Một vài phân tích «Thôi Bối Đồ» (II): Triều Đường



Tác giả: Lưu Thiên Hồng

[Chanhkien.org]

Lời ban biên tập: Có rất nhiều dự ngôn nổi tiếng đã được lưu truyền qua hàng ngàn năm, dự đoán phi thường chuẩn xác, thế nhưng vẫn khiến con người cảm thấy thật thần bí. Dự ngôn đã trở thành đề tài được nghiên cứu trong suốt lịch sử nhân văn, thế nhưng chúng cũng đề xuất một vấn đề khoa học: Liệu có khả năng dự đoán tương lai? Tại chuyên mục này, chúng tôi và quý độc giả cùng nhau dần dần khám phá các dự ngôn này.

Trong số các dự ngôn của Trung Quốc, «Thôi Bối Đồ» có thể nói là “nhà nhà đều biết”. Đây là cuốn sách sấm do quan Tư Thiên Giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cang đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán triều đại nhà Đường (năm 627-649 SCN). Cuốn sách tổng cộng có 60 hình vẽ (đồ tượng), mỗi đồ tượng ở bên dưới lại có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ, dự ngôn từ triều Đường cho tới nay, tới tận tương lai, về các đại sự phát sinh tại Trung Quốc qua các triều đại.

Tượng 5 Mậu Thìn

Tượng 5 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Dương hoa phi
Thục đạo nan
Tiệt đoạn trúc tiêu phương kiến nhật
Cánh vô nhất Sử nãi bình an

Tụng viết:

Ngư Dương bề cổ quá Đồng Quan
Thử nhật quân vương hạnh Kiếm Sơn
Mộc dịch nhược phùng sơn hạ quỷ
Định vu thử xứ táng kim hoàn

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Hoa Dương bay
Đường Thục khó
Đứt đoạn trúc tiêu nơi thấy nhật
Càng không một Sử mới bình an

Tụng rằng:

Ngư Dương trống nhỏ qua Đồng Quan
Hôm nay quân vương gặp Kiếm Sơn
Gỗ dễ như gặp quỷ dưới núi
Định nơi chốn ấy chôn kim hoàn

Tượng 5 «Thôi Bối Đồ» miêu tả sự kiện lịch sử loạn An Sử và sự biến Mã Ngôi xảy ra vào giữa triều Đường (thời kỳ 8 năm, từ năm 755 SCN trở về sau).

Tháng 11 năm Thiên Bảo thứ 4 thời Đường Huyền Tông (năm 755 SCN), An Lộc Sơn cùng bộ tướng Sử Tư Minh dấy binh tạo phản tại Ngư Dương. Loạn An Sử bùng phát.

Tháng 6 năm sau, bị mất Đồng Quan, Huyền Tông hốt hoảng bỏ trốn sang Thành Đô, Tứ Xuyên. Đến gò Mã Ngôi (nay là thuộc Hưng Bình, Thiểm Tây), quân sĩ bất ngờ tạo phản, Huyền Tông bị bức phải giết chết quý phi được mình sủng ái là Dương Ngọc Hoàn (tức Dương Quý Phi).

Tháng 7 năm ấy, Hoàng Thái Tử Lý Hanh lên ngôi tại Linh Vũ (nay là tây nam Ngô Trung, Ninh Hạ), lấy hiệu là Túc Tông. Vài năm sau, quân Đường nhiều lần phá quân nổi loạn, lấy lại Trường An và những nơi khác. An Lộc Sơn, Sử Tư Minh lần lượt bị giết. Loạn An Sử xảy ra được 8 năm thì bình định.

Về câu đố trong đồ hình của Tượng 5, trong hình là cái yên ngựa, hay “An” (鞍), đồng âm với chữ “An” (安), chỉ An Lộc Sơn; bộ “sử” thư chỉ Sử Tư Minh; một phu nhân nằm chết dưới đất ám chỉ Dương Quý Phi.

“Hoa Dương bay, Đường Thục khó”: Ý nói về cái chết của Dương Quý Phi và sự kiện Đường Huyền Tông lánh nạn ở Tứ Xuyên.

“Đứt đoạn trúc tiêu nơi thấy nhật, Càng không một Sử mới bình an”: “Đứt đoạn trúc tiêu” chính là chữ “Túc” (肃); “Càng không một Sử” là chữ “Sử”, “an” chỉ An Lộc Sơn. Câu này ý nói sau khi Túc Tông lên ngôi mới có thể bình loạn An Sử.

“Ngư Dương trống nhỏ qua Đồng Quan, Hôm nay quân vương gặp Kiếm Sơn”: Ý nói An Lộc Sơn dấy binh tạo phản tại Ngư Dương, đánh chiếm Đồng Quan. Vào lúc binh mã của ông ta ầm ầm kéo qua Đồng Quan, Đường Huyền Tông phải lánh nạn nơi đất Thục (nay là Tứ Xuyên), trên đường đi qua Kiếm Sơn ở đất Thục.

“Gỗ dễ như gặp quỷ dưới núi, Định nơi chốn ấy chôn kim hoàn”: “Gỗ dễ” (Mộc dịch – “木易”) chính là chữ “Dương” (杨), “quỷ dưới núi” ám chỉ chữ “Ngôi” (嵬) gồm chữ “Quỷ” (鬼) nằm dưới chữ “Sơn” (山), “kim hoàn” ngầm chỉ Dương Ngọc Hoàn. Câu này ý nói Dương Quý Phi thắt cổ tự vẫn tại gò Mã Ngôi.

Tượng 5 «Thôi Bối Đồ» vận dụng thủ pháp câu đố trong đồ hình, kết hợp với đố chữ và đồng âm, chỉ dùng một bức họa và mấy câu thơ ngắn mà đã đưa toàn bộ thời gian, địa điểm, nhân vật và sự kiện lịch sử ra miêu tả một cách chuẩn xác phi thường, khiến người ta thán phục.

Tượng 9 Nhâm Thân

Tượng 9 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Phi bạch phi hắc
Thảo đầu nhân xuất
Tá đắc nhất chi
Mãn thiên phi huyết

Tụng viết:

Vạn nhân đầu thượng khởi anh hùng
Huyết nhiễm hà xuyên nhật sắc hồng
Nhất thụ Lý hoa đô thảm đạm
Khả liên Sào phúc diệc thành không

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Không trắng không đen
Thảo đầu nhân xuất
Mượn được một cành
Đầy trời hơi máu

Tụng rằng:

Trên vạn đầu người khởi anh hùng
Máu nhuộm sông ngòi mặt trời hồng
Một cây hoa Lý cũng ảm đạm
Tội nghiệp lật Sào vẫn thành không

Đây là Tượng cuối cùng nói về triều Đường. “Không trắng không đen” là chỉ màu vàng, hay chữ “Hoàng”. Vào những năm cuối triều đại nhà Đường, Hoàng Sào khởi binh phản Đường.

Chu (màu hồng) Ôn sau này đoạt được thiên hạ, kiến lập nhà Hậu Lương, vương triều nhà Đường (họ Lý) kết thúc, do vậy mới nói “Một cây hoa Lý cũng ảm đạm”.

Kim Thánh Thán sống vào thời Minh mạt đã chú giải cho Tượng này như sau: “Tượng này chỉ Hoàng Sào gây loạn, đến thời Chiêu Tông nhà Đường. Chu Ôn giết vua lên ngôi, cải quốc hiệu thành Lương Ôn, bởi vì cựu đảng Hoàng Sào nên mới viết ‘lật Sào vẫn thành không’.”

(Còn tiếp)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/12/9/19553.html



Ngày đăng: 27-03-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.