Tử ngọc kim sa (6): Phân tích về phương pháp luyện “nê” tử sa và quá trình phát triển



Tác giả: Ý Văn

[ChanhKien.org]

Thi nhân thời nhà Thanh Uông Văn Bá sau khi đến thăm Cổ Dương đã viết: “Nhân gian châu ngọc an túc thủ, há như Dương Tiễn khê đầu nhất hoàn thổ”. Nhất hoàn thổ chính là nguyên liệu đất tử sa, thứ đã tạo nên những chiếc ấm tử sa nổi tiếng thiên hạ, được mệnh danh là “nê trong nê” (bùn trong bùn), ngoài ra đất tử sa còn có danh xưng “đất ngũ sắc”, “đất phú quý”. Đến nay, chưa có loại đất khoáng nào trên thế giới có thể so sánh được.

Khoáng tử sa núi Hoàng Long thị trấn Đinh Thục là tên gọi chung của ba loại khoáng liệu, gồm Tử nê, Bổn Sơn Lục nê và Hồng nê. Khoáng tử sa có khả năng chịu nhiệt, chống sốc nhiệt, tính thoáng khí, khả năng liên kết tuyệt vời và độ dẻo ổn định; vì vậy ấm trà tử sa có thể được áp dụng nhiều kỹ thuật thủ công khác nhau như nặn bằng tay, vỗ, ép, nặn, điêu khắc, chạm trổ…

Phân tích về phương pháp luyện “nê” cổ

Người xưa không biết đến kết cấu hóa học của tử sa, họ chỉ biết đặc tính vật lý của nó, dùng cảm quan để cảm thụ, qua quá trình tích lũy kinh nghiệm, rồi dần nắm vững đặc tính của nó. Với mỗi loại khoáng liệu khác nhau thì sẽ dùng phương pháp luyện nê khác nhau, đặc tính cộng sinh của tử sa là thiên biến vạn hóa, cho nên không có phương pháp luyện nê cố định cho tử sa, đây cũng chính là lý do vì sao mấy trăm năm phương pháp luyện đất tử sa hoàn toàn dựa vào hệ thống truyền thừa từ thầy truyền cho trò, người trước truyền cho người sau, hoàn toàn không có truyền thừa qua sách vở tri thức.

Khoáng khai thác từ mỏ giống như đá, tục gọi là “sinh liệu”, nếu để nguyên như thế thì không thể làm thành ấm, cần phải qua hàng loạt quá trình tinh luyện và xử lý mới có thể trở thành nguyên liệu nê để chế tác ấm.

Người xưa không có máy móc như hiện nay, làm thế nào họ có thể luyện được nê?

Sách “Ấm trà Dương Tiễn” ghi chép: “Nhà làm ấm sẽ ở bên ngoài các hố khai thác chọn màu đất đập giã, đập xong che đậy cất dưới hầm, quá trình đó gọi là dưỡng thổ. Cách làm và phương pháp làm của mỗi người là khác nhau”.

Bước 1: Chọn nguyên liệu

Khoáng tử sa mới vừa khai thác (Ảnh: nguồn internet)

Lựa chọn nguyên liệu là khâu then chốt quyết định chất lượng tử sa nê, bởi vì chất liệu tử sa không tráng men trong và ngoài, nên độ thuần của nê (bùn) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc và cảm quan bề mặt sau khi sản phẩm được nung xong.

Lúc chọn nguyên liệu, đầu tiên phải phân loại các khoáng liệu, phân loại càng tỉ mỉ sẽ càng có lợi cho việc thể hiện đặc tính bản chất của nê. Để loại bỏ những tạp chất rõ ràng trong khoáng liệu, như: đất, mảnh sắt gỉ, đá xen lẫn v.v. thì cần phải phơi khoáng liệu ngoài trời cho phong hóa, sau khi khoáng liệu vỡ ra thành từng miếng nhỏ, sẽ được lựa chọn cẩn thận lại một lần nữa bằng tay.

Phải khai thác hàng ngàn tấn đất sét mới được khoảng một tấn tử sa nê.

Bước 2: Chất đống ngoài trời cho phong hóa tự nhiên

(Ảnh: nguồn internet)

Nguyên liệu tử sa sau khi qua tuyển chọn, trước tiên cần phơi ngoài trời trên ba tháng đến thậm chí vài năm, chịu đựng mưa vùi gió dập, ngày nắng đêm sương, trải qua quá trình phong hóa, vật liệu khoáng dần dần bị vỡ thành từng mảnh, thường gọi là “qua phiếm”.

Bởi vì mưa tuyết có tác dụng hòa tan nên có thể hòa tan thành phần muối kim loại kiềm và kim loại kiềm thổ trong khoáng liệu, khiến khả năng chịu nhiệt độ tăng lên, cũng như cải thiện độ tinh khiết của màu sắc bên ngoài.

Thời điểm để nê phong hóa tốt nhất là mùa đông và mùa hè, vào mùa đông nó chủ yếu khởi tác dụng phân tán và nứt vỡ, vào mùa hè thời tiết oi bức làm đất mục nhanh hơn, gia tăng sự hình thành axit humic. Thời gian khoáng liệu phong hóa càng dài, quá trình phong hóa càng triệt để. Trong sự tác động của điều kiện tự nhiên, khoáng liệu hấp thụ đủ hơi, áp chế hỏa khí, thông qua quá trình chiết xuất này hình thành axit humic, khiến cho tính nê trở nên tinh thuần, có thể làm tăng độ mịn tự nhiên của khoáng liệu, có lợi cho quá trình gia công nghiền nát vật liệu.

Khoáng liệu Chu nê thuộc về bùn non, vì để giữ lại hàm lượng hạt khoáng, thông thường không tiến hành xử lý phong hóa, thay vào đó là thông qua quá trình ủ và nấu bùn thời gian dài để cải thiện hiệu năng của nguyên liệu bùn.

Bước 3: Làm sạch khoáng liệu và phân loại

Làm sạch khoáng liệu và phân loại (Ảnh: nguồn internet)

Khoáng bán sinh chuẩn của mỏ khoáng núi Hoàng Long rất phong phú, sau khi cọ rửa trong nước loại bỏ những tạp chất bên ngoài, các lớp kết cấu khoáng chất sẽ hiện ra rõ ràng. Như một khối khoáng của tầng giáp có xen kẽ chứa cả đoàn nê lại có cả tử nê, sau khi cho nước vào sẽ bở vỡ ra, nhờ đó có thể tiến hành phân loại thành các loại khoáng liệu khác nhau. Nhưng nguyên liệu ngoại sơn thì không cần đến bước làm sạch nê này, bởi vì kết cấu tầng khoáng của liệu ngoại sơn tương đối đơn nhất, khoáng bán sinh ít hoặc không rõ ràng.

Nguyên liệu sau khi đã được phong hóa, cần phải loại bỏ thủ công một số chất sắt, đá vôi, đá huyền vũ, “đá bazan” trước khi đem đi phối liệu. Cách làm là dùng một khối nam châm to như lòng bàn tay, thoa xuyên qua khoáng liệu, để hút các tạp chất chứa thành phần sắt trong nê, thông thường chỉ có thể loại bỏ các khoáng chất có từ tính mạnh, như sắt, quặng sắt, còn khoáng vật hàm lượng từ tính ít như siderit, pyrit, biotit v.v. thì rất khó loại bỏ.

Vết sắt cháy trên ấm trà Thanh Đoàn, khoáng tử sa Hoàng Long sơn (Nguồn: Đường Vận tử sa)

Sắc đen và vết sắt cháy xuất hiện sau khi nung trên sản phẩm làm bằng đất Lão Chu núi Hoàng Long (Nguồn: Đường Vận tử sa)

Các vật chất có trong đất tử sa chủ yếu là thạch anh, cao lanh, hematit, và biotit, đó là những khoáng vật không thể loại bỏ hoàn toàn sắt qua các bước trên, cho nên thành phẩm ấm tử sa được làm từ nguyên liệu khoáng thuần khiết, ít nhiều sẽ có chút sắc đen các vết sắt cháy, hoặc là quầng đen do carbon đen tạo ra. Những ấm bị tình trạng này không phải là sản phẩm bị lỗi, mà được xem là vẻ đẹp tự nhiên của nguyên liệu. Nếu không có những đặc điểm này cho thấy rằng nguyên liệu đó không được sản xuất bằng quá trình tinh chế thông thường, có thể là thông qua phương pháp ngâm axit để tẩy tạp chất.

Bước 4: Nghiền và sàng

Phương pháp luyện nê cổ thể hiện ra ở tại bước này, phần lớn là sử dụng cối xay đá, cũng có lúc sử dụng cối chày đá, thành phẩm của hai phương pháp này cũng không có khác biệt quá nhiều.

Nghiền đá bằng cối xay đá theo phương pháp cổ (Ảnh: nguồn internet)

Việc nghiền nê tử sa được chia thành hai bước: nghiền thô và nghiền mịn.

Bước nghiền thô: Lúc phơi nắng sẽ dùng tay đập vỡ, cũng có thể dùng máy nghiền.

Bước nghiền mịn: Thông thường người ta sử dụng máy nghiền bánh xe hoặc máy nghiền, nghiền các vật liệu nhiều lần trên tấm cán, đồng thời nó cũng có tác dụng trộn hỗn hợp nê với nhau.

Quan sát dưới kính lúp, các hạt được tạo ra bởi quá trình nghiền gần như có dạng hình tròn, các hạt được sinh ra do ma sát điện có hình dạng không đều.

(Ảnh: nguồn internet)

Hiện nay nhiều công đoạn được sử dụng chủ yếu bằng máy, tiết kiệm rất nhiều lao động thủ công không cần thiết, và cải thiện đáng kể hiệu quả sàng lọc nê.

Sau khi nghiền lại đưa sàng, cho đến khi tất cả các nguyên liệu khoáng được sàng thành bột có kích thước mắt lưới đồng đều. Sàng gồm các loại: 60, 40, 32 và 24, là số lượng lỗ trên độ dài 2,54 cm (1 inch) của sàng, gọi là mắt lưới. Mắt chính là đơn vị đo lường kích thước lớn nhỏ, sàng có số mắt càng lớn cho thấy hạt càng nhỏ, số mắt càng nhỏ thì chính là hạt càng lớn.

Sau khi nung tử sa thì dựa theo số mắt của sàng mà dẫn đến sự khác biệt về cảm nhận của sản phẩm (Ảnh: nguồn internet)

Bước 5: Hòa với nước và ngâm

(Ảnh: nguồn internet)

Bột sau khi đã được sàng người ta sẽ cho bột vào bồn đáy tròn lớn rồi cho nước vào ngâm hơn nửa năm, hơn nữa yêu cầu nê luôn được ngập trong nước, trộn nê, nhằm khiến cho nó phân giải và kết hợp càng triệt để hơn, làm cho các bộ phận của nê được tổ chức đều và nhuận hơn. Đến khi cầm lên không còn dính, dấu vân tay in trên đất, mà hơn nữa sau hai giờ đồng hồ mà dấu vân tay còn rõ ràng, không biến hình, như thế sẽ đạt đến độ dẻo cần thiết để làm ấm.

Thời cổ khi trộn nê cần dùng nước “vô căn thủy” (nước không nguồn) tức là “nước mưa”. Nếu sử dụng nước máy, thì các chất làm sạch được thêm vào trong nước sẽ kết tủa theo sự bay hơi của nước trong quá trình nung, đọng lại trên bề mặt, khiến màu sắc của thành phẩm thay đổi. Ngày nay các nhà máy luyện nê thường sử dụng nước máy để trộn nê.

Bước 6: Ủ – Lão hóa

Thêm nước và trộn đều tạo thành khối đất rộng khoảng 6 thốn (6 inch) dài một xích (khoảng 33 cm), để vào kho (hầm) tối và ẩm, không có ánh sáng mặt trời và không khí, quá trình lưu trữ này là quá trình ủ đất tử sa, cũng gọi là lão hóa, khốn nê, dưỡng thổ, khốn liệu, trữ nê.

Lão hóa, khốn nê, dưỡng thổ, khốn liệu, lưu trữ nê (Ảnh: nguồn internet)

Sau khi vật liệu nê trải qua những quá trình biển đổi về vật lý và hóa học trong môi trường ẩm ướt và thiếu không khí, sẽ khiến tính năng của nê liệu được cải thiện:

1. Có ích cho quá trình phản ứng oxy hóa và tách nước, đồng thời vi khuẩn có tác dụng làm đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ, sản sinh axit hữu cơ. Sau khi chất hữu cơ trong nê liệu trở thành dạng keo sẽ tăng thêm độ dính của nê liệu, có lợi cho việc tạo hình và nung sản phẩm, không dễ bị nứt và biến dạng.

2. Các hạt đất sét của nê liệu khi được ngâm nước hoàn toàn, sẽ có phản ứng oxy hóa hoàn nguyên thêm nữa, thúc đẩy quá trình vỡ bùn, khiến cho nó đồng đều và lỏng lẻo, thuần hóa các hạt sắc nhọn, vì vậy sau khi nung xong “nước sơn” của sản phẩm đẹp, dễ dàng bảo quản và chăm sóc, nó sẽ biểu hiện cảm nhận “tử sa như ngọc”.

Có phải thời gian ủ đất lão càng dài thì càng tốt?

Thời gian đất lão hóa thông thường là từ một năm trở lên, các loại nê liệu khác nhau có thời gian ủ khác nhau, dựa vào độ dính và mức độ dễ hay khó của lúc chế tác làm tiêu chuẩn. Có thể thông qua cách nung những phiến nhỏ để đánh giá đất có đạt hay không. Nắm chắc nhiệt độ nung cũng có thể đánh giá thời gian ủ của nó.

Tuy nhiên, không phải thời gian đất lão hóa càng lâu càng tốt, ví dụ nếu một số đất bùn non, như chu nê, nếu như thời gian ủ càng dài, sẽ làm cho các hạt dễ bị phân giải, khiến thành phần kết cấu vật chất của sản phẩm liên kết yếu.

Phân loại nê liệu lão hay mới không phải là chỉ thời gian lão hóa đất, mà là chỉ thời gian khai thác khoáng. Còn có một cách nói khác về khoáng chất vật lý là có liên quan đến thời gian hình thành của chúng, khoáng mạch tử sa càng ở tầng dưới thì thời gian hình thành càng lâu, đường khoáng mạch càng ở tầng trên thì thời gian càng ngắn.

Quá trình lão hóa của nê không đơn giản là để nó trong một góc mà không làm gì, nếu làm như thế có thể sẽ không lão hóa đủ, theo cách đó để 30 năm với 1 năm cũng không có gì khác nhau.

Bởi vì trong quá trình lão hóa, người thợ cần thỉnh thoảng kiểm tra xem tình hình thủy phân của nê liệu, nếu nước cạn phải cho thêm nước. Mỗi lần nâng lên đặt xuống này, công việc làm cho mấy trăm kilôgam, trên nghìn kilôgam đất này không phải là một việc đơn giản.

(Ảnh: nguồn internet)

Nếu đất lão hóa hơn năm năm, thì nê liệu sẽ bị oxy hóa quá mức, khi nung thành ấm sẽ có hiện tượng “hoa nê”. Cho dù 20, 30 năm trước, khi tử sa vẫn chưa phổ biến, nê liệu lão hóa ở trong phòng cũng không quá năm năm.

Một số người bán hàng trên internet nói, “sản phẩm được làm từ đất lão hóa mười mấy năm”, như mua được đồ quý bị bỏ sót, nghe thấy rất tốt, nhưng chớ vội mừng.

Bước 7: Đập nê

Khối nê sau khi ủ lão hóa xong còn cần dùng đập gỗ đập, để dần dần loại bỏ không khí trong đó, tăng thêm độ mềm dẻo của nê.

Trước những năm 50 của thế kỷ trước, người ta vẫn sử dụng các phương pháp cũ của thời nhà Minh – Thanh, mang những viên nê đã được phơi nắng đặt thành một vòng tròn, dùng nước sông dội lên, sau đó người ta liên tục dẫm trộn lên, đến khi độ mềm và cứng của đất vừa phải. Đến cuối những năm 1960 bắt đầu sử dụng máy nghiền cơ khí, máy trộn, và máy nghiền ép chân không.

Quá trình luyện “nê” cơ giới ép chân không

Máy luyện “nê” cơ giới ép chân không (Ảnh: nguồn internet)

Đất được ép bằng máy luyện nê chân không, để triệt để loại bỏ không khí trong đất, làm cho mật độ và tính dẻo của đất dễ hình thành, cũng cải thiện độ khô bền và sức mạnh cơ học. Cách này giúp tiết kiệm công sức và thời gian, tăng hiệu quả năng suất. Đây cũng là phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong luyện đất tử sa hiện nay.

Nhưng khuyết điểm là các hạt sắp xếp theo định hướng, ứng lực tiềm ẩn trong đất sẽ được phóng thích khi nung ở nhiệt độ cao, khiến cho các phần khác nhau của phôi co rút không đều, dẫn đến sản phẩm bị co, tăng độ biến dạng.

(Ảnh: nguồn internet)

Quá trình luyện nê thủ công

Luyện nê thủ công sẽ đặt nê liệu lên bàn phẳng, dùng vồ lớn đập và nén liên tục theo một trình tự nhất định, hoặc dùng chân dẫm cho đến khi dùng dao cắt ngang thấy mặt bùn sáng, điều này thể hiện không khí đã cơ bản được loại bỏ, nếu không rất dễ sinh ra bong bóng sau khi nung thành phẩm, tương tự như nguyên lý nhào bột.

Đặc điểm sản phẩm nê thủ công là quan sát bề mặt các hạt kết cấu chắc chắn, trong thô có mịn, trong mịn có thô, giữ lại hoàn mỹ cảm giác kết cấu tầng thứ của các loại quặng cộng sinh, đường vân in lên bề mặt của dụng cụ được xác định rõ ràng, cho người ta cảm nhận được độ ẩm và sáng. Mặt trong lòng ấm lỏng hơn sẽ hình thành các lỗ khí trống, có khả năng thoáng khí và hấp thụ nước tốt hơn. Đặc chất nguyên bản của những hạt có sự khác biệt cơ bản khác phương pháp luyện nê sàng bằng sàng có mắt lưới thô hiện đại, nó mang lại đầy đủ hương vị cổ xưa.

Lão Chu nê núi Hoàng Long sử dụng phương pháp luyện bùn thủ công (Đường Vân tử sa)

Sau hàng chục năm sản xuất công nghiệp, người ta dần dần nhận ra rằng, phương pháp luyện nê thủ công nguyên bản có thể phản ánh bản chất và đặc tính của tử sa tốt hơn so với đất làm từ máy móc. Những năm gần đây, một số tác phẩm tử sa cao cấp đã bắt đầu khôi phục lại trình tự chế tác thủ công truyền thống.

Chú thích:

1: Phân biệt kim loại kiềm và kim loại kiềm thổ

Kim loại kiềm: dùng để chỉ sáu nguyên tố kim loại thuộc nhóm IA của bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học ngoại trừ Hydro (H), gồm Lithium (Li), Sodium (Na), Potassium (K), Rubidium (Rb), Caesium (Cs) và Francium (Fr).

Kim loại kiềm thổ: là tên các nguyên tố thuộc nhóm IIA , bao gồm bảy loại sau: Berylium (Be) , Magnesium (Mg), Calcium (Ca), Strontium (Sr), Barium (Ba), Radium (Ra) và Unbinilium (Ubn).

2. Mắt lưới là số lỗ trên chiều dài 2,54 cm (1 inch), gọi là mắt 目. Mắt chính là đơn vị đo độ lớn nhỏ của hạt, số mắt càng lớn cho thấy hạt càng nhỏ, số mắt càng nhỏ thì hạt càng lớn.

Dịch tử: https://big5.zhengjian.org/node/254781



Ngày đăng: 30-05-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.