Ngắm tượng Phật Di Lặc ở bờ Nam sông Hàn, Seoul



Tác giả: Quy Chân

[ChanhKien.org]

Đền Bongeunsa là một ngôi đền Phật giáo nghìn năm tuổi tọa lạc ngay trung tâm quận Gangnam thuộc bờ Nam sông Hàn của thủ đô Seoul. Tượng Phật Di Lặc được khởi công xây dựng trên ngọn núi tu đạo nằm ở mé Bắc ngôi đền vào năm 1986, đến năm 1996 thì công trình được hoàn thành, tượng Phật Di Lặc bằng đá hoa cương này khi hoàn thiện cao 23 m và là tượng Phật lớn nhất ở Hàn Quốc.

Có khoảng 18 tượng Bồ Tát được đặt ở hai bên và phía sau bức tượng Phật Di Lặc lớn này (xem hình bên dưới) và cũng có vô số tượng Phật nhỏ được đặt trong hành lang hình bán nguyệt ở phía sau đại tượng Phật, bố cục này dường như gợi mở cho chúng ta về thân phận của vị Phật Di Lặc trong tương lai: Vạn Vương chi Vương (Vương của vạn Vương).

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dự ngôn rằng Phật Di Lặc tương lai sẽ đến nhân gian hoá độ những người mà vào thời mạt pháp, Pháp của Phật Thích Ca không thể độ được nữa.

Nhiều sự trùng hợp

Tượng Phật Di Lặc được khởi công xây dựng tại quận Gangnam, Seoul vào năm 1996. Cùng năm đó Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công cũng lần đầu tiên giải khai những thiên cơ liên quan đến Phật Di Lặc tại hội giao lưu Quốc tế tại Bắc Kinh (1996).

Kinh Phật có chép rằng hoa Ưu Đàm Bà La là điềm lành báo hiệu Chuyển Luân Thánh Vương (Phật Di Lặc) hạ thế xuống nhân gian Chính Pháp. Hoa Ưu Đàm được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1997 trên tượng Phật tại chùa Sumi Zen ở thành phố Suncheon, tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc. Năm 1997 cũng là năm thứ hai xây dựng đại tượng Phật Di Lặc ở phía Nam sông Hàn, Seoul. 18 năm sau (năm 2015), hoa Ưu Đàm nở rộ tại nhà sách Tianti Seoul bên kia sông Hàn, cách tượng Phật Di Lặc khoảng 8 km, đến ngày nay hoa vẫn còn không ngừng rộ (xem hình bên dưới).

Tại đền Bongeunsa, ở phía Nam của đại tượng Phật Di Lặc có xây dựng một điện Di Lặc, trên mỗi cây cột của tường ngoài của điện Di Lặc đều có treo một bài thơ, ở góc Đông Nam của tượng Phật Di Lặc có một tháp chuông, trên mỗi cây cột của tháp chuông cũng có treo một bài thơ. Ở đây chúng tôi chỉ trích ra hai câu thơ trên điện Di Lặc: “Tử kim nghi tương hóa trần hoàn, Bạch ngọc hào huy huyền pháp giới” (Tạm dịch: Sắc tía sắc vàng kim phối với nhau hóa thành cõi trần, Vẻ rực rỡ của bạch ngọc làm huyền diệu cả pháp giới). Và sau đây là câu thơ trên một cây cột của tháp chuông: “Nguyện thử chung thanh biến pháp giới” (Tạm dịch: Nguyện tiếng chuông này ngân vang khắp pháp giới).

Việc xây dựng đại tượng Phật Di Lặc ngay cạnh trung tâm thương mại Starfield COEX Mall và các toà nhà cao tầng của thủ đô Seoul sầm uất dường như đối ứng với việc Phật Di Lặc hoá độ thế nhân. Điều này cũng giống như môn tu luyện Pháp Luân Công bắt đầu phổ biến khắp thế giới vào những năm 90, Pháp Luân Công khai truyền ở xã hội người thường, nó hoàn toàn khác với các pháp môn xuất gia vào núi sâu tu hành trong hàng trăm nghìn năm qua.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/255751



Ngày đăng: 10-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.