Biển Thước



Tác giả: Pingzi Ruo

Biển Thước. (Ảnh: The Epoch Times)

Biển Thước là một vị danh y nổi tiếng của Trung Quốc. Khi khám cho người bệnh, ông có thể thấy được nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh đó.

Một lần nọ, khi Biển Thước đến nước Tề, Tề Hoàn Công thiết đãi ông như thượng khách. Biển Thước vừa nhìn qua Tề Hoàn Công, bèn tâu: “Bệ hạ có bệnh ở cơ bắp. Nếu không chữa trị, bệnh sẽ trầm trọng thêm”.

Vua Tề đáp lại “Ta thấy trong người rất khỏe”. Biển Thước nghe vậy bèn lui ra.

Năm ngày sau, Biển Thước quay lại yết kiến vua Tề và nói: “Bệ hạ có bệnh trong máu. Nếu không kịp thời chữa trị, bệnh sẽ trầm trọng thêm”.

Tề Hoàn Công trả lời “Ta thấy trong người rất khỏe”. Biển Thước lại cáo lui.

Năm ngày sau, Biển Thước lại vào yết kiến Tề Hoàn Công và nói: “Bệ hạ có bệnh trong dạ dày. Nếu không sớm chữa trị, bệnh sẽ trầm trọng thêm”. Tề Hoàn Công chẳng nói lời nào. Biển Thước lại cáo lui một lần nữa.

Năm ngày sau nữa, Biển Thước lại vào gặp Tề Hoàn Công. Vừa nhìn thấy vua Tề từ xa, Biển Thước liền đi mất. Một người hầu cận của Tề Hoàn Công thấy vậy liền hỏi Biển Thước vì sao ông lại rời đi. Biển Thước trả lời: “Khi bệnh còn ở cơ bắp, dược liệu có thể chữa trị được. Khi bệnh ở trong máu, châm cứu có thể chữa trị được. Khi bệnh ở trong dạ dày, rượu thuốc có thể chữa trị được. Nhưng khi bệnh đã vào đến tủy xương, thì ngay cả thần thánh cũng phải bó tay! Bệnh của Tề Hoàn Công đã vào đến tủy xương rồi, tôi không thể chữa trị được nữa”.

Sau năm ngày, quả nhiên Tề Hoàn Công thấy trong người đau nhức. Ông được đưa đến chỗ Biển Thước, nhưng lần này Biển Thước đã rời đi rồi. Chẳng bao lâu sau, Tề Hoàn Công qua đời.

Thậm chí ngày nay, các bác sĩ Trung Y vẫn phải học tập phương pháp bắt mạch của Biển Thước. Tác phẩm quan trọng bậc nhất mà Biển Thước để lại là “Hoàng Đế 81 Nạn Kinh”, một công trình đặt nền móng cho Trung Y, và đã có một ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của y khoa Trung Quốc.

(Theo The Epoch Times)



Ngày đăng: 11-12-2010

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.