Dương Diên Chiêu truyền kỳ: Ngũ Lang xuống núi phá quân Liêu (Phần thượng)



Tác giả: Ngưỡng Nhạc

[ChanhKien.org]

Dương Diên Chiêu truyền kỳ – Ngũ Lang xuống núi phá quân Liêu. Tranh minh họa: Thanh Ngọc/The Epoch Times

Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”. Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang. Ngũ Lang Dương Diên Đức là một trong những nhân vật mang sắc thái truyền kì nhiều nhất trong các tướng sĩ Dương gia. Trong số các huynh đệ thì năng lực hành quân bày trận của ông là nổi bật nhất, vậy nên khi ra trận, cha ông là Dương Nghiệp đều để ông làm vị trí phó soái. Truyền thuyết kể rằng sau chiến dịch bãi cát vàng, ông đến Ngũ Đài Sơn xuất gia làm hòa thượng, nhưng vẫn tổ chức tăng đoàn biết võ nghệ để bảo vệ dân chúng chống lại quân Liêu. Vì vậy triều đình phong cho ông làm Đại Đức Thiện Sư. Quá trình ông xuất gia lên núi tới khi dẫn quân chống Liêu, cũng lưu truyền lại một câu chuyện dài kỳ với nhiều tình tiết ẩn chứa trong đó…

Yêu tăng bày trận, quân Tống khổ chiến

Nước Liêu liên tục mấy năm liền tấn công Tam Quan, nhưng đều nhận phải thất bại. Vì thế Tiêu Thái Hậu cho phát thông báo khắp thiên hạ tìm dũng sĩ phá Tống. Lúc ấy có một tăng nhân tự xưng là Thổ Hành Tăng (tục danh là Bạch Thiên Tổ) đến tự tiến cử. Người này mày rậm mắt to, lưng hùm vai gấu, không chỉ có sức mạnh lớn vô cùng mà còn giỏi bày trận, sử dụng tà thuật yêu pháp. Thái hậu thấy hắn thể hiện bản sự xong rất vui mừng, phá cách phong cho hắn làm đại tướng quân nắm binh mã, còn nói nếu hắn có thể đánh bại Dương Diên Chiêu đoạt được Tam Quan, thì sẽ thưởng vạn quan vàng và phong cho hắn làm vương hầu.

Sau khi Thổ Hành Tăng nhận lệnh, đem theo năm vạn đại quân đến một thôn làng ở phía Bắc của Tam Quan lập trại. Hắn ta vẽ xong trận đồ, rồi lệnh cho tướng sĩ quân Liêu theo trận đồ mà đào hang, xây tiểu tháp, phòng ốc, mở đường bí mật. Cứ như vậy thi công trong mấy tháng trời, cuối cùng hoàn thành một trận địa trông như mê cung. Bố trí xong, hắn dẫn theo đại quân, mang những tướng Liêu như Lưu Kha, Ma Lí, Lạt Hổ, Chiêu Cát đến trước Ích Tân Quan khiêu chiến.

Dương Diên Chiêu liền mang quân ra khỏi thành nghênh chiến, đồng thời thông báo cho các quan khẩu khác tin quân Liêu tới xâm phạm. Lúc ấy ông phát hiện ra kẻ dẫn quân đến là một hòa thượng tướng mạo hung ác, lưng hùm vai gấu, liền lớn tiếng hỏi: “Người đến là ai, vì sao xâm phạm biên quan của ta?”

Thổ Hành Tăng trả lời: “Ta là Thổ Hành Tăng, là đại tướng quân mới nắm binh mã của quân Liêu! Lần này phụng mệnh dẫn quân xuất chinh, ta võ nghệ cao cường, pháp lực vô biên, Dương Lục Lang ngươi nếu thức thời thần phục nước Đại Liêu ta, bảo đảm sẽ được hưởng vinh hoa phú quý”.

Dương Diên Chiêu đáp lời: “Thấy ngươi đã quy y, vẫn còn giữ giới, chắc là người xuất gia. Ngươi mang quân đến xâm phạm, giết người tạo nghiệp, phạm phải đại giới của Phật môn. Người quay về đi, ta có thể bỏ qua chuyện này!”

Thổ Hành Tăng trả lời: “Phật của ta đặc phái ta xuống trần phá Tam Quan của ngươi, diệt nước Đại Tống của ngươi, sát sinh chính là siêu độ, ngươi dám cả gan cãi lệnh trời sao!”

Dương Diên Chiêu trả lời: “Tên yêu tăng nhà ngươi! Hồ ngôn loạn ngữ giải thích xuyên tạc Phật Pháp, bại hoại Phật môn, xem ta xử lý ngươi đây!” Nói xong liền triển khai thế trận dẫn quân tấn công.

Thổ Hành Tăng cũng cầm chiếc búa lớn lao đến, cùng Dương Diên Chiêu ngươi một thương, ta một rìu đánh tới. Thổ Hành Tăng có sức mạnh lớn vô cùng, kỹ năng dùng rìu hết sức điêu luyện, Dương Diên Chiêu thăm dò hắn ta hơn chục hồi, cảm thấy công phu của Thổ Hành Tăng giống như đã từng gặp ở đâu. Sau khi hai người giao chiến mấy chục hồi, Dương Diên Chiêu đem bản sự thực của mình ra, ông sử dụng tinh túy của Dương gia thương pháp, Thổ Hành Tăng chống đỡ không nổi quay đầu tháo chạy. Dương Diên Chiêu xuất quân truy đuổi. Lúc ấy đội quân của Vương Lan Anh, Dương Bát muội mới đến hiện trường, thấy tình thế ấy cũng gia nhập hàng ngũ truy đuổi.

Thì ra lần trước đánh bại được đại quân thiết giáp của quân Liêu, triều đình luận công ban thưởng, phong cho Vương Lan Anh và Dương Bát muội làm phó tướng quân, thưởng cho ngàn bạc, lụa là gấm vóc đủ cả. Vương Lan Anh dâng biểu tạ ân, thỉnh cầu xin được về thôn Tiểu Vương Đô phòng thủ biên quan. Hoàng đế Chân Tông chuẩn tấu. Vì vậy nàng đã lập doanh trại ngay cạnh thôn để các nữ tướng sĩ đóng giữ, một mặt để bảo vệ dân làng, phòng thủ biên quan, mặt khác lại có thể chăm sóc mẫu thân đã già, một hành động đạt được nhiều mục đích.

Bên kia Thổ Hành Tăng chỉ huy toàn bộ quân Liêu lui về phía sau, Dương Diên Chiêu dẫn tướng sĩ truy kích, chỉ thấy quân Liêu tốc độ rút chạy rất nhanh, đội hình ngay ngắn trật tự, không lâu sau tiến vào một trận địa to lớn. Dương Diên Chiêu thấy thế, phát hiện có điểm dị thường, nhanh chóng lệnh cho các tướng sĩ tạm dừng lại. Nhưng Vương Lan Anh và Bát muội đã dẫn quân tiến vào trong trận địa. Thổ Hành Tăng phái ra mấy viên tướng Liêu dẫn quân ra bao vây bọn họ. Vương Lan Anh võ nghệ cao cường, một mình đấu lại mấy viên tướng kia, loáng cái đã chém cho bọn chúng rớt xuống ngựa, đám tướng sĩ quân Liêu vừa đánh vừa lui.

Dương Diên Chiêu lập tức phát ra hiệu lệnh gọi các nữ tướng trở về, nhưng lúc ấy Thổ Hành Tăng đột nhiên xuất hiện giao đấu với Vương Lan Anh. Hắn sau khi đánh nhau mấy hồi không địch lại được liền tháo chạy, dọc đường còn liên tục buông ra những lời đùa cợt các vị nữ tướng. Vương Lan Anh giận lắm, dẫn tướng sĩ truy kích, cứ như vậy tiến sâu vào trong trận địa địch. Dương Diên Chiêu chỉ đành dẫn quân đuổi theo, dọc đường hô lớn: “Lan Anh, hàng ngũ quân Liêu chưa loạn, trận thế quân địch quỷ dị, chắc chắn có điều gian trá, mau chóng quay về!”

Nhưng đã quá muộn, chỉ thấy lượng lớn quân Liêu từ các tháp nhỏ, phòng nhỏ nhất loạt xông ra, trong nháy mắt đã bao vây quân Tống. Chỉ thấy Thổ Hành Tăng đứng trên đàn tế thi triển pháp thuật, trong trận sương mù dày đặc, cát bay mù mịt. Dương Diên Chiêu muốn dẫn quân lui về trong quan, nhưng lúc ấy đường lui về phía sau đã bị đại quân thiết giáp của nước Liêu khóa chặt, chỉ có thể tác chiến trong trận. Dương Diên Chiêu dẫn quân đánh nhau nửa ngày, chỉ thấy quân Liêu từ bốn phương tám hướng mà tới, nhưng đánh được một chốc lại trốn mất, mà trong trận thì địch rõ ta mù, hiệu lệnh chỉ huy vô cùng khó khăn. Song Dương Diên Chiêu dù sao cũng đã trải qua trăm trận, ông phát hiện ra trong trận có một lối thoát, lập tức chỉ huy toàn quân tập trung vào lối đó, cuối cùng quân Tống đến gần một thôn làng. Lúc ấy trời đã tối muộn, Dương Diên Chiêu cho các quân sĩ cắm trại nghỉ ngơi.

Bát muội lên núi mời Ngũ Lang

Ngày hôm sau, Thổ Hành Tăng lại dẫn quân tới trước doanh trại khiêu chiến, nhưng Dương Diên Chiêu không ra trận, giữ thế phòng thủ. Dương Diên Chiêu cùng các tướng sĩ ở trong doanh trại bàn bạc đối sách. Vương Lan Anh tự trách mình: “Trách ta quá mức khinh địch, bị trúng mai phục”. Dương Diên Chiêu chỉ đành liên tục an ủi nàng.

Dương Diên Chiêu nói: “Trước mặt địch rõ ta mù, mà binh lực của địch lại lớn hơn nhiều so với quân ta, bốn phía đều bị bao vây khó có thể quay trở về quan. May mắn có người dân đồng ý cung cấp lương thực nước uống, không đến mức không có cái ăn. Trước khi nghiên cứu được cách phá trận này thì phải áp dụng thế phòng thủ, nhưng không được quá lâu. Thời gian kéo dài chúng kéo xuống Tam Quan thì cũng nguy hiểm”.

Dương Bát muội nói: “Muội thấy thế võ của tên Thổ Hành Tăng kia rất giống Ngũ ca, chắc là có nguyên do gì đấy, nếu huynh ấy ở đây thì tốt quá”.

Dương Diên Chiêu đáp lời: “Lúc giao đấu với hắn, ta phát hiện võ công của hắn giống với của Ngũ ca, ngay cả trận pháp và cách dùng quân dường như cũng không có khác biệt. Không giấu gì mọi người, ta đã dò la ra được Ngũ ca đang xuất gia ở Ngũ Đài Sơn, ta nhiều lần cho người gửi thư mời huynh ấy về quân, nhưng đều bị từ chối. Ta cũng đã sai Mạnh Lương, Tiêu Tán đến mời huynh ấy, nhưng cũng không có cách nào khiến huynh ấy xuống núi. Ngũ ca thương yêu muội nhất, lần này cần muội đích thân đi một chuyến”.

Dương Bát muội nhận lệnh, lập tức thay đồ ngụy trang, tìm một bộ quân phục lính Liêu tới mặc vào, lại phủ lên một cái áo choàng. Dương Diên Chiêu nhìn thấy, rất vừa lòng nói: “Ăn mặc thế này tin rằng có thể qua mặt được mắt quân Liêu rồi”.

Ngày hôm sau, Dương Diên Chiêu dẫn các tướng sĩ giả vờ đột phá vòng vây của quân Liêu. Thổ Hành Tăng lại thi triển pháp thuật, sương mù dày đặc, cát bụi mịt mù, quân Tống lại rút lui, mà Dương Bát muội nhân dịp sơ hở cởi bỏ áo choàng, lẫn lộn vào trong đám quân Liêu, thuận lợi thoát ra khỏi vòng vây. Nàng đi về hướng Ngũ Đài Sơn, dọc đường đi vất vả mệt mỏi, một ngày sau mới tới được Ngũ Đài Sơn.

Dương Bát muội đến trước cửa chùa, hòa thượng giữ cửa nhìn thấy một người con gái, liền lên tiếng: “Xin hỏi thí chủ có việc gì?”

Bát muội trả lời: “Tôi là Dương môn Bát muội, Ngũ ca Diên Đức của tôi xuất gia ở đây, tôi có việc cần tìm huynh ấy, xin cho phép tôi vào chùa”.

Hòa thượng giữ cửa trả lời: “Sư huynh đã xuất gia, duyên trần đã đứt, vả lại huynh ấy đang ở đình sau chùa đả tọa tĩnh tu, không tiện quấy rầy”.

Bát muội trong lòng sốt ruột nói: “Cứu người như cứu hỏa, dù nói gì ta cũng phải gặp!” Vì thế nàng không ngại người ngăn cản, bướng bỉnh đẩy cửa lớn tiến vào.

Bát muội đi một mạch đến sau chùa, nhìn thấy ở đình nghỉ chân trên lưng núi có một vị hòa thượng đang nhắm mắt đả tọa, tới gần nhìn xem, thấy đúng là Dương Ngũ Lang rồi, Bát muội liên tục gọi: “Ngũ ca! Cuối cùng đã tìm thấy huynh rồi!”

Dương Ngũ Lang trả lời: “Bát muội, lâu rồi không gặp, muội đã lớn thế này rồi. Muội sao lại đến đây? Mẹ và Lục đệ có mạnh khỏe không?”

Bát muội đáp lời: “Mẹ vẫn mạnh khỏe trong phủ. Lục ca bị năm vạn quân Liêu vây ở trong trận, cho nên tìm huynh để đi cứu huynh ấy, nếu để chậm trễ, Lục ca và hơn một vạn quân Tống sẽ mất mạng”.

Dương Ngũ Lang trả lời: “Năm vạn quân Liêu không làm gì được Lục đệ đâu. Ta đã xuất gia rồi, không màng đến việc chiến trận nữa, ta dặn nhà bếp làm cho muội gì đó để ăn, muội ăn xong liền xuống núi đi”.

Bát muối nghe xong nóng nảy nói: “Ngũ ca! Tình hình chiến trận nguy cấp muội mới xông vào đây, Lục ca sắp chết tới nơi, chẳng lẽ huynh thực sự thấy chết không cứu?”

Phật duyên ở Ngũ Đài Sơn

Tới lúc này, Dương Ngũ Lang liền kể cho Bát muội nghe về chuyện mình xuất gia và nguyên nhân không thể tham chiến.

Năm đó trước khi Dương Nghiệp xuất quân chinh phạt nước Liêu, mang theo bảy người con lên Ngũ Đài Sơn thắp hương lễ Phật, bái kiến người bạn tốt Trí Thông Thiền sư, xin ông xem tướng cho các con và hỏi họa phúc của trận chiến này. Trí Thông Thiền sư trước tiên ca ngợi Dương Nghiệp biết cách dạy con, bảy người con đều có khí chất là bậc lương đống của quốc gia, nhưng trận chiến này hung hiểm khác thường, chỉ e là không thể toàn thân trở về.

Dương Nghiệp nói: “Đại trượng phu được chết ở nơi sa trường thì thực là vô cùng may mắn, có gì phải so đo”.

Trí Thông Thiền Sư nói tiếp: “Đại Lang, Nhị Lang, Tam Lang đều có tướng trung với nước, siêng năng chăm chỉ, nhưng đáng tiếc là cương trực quá không thể có được cái chết yên lành. Tứ Lang sắp phải đối mặt với lựa chọn giữa việc nước với việc nhà, hy vọng sẽ tự trọng. Thất Lang cần phải đề phòng nguy hiểm bị bắn tên. Lục Lang tướng mạo sáng sủa ung dung có thể giữ được tước lộc, nhưng cả đời vương vấn tới an nguy của chúng sinh trong thiên hạ, chỉ có lo âu mà không vui vẻ, ta không dám nói nhiều. Mà Ngũ Lang thì võ công chiến lược hơn người, có thể an bang định quốc, nhưng lại có duyên với Phật…”

Tiếp theo đoàn người Dương Nghiệp đi thăm chùa, cho đến khi trời về chiều, Trí Thông sai người bày tiệc chay chiêu đãi. Mọi người trong tiệc đều kể ra khí phách đời mình, chuyện trò thản nhiên, tới đêm khuya mới về thiền phòng nghỉ ngơi.

Ngũ Lang trong lòng lo sợ, trằn trọc không ngủ được, vì thế một mình tới hậu viện bái kiến Trí Thông Thiền sư. Trí Thông thấy Ngũ Lang liền hỏi: “Tướng quân khuya rồi đến đây có gì cần nói?” Ngũ Lang nói: “Tiểu sinh nghe Pháp ngữ của Thiền Sư, trong lòng bất an, xin Thiền sư chỉ cho đường sống”.

Thiền sư trả lời: “Đây là tạo hóa của mỗi người, thiên mệnh có định số, bần tăng làm sao giúp được đây?” Ngũ Lang cầu xin hết lần này tới lần khác, Trí Thông thấy ông thành tâm liền nói: “Tướng quân chỉ có cách ẩn cư nơi rừng núi, không quan tâm tới thế sự, mới có thể giữ được thân mình”. Tuy nhiên, Ngũ Lang lại lo lắng cho gia đình và quốc gia, khó lòng từ bỏ tất cả để đáp ứng. Trí Thông cuối cùng lấy ra một gói đồ đưa cho ông rồi nói: “Gói đồ này là đồ cứu mạng, nhưng mà đây là thiên cơ, cẩn thận đừng để lộ, người hãy mang theo bên mình, ngày thường chớ mở ra, khi gặp đại nạn hãy mở, tuyệt đối đừng quên”. Ngũ Lang bái tạ rồi rời đi.

Ngày hôm sau Dương Nghiệp cùng bảy người con từ biệt Trí Thông. Trí Thông nói: “Ta có lời này muốn nói với tướng quân – Kim Sa Than song long hội, Thất tử khứ lục tử hồi”. Dương Nghiệp lại lần nữa cầu xin cách phá giải, nhưng Trí Thông trả lời: “Ngày hôm qua đã có lời, chỉ có cách ẩn cư nơi rừng núi quy y cửa Phật, không còn cách nào khác”. Dương Nghiệp thấy không thể miễn cưỡng, chỉ đành xuống núi.

Ngũ Lang ghi nhớ lời của Trí Thông, luôn đem gói đồ kia theo bên mình. Sau này Tống Liêu xảy ra đại chiến ở bãi cát vàng. Quân Tống bị bao vây trùng trùng, Dương gia tướng sĩ tổn thất nặng nề. Đại Lang, Nhị Lang, Tam Lang lần lượt hy sinh. Tứ Lang bị bắt. Lục Lang, Thất Lang cùng phụ thân Dương Nghiệp bị vây ở Nhị Lang Sơn. Ngũ Lang mất liên hệ với bọn họ, một mình chiến đấu anh dũng thoát thân, nhưng các tướng sĩ bên mình đều hy sinh tại trận. Lúc ấy Ngũ Lang nhớ tới gói đồ mà Trí Thông Thiền Sư đưa cho mình, liền mở nó ra, phát hiện bên trong là một cái dao cạo, một cái độ điệp (thẻ đi tu) và một bộ y phục tăng nhân. Vì thế ngay tại chỗ cởi bỏ quân trang, mặc lên tăng phục, lại lấy dao cạo hết tóc, gói món vũ khí búa lớn lại vào trong bọc rồi đi về hướng Ngũ Đài Sơn.

Dương Diên Chiêu truyền kỳ – Ngũ Lang xuống núi phá quân Liêu, minh họa: Thanh Ngọc/The Epoch Times

Sau khi Ngũ Lang lên Ngũ Đài Sơn, ông đi bái kiến Trí Thông Thiền Sư. Trí Thông nói: “Dương gia tướng sĩ mặc dù làm việc lớn cho xã tắc, nhưng ở trên sa trường lâu ngày, tạo sát nghiệp nhiều lắm. Chỉ có cách xuất gia tu Phật mới có thể giảm bớt được nghiệp lực của gia tộc.” Vì thế Ngũ Lang chính thức bái Trí Thông làm thầy, thụ giới xuất gia ở Ngũ Đài Sơn, làm một vũ tăng. Vì lúc ấy chiến loạn không ngừng, đạo tặc nổi lên khắp nơi, Dương Ngũ Lang vận dụng sở trường của mình, tổ chức cho các tăng nhân ở trên núi tập luyện võ công, bảo vệ chùa và người dân.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/292479



Ngày đăng: 27-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.