Một vài phân tích «Thôi Bối Đồ» (VI): Triều Thanh



Tác giả: Lưu Thiên Hồng

[Chanhkien.org]

Lời ban biên tập: Có rất nhiều dự ngôn nổi tiếng đã được lưu truyền qua hàng ngàn năm, dự đoán phi thường chuẩn xác, thế nhưng vẫn khiến con người cảm thấy thật thần bí. Dự ngôn đã trở thành đề tài được nghiên cứu trong suốt lịch sử nhân văn, thế nhưng chúng cũng đề xuất một vấn đề khoa học: Liệu có khả năng dự đoán tương lai? Tại chuyên mục này, chúng tôi và quý độc giả cùng nhau dần dần khám phá các dự ngôn này.

Trong số các dự ngôn của Trung Quốc, «Thôi Bối Đồ» có thể nói là “nhà nhà đều biết”. Đây là cuốn sách sấm do quan Tư Thiên Giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cang đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán triều đại nhà Đường (năm 627-649 SCN). Cuốn sách tổng cộng có 60 hình vẽ (đồ tượng), mỗi đồ tượng ở bên dưới lại có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ, dự ngôn từ triều Đường cho tới nay, tới tận tương lai, về các đại sự phát sinh tại Trung Quốc qua các triều đại.

Ở trước đã đề cập đến Tượng 32 nói về triều Minh diệt vong, dưới đây là Tượng 33 nói về triều Thanh khai quốc.

Tượng 33 Bính Thân

Tượng 33 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Hoàng Hà thủy thanh
Khí thuận tắc trị
Chủ khách bất phân
Địa chi vô Tý

Tụng viết:

Thiên Trường Bạch bộc lai
Hồ nhân khí bất suy
Phiên ly đa triệt khứ
Trĩ tử bán khả ai

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Nước Hoàng Hà trong
Khí thuận là trị
Chủ khách không phân
Địa chi không Tý

Tụng rằng:

Thác nước trời Trường Bạch
Người Hồ khí không suy
Hàng rào bỏ đi nhiều
Trẻ con nửa thương xót

“Hoàng Hà thủy thanh, Khí thuận tắc trị”: Hoàng Hà ý nói Trung Nguyên đại địa. Câu này chỉ Mãn Thanh nhập quan, từ thời Hoàng đế Thuận Trị là bắt đầu thống trị Trung Nguyên, quả thực là Thiên Ý vậy. “Chủ khách bất phân” ý nói sự thống trị của Mãn Thanh chính là ‘đổi khách thành chủ’. “Địa chi vô Tý” là nói khái quát về tình hình các Hoàng đế triều Thanh: 12 Địa chi đại biểu cho 12 vị Hoàng đế triều Thanh. Trong số 12 Địa chi, Tý là đứng đầu, “vô Tý” ý nói vị Hoàng đế đầu tiên của triều Thanh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích, chết trước khi triều Thanh kiến lập quốc hiệu – sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích chết, con trai ông là Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực lập nên quốc hiệu Đại Thanh, tôn Nỗ Nhĩ Cáp Xích làm Thanh Thái Tổ.

“Thiên trường Bạch bộc lai, Hồ nhân khí bất suy”: câu này chỉ Mãn Thanh đến từ núi Trường Bạch vùng Đông Bắc; từ triều Tống thì Liêu, Kim đã tới; Hồ nhân (dị tộc phương Bắc) kể từ thời Nguyên, Thanh đã hai lần thống trị Trung Nguyên, khí thế bất suy. “Phiên ly đa triệt khứ” là chỉ quốc phòng của triều Thanh dần yếu đi, tới những năm cuối bị ngoại cường xâm lược. “Trĩ tử bán khả ai” ẩn ý sau khi Mãn Thanh nhập quan có 12 vị Hoàng đế, trong đó một nửa (Thuận Trị, Khang Hy, Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống) lên ngôi lúc mới chỉ là đứa trẻ con chưa đầy 10 tuổi (“trĩ tử”), đây là một bi kịch thời Thanh mạt.

Trong đồ hình là một chiếc thuyền tới từ hướng Đông Bắc, chở 10 người và tám phương cờ xí, ý nói quân Bát Kỳ của Mãn Thanh từ vùng Đông Bắc nhập quan thống trị Trung Nguyên, sau khi nhập quan lịch sử Đại Thanh có tổng cộng 10 vị Hoàng Đế.

Có phải chuyện bịa đặt?

Giảng tới đây, chúng ta cùng nhau bàn luận về một đề tài trọng yếu. Đó là có nhiều người đọc dự ngôn ở phần trên, cảm thấy nói rất chuẩn xác, đúng là bất khả tư nghị, vậy liệu «Thôi Bối Đồ» có phải là do người đời sau soạn ra hay không?

Các dự ngôn đều tồn tại đặc điểm như thế này, đó là sau khi sự việc xảy ra thì có thể nhìn một cái là thấy ngay. Tuy nhiên khi sự việc chưa phát sinh thì dự ngôn cho người ta một loại cảm giác tự thị nhi phi, thật mà như giả, dường như cố tình không cho người ta cảm thấy minh bạch. Bởi vì dự ngôn thường dùng ẩn ý, đồng âm, đố chữ, thậm chí thuật ngữ Ngũ Hành Bát Quái, đối với con người hiện đại là rất khó hiểu. Từ một góc độ nhất định mà giảng, người Trung Quốc hiện đại đã bị cắt đứt với truyền thống văn hóa chân chính. Văn hóa truyền thống Tây phương thì khác xa với văn hóa bác đại tinh thâm của Trung Quốc, tuy nhiên người Tây phương rất trân quý lịch sử của họ về nhiều phương diện, và rút ra được nhiều trí tuệ từ đó. Rất nhiều người hiện nay cho rằng không đáng để tìm hiểu tư tưởng truyền thống, do vậy công bằng mà nói thì Tây phương cũng không còn có văn hóa truyền thống nữa. Rất nhiều vấn đề khó lý giải trong lịch sử đã có đáp án, nhưng còn xem chúng ta có nguyện ý đột phá tư tưởng cố hữu hay không, tĩnh lại thì sẽ thấy rõ.

Trong số rất nhiều giải thích «Thôi Bối Đồ», có ảnh hưởng lớn nhất chính là phần chú giải của Kim Thánh Thán. Kim Thánh Thán là người sống vào cuối triều Minh đầu triều Thanh, từng tận mắt chứng kiến sự thay đổi triều đại giữa Minh và Thanh. Chẳng phải khi nãy chúng ta đã giải được Tượng 33 về triều Thanh kiến lập hay sao? Đối với Kim Thánh Thán thì đây là lịch sử, do đó ông giải thích rất rõ ràng. Chúng ta hãy xem ông nói gì về Tượng 33: “Tượng này là Mãn Thanh nhập quan. Đổi khách thành chủ gần như là khí số mà thành, sức người khó vãn hồi. Sau thời Liêu, Kim, Hồ nhân hai lần làm chủ Trung Nguyên, Hán tộc cũng không phải hổ thẹn làm gì.”

Từ Tượng 34 trở đi là sự việc sau thời Kim Thánh Thán, do đó ông vào những năm sinh tiền không thấy được nội dung dự ngôn phù hợp với sự tình phát sinh. Vì vậy khi giải Tượng 34 này ông nói: “Chứng minh những việc quá khứ thì dễ, còn việc tương lai thì khó, nhưng đã chứng minh quá khứ rồi thì chẳng lẽ không suy xét đến tương lai hay sao. Ta chỉ mong từ Tượng này về sau, nếu đoán trúng thì là may, đoán không trúng thì là không may, mà ta cũng không có tội vậy. Tượng này nghi là gặp thủy tai hoặc việc binh và thiên tai cộng lại, chính là sự loạn vậy.

Thủy tai? Việc binh? Thiên tai? Tượng 34 rốt cuộc nói về điều gì? Chúng ta cùng nhau xem xét thử xem.

Tượng 34 Đinh Dậu

Tượng 34 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Đầu hữu phát
Y phạ bạch
Thái bình thời
Vương sát vương

Tụng viết:

Thái bình hựu kiến huyết hoa phi
Ngũ sắc chương thành lý ngoại y
Hồng thủy thao thiên miêu bất tú
Trung Nguyên tằng kiến mộng toàn phi

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Đầu có tóc
Áo sợ trắng
Thời thái bình
Vua giết vua

Tụng rằng:

Thái bình lại thấy máu bắn đi
Sớ thành năm màu bọc ngoại y
Hồng thủy cuộn trời mầm không nảy
Trung Nguyên từng thấy mộng toàn phi

Kỳ thực đối với hậu nhân mà nói, Tượng này là giảng mười phần rõ ràng rồi. Văn tự chỉ nhìn qua một cái thì đã thấy lịch sử và dự ngôn thật là trùng khớp, đây chính là nói về Thái Bình Thiên Quốc!

“Đầu có tóc” là chỉ dân chúng Thái Bình Thiên Quốc để tóc dài, nhưng không theo quy định bện tóc của Mãn Thanh, bị coi là “trường mao”. “Áo sợ trắng” ám chỉ tranh chấp nội bộ ở Thiên Kinh (Nam Kinh) của Thái Bình Thiên Quốc, Bắc vương Vi Xương Huy nắm giữ Bạch Kỳ giết Đông vương Dương Tú Thanh và toàn gia ông, tới cả bộ hạ và quân sĩ của ông, tổng cộng 2 vạn người, tạo thành một cảnh khủng bố đẫm máu.

“Sớ thành năm màu bọc ngoại y”: câu này ý nói Thái Bình Thiên Quốc lấy cờ Ngũ Sắc làm dấu hiệu, lại có rất nhiều cương lĩnh nổi tiếng, bao gồm «Nguyên đạo cứu thế huấn», «Nguyên đạo tỉnh thế huấn», «Nguyên đạo giác thế huấn», «Thiên triều điền mẫu chế độ» và «Tư chính tân thiên», v.v. “Hồng thủy cuộn trời mầm không nảy, Trung Nguyên từng thấy mộng toàn phi”: “Trung Nguyên tằng kiến” là chỉ Tăng Quốc Phiên thành lập Tương quân tại Hồ Nam (trong tiếng Hán, chữ “tằng” có nghĩa là “từng” và chữ “Tăng” trong họ Tăng viết giống nhau). Câu này ý nói Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn cuối cùng bại trận dưới tay Tương quân của Tăng Quốc Phiên.

Nói như vậy tuy là rõ ràng, nhưng trước khi sự tình phát sinh thì cũng chỉ đoán mò thôi, “thủy tai, việc binh, thiên tai” gì đây?

(Còn tiếp)

Dịch từ:

http://zhengjian.org/zj/articles/2002/12/17/19559.html



Ngày đăng: 11-04-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.