Câu chuyện y học: Hao tiền hại sức khỏe chỉ vì bất nhẫn
Tác giả: Ngọc Lâm
[Chanhkien.org] Rae đã tới chỗ tôi để điều trị căn bệnh Parkinson, thứ được Trung y gọi là “tê liệt rung động”. Bà được giới thiệu đến tôi nhờ một bác sĩ Tây y. Bà đã chịu đựng căn bệnh này trong 3 năm. Hai bàn tay bà run lên, với tay phải bị nặng hơn tay trái. Khi bà cố gắng dùng bữa, do sự rung động dữ dội ấy, thức ăn luôn rơi xuống sàn trước khi nó kịp đi vào miệng bà. Mặc dù bà đã có nhiều cải thiện sau khi được tôi chữa trị, vẫn luôn có những sự tái phát trở lại. Sau vài đợt tái phát, tôi bắt đầu cẩn thận hỏi han về những sự kiện mới xảy ra trong cuộc sống của bà. Bà đã kể lại với tôi câu chuyện của bà, về những sự việc đã giày vò bà trong suốt 3 năm qua. Trong khi kể với tôi câu chuyện, tâm trạng bà thay đổi từ bình tĩnh sang kích động, giận dữ, và sau đó là nỗi buồn. Khi ấy tôi mới hiểu được nguyên nhân thực sự căn bệnh của bà và cách mà tai ương đã đến.
“Chồng tôi và tôi sở hữu và điều hành một công ty vận tải container đường biển, và chúng tôi có một biệt thự trên một hòn đảo. Cùng với hàng xóm, chúng tôi là những cư dân duy nhất trên đảo, và chúng tôi chia sẻ một con đường tư nhân chung. Bởi vì con đường đang trong tình trạng xuống cấp nặng, chúng tôi đã đề nghị san sẻ phí tổn để cùng sửa chữa nó, nhưng họ đã từ chối và chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc tự mình làm. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng nhà thầu sửa chữa con đường đã vô tình để lại một đống đá giữa đường, và làm phiền người hàng xóm sử dụng chung con đường với chúng tôi. Họ tức giận nghĩ rằng chúng tôi đã hành xử hấp tấp và làm nó với một mục đích. Do đó, họ đã đóng cửa vào khu đất của họ, nơi là lối tắt thường dùng để vào biệt thự của chúng tôi. Rồi chúng tôi phải lái xe thêm vài dặm nữa để vào nhà chúng tôi! Chồng tôi bắt đầu nói về nó, sử dụng những ngôn từ thô lỗ, và tức giận cắt đường cấp nước. Chúng tôi đã lắp hệ thống cấp nước, và nhà hàng xóm đã nối vào nó để tiết kiệm tiền. Họ gần như phát điên, và xây lên một đống đá ở chính giữa con đường, từ đó hoàn toàn chặn đứt con đường vào nhà chúng tôi. Chỉ bởi 2 nghìn đô-la tiền sửa đường, chúng tôi đã hoàn toàn trở thành kẻ thù không thể hàn gắn. Hơn hết, điều quá quắt nhất là cả hai bên phải tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý, và kết thúc với chi phí 2 triệu đô-la! Trong 3 năm qua, chúng tôi đã không thể sống trong căn biệt thự ấy được nữa. Và hàng xóm chúng tôi cũng không thể sống trong căn nhà của họ nữa. Xung đột giữa chúng tôi giờ đã trở thành một cuộc chiến sống còn. Do tòa án đã không đưa ra phán quyết, chúng tôi không thể bán căn biệt thự, và cũng không thể sống ở đó trong khi vẫn phải duy trì ngôi nhà…” Khi bà nói, tôi có thể thấy bà run lên với sự giận dữ, mặt bà đỏ lên, và bà dường như ở bên bờ vực của sự sụp đổ.
Chứng kiến nỗi đau và tức giận của bà, tôi có thể thấy căn nguyên của sự tái phát bệnh. Giận dữ làm hại gan, từ đó gây cáu kỉnh và tăng cường tức giận. Trong trường hợp này, nó gây khó chịu, làm hại luồng lưu thông của khí, tinh thần và cơ thể. Mâu thuẫn giữa bà và hàng xóm không là gì cả so với cuộc sống của chính bà. Thực ra, chỉ với một suy nghĩ, xung đột có thể dễ dàng bị xua tan; nhưng giờ đây, do không thể nhẫn nhịn, việc nhỏ đã trở thành việc lớn, tới mức hao tiền tốn của, gây hại sức khỏe và phiền não vô tận.
Tôi biết rằng bệnh của bà không thể chữa được bằng thuốc, mà phải chữa từ căn nguyên. Do đó tôi đã nói với Rae về “nhẫn”, và giải thích với bà về nguyên lý này. Tôi nói: “Lùi một bước, biển rộng trời trong; một khi nhẫn được, thì sẽ thấy ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’” (*). Sau khi lắng nghe tôi, Rae nói nếu bà nghe được những điều này từ 3 năm trước, thì mọi việc đã không tồi tệ như ngày hôm nay. Tôi tiếp tục nói với bà về “Chân-Thiện-Nhẫn”, và về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cũng nói với bà về luân hồi và quan hệ nhân-quả nghiệp lực luân báo. Đây là lần đầu tiên bà nghe những điều này. “Ôi, Chúa tôi! Phải chăng chúng ta đã quá xa rời Chân-Thiện-Nhẫn nên mới phải chịu những bất hạnh này? Phải chăng chúng ta đã làm quá nhiều điều xấu trong những kiếp trước, nên giờ đây mới phải chịu báo ứng – chẳng phải đó chính là nguyên nhân của những bất hạnh? Chẳng phải đó là những lời cảnh tỉnh chúng ta – Thượng Đế để chúng ta làm người, để chúng ta có thể tốt với người khác?”
Tay bà không ngừng run lên. Khi ra về, bà nói với tôi: “Bác sĩ, ông đã làm khuây khỏa những phiền muộn và oán giận trong 3 năm của tôi.”
Tôi đã không nói gì thêm, mà chỉ nhìn bà đi khuất với một cái thở phào nhẹ nhõm. Tôi biết một sinh mệnh khác đã nghe về Đại Pháp, và tràn đầy hy vọng một ngày kia, bà sẽ nhận ra những lý do và nguyên nhân đằng sau tất cả những điều này.
* * * * *
Ghi chú của người dịch:
(*) Thành ngữ “Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” chỉ có hy vọng, trong khó khăn tìm được lối thoát. Nguyên câu thơ là của Lục Du: “Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ, Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” – “Núi cùng nước tận ngờ hết lối, Qua liễu thấy hoa lại gặp làng”.
Dịch từ:
http://zhengjian.org/zj/articles/2003/1/5/19880.html
http://pureinsight.org/node/1396
Ngày đăng: 24-08-2011
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.