Câu chuyện luân hồi: Trăng soi đầu ngọn liễu, cùng kết duyên “đồng tâm”



Tác giả: Tiểu Liên

[ChanhKien.org]

Trong một lần đả toạ tôi đã nhìn thấy đoạn trải nghiệm [lịch sử] rất cảm động, xin viết ra đây để chia sẻ với tất cả các đệ tử Đại Pháp, đặc biệt là những đồng tu đang cùng nhau nỗ lực trong các hạng mục, để chúng ta càng biết trân quý hơn cơ duyên vạn cổ khó có được này!

Câu chuyện diễn ra vào thời nhà Nguyên, bên bờ Tây Hồ ở Hàng Châu.

Tôi vốn là một tiểu thư con nhà phú gia, tuổi vừa 16. Phụ thân tôi là một vị quan, do bị cuốn vào cuộc đấu đá nội bộ chốn quan trường nên bị người ta tống vào đại lao rồi sau đó bị sát hại. Khi ấy tôi đang theo vị nữ sư phụ tên là Mai Khanh học võ trên núi Phổ Đà. Sư phụ tính thấy nhà tôi bị nạn nên bảo tôi về mang mẹ và em gái cùng lên núi.

Tôi mang theo thanh bảo kiếm màu lam sư phụ trao cho xuống núi, với tốc độ nhanh nhất để trở về Tây Hồ. Vì cha tôi đang bị nhốt trong đại lao nên những đối thủ trên chính trường của ông muốn bỏ đói mẹ và em gái tôi cùng tất cả các thành viên trong gia đình. Họ phái rất nhiều quan binh đến canh trước cửa phủ, mẹ và em gái tôi cũng bị cấm ra ngoài. Dù tôi theo sư phụ Mai Khanh học võ từ năm ba tuổi, võ nghệ đã cao cường nhưng nếu ra tay giữa ban ngày thế này thì không tiện lắm. Tôi chỉ còn cách đợi đến khi trời tối lẻn vào trong phủ, tôi địu em gái bé bỏng (mới ba tuổi) đằng trước và cõng mẫu thân trên lưng rồi xuyên qua màn đêm trốn khỏi thành Hàng Châu.

Khi chúng tôi đã đi được khá xa thì trời cũng vừa hửng sáng. Tôi đặt mẹ xuống, có lẽ do kinh hãi quá độ mà mẫu thân tôi ngất đi. Em gái ba tuổi thì dường như đã đói nên vừa khóc vừa đòi ăn. Khi ấy tôi vẫn còn là một cô gái hết sức đểnh đoảng, mấy lạng bạc sư phụ Mai Khanh cho lúc xuống núi không biết tôi đã quăng vào xó nào. Bấy giờ tôi cũng cảm thấy hơi đói. Tôi định không nói ra, nhưng nghe tiểu muội bé bỏng khóc đòi ăn, trong lòng tôi thấy thật khó chịu!

Lúc này, bất chợt phía trước dường như có tiếng bước chân, rồi chỉ nghe tiếng người hô lớn: “Núi này là ta mở, cây này là ta trồng, muốn đi qua đường này, mau nộp tiền mãi lộ!” Tôi nghe xong liền cười thầm, giờ tình hình cũng ổn rồi, có người là tốt rồi. Tôi không sợ đánh nhau, võ công của tôi tuy không phải vào hàng bậc nhất nhưng với một tên đạo tặc bình thường thì vẫn có thể đối phó được. Tôi mỉm cười tiến lên phía trước, chắp tay thi lễ nói: “Xin lỗi không biết huynh đài có thể mở lượng hải hà tha cho chúng tôi đi không. Hôm nay vì cha bị hại, tôi mang theo mẹ và em gái đi qua con đường này đến núi Phổ Đà gặp sư phụ, mong huynh đài nương tay tha cho chúng tôi. Tôi xin đa tạ”. Rồi chỉ thấy con người trời sinh ra đã đen sì như toà tháp bằng thép ấy hỏi lớn: “Lẽ nào lệnh tôn chính là Trương đại nhân thanh liêm, yêu dân như con?” Tôi đáp đúng vậy. Người ấy liền quỳ xuống nói: “Tại hạ là Thanh Long. Năm năm về trước cha mẹ tôi đều mất cả, do không có tiền chôn cất nên tôi phải quỳ bên đường cầu xin mọi người giúp đỡ. Đương lúc ấy có Trương đại nhân và phu nhân đi ngang qua, ông đã cho tôi hai trăm lạng bạc để về chôn cất cha mẹ, còn dư lại thì hãy tìm kế sinh nhai. Về sau thấy bọn ác quan hoành hành, tôi đem số ngân lượng còn dư chiêu mộ mấy huynh đệ rồi chuyên làm nghề cướp của người giàu chia cho người nghèo. Nếu cô đã mang mẹ và em gái đi ngang qua đây thì hãy để Thanh Long tôi được một lần báo đáp ân tình! Các huynh đệ, đây là con gái và gia quyến của vị thanh quan lão gia mà ta hay kể đó, hãy để họ lên xe, đưa đến trại của chúng ta làm khách!” Lúc này có hơn chục người kéo đến, chẳng để chúng tôi giãy bày điều gì, họ vội “cưỡng chế” mang chúng tôi lên xe về sơn trại.

Suốt dọc đường đi tôi không nói câu nào.

Hôm ấy tôi bế em gái cùng ăn tối, đến lúc vầng trăng lên cao soi qua đầu ngọn liễu, chúng tôi cùng ngắm cảnh đẹp xung quanh; giữa bầu trời muôn sao sáng rực rỡ, tôi cùng mẹ ôn lại những chuyện của mười mấy năm về trước…

Vì đời ấy tính cách tôi có phần giống con trai, có chút hào sảng nên rất hợp tính với trại chủ Thanh Long, vậy là tôi thật lòng xem huynh ấy như một đại huynh trong giang hồ. Hôm sau, bên ngoài đại trướng, chúng tôi đốt lửa cho làn khói bếp bay lên, mẹ tôi đích thân nấu cơm để các huynh đệ ở đó cùng được một bữa no căng.

Ở lại sơn trại vài hôm, tôi liền từ giã Thanh Long và nói rằng sẽ đến núi Phổ Đà gặp sư phụ Mai Khanh. Có lẽ Thanh Long là người quá trượng nghĩa, trong lòng luôn muốn báo đáp ân tình của cha tôi nên huynh ấy nói muốn cùng tôi lên núi Phổ Đà gặp sư phụ. Tôi nói sư phụ tôi là nữ, sư phụ sẽ không thu nhận nam đệ tử đâu. Hay là… Rồi tôi thay đổi suy nghĩ, sư phụ từng nói bà có một sư huynh tên là Kim Minh, võ công cũng vô cùng lợi hại. Chỉ là ông ấy rất thích du ngoạn, không biết giờ đây đang ở phương nào. Tôi chỉ biết đáp lời Thanh Long rằng: “Nếu huynh và sư thúc Kim Minh thật sự có duyên thì sẽ gặp được thôi”.

Trên trời mây lững lờ trôi. Có lẽ tâm tôi đã động, Thanh Long nói rất kiên định rằng đời này dù có gặp được sư thúc hay không, anh cũng sẽ đối tốt với mẹ tôi và tôi, còn cả em gái tôi nữa!

Tôi thấy Thanh Long thực là một nam tử hán biết ân trả nghĩa đền nên đã đồng ý đưa huynh ấy lên núi Phổ Đà. Thật là dịp hay, Thanh Long cũng đưa mười mấy vị huynh đệ của mình theo chúng tôi lên núi. Khi chúng tôi gặp được sư phụ Mai Khanh, bà đã mỉm cười nói: “Đây chính là: Thiên tứ duyên nhi triển thanh âm, bích hải tình thiên hiện nhã vận, Gia Cát thần toán linh trừ văn, phóng nhãn Thần Châu chú đồng tâm” (Trời ban duyên mà hiện thanh âm, biển xanh trời trong hiển ý nhã, tài đoán Gia Cát linh nghiệm thay, nhìn về Thần Châu đúc đồng tâm).

Nói rồi sư phụ gọi sư tỷ Thuý Nhi đến dặn dò việc sắp xếp cho chúng tôi một chỗ ở.

Cơ duyên quả thật xảo hợp đến lạ kỳ. Qua tầm mười ngày thì sư thúc Kim Minh đến tìm sư phụ tôi, tôi bày tỏ nguyện vọng của Thanh Long cho sư thúc nghe, ông liền thu nhận Thanh Long làm đồ đệ.

Về sau, sư thúc nói với sư phụ và chúng tôi rằng: “Thật ra việc nhà con gặp nạn lần này là một kiếp số, cũng là điều khó tránh khỏi trong [vận mệnh được] an bài. Việc người tốt thường bị người khác hãm hại là để thế nhân hiểu được nhân gian vốn tàn nhẫn và vô thường; đồng thời cũng là [cơ hội] để người tốt thực sự được tiêu nghiệp. Bởi vì con người có luân hồi, nên đó là để con người được hưởng phúc về sau! Cơ duyên tu luyện của các con đã đến, từ nay ta và sư phụ con sẽ dạy các con phương pháp tu luyện chân chính. Đây là những gì từ đầu lão sư phụ của ta bảo ta rằng, khi đồ đệ của sư muội con xuống núi trở về nhà rồi mang theo một nhóm người lên núi, thì các con hãy đem những điều tinh hoa nhất ta từng dạy các con truyền cho họ! Bây giờ cơ duyên của các con đã đến, thật đúng là kỳ duyên trời ban! Từ nay các con phải nhanh chân rảo bước trên con đường tu hành, tiến về phía trước. Khi ở đây, với những chuyện của quá khứ và trần tục, các con cần phải có tâm thái như nhàn nhã nhìn núi Nam, mục tiêu cuối cùng của các con chính là vân tiêu nhất vũ (một chiếc lông chim giữa mây trời), sẽ trở thành “vũ nhân (羽人)”, cũng là Thần Tiên. Gặp những lúc phiền muộn các con có thể đi ngắm sắc lam của núi cao và những cánh chim xanh trên biển cả. Khi đã lĩnh ngộ được cảnh giới cao vời vợi và tự tại của nơi ấy, các con sẽ thấy đời người hẳn còn có cách sống khác!”

Do vấn đề nam nữ có sự khác biệt nên sư thúc đưa nhóm người Thanh Long đến tu hành tại một ngọn núi khác, còn sư phụ Mai Khanh để mấy vị nữ đệ tử chúng tôi tu hành tại ngọn núi này. Cứ mỗi nửa năm, trên một cây cầu nhỏ dưới chân núi, cây cầu vốn dùng làm ranh giới phân chia hai ngọn núi, chúng tôi cùng nhau ngồi lại giao lưu chia sẻ tâm đắc thể hội trong tu luyện.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó đã mười mấy năm trôi qua. Một hôm sư phụ Mai Khanh gọi tôi và sư tỷ Thuý Nhi đến trước mặt, căn dặn: “Thái sư phụ [1] sắp đến thăm các con. Đến lúc ấy nhất định phải thi triển thành quả tu luyện của các con lên cho thái sư phụ xem”. Tất cả đều vui mừng, vì gặp được thái sư phụ vẫn luôn là nguyện vọng chân thành của chúng tôi. Khi thái sư phụ đến, chúng tôi đã dùng tâm thái tốt nhất nghênh đón ngài. Khi này em gái của tôi trông đã cao lớn, vì là người nhỏ tuổi nhất ở đây nên được giao “nhiệm vụ” dâng hoa lên thái sư phụ. Sáng sớm hôm ấy, cô bé vận dụng công năng đã tu luyện được, đến một nơi ít người lui tới ở gần đó, hái được rất nhiều hoa, loại hoa mà bình thường người ta cũng không biết gọi là hoa gì. Khi thái sư phụ đến nơi đây, cô bé dùng hai tay dâng bó hoa lên kính tặng ngài.

Thái sư phụ mỉm cười nhìn hai thế hệ đồ đệ, nói: “Kỳ thực hết thảy mọi thứ trong đời này đều là để mở đường cho việc ta hồng truyền Đại Pháp của vũ trụ vào thời mạt kiếp. Đến lúc ấy sẽ lại gặp gỡ, tuy các con không nhất định có thể gặp mặt được nhau nhưng sẽ cùng vì một công việc mà cố gắng. Đến khi ấy hy vọng các con sẽ phối hợp với nhau cho tốt. Lúc đó điều các con thành tựu được không chỉ nằm ở vấn đề vũ nhân, mà còn quả vị cao hơn đang đợi các con. Chính là xem các con sẽ dụng cái tâm và niệm đầu nhiều ít thế nào”. Em gái tôi sốt ruột hỏi: “Xin thái sư phụ nói rõ hơn một chút được không ạ?” “Nhìn về phía Thần Châu”, thái sư phụ để lại cho chúng tôi mấy từ mà chúng tôi ngẫm mãi cũng không hiểu được rồi ngài rời đi…

Vào đời ấy nhóm người tu luyện cả nam lẫn nữ chúng tôi, vào một đêm khi trăng soi qua đầu ngọn liễu, trong lần chia sẻ cuối cùng đã cùng nhau bay lên chín tầng mây, thực sự đã trở thành “chiếc lông vũ” giữa mây trời, tự do tự tại!

Vào đời này, khi người phụ trách hạng mục mà tôi tham gia nói chuyện với tôi về chủ đề duyên phận giữa những người tu luyện với nhau, tôi đã nghĩ: kỳ thực việc gặp gỡ và làm việc cùng bất kỳ ai đều không phải là việc đơn giản và ngẫu nhiên, mà đều là trước kia đã từng có một lời hẹn ước, thế nên tôi nghĩ chúng ta phải biết trân quý hết thảy! Trong khoảnh khắc ấy tôi chợt minh bạch được ý nghĩa của câu “Nhìn về phía Thần Châu” mà thái sư phụ nói năm xưa… Xem ra tất cả đều là trong nơi u minh tự có an bài!

Đây chính là:

Kim sinh tương miễn do tiền duyên

Chân tâm tương tích đồng tu duyên

Tề tâm hiệp lực cứu chúng sinh

Viên mãn quy gia đoái thệ ngôn!

Diễn nghĩa:

Đời này gặp gỡ cùng khuyến khích nhau bởi tiền duyên

Thực tâm cùng lòng quý trọng mối duyên kết đồng tu

Tề tâm hiệp lực cứu chúng sinh

Viên mãn hồi gia ước thệ hoàn thành!

Chú thích: [1] Sư phụ của sư phụ gọi là thái sư phụ

Dịch từ:

https://www.zhengjian.org/node/77136



Ngày đăng: 28-12-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.