Y học dân gian: Thuật chữa bệnh độc đáo của bà nội



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại lục

 

[ChanhKien.org] Bà nội tôi không học qua trường lớp, cũng không biết đọc sách, chỉ là hồi nhỏ được cụ cố của tôi —vốn là chủ một tiệm thuốc— chỉ dạy một vài tuyệt chiêu, thật sự có thể tay đưa tới là khỏi bệnh, không cần uống thuốc. Lúc rảnh rỗi, tôi thường xem bà nội cứu người và cảm thấy thật thần kỳ. Đáng tiếc lúc đó tuổi còn quá nhỏ, chưa học được, sau này muốn học thì bà nội tuổi tác đã cao, nên cũng đành thôi không học nữa.

1. Chữa trị cho bệnh nhân hôn mê bất tỉnh

Hồi tôi còn nhỏ, ở nông thôn thường có những người vì cãi cọ gay gắt, hay gặp phải điều gì đó nghĩ không thông mà bị ngất xỉu (điển hình của chứng “khí huyết công tâm”). Bà nội thường chỉ sử dụng một cây kim rất phổ thông, hơ qua ngọn lửa hoặc nhúng vào rượu có độ cao để tiêu độc, sát trùng. Lúc người nào đó bất tỉnh, bà dùng một tay bấm vào huyệt Nhân trung, tay kia chích cây kim vào giữa Nhân trung, một dòng máu đen liền chảy ra (có lúc chỉ vài giọt), thế là bệnh nhân liền từ từ tỉnh lại. Không cần dùng đến bất kỳ thiết bị hay thuốc chuyên dụng nào. Bà nội căn cứ vào tình huống cụ thể mà có thể chích máu trên các đầu ngón tay, máu chảy ra đều là máu đen. Bà nội tôi cũng biết rằng thuật “thích huyết” (chích máu) có thể điều trị rất nhiều bệnh tật. Nhưng thời gian lâu dài đã khiến bà dần quên hết.

Thực ra loại phương pháp này ở vùng chúng tôi không chỉ có bà nội biết, thôn bên cạnh cũng có người biết. Đây có thể được xem như là một cách chữa bệnh dân gian độc đáo. Nhưng ngày nay, những thuật chữa bệnh độc đáo như vậy đã dần dần bị thất truyền. Tựu chung có bốn nguyên nhân chủ yếu: một là thế hệ của bà không được đi học, nên không được danh chính ngôn thuận hành nghề; hai là dụng cụ mà các bà sử dụng thì người ngày nay cho rằng chưa đạt tiêu chuẩn về tiêu độc sát trùng, người ta cũng không tin tưởng; ba là hiện nay mâu thuẫn trong ngành y rất gay gắt, tranh cãi ầm ĩ không được còn đưa nhau ra kiện tụng; cuối cùng, hiện nay người ta làm gì cũng đều là vì tiền, không khám bệnh, không kê đơn thuốc thì làm sao có thể kiếm được tiền? Nói chung thuật chữa bệnh loại này dần dà bị thất truyền.

2. Rượu cồn nóng tiêu độc, tan vết bầm tím

Người nông thôn làm việc thường hay bị những vết xước hoặc bầm tím chân tay, dùng rượu trắng với nồng độ rượu cao không chỉ có thể tiêu độc sát trùng, mà xoa bóp ngoài vết thương còn giúp lưu thông máu. Bà nội sử dụng loại rượu gạo phổ biến ở nông thôn, lấy một chiếc chén sứ thường dùng để uống rượu (chiếc chén rất nhỏ), rót ra nửa chén rượu rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa cao khoảng ba-bốn phân, bà nội trực tiếp đưa tay vào chén để chấm rượu (rượu lúc đó rất nóng) rồi bôi lên vết thương của bệnh nhân, đồng thời nhẹ nhàng xoa bóp, để hoạt huyết tiêu ứ. Sau đó lại lặp lại động tác trên, lấy rượu nóng trong chén xoa nhẹ quanh chỗ đau. Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ, tôi vẫn không nhìn thấy tay bà nội có thay đổi gì.

Rượu mạnh ở nhiệt độ cao có thể tiêu độc sát trùng, xoa bóp nhẹ nhàng tại chỗ đau còn có thể lưu thông máu. Thật là một công đôi việc. Loại phương pháp này khó làm nhất ở chỗ nhiệt độ của rượu rất cao, nhưng tay của bà nội lại không hề bị thương, đến giờ tôi cũng vẫn chưa thể nào hiểu được.

3. Thư tịch cổ có ghi chép việc Tần Minh Hạc thích huyết trị chứng phong huyền cho Đường Cao Tông

Trong thư tịch cổ Trung Quốc cũng có ghi chép lại thuật thích huyết trị bệnh tương tự. Đường Cao Tông bị mắc chứng phong huyền, rất khổ sở, hoa mắt chóng mặt, không thể nhìn rõ. Cao Tông cho triệu ngự y Tần Minh Hạc đến chẩn bệnh, Tần Minh Hạc sau khi xem bệnh nói: “Thưa bệ hạ, bệnh này do nhiễm phải gió độc mà thành, châm vào đỉnh đầu để thích ra một chút máu sẽ khỏi”. Khi đó, Võ Tắc Thiên đang ngồi phía sau rèm chấp chính, nghe thấy vậy liền nổi trận lôi đình nói: “Người này đáng chém! Đầu của Thiên tử làm sao có thể để chảy máu được!”. Tần Minh Hạc phục đầu lạy xin tha mạng. Hoàng đế Cao Tông nói: “Đến khám bệnh thì nghị đàm về bệnh trạng là điều không nên bị trị tội, đầu của trẫm cảm giác vô cùng nặng nề, dường như sắp không chịu được nữa rồi, thích ra một chút máu chưa chắc đã là việc xấu. Để ông ta thử xem sao!”. Tần Minh Hạc thích vào huyệt Bách hội và huyệt Não hộ của Đường Cao Tông, tiết ra vài giọt máu. Ngay sau đó Đường Cao Tông nói: “Mắt của trẫm đã có thể nhìn rõ lại rồi”. Hoàng đế vừa dứt lời, Võ Tắc Thiên ở sau rèm hành đại lễ, cảm tạ Tần Minh Hạc và nói: “Đây là Thượng thiên ban tặng thần y cho ta!”. Sau đó đích thân ban tặng lụa là, châu báu cho Tần Minh Hạc.

Trung y cho rằng căn nguyên của bệnh là do khí huyết không thông, khí huyết ứ tắc ở các vị trí khác nhau gây ra các bệnh khác nhau. Thích huyết trực tiếp làm vật chất xấu phóng xuất ra ngoài cơ thể (máu thích ra thông thường có màu đen, đều là những thứ không tốt), bệnh tình liền thuyên giảm. Nếu là hôn mê ngất xỉu thì ngay lúc ấy cũng liền tỉnh lại.

Những thuật chữa bệnh độc đáo như của bà nội ở nhiều nơi khác cũng có người biết dùng. Vô cùng hiệu quả. Khác với Tây y, Trung y kết hợp một phần những thứ của mạch lạc với Thiên can Địa chi, thời thần khác nhau mắc bệnh khác nhau, khu vực phát bệnh khác nhau, phương pháp điều trị cũng sẽ khác.

Trung y cổ đại có rất nhiều truyền thuyết nói về con mắt thứ ba (thiên mục), có thể nhìn thấu mạch lạc và hướng đi của khí huyết, phương pháp trị liệu trực tiếp nhắm vào bệnh tật để giải quyết, nên hiệu quả trị bệnh tốt hơn.

 

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/257951



Ngày đăng: 29-04-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.