Một vài phân tích «Thôi Bối Đồ» (V): Triều Minh



Tác giả: Lưu Thiên Hồng

[Chanhkien.org]

Lời ban biên tập: Có rất nhiều dự ngôn nổi tiếng đã được lưu truyền qua hàng ngàn năm, dự đoán phi thường chuẩn xác, thế nhưng vẫn khiến con người cảm thấy thật thần bí. Dự ngôn đã trở thành đề tài được nghiên cứu trong suốt lịch sử nhân văn, thế nhưng chúng cũng đề xuất một vấn đề khoa học: Liệu có khả năng dự đoán tương lai? Tại chuyên mục này, chúng tôi và quý độc giả cùng nhau dần dần khám phá các dự ngôn này.

Trong số các dự ngôn của Trung Quốc, «Thôi Bối Đồ» có thể nói là “nhà nhà đều biết”. Đây là cuốn sách sấm do quan Tư Thiên Giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cang đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán triều đại nhà Đường (năm 627-649 SCN). Cuốn sách tổng cộng có 60 hình vẽ (đồ tượng), mỗi đồ tượng ở bên dưới lại có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ, dự ngôn từ triều Đường cho tới nay, tới tận tương lai, về các đại sự phát sinh tại Trung Quốc qua các triều đại.

Triều Minh: từ Tượng 27 đến Tượng 32

Triều Nguyên chỉ có 2 Tượng 25, 26 với thời gian không đến 100 năm. Tiếp đó là tới triều Minh. Dưới đây chúng ta chỉ phân tích Tượng đầu tiên (khai quốc) và Tượng cuối cùng (diệt vong) của triều Minh.

Tượng 27 Canh Dần

Tượng 27 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Duy thả dữ nguyệt
Hạ dân chi cực
Ứng vận nhi hưng
Kỳ sắc nhật xích

Tụng viết:

Chi chi diệp diệp hiện kim quang
Hoảng hoảng lãng lãng chiếu tứ phương
Giang Đông ngạn thượng quang minh khởi
Đàm không thuyết kệ hữu chân Vương

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Chỉ cùng với trăng
Dân đen cùng cực
Ứng vận mà hưng
Mặt trời sắc đỏ

Tụng rằng:

Cành cành lá lá hiện kim quang
Chói chói sáng sáng rọi bốn phương
Giang Đông bờ thượng quang minh khởi
Nói không thuyết kệ có chân Vương

Trong đồ hình là hai vật hình tròn, đại biểu cho Nhật Nguyệt (Mặt trăng và Mặt trời); chữ “Nhật” (日) và chữ “Nguyệt” (月) hợp lại thành chữ “Minh” (明), trong sấm nói “Duy thả dữ nguyệt” cũng là ý như vậy. Ngoài ra, “chiếu tứ phương” và “quang minh khởi” đều ám chỉ về sự hưng khởi của triều Minh.

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương từng là hòa thượng, sấm viết “Hạ dân chi cực” (Dân đen cùng cực), ai nghĩ rằng hòa thượng rồi cuối cùng lại trở thành Hoàng Đế? Cổ nhân tin vào Thiên Ý, ở đây chính là “Ứng vận mà hưng” vậy. “Kỳ sắc nhật xích”, “xích” chính là “chu”, màu đỏ, ám chỉ họ Chu.

Minh hiển nhất chính là câu cuối: “Nói không thuyết kệ có chân Vương” — “Nói không thuyết kệ” là chỉ cửa thiền, kết quả lại xuất ra một Hoàng Đế.

Dự ngôn của Tượng 27 chủ yếu nằm ở văn tự, chỉ nhìn đồ hình không thôi thì rất khó hiểu rõ là nói về điều gì; tuy nhiên Tượng 32 thì lại không như vậy, nhìn qua đồ hình một cái là đã sáng tỏ rồi.

Tượng 32 Ất Mùi

Tượng 32 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Mã khiêu Bắc khuyết
Khuyển ngao Tây phương
Bát cửu số tận
Nhật nguyệt vô quang

Tụng viết:

Dương hoa lạc tận Lý hoa tàn
Ngũ sắc kỳ phân tự Bắc lai
Thái tức Kim Lăng Vương khí tận
Nhất chi Xuân sắc chiếm Trường An

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Ngựa vượt điện Bắc
Chó khóc Tây phương
Tám chín số tận
Nhật nguyệt không sáng

Tụng rằng:

Hoa Dương rụng hết hoa Lý tàn
Năm sắc cờ phân từ Bắc sang
Than vãn Kim Lăng Vương khí tận
Một nhành Xuân sắc chiếm Trường An

Trong đồ hình là một chiếc cửa, trong cửa (“môn”) có ngựa (“mã”), chữ “Mã” (马) nằm trong chữ “Môn” (门) chính là chữ “Sấm” (闯). Sấm vương Lý Tự Thành diệt Minh, “Nhật nguyệt vô quang” là chỉ triều Minh diệt vong (“Nhật nguyệt” (日月) hợp lại thành chữ “Minh” (明)). «Thôi Bối Đồ» có đồ tượng với lượng thông tin rất lớn, cũng có văn tự giải thích rõ ràng. Bốn câu tụng báo hiệu Lý Tự Thành sẽ không ngồi được lâu (“Lý hoa tàn”), dân tộc phương Bắc (Mãn Thanh) cuối cùng lấy được thiên hạ. “Than vãn Kim Lăng Vương khí tận” ám chỉ khí số xưng Đế của người Hán đã cùng tận rồi.

(Còn tiếp)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/12/15/19558.html



Ngày đăng: 10-04-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.