Tôn Tư Mạc (Phần 2)



Tác giả: Sơn Hành

Đạo đức nghề y và cống hiến cho y học của Tôn Tư Mạc

Tôn Tư Mạc là một thầy thuốc xuất chúng của Trung Quốc.

Tôn Tư Mạc đã bày tỏ lòng tin tưởng rằng y học là một nghệ thuật của sự nhân ái. Trong cuốn “Đại Y Tinh Thành”, ông viết: “Khi một thầy thuốc vĩ đại chữa trị cho bệnh nhân, ông ta phải tập trung, bình tĩnh, đồng thời thoát khỏi mọi dục vọng và truy cầu.”

“Người thầy thuốc cần phải có một trái tim từ bi và muốn tự mình cống hiến để chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Nếu có người bệnh tật đến xin chữa trị, không nên hỏi người ta sang hay hèn, giàu hay nghèo, già hay trẻ, đẹp hay xấu, người thân hay kẻ thù, người Hán hay dân tộc thiểu số, người trí tuệ hay kẻ ngu dốt. Người thầy thuốc xem tất cả đều bình đẳng, và ông coi họ như những người thân thiết nhất…”

Ông sử dụng cách tiếp cận biện chứng để trị bệnh. Ông tin rằng nếu người bệnh biết cách tự chăm sóc và giữ gìn sức khỏe thì sẽ có thể vô bệnh. Chỉ cần “Lương y trị bệnh với các phương thuốc và châm cứu, thì bệnh nhân có thể hết bệnh, trời đất có thể tiêu tai ương”. Ông nhấn mạnh vào đạo đức nghề y và đối xử bình đẳng với mọi bệnh nhân. Ông nói: “Mạng người là quý giá nhất, ngàn lượng vàng dẫu quý, song một phương thuốc trị bệnh cho người ta còn quý hơn cả ngàn lượng vàng.”

Tôn Tư Mạc cũng cực kỳ coi trọng việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Ông đã viết các tác phẩm: “Phụ Nhân Phương” 3 quyển, “Thiếu Tiểu Anh Nhụ Phương” 2 quyển, rồi đưa vào bộ sách “Thiên Kim Yếu Phương”.

“Thiên Kim Yếu Phương” là bộ bách khoa toàn thư y học sớm nhất của Trung Quốc. Bộ sách bao gồm rất nhiều đề mục, từ cơ sở lý luận cho đến các khoa lâm sàng, từ lý thuyết cho đến phương pháp kê thuốc, bài thuốc, vị thuốc. Một phần trong cuốn sách là bộ tư liệu y học cổ.

Một phần khác trong cuốn sách là bộ bài thuốc được lưu truyền trong dân gian. Bộ sách này hấp thu tinh hoa của mọi trường phái, và được phổ biến rộng rãi cho đến tận ngày nay. Rất nhiều nội dung vẫn còn có tác dụng chỉ đạo, có giá trị học thuật cực kỳ cao, quả thật là báu vật ngàn vàng của y học Trung Quốc.

Nhờ thu thập kinh nghiệm lâm sàng từ thời Trương Trọng Cảnh cho đến thời Tôn Tư Mạc, đồng thời liệt kê từng thành tựu của các bài thuốc trong hàng trăm năm, bộ sách đã thể hiện sự uyên bác tột bậc và kỹ năng y học tinh xảo của Tôn Tư Mạc.

Người đời sau gọi “Thiên Kim Yếu Phương” là ông tổ của các sách y học.

Tôn Tư Mạc tôn sùng thuật dưỡng sinh và ông cũng tự mình thử nghiệm. Chính nhờ thông hiểu thuật dưỡng sinh mà dù đã hơn trăm tuổi, ông vẫn tai nghe mắt thấy tinh tường.

Ông lấy tư tưởng dưỡng sinh của Nho gia, Đạo gia, Phật gia và thuật dưỡng sinh của Ấn Độ đem kết hợp với lý thuyết dưỡng sinh của Trung Y.  Ông đã đưa ra rất nhiều phương pháp dưỡng sinh thiết thực mà dễ thực hành, và cho đến tận ngày nay, chúng vẫn có thể chỉ đạo sinh hoạt thường ngày của con người.

Ví dụ: “Một người nên bảo trì tâm thái cân bằng, không nên cứ một mực theo đuổi danh lợi. Người ta ăn uống cần phải điều độ, không nên ăn hay uống quá nhiều. Khí huyết cần phải chú ý lưu thông, không nên lười biếng lười vận động. Sinh hoạt thường ngày cần phải ổn định, không nên trái với quy luật tự nhiên…”

Tôn Tư Mạc cũng là người đầu tiên trên thế giới phát minh ra thuật dẫn niệu. Theo ghi chép trong lịch sử, một trong số những bệnh nhân của ông không thể đi tiểu được. Thấy người bệnh cực kỳ đau đớn, Tôn Tư Mạc nghĩ: “Đã quá muộn để dùng thuốc trị bệnh cho anh ta. Nếu có cách nào đó nhét một cái ống vào niệu đạo của anh ta, nước tiểu sẽ có thể đi ra ngoài một cách tự nhiên.”

Ông thấy một đứa trẻ nhà hàng xóm đang chơi đùa bằng cách thổi một cây hành lá. Cây hành lá này rất mỏng, dài và mềm. Vậy là Tôn Tư Mạc quyết định dùng cây hành này làm một cái ống và thử nghiệm. Ông chọn một cây hành lá thích hợp, hơ nhẹ nó, cắt bỏ phần đuôi nhọn, và rồi cẩn thận đưa nó vào niệu đạo của bệnh nhân.

Rồi ông thổi nhẹ vào chiếc ống. Đúng như ông đã dự đoán, nước tiểu chảy ra theo chiếc ống. Bụng dưới sưng phồng của bệnh nhân ngày càng nhỏ lại, và cuối cùng căn bệnh đã được cứu chữa.

Tôn Tư Mạc coi trọng tu thân dưỡng tính, cả đức hạnh và y thuật của ông đều cao siêu. Ông đã trở thành một nhân vật cực kỳ vĩ đại và nổi tiếng, được giới y học và nhiều thế hệ dân chúng vô cùng kính trọng.

Dịch từ:

http://www.minghui.org/mh/articles/2009/12/25/215055.html
http://clearwisdom.net/html/articles/2010/1/16/113945.html



Ngày đăng: 19-12-2010

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.