Tử ngọc kim sa (4): Đưa bạn lên núi xem mỏ khoáng “tử sa”



Tác giả: Ý Văn

[ChanhKien.org]

Ảnh: Nguồn Internet

Từ thời nhà Minh, cách thức uống trà đã có nhiều thay đổi, cho đến khi chiếc ấm Cung Xuân xuất hiện, tử sa mới nhận được sự yêu thích của mọi người. Những năm đó, vẫn còn rất ít người nói đến uống trà, cho nên mức độ thị trường ấm tử sa không cao, cơ bản được lưu hành ở Giang Tô, Thượng Hải, Chiết Giang.

Cho đến nửa đầu những năm 1980, những người theo nghiệp tử sa đều coi đó là lựa chọn bất đắc dĩ cuối cùng của người Đinh Sơn, những người có một chút kiến thức hoặc một số kỹ năng khác sẽ không theo nghiệp tử sa, làm ấm hay là khai thác khoáng về cơ bản vẫn chỉ là công việc phụ của người nông dân những lúc nông nhàn. Trong lịch sử, thợ làm ấm chính là những người có địa vị thấp nhất ở Đinh Sơn. Tương truyền, đại sư Cố Cảnh Chu từng nói: “Thà để con cái nhảy sông, cũng không cho làm thợ ấm”.

Theo ghi chép về lịch sử khai thác khoáng tử sa, trước thời nhà Minh việc khai thác chỉ được thực hiện ở Lệ Thục. Đến nỗi mà, loại bạch nê (2) được Chu Cao Chỉ ghi chép trong “Dương Tiễn trà hồ hệ” (dòng ấm trà Dương Tiễn) cũng không thuộc về tử sa.

Khu vực khai thác Lệ Thục đã bị bỏ hoang sau khi bị ngập thời Trung Hoa Dân Quốc, các mỏ khai thác được di chuyển đến núi Hoàng Long. Khi đó núi Hoàng Long đã bị người dân Đinh Sơn khai thác không ít lớp đá vàng trên bề mặt để xây dựng nhà cửa và làm móng. Đến giữa những năm 1950, sau khi thành lập “hợp tác xã tử sa Thang Thục”, núi Hoàng Long mới trở thành khu khai thác khoáng tử sa. Vào thập niên 1960, nhà máy nguyên liệu được thành lập, từ đó mới tách riêng nguyên liệu khoáng tử sa khỏi nguyên liệu giáp nê để cung cấp cho xưởng thủ công tử sa.

Đầu thế kỷ 21, chính phủ đã tiến hành các biện pháp quản lý chặt chẽ đối để bảo vệ nguồn khoáng tử sa ở núi Hoàng Long, vì thế các mỏ khoáng dần ngừng khai thác. Tháng 4 năm 2005, Nghi Hưng ban hành “lệnh cấm khai thác” nhằm đóng băng việc khai thác tử sa, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản độc đáo tử sa này.

Từ thời nhà Minh Thanh đến thời cận đại, điều khiến người dân Đinh Thục hồi ức nhất chính là các mỏ khoáng số 1, 2, 3, 4, 5 nằm ở phía Bắc và Tây Nam của khu vực khai thác khoáng sản núi Hoàng Long hiện nay.

Chủ thể của núi Hoàng Long mà chúng ta thấy ngày nay, thực tế nó đã cách đỉnh núi hơn 60 m, niên đại địa chất ở đây tương đương với niên đại địa chất của các mỏ khoảng ở độ sâu 60 m dưới lòng đất ở khu vực đồng bằng Bạch Đãng, Lãi Thục v.v. Các phẩm loại khoáng chủ yếu là Tử nê, Thanh Hôi nê, Bổn Sơn Lục nê, khoáng liệu lão (chỉ niên đại hình thành tương đối lâu), tính chất sa (cát) tương đối nặng, nhiệt độ nung chảy tương đối cao hơn. Từ trước đến nay nguyên là nguyên liệu khoáng tử sa của núi Hoàng Long được gọi là “nguyên liệu bản sơn”, đây là một niềm tự hào, đương nhiên niềm tự hào đó hàm nghĩa là “chính thống, chính tông”.

1. Mỏ khoáng số 1 ở núi Hoàng Long

Ảnh: Nguồn Internet

Chủ thể nằm ở vị trí Tây Nam của hồ chứa. Năm 1958 nó được Hồng Kỳ Đặng cải tạo, là một giếng đơn được thiết kế theo trục dọc, rộng 1.8 m, cao 2.2 m, do nổ mìn để tạo ra.

Năm 1964, người ta dùng búa và máy khoan đá để khoan lỗ sau đó cho nổ bằng thuốc nổ, rồi dùng xe vận tải mặt đất chuyển ra, sản lượng đối đa hàng năm gần 20.000 tấn.

Năm 1965 đình chỉ khai thác, Đãng Khẩu vào cuối năm 2002 đã bị phá hủy trong quá trình khai thác lộ thiên ở thôn Thái Tây.

2. Mỏ khoáng số 2 ở núi Hoàng Long

Mặt hầm mỏ số 2 (ảnh internet) “nguyên liệu khoáng tử sa Nghi Hưng” (Nhà xuất bản địa chất)

Chủ thể nằm ở phía Nam chếch Đông của hồ chứa.

Năm 1965 yêu cầu thiết kế, do khu vực mỏ khoáng số 1 ước chừng 30 m về phía Đông sớm đã được thiết kế cải tạo lại mới, đổi cửa giếng duy nhất ban đầu thành cửa giếng phụ. Miệng giếng chính nằm ở độ cao 11 m, miệng giếng phụ nằm ở độ cao 14 m. Giếng phụ ở phía Đông cách giếng chính 28 m, sắp xếp theo cùng một hướng.

Mỏ khai thác số 2 sản lượng khai thác tối đa hàng năm là 30.000 tấn, việc khai thác đã được đình chỉ vào đầu những năm 1980 của thế kỷ 20, mỏ bị phá hủy trong quá trình khai thác lộ thiên ở thôn Thái Tây.

Khoáng tử sa khá phong phú về chủng loại, có Tử nê (một phần có Đáy Tào Thanh), Bổn Sơn Lục nê, Bổn Sơn Đoàn nê, Hồng Ma Tử Lục nê và Hắc đôn đầu.

3. Mỏ khoáng số 3 ở núi Hoàng Long

Ảnh: Nguồn internet

Nằm ở phía Đông của hồ chứa, phía Đông Bắc của mỏ khoáng số 2, các đường nhánh của nó từng được kết nối với nhau. Cách giếng chính của mỏ khoáng số 5 khoảng 40 m về phía Nam, miệng giếng hướng về phía Bắc. Sản lượng tối đa hàng năm khoảng 10.000 tấn.

Đầu và giữa những năm 60 của thế kỷ 20 mỏ được cải tạo, thiết kế một giếng duy nhất.

Giữa những năm 1970 của thế kỷ 20 đã bị cấm khai thác, ngày nay miệng mỏ đã bị vùi trong lòng đất.

4. Mỏ khoáng số 4 ở núi Hoàng Long

Ảnh: Nguồn internet. “Nguyên liệu khoáng tử sa Nghi Hưng” (Nhà xuất bản địa chất)

Năm 1972, mỏ khoáng số 4 được xây dựng ở phía Tây núi Hoàng Long, đây là mỏ khoáng duy nhất không ở núi Hoàng Long, mỏ số 4 được phân thành giếng chính và giếng phụ.

Giếng chính ngày nay nằm ở phía Tây của công viên Tây Bộ, mỏ chính nằm ở độ cao 24 m. Lối ra của mỏ số 4 nằm cạnh công viên nguồn gốc Tử sa, chỉ cách khu vực khai thác Bảo Sơn một con đường Đào Đô.

Giếng phụ ở khu khai thác Bảo Sơn, nằm ở độ cao 11 m, mỏ phụ cách mỏ chính khoảng 200 m về phía Đông. Giếng được đào theo trục nghiêng 17 độ vào lòng núi, rộng 2,4 m , cao 2,4 m. Độ sâu giếng là 36 m, được khai thác phân tầng (mỗi tầng cao khoảng 7 m).

Ảnh: Nguồn internet

Năm 1997, vì nhà máy nguyên liệu của công ty gốm sứ bị thua lỗ nghiêm trọng, nên không thể loại bỏ nước ngầm trong mỏ, khiến cho mỏ số 4 phải dừng khai thác, chỉ còn cho phép hoạt động khai thác lộ thiên quy mô nhỏ ở khu Đài Tây, lúc này những khối đá ở núi Hoàng Long về cơ bản đã bị khai thác hết. Hiện nay, giếng chính và giếng phụ đã bị vùi dưới lòng đất.

Ảnh: Nguồn internet

Năm 2003 bắt đầu khai thác trên quy mô lớn.

Vào ngày 1/1/2004, chính quyền thành phố đã hoàn toàn đình chỉ việc khai thác tại khu vực núi Hoàng Long, những miệng giếng trước đây và những mỏ được khai thác lộ thiên hồ nước Đại Thủy Đầm với diện tích khoảng 7000 đến 8000 mét vuông. Hồ nước lớn này là một “kiệt tác” do những người khai thác khoáng tử sa tạo ra.

Năm 2005 khi quy hoạch lại khu vực này, ở khu vực tại đường Đào Đô người ta đã khai thác được một loại Đoàn nê độc đáo, khi nung lên thành phẩm có màu đỏ pha chút vàng, hiện rõ các hạt vàng, gọi là Giáng Ba nê.

Mỏ khoáng số 4 là mỏ có điều kiện khai thác tốt nhất, quy mô khai thác cũng là lớn nhất, khi nhà máy nguyên liệu quốc doanh đóng cửa, nghe nói một bộ phận khoáng liệu đã được một số chủ doanh nghiệp tư nhân mua lại. Cho nên, tử sa khai thác từ mỏ khoáng số 4 hiện đã là nguồn khoáng liệu lớn nhất, đặc biệt là Đáy Tào Thanh và Bổn Sơn Lục nê của mỏ khoáng số 4.

Giáng Ba nê đào được trên đường Đào Đô (Ảnh: Nguồn internet)

5. Mỏ khoáng số 5 núi Hoàng Long

Ảnh: Nguồn internet

Giếng số 5, nằm ở phía Đông của hồ chứa chính, thuộc phạm vi thôn Đài Tây.

Tháng 8 năm 1979, theo yêu cầu thiết kế của Mỏ khoáng số 4, Mỏ khoáng số 5 đã được xây dựng mới tại phía Đông Bắc núi Hoàng Long. Các giếng chính và giếng phụ của mỏ được thiết kế song song với nhau. Giếng chính ở phía Nam, giếng phụ ở phía Bắc, cách nhau chừng 15 m, khai thác theo hướng Tây Tây Bắc.

Theo sản lượng thiết kế ban đầu, mỗi năm sẽ khai thác từ 20.000 đến 30.000 tấn. Thống kê năm 1987 cho thấy sản lượng hàng năm chưa đến 5000 tấn.

Lối vào Giếng chính Mỏ khoáng số 5 núi Hoàng Long (Ảnh: Nguồn internet)

Năm 1993, vì nhiều lý do mà mỏ khoáng số 5 không thể khai thác bình thường. Cuối tháng 11 năm đó, Mỏ khoáng số 5 bị chuyển nhượng cho thôn Đài Tây, do thôn Đài Tây tiếp tục quản lý và tiến hành khai thác. Vào thời điểm đó thôn Đài Tây có nhiều người nhận thầu kinh doanh nên khiến cho giếng khai thác rơi vào trạng thái hỗn loạn.

Năm 1999, do các yếu tố như sự xâm ngấm mạnh mẽ của nước ngầm v.v., dẫn đến việc khai thác bị đình chỉ. Đến nay, mỏ khoáng vẫn tồn tại, giếng chính và giếng phụ của mỏ khoáng đều bị bịt kín.

Ảnh: Nguồn internet

6. Khu khai thác Nam Sơn

Qua sườn núi phía Nam hồ chứa chính, là tiến vào đến khu khai thác Nam Sơn, Tử sa Nam Sơn có điểm rất đặc biệt, khoáng có màu tím đỏ, nung lên thành phẩm hiện rõ các hạt màu vàng.

7. Khu khai thác Bán Pha, khu khai thác Bảo Sơn, khu khai thác Lãi Thục

Khu khai thác Bán Pha, nằm ở phía Tây hồ chứa chính của núi Hoàng Long, quá khứ nó thuộc về khu khai thác Bảo Sơn (Nguồn internet)

Ba khu khai thác này thuộc về đầu rồng và đuôi rồng của núi Hoàng Long, khu khai thác Bảo Sơn được người Đinh Thục gọi là đầu rồng, hồ Đại Thủy Đầm được gọi là đuôi rồng, nằm ở vị trí gần như nhau ngang với mặt nước biển, cấu tạo địa chất nông ở bề mặt, khoáng khai thác được đều là Đoàn nê và Hồng nê (Tiểu Hồng nê, Chu nê), không có Tử nê.

Khu khai thác Bảo Sơn: Nằm ở điểm giao nhau giữa phía Tây Bắc núi Hoàng Long và phía Đông núi Thanh Long, nên khu khai thác cơ bản là khai thác thủ công lộ thiên nông quy mô nhỏ các lớp bề mặt, ở đây khai thác chủ yếu là Chu nê Hoàng Long, Tử sa Hồng nê, Giáng ba nê, Mạc Lục nê, Nộn tử nê, Đoàn nê v.v. Việc khai thác mỏ tử sa ở đây có lịch sử lâu đời, ngày nay có thể còn một số mỏ cũ. Phía dưới khu khai thác là nơi khai thác của mỏ khai khoáng số 4.

Khu khai khác Lãi Thục: Nằm ở phía Đông Nam của núi Hoàng Long, thực tế chính là chân núi phía Đông Nam của núi Hoàng Long, khu khai thác Lãi Thục đã bị bỏ hoang do bị ngập nước vào thời kỳ đầu của Trung Hoa Dân Quốc, trở thành hồ Đại Thủy Đầm ngày nay, là một phần của núi Hoàng Long. Hiện nay khu vực này đã được tu sửa thành công viên nhỏ, bị đường Đào Đô ngăn cách với núi Hoàng Long.

8. Khu khai thác Dã Sơn

Phía Nam khu khai thác Bán Pha chính là khu khai thác Dã Sơn. Trước đây, khu vực khai thác Dã Sơn chỉ khai thác một loại nê nổi tiếng và độc đáo đó là Dã Sơn Hồng Bì Long.

9. Khu khai thác Đại Thủy Đầm

Ảnh: Nguồn internet

Nằm ở chân núi phía Đông Nam núi Hoàng Long, là nơi có khoáng tử sa chất lượng cao trong lịch sử, đây là nơi khai thác ra Thiên Thanh nê.

Về sau do đào trúng vào mạch nước ngầm mà nơi đây bị ngập nước, trở thành hồ Đại Thủy Đầm như ngày nay. Hiện nay vẫn còn những dấu tích của những người khai thác thời kỳ đầu để lại.

10. Mỏ khoáng thôn Đài Tây

Ảnh: Nguồn Bảo tàng văn hóa Nghi Hưng

Chân núi: Năm 1992 được thôn Đài Tây xây dựng dưới chân núi Hoàng Long, năm 1999 do mỏ khoáng số 5 ngấm nước nghiêm trọng, nên đã bị đình chỉ khai thác. Mỏ vẫn tồn tại cho đến ngày nay, tuy nhiên cửa mỏ đã bị bịt kín.

Phía trên núi: Đường hầm mới được xây dựng để khai thác hướng Tây Tây Nam, nên mãi đến tháng 5 năm 2002 mỏ này mới bị đình chỉ khai thác. Mỏ vẫn tồn tại cho đến ngày nay, tuy nhiên cửa mỏ đã bị bịt kín.

Lộ thiên: sau khi mỏ khai thác thôn Đài Tây đóng cửa, bắt đầu khai thác lộ thiên ở phía Tây của mỏ, sau ngày 1/1/2004, toàn bộ khu khai thác núi Hoàng Long bị đình chỉ.

11. Những mỏ khai thác khác

Liên Hoa Đầm: Đây là khu khai thác cũ lưu lại do hoạt động khai thác lộ thiên thời kỳ đầu, sau hồ bị chia làm hai bởi quốc lộ 104.

Khoáng bùn non Hương Sơn: Đây là một mỏ Nộn nê lộ thiên mới được xây dựng cách ở thôn Hồng Vệ, Hương Sơn khoảng 100 m về phía Bắc.

Khoáng bùn non Triệu Trang: Nằm ở thôn Triệu Trang, phía Tây núi Sa Sơn, đây là nơi khai thác ra nguồn khoáng liệu Thạch Hoàng nê được ghi chép trong lịch sử.

Khoáng bùn non Tiểu Môi Diêu ở thôn Hồng Vệ: Năm 1980 thôn Hồng Vệ tiến hành khai thác tập thể, khoáng thể là lớp đất sét trên đỉnh tầng than, khoáng bùn non tầng đáy là tầng Chu nê (bùn đỏ), xuống tầng dưới là tầng than. Hơn nữa liệu khoáng Chu nê non ở tầng đáy này chất đất rất thuần nên rất được mọi người yêu thích, nó còn được gọi là “Chu nê Tiểu Môi Diêu”.

Khoáng bùn non Tiểu Môi Diêu ở Xuyên Phụ: Từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20 do chính quyền thị trấn Xuyên Phụ (nằm phía Bắc của chân núi Hương Sơn) bắt đầu khai thác, khu khoáng tầng trung phân bố phong phú, khai thác nhiều loại chu nê, cũng được gọi là “Chu nê Tiểu Môi Diêu”.

Ảnh: Nguồn internet

Khu mỏ khai thác hiện nay (Ảnh: Nguồn internet)

12. Tích trữ trên thị trường

Từ giữa những năm 1980 trở về trước, Trung Quốc là chế độ quốc hữu, cho nên tư nhân mua nguyên liệu khoáng tử sa là bất hợp pháp. Năm 1980, hợp tác xã tử sa bị phá sản. Cho nên, nguồn nguyên liệu khoáng tử sa còn theo cách hợp pháp hoặc không hợp pháp đã rơi vào tay của các cá nhân, một số người sau này trở thành thợ làm ấm, đa phần còn lại sau này thành người luyện đất.

Theo hiểu biết của tôi, xí nghiệp luyện đất của thị trấn Đinh Thục là nơi chuyên kinh doanh các loại nê, về cơ bản họ trước đây đều là những nhân viên của xí nghiệp, họ nắm giữ nguyên liệu khoáng. Vốn có kinh nghiệm đào hầm, nổ mìn, vận chuyển nguyên liệu, nên về sau hầu hết họ đều theo nghiệp luyện nê.

Từ giữa những năm 1990 trở về sau, công ty xây dựng thành phố Đinh Sơn bắt đầu sản xuất khoáng liệu, chủ yếu là nguyên liệu Giáng Ba nê ở đường Đào Đô phía Nam núi Hoàng Long; sản xuất khai thác lộ thiên tại núi Hoàng Long. Đó là những nguyên liệu khai thác trước lệnh cấm năm 2005, đó là những nguyên liệu khai thác hợp pháp còn tích trữ được.

13. Thực trạng đào trộm khoáng liệu

Sau khi thị trường ấm tử sa bùng nổ vào năm 2000, người lao động nhập cư bắt đầu vào làm việc tại Đinh Sơn. Ban đầu là người An Huy, từ đó về sau này, người Tô Bắc, người Hà Nam cũng dần dần gia nhập hàng ngũ người đào nê, những năm 2010 về sau, lượng lớn người đến từ Quý Châu đổ về, bởi vì Quý Châu có kinh nghiệm khai thác than, những giếng khai thác ở núi Hoàng Long đường kính không vượt quá 1.5 m, lại xuống sâu đến 20 m nên sẽ nguy hiểm tính mạng, chỉ có người Quý Châu dám làm.

Ảnh: Nguồn internet

Hầm đào trộm khoáng tử sa tồn tại ngang nhiên (Ảnh: Nguồn internet)

Tuy có lệnh cấm khai thác, nhưng đào khoáng liệu cũng không khác nhặt đá là bao nhiêu, lệnh cấm khai thác tại núi Hoàng Long chỉ là hư danh. Trước tháng 5 năm 2010, việc khai thác trộm tử sa tại núi Hoàng Long được tiến hành giữa thanh thiên bạch nhật, sản lượng khoáng trung bình hằng ngày khoảng dưới 5 tấn; Từ ngày 24/11/2010 đến tháng 8/2011, hình thức khai thác trộm này trở nên kín đáo hơn, sản lượng trung bình mỗi ngày khoảng dưới 1 tấn.

Lúc mới đầu, các công ty luyện nê chủ yếu sử dụng khoáng liệu núi Hoàng Long làm “lão thang” pha chế với khoáng liệu ngoại sơn, gần đây, những người lao động nhập cư vốn trước đó làm khai thác trộm này cũng chuyển sang luyện nê, chuyên gia công khoáng ngoại sơn giá rẻ hoặc khoáng liệu ngoại tỉnh làm chủ yếu. Tố chất chuyên nghiệp và đạo đức kinh doanh đã quyết định tiêu chuẩn của nguyên liệu nê. Nguồn khoáng liệu từ núi Hoàng Long rất hiếm và ít ỏi, nhưng nhu cầu thị trường với nguồn nguyên liệu lại cung vượt quá cầu, vì vậy bằng cách “cạnh tranh giá cả” và tên gọi “vật liệu khoáng sản được lưu truyền độc quyền” để làm thủ đoạn chiếm lãnh thị trường, mà còn đường hoàng ra mắt thị trường.

Ghi chú:

1. Giáp nê 甲泥, ngày xưa nó thường được viết là 夾泥, nó được đặt tên như vậy bởi vì nó được chôn sâu trong lớp đá thạch anh trên sườn núi; đất “giáp nê” là loại đất cứng nhất ở Nghi Hưng, tựa như “thiết giáp” thời cổ, vì vậy mà nó được đặt tên như thế. Người xưa nói rất hợp lý, giáp nê không phải cứng như sắt, mà giáp nê xác thực ở sâu lớp đá thạch anh thô ráp trên sườn núi.

2. Bạch nê: đất sét, đất cao lanh.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/254229



Ngày đăng: 05-04-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.