dùng hiệu lệnh báo các tướng sĩ theo kế hoạch tấn công các trận còn lại. Không lâu sau Mạnh Lương hạ trận Chu Tước, Tiêu Tán hạ trận Huyền Vũ, Dương Diên Chiêu và Hô Diên Tán hạ trận Trường Xà, Vương Lan Anh và Dương Bát Muội hạ trận Thất Cô Sơn, Dương Ngũ Lang hạ trận Tứ Môn Thiên Vương. Đại tướng quân Liêu là Da Luật Hưu Ca, Thổ Kim Ngưu, Thổ Kim Tú lần lượt chết trận. Da Luật Sa cùng đường tự vẫn.
Mắt thấy Thiên Môn trận bị phá cho chia năm xẻ bảy, cục diện thất bại dường như không thể tránh khỏi, Hàn Xương quay ra quân sư Nhan Động Tân cầu cứu. Nhan Động Tân vội vã tới đàn tế làm phép. Thoáng chốc không còn thấy ánh sáng mặt trời, đá bay cát chạy, tướng sĩ quân Tống không mở nổi mắt, khó có thể tiến bước. Mộc Quế Anh thấy thế, nhanh chóng lấy gỗ Hàng Long ra làm phép gọi gió lớn tới để đối kháng, nhưng dường như không có tác dụng. Nhan Động Tân cười lớn: “Phép này là tuyệt học bí truyền của ta, tuy hao tổn hơn một nửa tinh nguyên, nhưng tới lúc khẩn cấp thì phải dùng thôi”. Hàn Xương lại chỉ huy cho cung thủ chuẩn bị bắn vạn mũi tên về phía quân Tống, vãn hồi tình thế.
Đúng vào thời khắc nguy cấp, vị hòa thượng tự xưng là Chung Hán kia xuất hiện. Chỉ thấy ông ấy vung tay áo lên, thoáng chốc gió đổi chiều, trời đất sáng tỏ trở lại. Nhan Động Tân thấy tuyệt học của mình bị phá giải, kinh sợ tái mặt, vội vã thi triển phép thuật hóa thành một đạo kim quang chạy mất. Hàn Xương thấy quốc sư chạy trốn, vội vã trở lại hậu doanh báo cáo Tiêu Thái hậu rằng đại thế đã mất, các tướng chết quá nửa, còn Nhan quân sư đã chạy trốn. Tiêu Thái hậu bất đắc dĩ không còn cách nào, đành phải cùng mấy vị cận thần dưới sự hộ tống của Hàn Xương hốt hoảng bỏ chạy. Quân Tống lần lượt phá các trận còn lại, cuối cùng thu được toàn thắng.
Sau chiến tranh, quân Tống thu binh về lại doanh trại, dâng tấu lên triều đình xin ban thưởng cho hai nước có công trợ giúp là Tây Hạ và Hắc Thủy. Cuối cùng điểm danh lại các tướng sĩ, thì không thấy quản gia Mộc Qua và hai tướng Tiêu Mạnh đâu cả. Không lâu sau thì thấy bọn họ áp giải hai tù binh tới, một là quốc sư nước Liêu Nhan Động Tân, hai là công chúa Diên Thọ.
Thì ra sau khi Nhan Động Tân sử dụng yêu pháp chạy trốn thì bắt gặp Mộc Qua. Hắn thấy Mộc Qua võ công không mạnh, định dùng yêu thuật hạ sát ông, nhưng định ra tay thì phát hiện không có cách nào làm phép. Lúc ấy võ linh Dương Nghiệp xuất hiện, ông nói: “Nhan Động Tân, ngươi làm ác quá nhiều, đã chạy trốn còn muốn lạm sát người vô tội”. Sau đó liền phế bỏ yêu pháp của hắn ta, Nhan Động Tân vì thế mà bị Mộc Qua bắt lại. Còn công chúa Diên Thọ giấu mình trong đám loạn quân, trong khi chạy trốn thì bị hai tướng Tiêu Mạnh phát hiện ra, liền bắt sống nàng mang về doanh trại xử lý.
Bởi Nhan Động Tân vì tư lợi của bản thân mà khơi mào chiến tranh, hại vô số người, nên Mộc Quế Anh và các tướng sĩ nhất trí cho rằng tội hắn không thể tha, vì vậy đem hắn ra chém đầu trước dân chúng. Còn việc xử lý công chúa Diên Thọ lại có ý kiến bất đồng, lúc này Dương Bát muội xuất hiện vì muốn cầu xin cho công chúa mà nói: “Cô ấy là công chúa nước Liêu, nếu hành hình sẽ khiến hai nước oán hận càng sâu, cô ấy cũng không phải kẻ gian ác. Ngày trước muội một mình đi vào nước Liêu đã được cô ấy tiếp đãi nồng hậu, cũng vì vậy nên mới lấy lại được kim đao của phụ thân, cho nên xin mọi người xét xử nhẹ tay”. Cuối cùng Mộc Quế Anh và Dương Diên Chiêu cùng đồng ý thả nàng ấy về lại nước Liêu.
Sau chiến tranh, Dương gia tiến hành hôn lễ long trọng cho Mộc Quế Anh và Dương Tông Bảo. Hoàng đế Chân Tông cũng mở tiệc khao thưởng tướng lĩnh có công trong chiến trận. Ông cũng đặc biệt phong thưởng cho Dương gia, Dương Tông Bảo được phong làm Tiết Độ Sứ thống lĩnh cấm quân, phụ trách phòng thủ kinh thành; Dương Diên Chiêu được phong làm Tiết Độ Sứ kiêm Chiêu Thảo Sứ, nhưng theo ý nguyện của ông vẫn để ông về lại Tam Quan và Nhạn Môn Quan làm nhiệm vụ phòng thủ; Mộc Quế Anh và các nữ tướng Dương gia đều được phong làm nữ tướng quân. Nhạc Thắng, Mạnh Lương, Tiêu Tán và các tướng sĩ bên dưới đều theo quân công mà được phong làm các chức quan phụ trách huấn luyện và giám sát. Dương Ngũ Lang không muốn làm quan, vì vậy phong cho ông danh hiệu Hộ Quốc Thiện Sư.
Xà Thái Quân thỉnh cầu Dương Ngũ Lang ở lại với gia đình anh em, nhưng Dương Ngũ Lang không muốn hoàn tục, ông nói: “Xin mẫu thân tha thứ cho đứa con này không thể ở bên người báo hiếu. Con đã thề quy y cửa Phật, duyên trần đã hết, sau này tĩnh tâm tu hành để hoàn trả lại sát nghiệp mấy đời nay của Dương gia”. Thấy con đã quyết ý, Xà Thái Quân cũng không miễn cưỡng nữa, chỉ đành rưng rưng lệ từ biệt.
Trận chiến này cuối cùng kéo dài tới nửa năm, làm cho hai nước Tống Liêu thiệt hại hơn mười vạn người. Chiến dịch Thiên Môn Trận với quy mô lớn nhất ấy cũng đã đi đến hồi kết.
Tư liệu tham khảo:
“Dương gia tướng, (Mộc Quế Anh) truyền thuyết” – nhà xuất bản mỹ thuật nhiếp ảnh Bắc Kinh – xuất bản năm 2025 – Cao Tuyết Tùng chỉnh lý.
“Dương gia tướng ngoại truyện” – nhà xuất bản thiếu niên nhi đồng Hà Bắc – xuất bản năm 1986 – Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.
“Hà Bắc dân gian cố sự tập” – nhà xuất bản Viễn Lưu – xuất bản năm 1998 – Trần Khánh Hạo chủ biên.
Ngày đăng: 07-05-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.